Vén màn chữa bệnh trầm cảm bằng... thôi miên

Chia sẻ

Chữa thành công bệnh trầm cảm không cần dùng thuốc, cắt cơn nghiện chỉ bằng… 3 ca trị liệu, cắt giảm các cơn đau mãn tính, cải thiện đời sống tình dục… chỉ bằng liệu pháp thôi miên!

Khẳng định chắc nịch đó của Th.S Nguyễn Mạnh Quân - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển sức khỏe Tâm – Thể - Trí (An Dương, Tây Hồ, Hà Nội) khiến tôi tò mò về sức mạnh đa dạng của thôi miên trị liệu trong ứng dụng chữa bệnh tâm lý của con người: bệnh trầm cảm.
 
Bệnh trầm cảm có thể gây chết người
 

Không ai ngờ được cô gái cá tính mạnh như chị Ngô Thị Thu Huyền (Hà Nội) lại là nạn nhân của căn bệnh trầm cảm cách đây hơn 10 năm. Nhìn cuộc sống hiện tại, ai cũng cho rằng chị may mắn: chồng yêu thương, chăm sóc chu đáo, có ba đứa con ngoan ngoãn, khỏe mạnh, tài chính đủ đầy, cơ hội thăng tiến trong công việc lớn… nhưng chị luôn sống trong trạng thái trầm uất: buồn chán, mệt mỏi, căm ghét bản thân mình, không có đam mê, năng lượng sống. Chị từng nghĩ đến cái chết để giải thoát... “Nếu ăn mà không biết ngon đã khổ rồi nhưng sống mà không cảm nhận niềm vui, hạnh phúc thì chết còn sướng hơn. Ngay cả những đứa con dứt ruột đẻ ra, tôi còn không cảm thấy yêu thương và muốn chăm sóc chúng” – chị Huyền đau khổ nói. Qua 4 ca trị liệu, chị Huyền đã tìm lại cảm xúc của mình. “Lần đầu tiên sau 10 năm, tôi thấy vui là lúc lên truyền hình chia sẻ về bệnh trầm cảm, bởi tôi vượt qua mặc cảm tự ti và chia sẻ với những người cùng cảnh ngộ tìm lại niềm vui trong cuộc sống”. Thấy việc Bs Quân làm có ích, chị Huyền xin về làm trợ lý để có cơ hội tự chữa bệnh, tìm hiểu cách chữa bệnh cho hai đứa con thoát khỏi hội chứng tự kỷ, giúp đỡ những người mắc bệnh trầm cảm khác.
 
Vén màn chữa bệnh trầm cảm bằng... thôi miên - ảnh 1 
Ths. Bs Nguyễn Mạnh Quân
 

Cách đây 3 năm, chị Mạc Thị Tuyết Vân (Đồng Tháp) bị chóng mặt, hoa mắt, thường trực cảm giác đuối sức, chán chường, căng thẳng, khó chịu. Chị cố gắng tìm niềm vui bằng cách đi du lịch, chơi trò chơi mạo hiểm, xem phim ma… nhưng đều bất lực. Đi khám, chị bị suy nhược gây chóng mặt nhưng uống thuốc không đỡ. Không biết tin vào đâu, chị “nhờ vả” thầy lang. Hễ có tin ở đâu có thầy cúng trừ tà giỏi, có thầy lang chữa bách bệnh, chị đều gõ cửa tìm đến. Gần đây, chị bị chóng mặt, hoa mắt kéo dài. Sang Singapore, bác sỹ bảo chị bị suy nhược cơ thể, trầm cảm, phải chữa một năm mới khỏi. Chị Vân bất ngờ, “Tôi được làm những công việc mình muốn, không bị cú sốc tâm lý, gia đình hạnh phúc, chuyện kinh doanh thuận lợi thì sao mắc chứng trầm cảm được”.
 
Nhưng chỉ qua 10 ca trị liệu trong vòng 7 ngày của Bs Quân, chị Vân đã tìm thấy niềm vui, gỡ bỏ những nguyên nhân khiến cho chị mắc căn bệnh này mấy chục năm qua.

“Nếu bạn gặp cảnh cả gia đình ngồi chờ đợi đến đêm giữa cái lạnh để xin chữa bệnh, thấy nước mắt người bố già nua rơi kể về bệnh tình của con hay dòng thư đau khổ của người vợ trẻ cầu xin giúp đỡ chồng thì bạn sẽ cũng làm như tôi: gác mọi việc để chữa bệnh” – Th.s, Bs Nguyễn Mạnh Quân bày tỏ. Tháng 12/2011, ông Lê Văn Tiên (Hải Phòng) lặn lội đến Trung tâm gặp bác sỹ trình bày bệnh tình của con. Tùng bị trầm cảm cách đây 3 năm, đã chữa ở một số bệnh viện nhưng chưa khỏi. Do dị ứng thuốc, cơ thể Tùng ngày càng suy nhược, bị hội chứng stevens jhonson, viêm loét giác mạc mắt và hội chứng khô mắt, chân run rẩy không đứng được. Tùng luôn sợ sệt, lo lắng, giật mình, cảm giác bị nghi ngờ, theo dõi. Qua hai lần điều trị, Tùng bắt đầu ổn định tâm lý, đi lại được khi có người đỡ, ăn ngon miệng. Theo Bs Quân, để bệnh của Tùng khỏi hẳn, cậu cần thêm khoảng 10 buổi điều trị nữa.
 
Đề cao sự tự nguyện và hợp tác của người bệnh
 

Th.S Quân cho biết, bệnh trầm cảm rất nguy hiểm. Ai cũng có nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, nhưng phụ nữ thường dễ mắc bệnh hơn. Vũ khí của căn bệnh là ngắt cảm giác và cảm xúc. Các triệu chứng mệt mỏi, thiếu năng lượng, buồn chán, bực bội, khó chịu… do công việc không như ý, stress là những trạng thái trầm cảm nhẹ, có thể khỏi bệnh nhờ thuốc, nhưng nếu những trạng thái đó lặp lại nhiều lần và liên tục trong một thời gian dài dẫn đến sự rối loạn hoocmon (đặc biệt là hoocmon cortisol) thì cực kỳ nguy hiểm. Những người trầm cảm không chỉ ảnh hưởng về tinh thần, tâm lý mà còn tìm cách phá hủy bản thân, không điều khiển được hành vi như ăn nhiều dẫn đến béo phì, đua xe, đánh nhau, gây xung đột… thậm chí họ có thể tự sát bất cứ lúc nào.  “Lúc đầu, họ là nạn nhân của căn bệnh nhưng sau đó, chính họ có thể là thủ phạm gây ra những việc rất khủng khiếp” – Th.s Quân chia sẻ.
 
Vén màn chữa bệnh trầm cảm bằng... thôi miên - ảnh 2
Bs Quân đang chữa bệnh cho bệnh nhân mắc chứng trầm cảm


Hiện nay, trên thế giới có nhiều phương pháp chữa bệnh trầm cảm như dùng thuốc, dùng tâm lý trị liệu…  Thôi miên là một liệu pháp điều trị đặc biệt, tác động trực tiếp vào tâm lý người bệnh để nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị. Thầy thuốc tác động vào tâm thần người bệnh chủ yếu bằng lời nói hoặc các kích thích khác, gây ra một trạng thái biến đổi nhất thời về chú ý cho người bệnh. Một trạng thái ức chế không hoàn toàn của vỏ não, trung gian giữa thức và ngủ, trong trạng thái đó xuất hiện nhiều hiện tượng như: thay đổi trong ý thức và trí nhớ, tính ám thị tăng lên và xuất hiện ở chủ thể sự phản ứng cũng như những ý tưởng không giống như trạng thái bình thường. Trong trạng thái thôi miên, nhiều khu vực vỏ não của bệnh nhân bị ức chế, nhưng khu vực liên quan đến phân tích lời nói vẫn tỉnh táo và được gọi là “Điểm cảnh tỉnh”- Theo đó, bệnh nhân có thể tiếp thu, thực hiện những chỉ thị của thầy thuốc thông qua ám thị (lời nói của nhà thôi miên). Thầy thuốc dùng ám thị để bệnh nhân hiểu rõ thực chất bệnh trạng của mình và giúp họ cách “thanh toán” bệnh.
Trước khi “trả” bệnh nhân về với gia đình, Ths.Bs Quân “truyền” lại bí kíp tự trị liệu để ổn định cơ thể, giải tỏa năng lượng tiêu cực của mình. “Ở mỗi ca bệnh, tôi “cấy cảm xúc” và “cài đặt” tư duy tích cực riêng. Tất cả mọi cảm xúc, suy nghĩ, cảm giác hoạt động đều là một dạng của năng lượng. Tự trị liệu sẽ giúp bệnh nhân tự giải phóng năng lượng ứ đọng, dồn nén trong cơ thể để tìm lấy niềm vui, sự thoải mái, thư giãn. Hầu hết các ca trị liệu bằng thôi miên của tôi đều thành công nếu người bệnh thực sự hợp tác, tự nguyện” – anh Quân khẳng định.
 
Thôi miên chữa bệnh… qua điện thoại
 

Mỗi ngày, Bs Quân nhận được cả chục cuộc điện thoại, tin nhắn của bệnh nhân cũ và những người mới mong được giúp đỡ với gần trăm email đăng ký lịch chữa bệnh. Đối với những ca trị liệu có  hoàn cảnh khó khăn, anh đều miễn phí. Không ít ca trị liệu, anh sử dụng liệu pháp “điều trị từ xa” bằng… điện thoại. 
Chị Thúy Hòa (Hoàn Kiếm - Hà Nội) mắc chứng đau bụng, mất ngủ mãn tính, phải liên tục uống thuốc, châm cứu và dùng thuốc ngủ hơn 3 năm nay nhưng không khỏi. Vô tình đọc được thông tin về Trung tâm đào tạo Thôi miên Y khoa tiếng Việt đầu tiên ở Đức nhận đăng ký trị liệu miễn phí cho người gặp khó khăn, chị viết đơn đăng ký. Sau 5 ngày, Ths Bs Mạnh Quân từ bên Đức gọi về bảo sẽ chữa được từ xa, nếu không khỏi mới phải tới chữa trực tiếp. Ban đầu chị nghi ngờ, nhưng Bs Quân trấn an: Mọi việc bắt đầu từ cơ thể người bệnh, chứ không phải từ phía các chuyên gia như mọi người vẫn lầm tưởng. Đúng 10 giờ đêm giờ Việt Nam, anh gọi điện về chữa giúp. Đêm đầu tiên, chị đã ngủ đến gần 6 giờ sáng sau mới dậy và ngỡ ngàng vì không biết mình đã ngủ lúc nào... Sau 5 ca trị liệu từ xa, chị không còn phải uống thuốc ngủ và giảm hẳn đau bụng.
 
Ông Lý Trần Tình – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội:
Hiện nay, thực tế một vài bệnh viện đã sử dụng biện pháp thôi miên trong quá trình điều trị bệnh nhân tâm thần và có hiệu quả nhất định như Bệnh viện tâm thần Hà Nội, Viện Sức khỏe tâm thần thuộc Bệnh viện Bạch Mai… nhưng còn thiểu số bởi đội ngũ bác sỹ có trình độ và khả năng thôi miên không nhiều.
Thôi miên đã được công nhận là một trong những phương pháp điều trị tâm lý cho các bệnh  nhân mắc các căn bệnh có căn nguyên về tâm lý. Đây là một hình thức vô hại, nhưng không nên lạm dụng phương pháp này để chữa trị những loại bệnh có căn nguyên thực tổn. Ở Việt Nam, 2 – 3% dân số trong đó có cả trẻ em, tỉ lệ giữa nam/ nữ mắc chứng trầm cảm là 1/2. Đối với người mắc bệnh trầm cảm nội sinh thì phải chữa trị bằng thuốc là chính, thôi miên và các liệu pháp tâm lý chỉ là hỗ trợ. Người nào thấy có vấn đề về tâm lý thì nên nhanh chóng đến các cơ sở chuyên khoa tâm thần để khám, tư vấn và có phương pháp điều trị thích hợp, không nên đến các cơ sở không có đăng ký rõ ràng.

Dùng điện thoại để thôi miên và đưa bệnh nhân vào giấc ngủ sâu yên tĩnh, thư giãn, ổn định tâm lý với Bs. Quân không còn là chuyện lạ, bởi bệnh nhân thì nhiều, thời gian có hạn. Có bệnh nhân thường xuyên nhắn tin nhờ anh tư vấn chuyện tình cảm, gỡ rối tâm lý gia đình. Có người lại gọi điện nhờ anh “thôi miên” vì mất ngủ. Chị Vân sau ca trị liệu kéo dài 7 ngày đã hết chóng mặt, sắc mặt được cải thiện nhưng khi về nhà, chị vẫn thường xuyên liên lạc với anh Quân để nhờ anh thôi miên ổn định tâm lý, giúp ngủ ngon. Anh Quân cho biết, sau khi chữa bệnh xong, nếu bệnh nhân không tự trị liệu để cân bằng cảm xúc, căn bệnh có thể sẽ trở lại. Do đó, bao giờ cũng thế, trước khi về, anh cũng nhắc họ gọi điện liên lạc thường xuyên với anh để anh”chữa bệnh từ xa” nếu như gặp rắc rối về tâm lý nào đó.
 
Hồng Nhung
 

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.