Nhà cổ Mã Mây - Hà Nội: Nơi lưu giữ cốt cách Thủ đô

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhà cổ Mã Mây nằm trên phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, tên Mã Mây được ghép là tên của hai con phố Hàng Mã đoạn phía nam và Hàng Mây đoạn phía bắc. Đây là một trong những ngôi nhà cổ mang đậm lối kiến trúc đặc trưng của Hà Nội xưa được xây dựng theo dạng hình ống, đa năng sử dụng.

Nhà cổ Mã Mây - Hà Nội: Nơi lưu giữ cốt cách Thủ đô - ảnh 1

Chứng nhân lịch sử

Nhà hẹp về chiều ngang nhưng rất sâu, các lớp nhà được ngăn cách bởi các lớp sân trong. Lớp ngoài là cửa hàng, không làm tường vách mà mở thông ra phố để bày hàng. Phía trong có sân rời. Tiếp đến là gian nhà hậu, kho hàng và nhà bếp. Mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng gỗ cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng.

Nhà cổ Mã Mây - Hà Nội: Nơi lưu giữ cốt cách Thủ đô - ảnh 2

Ngôi nhà được làm khoảng cuối thế kỷ XIX, với tổng diện tích đất 157,6 m2, với chiều dài là 28m, chiều rộng mặt tiền 5m và chiều rộng của mặt hậu là 6m. Ngôi nhà số 87 Mã Mây đã nhiều lần được sang tên đổi chủ khi mà năm 1954, một thương gia bán thuốc bắc đã mua lại căn nhà để kinh doanh, sau đó trong 6 năm kể từ năm 1954 đến năm 1999, có 5 gia đình đến và sinh sống tại nơi đây.

Kể từ cuối năm 1998, dưới sự đồng ý của các gia đình trong việc tái định cư ở nơi khác, ngôi nhà đã bước vào giai đoạn trùng tu tôn tạo và chính thức hoàn thiện vào ngày 27/10/1999 trong khuôn khổ hợp tác giữa thành phố Hà Nội và thành phố Toulouse (Pháp). Hơn một thế kỉ qua đi, ngôi nhà là một trong 14 ngôi nhà cổ còn lại vào thời kỳ đó và đã trở thành chứng nhân lịch sử chứng kiến rất nhiều những thăng trầm đổi thay của Hà Nội.

Nhà cổ Mã Mây - Hà Nội: Nơi lưu giữ cốt cách Thủ đô - ảnh 3
Sơ đồ bố trí không gian nhà cổ

Ngôi nhà còn được ví như một dấu ấn lịch sử của Hà Nội 36 phố phường. Mọi kết cấu về kiến trúc, vật liệu xây dựng của ngôi nhà hoàn toàn bằng gỗ cho đến những đồ vật sinh hoạt đều được giữ nguyên trạng. Ngày 16/2/2004, ngôi nhà số 87 Mã Mây được cấp bằng Di sản cấp quốc gia.

Hiện nay, ngôi nhà trở thành điểm thông tin, tuyên truyền giới thiệu đến người dân và du khách về ngôi nhà phố của người Việt trong khu phố cổ Hà Nội. Du khách đến tham quan ngôi nhà sẽ được hiểu hơn về nếp sống, sinh hoạt của người Hà Nội xưa. Đây cũng là nơi giới thiệu kiến trúc cổ Hà Nội và gợi ý nhân dân phố cổ cách bảo tồn, tôn tạo nhà cổ.

Nhà cổ Mã Mây - Hà Nội: Nơi lưu giữ cốt cách Thủ đô - ảnh 4
Khoảnh sân nhìn từ trên tầng 2

Điều khiến cho du khách khi đến phố cổ Hà Nội khó có thể bỏ qua việc tham quan ngôi nhà 87 Mã Mây là ngoài việc được tìm hiểu không gian sinh hoạt và kiến trúc đặc trưng của một ngôi nhà phố của Hà Nội xưa, thì ngôi nhà 87 Mã Mây cũng là một trong những địa chỉ thường xuyên tổ chức các sự kiện văn hóa.

Ban ngày, nhà cổ 87 Mã Mây mở cửa hàng ngày để tiếp khách du lịch và có thể giải đáp những thắc mắc của du khách. Buổi tối, nơi đây thường xuyên tổ chức những buổi hát ca trù do giáo phường Thăng Long biểu diễn.

Nhà cổ Mã Mây - Hà Nội: Nơi lưu giữ cốt cách Thủ đô - ảnh 5
Không gian và đồ vật trong nhà đều đã in dấu thời gian

Tham quan ngôi nhà khiến du khách hiểu hơn về không gian sống của người Hà Nội xưa và thấy được sự tài tình của người Hà Nội trong việc sắp xếp bài trí không gian sống của mình. Tính cách đã nói lên phần nào lối sống của người Hà Nội. Người Hà Nội xưa có lối sống tứ đại đồng đường nghĩa là: nhiều thế hệ sinh sống trong một ngôi nhà bao gồm: ông bà, cha mẹ, con cái, cháu chắt,…. Điều này đã giúp cho người Hà Nội có đức tính “kính trên nhường dưới”, hành xử tế nhị, ăn nói lễ phép. Mảnh đất thủ đô vốn dĩ xinh đẹp, nhỏ bé, con người nơi đây chân thành, hòa nhã và dễ gần. Trong sự xô bồ của cuộc sống, nhiều nét đẹp đã biến mất nhưng “chất” Hà Nội vẫn được gìn giữ trong mỗi nếp nhà luôn coi trọng đề cao những giá trị truyền thống.

Trưng bày chuyên đề và tour thực cảnh "Chuyện phố hàng"

Từ ngày 4/10 đến 31/12/2024, du khách có thể đến với không gian trưng bày đặc sắc "Chuyện phố Hàng" tại Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Chương trình nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).

Nhà cổ Mã Mây - Hà Nội: Nơi lưu giữ cốt cách Thủ đô - ảnh 6

Không gian trưng bày được Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức tổ chức, tái hiện sinh động cuộc sống của một gia đình người Hà Nội xưa làm nghề Đông y vào khoảng những năm 1930. Các hiện vật được sắp xếp độc đáo, giúp du khách hình dung rõ nét cách thức sản xuất và buôn bán thuốc Đông Y của gia đình trung lưu thời đó.

Bên cạnh không gian trưng bày, một tour thực cảnh mang tên "Chuyện phố Hàng" sẽ được tổ chức vào ngày 9/10. Kết hợp với các màn trình diễn nghệ thuật hát, múa truyền thống, cùng kỹ xảo âm thanh, ánh sáng, tour này sẽ đưa du khách trải nghiệm Hà Nội xưa cũ, khơi gợi những xúc cảm về vẻ đẹp truyền thống của thủ đô.

Nhà cổ Mã Mây - Hà Nội: Nơi lưu giữ cốt cách Thủ đô - ảnh 7
Khách du lịch trải nghiệm văn hóa phố cổ tại Ngôi nhà Di sản số 87 phố Mã Mây. Ảnh: Hoài Nam

Ngay từ những ngày đầu mở cửa, không gian trưng bày đã thu hút đông đảo du khách. Từ những du khách trung niên say mê tìm hiểu văn hoá lịch sử đến các bạn trẻ và du khách quốc tế, tất cả đều bày tỏ sự hào hứng và ấn tượng trước sự tái hiện chân thực này. Chị Đỗ Ngọc Hà (27 tuổi) chia sẻ: "Tôi rất ấn tượng với không gian trưng bày thuốc Đông y, nó cho tôi cái nhìn sâu sắc về nếp sống và phong tục tập quán của người Hà Nội xưa. Tôi hy vọng những giá trị văn hoá truyền thống này sẽ được gìn giữ và phát huy".

Sự thành công của "Chuyện phố Hàng" không chỉ nằm ở việc tái hiện sinh động quá khứ, mà còn là sự thu hút và tò mò của du khách từ mọi tầng lớp, khơi gợi niềm đam mê khám phá văn hóa Hà thành trong lòng người.

 

Tin cùng chuyên mục

Triển lãm “Ký ức và niềm tin” lan tỏa những ký ức, kỷ niệm của các cựu chiến binh Việt Nam

Triển lãm “Ký ức và niềm tin” lan tỏa những ký ức, kỷ niệm của các cựu chiến binh Việt Nam

(PNTĐ) - Sáng 19/12/2024,  Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Câu lạc bộ “Mãi mãi tuổi 20” tổ chức chương trình “Ký ức và Niềm tin”. Chương trình hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024)
Khai vấn trong từng hơi thở”: Cẩm nang cho những nhà khai vấn tỉnh thức, “dưỡng mình để giúp đời”

Khai vấn trong từng hơi thở”: Cẩm nang cho những nhà khai vấn tỉnh thức, “dưỡng mình để giúp đời”

(PNTĐ) - Cuốn sách “Khai vấn trong từng hơi thở” của chuyên gia khai vấn Ruby Nguyen vừa chính thức ra mắt giữa tháng 12 trong không gian yên bình bên hồ và rừng thông xanh mát của Đà Lạt. Cuốn sách là hành trình kỳ thú vào thế giới nội tâm mỗi người, dành cho những ai đang kiếm tìm sự bình yên, muốn tự khai vấn, muốn có được sự tự tin từ sâu thẳm bên trong.
Giá trị đặc biệt từ Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”

Giá trị đặc biệt từ Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”

(PNTĐ) - Chiều 18/12, Báo Nhân Dân đã tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm tương tác “Những trận đánh nổi tiếng, những vị tướng tài danh”. Triển lãm ngợi ca những chiến công hiển hách của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và tôn vinh những vị tướng tài danh của đội quân “bách chiến bách thắng” nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2024).
Trưng bày chuyên đề “Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm tự hào truyền thống anh hùng”

Trưng bày chuyên đề “Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm tự hào truyền thống anh hùng”

(PNTĐ) - Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm ngày Hội quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Thư viện Hà Nội tổ chức trưng bày sách, báo với chủ đề “Quân đội nhân dân Việt Nam - 80 năm tự hào truyền thống anh hùng”.