Hành trình tri ân trên đất lửa Quảng Trị: Dấu chân y đức và lòng nhân ái
(PNTĐ) - 4 giờ sáng ngày 25/4, giữa lúc Hà Nội còn chìm trong tĩnh lặng, hành trình hơn 600 cây số đã bắt đầu đưa gần 40 y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba cùng các thành viên Câu lạc bộ Xe bán tải Bạch Mã về với xã Hải An, Hải Khê (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị).
Chuyến đi mang nặng ân tình và lòng tri ân ấy không chỉ chở theo thuốc men, quà tặng mà còn là "trái tim Thủ đô" hướng về miền đất Quảng Trị anh hùng, nơi những gia đình chính sách và bà con còn mang nhiều gian khó, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Điểm hẹn nơi tuyến đầu Tổ quốc
Ánh sáng từ những chiếc đèn pha rọi thẳng phía trước, xé màn đêm đặc quánh, dẫn lối cho đoàn xe nối đuôi nhau rời Thủ đô, bon bánh trên dặm dài đất nước, hướng về miền Trung. Điểm đến là xã Hải An và Hải Khê – thuộc địa bàn vùng biển, nơi cuộc sống của bà con gắn liền với nghề chài lưới và cũng là tuyến đầu quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo của Tổ quốc.

Tại đây, những người lính quân hàm xanh của Đồn Biên phòng Hải An không chỉ làm nhiệm vụ giữ vững an ninh mà còn là cầu nối thân thương giữa đất liền và đảo xa, giữa hậu phương và tuyến đầu, giữa những tấm lòng sẻ chia từ khắp nơi với bà con địa phương. Chính họ đã kết nối, đón đoàn công tác từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba và Câu lạc bộ Xe bán tải Bạch Mã về với xã Hải An, xã Hải Khê.
Sau hành trình kéo dài gần trọn ngày 25/4, vượt qua hơn 600 cây số, đoàn công tác đã đặt chân đến Đồn Biên phòng Hải An vào khoảng 18h30 tối. Đón tiếp trong không khí ấm áp tình quân dân, các thành viên đoàn đã nghỉ lại qua đêm tại doanh trại của Đồn và Trường Mầm non xã Hải An.
Không quản ngại đêm dài và sự mệt mỏi sau chuyến đi, sáng sớm ngày 26/4, khi ban mai chưa kịp hé rạng, công tác chuẩn bị cho chương trình chính thức được tiến hành khẩn trương ngay trong khuôn viên Đồn Biên phòng. Người bê đồ, người lắp đặt máy móc khám bệnh; người chuẩn bị quà tặng... Những băng rôn giản dị, bàn ghế được sắp xếp vội vã. Ai nấy hối hả, nhiệt huyết, khiến khuôn viên Đồn Biên phòng cũng trở nên đông vui, nhộn nhịp khác thường.
Trung tá Nguyễn Đình Cường, Đồn trưởng Biên phòng Hải An, giọng nói xúc động khi đón đoàn trong ánh ban mai vừa hé: "Hôm nay, đối với Đồn Biên phòng, thật sự là một sự kết nối, sự vinh dự và cũng là tự hào nhân kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước... Đây là điều vinh dự đối với cán bộ, chiến sĩ lực lượng Biên phòng tỉnh Quảng Trị nói riêng và của Bộ đội Biên phòng Việt Nam nói chung. Đây là tình cảm ý nghĩa để tri ân những thành quả, những thế hệ đi trước đã dành cho chúng tôi...".
Ông nhấn mạnh thêm, sự kiện này là minh chứng cho thấy cán bộ Biên phòng luôn xác định rõ vai trò "đồng hành với dân", cũng như sự kết nối với các đơn vị, bệnh viện để chăm lo đời sống người dân. Với người chỉ huy mới về Đồn chưa lâu, chuyến đi này còn mang ý nghĩa cá nhân sâu sắc, khi ông cảm nhận được "tình cảm ấm áp của trái tim Hà Nội dành cho bà con nhân dân xã Hải An và xã Hải Khê".

Không chỉ các thành viên trong đoàn công tác háo hức, mà bà con, bà con chủ yếu là người già, các gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ, người có công đang sinh sống trên địa bàn xã Hải An, Hải Khê... đã có mặt từ sớm, mang theo giấy mời, sổ khám bệnh cũ, ánh mắt đầy hy vọng. Hơn 200 người đã được các y bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba ân cần thăm khám, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí ngay tại chỗ.
Lan tỏa yêu thương qua những việc làm nghĩa tình
Tại điểm khám "lưu động", không có máy móc hiện đại như ở bệnh viện, nhưng ở đây có những đôi tay chuyên nghiệp, những câu hỏi han ân cần và ánh mắt dõi theo đầy sự quan tâm. Các bác sĩ cẩn thận đo huyết áp cho từng cụ, lắng nghe nhịp thở, nhịp tim, hỏi về những cơn đau vai, nhức khớp, những căn bệnh kinh niên của tuổi già.
Ngồi chờ đến lượt khám, bà Phạm Thị Hảo (81 tuổi, thành viên gia đình chính sách) chia sẻ: "Tôi bị đau vai, đau lưng, đau đầu, đau chân... Mấy bữa nay trở trời càng khó chịu. Được báo có đoàn bác sĩ về khám tận đây, tôi mừng lắm. Mong sao có thêm nhiều chương trình như thế này nữa để bà con vùng xa được chăm sóc sức khỏe".
Ở một góc trong khuôn viên, ông Phan Thanh Cảnh, 88 tuổi, mái tóc bạc trắng, đôi chân vẫn còn hằn vết sẹo từ những năm tháng chống Mỹ gian khổ, đang được bác sĩ ân cần thăm khám. Đôi mắt ông ánh lên niềm xúc động khi có mặt và tham gia chương trình khám hôm nay: "Tôi vui lắm, các bác sĩ khám cẩn thận và rất ân cần. Đây là dịp để các thế hệ trẻ tri ân những người như tôi đã có công với đất nước".
Ở tuổi 91, cụ Lê Bá Chiến, cũng tham gia khám với gương mặt rạng rỡ, bày tỏ sự hài lòng tuyệt đối với thái độ "chu đáo, nhiệt tình" của đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Việt Nam - Cu ba và đoàn viên thanh niên xã. Với những người đã dành cả tuổi thanh xuân, cả xương máu cho Tổ quốc như ông Cảnh, cụ Chiến, sự chăm sóc y tế lúc xế chiều là món quà tri ân quý giá.

Cùng với hoạt động khám chữa bệnh, những phần quà ấm áp cũng được trao đi. 30 suất quà cho các gia đình đặc biệt khó khăn, hơn 200 suất cho các hộ chính sách, và hơn 300 suất quà đầy yêu thương cho các cháu học sinh Trường Mầm non xã Hải An và Hải Khê. Những món quà là nhu yếu phẩm thiết thực như gạo, dầu ăn, cùng các vật dụng đơn giản nhưng ý nghĩa.
Hình ảnh cháu bé 4 tuổi con chị Hoàng Thị Huệ, gương mặt bừng sáng hớn hở ôm chặt chiếc ba lô hình siêu nhân vừa nhận, vội vàng mở ra xem ngay tại chỗ, đã sưởi ấm lòng biết bao thành viên trong đoàn. Nụ cười trẻ thơ, niềm vui giản dị ấy là minh chứng sống động nhất cho ý nghĩa của sự sẻ chia.
Không chỉ cá nhân, gia đình, đoàn công tác còn mang sự hỗ trợ đến các đơn vị trực tiếp chăm sóc bà con nơi tuyến đầu. Thuốc men được trao tặng cho Đồn Biên phòng Hải An, Trạm Y tế xã. Đặc biệt, trong khuôn khổ chương trình, đoàn công tác cũng đến thăm và tặng quà các chiến sĩ Đồn Biên phòng đảo Cồn Cỏ cùng 24 hộ dân đang sinh sống trên đảo. Tại đây, Đoàn đã trao tặng Đồn Biên phòng 2 con lợn giống nhằm hỗ trợ tăng gia sản xuất và những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hàng ngày.
Tại Trường Mầm non xã Hải An, niềm vui cũng lan tỏa. Cô Phan Thị Diễm Hương, Phó Hiệu trưởng, xúc động: "Trường chúng tôi ở vùng khó khăn, còn nhiều thiếu thốn. Nhờ sự kết nối của Đồn Biên phòng, hôm nay các cháu và nhà trường nhận được những món quà ý nghĩa, đặc biệt là ba lô cho các cháu sắp vào lớp Một và thuốc cho công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu".
Cô cũng không ngần ngại bày tỏ những mong mỏi về những hỗ trợ khác như máy in hay cây lọc nước sạch, cho thấy những khó khăn vẫn còn đó, cần những cánh tay nối dài hơn nữa.

Hành trình từ "trái tim" đến "trái tim"
Hành trình từ Hà Nội về Hải An, Hải Khê, Quảng Trị không chỉ là chuyến đi của những người làm y tế hay những người lái xe thiện nguyện. Đó là sự kết nối giữa trái tim Thủ đô với "đất lửa" anh hùng, giữa thế hệ hôm nay với những hy sinh của cha ông.
Chia sẻ về ý nghĩa của chuyến đi, BSCKII Cao Đức Chinh - Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam – Cuba khẳng định: "Đây không chỉ là hoạt động chuyên môn đơn thuần, mà là hành trình tri ân, hành trình trở về với lịch sử, đối với cội nguồn." Ông nhấn mạnh lý do chọn Quảng Trị - mảnh đất thiêng liêng, anh hùng, tuyến đầu của Tổ quốc - làm điểm đến, và sự quan tâm đặc biệt đến các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo.
BS Cao Đức Chinh mong rằng, những phần quà tuy nhỏ, những viên thuốc tuy giản dị – sẽ góp phần làm ấm lòng, tiếp thêm sức mạnh cho bà con và chiến sĩ nơi đây. Và hơn cả vật chất, mong rằng những cái bắt tay, những nụ cười, những ánh mắt tin yêu hôm nay sẽ trở thành sợi dây gắn kết lâu bền giữa Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba và bà con Hải An, Hải Khê, giữa những người chiến sĩ áo trắng và những người lính
ThS.BS Nguyễn Mạnh Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện, bổ sung thêm về sự chuẩn bị kỳ công kéo dài ba tháng, sự tham gia tích cực của Đoàn Thanh niên Bệnh viện bất chấp công việc chuyên môn bận rộn, và việc kêu gọi các nhà tài trợ để chuyến đi thành công tốt đẹp. Ông khẳng định đây là hoạt động thường niên của Bệnh viện vào những dịp đặc biệt để tri ân và chia sẻ với những vùng còn khó khăn, chưa tiếp cận đầy đủ hệ thống y tế.
Tại Hải An, Hải Khê hôm nay, dấu chân của những người thầy thuốc mang "y đức" và những người tình nguyện mang "lòng nhân ái" đã in trên miền cát, sưởi ấm không khí bằng tình người. Mỗi viên thuốc, mỗi món quà, mỗi lời thăm hỏi, mỗi nụ cười trao đi không chỉ là sự hỗ trợ vật chất mà còn là liều thuốc tinh thần, là lời tri ân sâu sắc nhất gửi đến những người đã hy sinh, những người vẫn đang kiên cường bám biển, giữ đất và xây dựng quê hương.

Đó cũng là sự kết nối, sẻ chia giữa các tấm lòng từ Thủ đô, lực lượng Biên phòng nơi tuyến đầu, và bà con nhân dân trên miền đất Quảng Trị dẫu còn nhiều gian khó nhưng anh hùng. Hành trình của chuyến xe yêu thương kết thúc, nhưng vẫn còn đó dấu ấn và niềm tin, rằng sự sẻ chia và lòng biết ơn sẽ luôn còn mãi.
Box: BS Chinh cũng đặc biệt cảm ơn CLB xe bán tải Bạch Mã, những người anh em đã luôn đồng hành, những người "không chỉ chở thuốc men mà còn mang theo cả tình người, tấm lòng thiện nguyện".