Nghĩ về "văn hóa từ chức"

Chia sẻ

Mới đây, Tổng thống Hungary tuyên bố sẽ từ chức trong một vụ bê bối đạo văn và ông là thành viên mới nhất trong danh sách dài các chính trị gia trên thế giới… từ chức.

 
Sụp đổ sự nghiệp vì đạo văn
 
Ông Pal Schmitt, người mới nhậm chức năm 2010 với nhiệm kỳ 5 năm, đã nói trong bài phát biểu trước Quốc hội rằng ông từ chức bởi “những vấn đề cá nhân” của mình đang gây chia rẽ tại Hungary. Theo AP, trong số báo phát hành hồi tháng 1, tạp chí HGV của Hungary cho biết có tới 180 trang trong bản luận án của ông Schmitt viết hồi năm 1992 là bản dịch lại tác phẩm “Analyse du programme Olympique” (tạm dịch Một phân tích về chương trình Olympic hiện đại) viết bằng tiếng Pháp của nhà nghiên cứu người Bulgaria Nikolay Georgiev. Ngoài ra ông còn “cắt/dán” một đoạn lớn các nội dung trích từ một nghiên cứu khác của nhà khoa học Đức Klaus Heineman. Tổng cộng, có tới 90% nội dung trong bản luận án của ông là sản phẩm tinh thần do người khác tạo ra.
 
Nghĩ về
Tổng thống Hungary
 
 Khi những tin tức này mới xuất hiện, ông Schmitt giải thích rằng chuyện luận án tiến sĩ có thêm thắt các “vật liệu mang tính nòng cốt” như thế là hoàn toàn bình thường. Song vụ việc đã khiến ĐH Semmelweis, nơi ông bảo vệ luận án tiến sĩ, phải thành lập một ủy ban điều tra để xem xét cáo buộc đạo văn. Kết quả, ủy ban này đã đề xuất thu hồi bằng tiến sĩ do nó đã “không đạt các tiêu chí về đạo đức và chuyên môn trong hoạt động nghiên cứu khoa học”. Và ngày 29/3 vừa qua, Đại học Semmelweis đã chính thức tước bằng tiến sĩ của ông Schmitt.

Nghĩ về “văn hóa từ chức”
 
Thực ra, Tổng thống Hungary Pal Schmitt chỉ là thành viên mới nhất trong danh sách dài các nhân vật chính trị cấp cao trên thế giới từ chức.
Trước ông Pal Schmitt, Tổng thống Đức Christian Wulff đã từ chức sau những bê bối tài chính từ hồi ông còn làm thủ hiến tiểu bang Niedersachsen (2003-2010). Ở Thụy Điển, Bộ trưởng Văn hóa Cecilia Stego đã phải đệ đơn từ chức chỉ bởi không trả tiền thuế xem truyền hình và không công bố mức lương đã trả cho các bảo mẫu.
 
Tại Anh, Bộ trưởng Quốc phòng Liam Fox từ chức vì “sai lầm khi không phân định rõ vấn đề cá nhân với các hoạt động công việc trong chính phủ”. Ông Fox thừa nhận đã sử dụng công quỹ để trả tiền cho ông Adam Werritty, người bạn thời đại học, tham gia 18 chuyến công du nước ngoài với tư cách là cố vấn chính phủ. Ở Hy Lạp, Bộ trưởng Văn hóa Pavlos Geroulanos từ chức hôm 17/2 sau khi những tên cướp vũ trang lấy đi 68 đồ tạo tác từ một bảo tàng ở Olympia.
 
Ở Hàn Quốc, Chủ tịch Quốc hội cũng từ chức sau khi bị cáo buộc đã hối lộ các thành viên trong đảng cầm quyền trong cuộc bầu cử từ năm 2008. Ở Nhật Bản, Ngoại trưởng Seiji Maehara từ chức sau khi bị chỉ trích về việc nhận tiền quyên góp chính trị 50.000 yen (610 USD) từ một công dân Hàn Quốc. Pháp luật nước này nghiêm cấm các chính trị gia nhận tiền từ các cá nhân, tổ chức nước ngoài, nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngoại quốc đối với nền chính trị nước nhà.
 
Còn ở Argentina, Bộ trưởng Giao thông vận tải Juan Pablo Schiavi xin từ nhiệm vì vụ tai nạn đường sắt thảm khốc hôm 22/2 vừa qua, làm ít nhất 51 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương. Thậm chí, sự cố mất điện trong lúc tàu điện ngầm đang hoạt động hôm 15/12/2011 tại Singapore cũng khiến bà Saw Phaik Hwa, Giám đốc Điều hành Tập đoàn SMRT, đơn vị quản lý tàu điện ngầm đệ đơn từ chức. Mặc dù không có người bị chết hay bị thương, song sự cố xảy ra có thể làm “quốc đảo sư tử” sụt giảm uy tín trên trường quốc tế vì Singapore từ lâu được đánh giá là nơi có chất lượng sống hàng đầu thế giới.
 
Nói chung, có thể nói những người có “văn hóa từ chức” là những người có lòng tự trọng và danh dự cá nhân. Chẳng hạn như vụ từ chức của Bộ trưởng Bộ Thiếu nhi, Bình quyền và Hội nhập Na Uy Audun Lysbakken hồi đầu tháng 3 năm nay. Số là khi Bộ này duyệt tài trợ 154.000 kroner cho một kế hoạch nhằm giúp phụ nữ học cách tự phòng vệ vì thời gian gần đây nạn hãm hiếp phụ nữ gia tăng, lại không qua một số thủ tục hành chính cần thiết để các tổ chức khác có thể xin tài trợ. Như thế là thiếu tính công khai. Mặc dù số tiền quá nhỏ và đã sử dụng hoàn toàn đúng mục đích, hơn nữa ngài Bộ trưởng cũng không trực tiếp giải quyết, song ông đã đứng ra nhận trách nhiệm vì ông là người đứng đầu Bộ.
 
Hay như tuyên bố từ chức của Tổng thống Đức Christian Wulff chỉ kéo dài 3 phút, nhưng đã cho thấy bản lĩnh, nhân cách cần có của một chính khách, bước lên vũ đài chính trị hay rời bỏ nó đều vì lợi ích đất nước: “Đất nước chúng ta, CHLB Đức cần một tổng thống có thể phụng sự cho chức vụ đó không giới hạn, đáp ứng những đòi hỏi của cả các dân tộc khác và quốc tế rộng lớn. Một tổng thống không chỉ phải giành được tín nhiệm từ đa số mà từ đông đảo mọi thành phần tầng lớp nhân dân. Tình hình trong những tháng ngày qua đã cho thấy, sự tín nhiệm đó đối với tôi đã bị ảnh hưởng rõ rệt kèm theo hệ luỵ. Từ lý do trên, tôi không thể tiếp tục thực hiện trọng trách đặt ra cho mình. Vì vậy hôm nay tôi quyết định từ chức để nhanh chóng tìm người kế nhiệm”.
 
 
Hạnh Thúy

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.