Xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh - Động lực phát triển Thủ đô
(PNTĐ) - Tự hào về nét thanh lịch, văn minh, về giá trị truyền thống quý báu của người Hà Nội, Đảng bộ thành phố Hà Nội luôn xác định, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển văn hóa, hình thành hệ giá trị văn hóa gắn với phát huy những giá trị nhân văn sâu sắc của Thăng Long - Hà Nội, coi đây là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển Thủ đô.
Bền bỉ từng bước đi vào đời sống, những chỉ tiêu của Chương trình 06 -CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021-2025” đã “thắp lửa” cho đích đến là xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Những đổi thay tích cực tại chợ Trâu Quỳ, thị trấn Trâu Quỳ (Gia Lâm) chính là sự ghi nhận sự sáng tạo cũng như vai trò của phụ nữ huyện Gia Lâm trong thực hiện mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả. Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Gia Lâm Vũ Lan Anh chia sẻ: Triển khai mô hình “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”, các cấp Hội Phụ nữ tại đây đã tổ chức nhiều cao điểm tuyên truyền, vận động nữ tiểu thương tham gia. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí xã hội hóa, các chị em đã đăng ký công trình, phần việc cải tạo cảnh quan môi trường chợ sạch đẹp, trang trí cây xanh; hạn chế sử dụng túi ni lông trong bao gói hàng hóa… Những việc làm đó đã góp phần thay đổi nhận thức, xóa bỏ nét xấu, hình thành nét đẹp trong giao thương tại ngôi chợ này.
Mới đây, Hội LHPN quận Cầu Giấy phối hợp với UBND phường Trung Hòa đã ra mắt mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử kiểu mẫu thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại di tích đền Dục Anh, phường Trung Hòa. Theo Phó Chủ tịch Hội LHPN quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Xuân Nữ, để xây dựng được mô hình “Phụ nữ tham gia xây dựng Khu di tích lịch sử kiểu mẫu thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng” tại di tích đền Dục Anh, Hội LHPN quận đã phối hợp với UBND phường Trung Hòa, Ban Quản lý di tích phường, Tiểu ban Quản lý di tích cụm Hòa Mục rà soát, bổ sung để hoàn thiện các nội dung, tiêu chí theo hướng dẫn góp phần tạo sự văn minh cho những người quản lý di tích, người dân đến chiêm bái, làm tăng những giá trị đích thực của di tích trong cộng đồng, đồng thời quảng bá hình ảnh của các di tích lịch sử, văn hóa cũng như nét đẹp người phụ nữ Thủ đô “Thanh lịch -văn minh”.
Theo Phó Chủ tịch thường trực Hội LHPN Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, chợ truyền thống có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống và văn hóa của người Hà Nội. Hiện tại Thành phố Hà Nội hiện có hơn 400 chợ với hơn 90.000 hộ kinh doanh, trong đó đa phần là nữ. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm của phụ nữ và tổ chức Hội trong xây dựng nếp sống người Hà Nội thanh lịch - văn minh, năm 2022, Hội LHPN Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố ban hành Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày 05/8/2022 về việc tuyên truyền, vận động phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Trong đó có giao cho Hội LHPN chủ trì tham mưu thực hiện 3 mô hình điểm tuyên truyền vận động phụ nữ và cộng đồng thực hiện “Tổ dân phố/thôn văn hóa kiểu mẫu”; mô hình “Danh lam thắng cảnh/Di tích lịch sử kiểu mẫu”; “Chợ văn minh, an toàn, hiệu quả”. Mô hình điểm “Chợ văn minh - an toàn - hiệu quả trong thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng” đã được Hội LHPN Hà Nội chỉ đạo triển khai thí điểm tại một số chợ như: Chợ Thái Hà, chợ Kim Liên (quận Đống Đa); chợ Gối, chợ Mới, chợ Phùng (huyện Đan Phượng);Chợ Thượng Thanh, chợ Kim Quan (quận Long Biên)… mang lại hiệu quả tích cực.
Còn khi thực hiện mô hình điểm "Tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng" trên địa bàn quận Ba Đình, Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Ba Đình Nguyễn Công Thành đã chia sẻ, quận Ba Đình huy động sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị cơ sở với cách làm bài bản, sáng tạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động với nhiều mô hình dân vận khéo. Từ đó, quận Ba Đình phát huy vai trò chủ thể của mỗi người dân; vai trò, trách nhiệm của hội viên phụ nữ trong việc thực hiện mô hình, tạo sự lan tỏa và góp phần tạo nên tổ dân phố văn hóa kiểu mẫu.
Theo Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Nguyễn Thị Việt Hà, tại Thủ đô Hà Nội, các đơn vị, địa phương đã cùng đồng lòng, chung tay thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thông điệp về văn hóa ứng xử được lan tỏa mọi lúc, mọi nơi, góp phần đẩy lùi những hành vi ứng xử thiếu văn hóa. Đồng thời, khích lệ sự ra đời của ngày càng nhiều những việc làm vì đời sống văn hóa cộng đồng. Đã có hàng trăm cách làm hay, mô hình điểm đã và đang được triển khai, nhân rộng, việc triển khai luôn có sự sáng tạo cho phù hợp với điều kiện, đặc trưng, tính chất địa bàn, dân cư sinh sống.
Đồng lòng chung sức thực hiện mục tiêu xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh không chỉ có sự hưởng ứng tích cực, tâm huyết của các cấp Hội phụ nữ Thủ đô. Chỉ thị số 30-CT/TU ngày 19/2/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” là dịp để thanh niên Hà Nội phát huy tinh thần xung kích, xây dựng một thế hệ thanh niên Thủ đô thanh lịch, văn minh. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Thành Đoàn Hà Nội Phạm Minh Phúc, trong thời gian tới, Đoàn Thanh niên Thành phố sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Thanh niên tham gia phát triển văn hóa, thanh niên tham gia nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng hệ thống kênh truyền thông số của đoàn thanh niên Hà Nội trên mạng xã hội; tăng cường phương tiện truyền thông hiện đạitrong giáo dục, định hướng lối sống, xây dựng giá trị sống cho thanh thiếu nhi…
Chia sẻ về vai trò của văn học, nghệ thuật trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cho rằng, với sức lan tỏa và thu hút công chúng, các văn nghệ sĩ không chỉ chuyên chở trong tác phẩm của mình những chuẩn mực đạo đức xã hội, mà còn cần làm sáng tỏ, sáng tạo, cổ vũ con người tự nguyện vươn lên, góp phần tôn vinh, lan tỏa những hành động đẹp trong cuộc sống. Sáng tác văn học nghệ thuật hiện nay phải phản ánh được những thành tựu của Thành phố trong mọi lĩnh vực. Tập trung phản ánh gương người tốt, phản ánh, quảng bá văn hóa truyền thống, nối tiếp bằng sáng tạo mới nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Về sự chung tay của báo chí trong xây dựng chuẩn mực văn hóa trên môi trường số, góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, Tổng Biên tập Báo Kinh tế Đô thị Nguyễn Thành Lợi cho rằng, cùng với tốc độ chuyển đổi số nhanh chóng trên tất cả lĩnh vực, việc hình thành các chuẩn mực văn hóa số đang được đặt ra bức thiết và cấp bách. Trong thời đại truyền thông kỹ thuật số, vai trò của báo chí ngày càng được thể hiện và khẳng định một cách mạnh mẽ bằng việc thể hiện thông tin một cách chính xác, chuẩn mực và có tính định hướng cao, trong đó có vấn đề truyền thông về chuẩn mực văn hóa ứng xử.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển chia sẻ, trong thời gian tới các địa phương, đơn vị trên địa bàn huyện Thanh Oai sẽ tiếp tục chấn chính lề lối làm việc, ứng xử trong thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuyên truyền có hiệu quả quy tắc ứng xử nơi công cộng, chú trọng thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội truyền thống ở địa phương. Kịp thời khen thưởng, nhân rộng các mô hình, tấm gương điển hình, động viên gương người tốt, việc tốt.
Chỉ thị số 30-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng về xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” đã nêu rõ, Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, anh hùng đã hun đúc nên giá trị cốt cách của người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh được Thành ủy Hà Nội cụ thể hóa ở nhiệm kỳ 2020-2025 là Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cho rằng, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là quá trình lâu dài, đòi hỏi phải kiên trì, bền bỉ tiến hành thường xuyên. Đảng bộ và nhân dân Thủ đô cần nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt của Thủ đô, cần gắn việc thực hiện Chương trình 06- CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” với việc triển khai Chỉ thị 30 của Thành ủy Hà Nội về tăng cường sự lãnh đạo trong việc xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong gia đình, xây dựng gia đình học tập, gia đình văn hóa, ấm no, văn minh, tiến bộ và hạnh phúc. Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thực sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp nhân cách, đạo đức, lối sống. Sớm khắc phục những tồn tại hạn chế, trong đó chú ý đặt con người vào vị trí trung tâm của chiến lược phát triển văn hóa Thủ đô, đề cao vai trò nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
“Ý Đảng lòng dân” đoàn kết sẽ là yếu tố quan trọng để “thắp lửa” cho đích đến xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh, tạo động lực để thúc đẩy xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội "Văn hiến-Văn minh-Hiện đại".