Thư của Thượng Tướng Vũ Lăng gửi vợ trước chiến dịch Điện Biên Phủ

Chia sẻ

PNTĐ-Nhân kỷ niệm 61 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo PNTĐ xin trích đăng 1 trong 2 lá thư của Tướng Vũ Lăng gửi cho người vợ yêu thương trước khi ông vào trận chiến sinh tử...

 
Tuyển tập NHỮNG LÁ THƯ THỜI CHIẾN VIỆT NAM là công trình được hoàn thành trong 10 năm (2005 – 2015); một trong những tác phẩm được tìm đọc nhiều nhất của nhà văn Đặng Vương Hưng, NXB Công an nhân dân ấn hành kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
 
Thư của Thượng Tướng Vũ Lăng gửi vợ trước chiến dịch Điện Biên Phủ - ảnh 1
 
 
Đánh giá về tuyển tập NHỮNG LÁ THƯ THỜI CHIẾN VIỆT NAM, TS, nhà văn Lê Thị Bích Hồng (Phó Vụ trưởng Vụ Văn hóa – Văn nghệ, Ban Tuyên giáo T.Ư) đã viết: “Nhà văn Đặng Vương Hưng đang mốt mải săn tìm những kỷ vật của một thời rực màu hoa lửa từ các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, người có duyên khơi nguồn cho sự ra đời của hàng trăm cuốn sách tư liệu vô giá, trong đó có nhật ký “Mãi mãi tuổi 20” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”; tạo nên một sự kiện văn hóa của năm 2005; để từ đó, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phát động tuổi trẻ cả nước phong trào “Tiếp lửa truyền thống” và “Hành trình viết tiếp tuổi hai mươi – Tuổi trẻ sống đẹp, sống có ích”...

“Và tôi tin tuyển tập “Những lá thư thời chiến Việt Nam” dày gần ngàn trang sẽ luôn mang thông điệp về CÁI ĐẸP, có giá trị rất cao về nội dung tư tưởng và mang tính nhân văn sâu sắc; có tác dụng lớn phục vụ phong trào và sự nghiệp cách mạng; có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài trong đời sống nhân dân; đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ, xây dựng Tổ quốc và phát triển nhận thức xã hội; góp phần bảo tồn và phát huy những di sản văn hóa của dân tộc...”.    
                        
Nhân kỷ niệm 61 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Báo PNTĐ xin trích đăng 1 trong 2 lá thư của một vị tướng gửi cho người vợ yêu thương trước khi ông vào trận chiến sinh tử Điện Biên Phủ, được in trong “Những lá thư thời chiến Việt Nam”
 
Thượng tướng Vũ Lăng (1921-1988) tên thật là Đỗ Đức Liêm, quê tại xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội; nguyên Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên); nguyên Giám đốc Học viện Lục quân Đà Lạt (1977 - 1988) là một trong những vị Tướng lập được nhiều chiến công xuất sắc trong những trận đánh quan trọng của Quân đội Nhân dân Việt Nam: Trong chiến thắng của Chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), Chiến dịch Tây Nguyên, mà trận Buôn Ma Thuột (1975) là điển hình; đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…
 
Sau khi Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Vũ Lăng là một trong những chiến sĩ Nam tiến đầu tiên chiến đấu ở mặt trận Nha Trang - Ninh Hòa. Sau đó ông ra Bắc, vào ngày Toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Vũ Lăng là quyết tử quân của Trung đoàn Thủ đô, tham gia chiến đấu bảo vệ Bắc bộ phủ. Sau cuộc rút lui an toàn vào đêm 17 tháng 02 năm 1947 của Trung đoàn Thủ đô ra vùng tự do, Vũ Lăng là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 54, Trung đoàn Thủ đô (E102), Đại đoàn 308.
 
Tiểu đoàn trưởng Vũ Lăng đã trực tiếp chỉ huy đơn vị hạ đồn Đại Bục, mở màn chiến dịch tấn công vào phòng tuyến sông Thao, đúng ngày sinh nhật của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1949.
 
Từ năm 1953 Vũ Lăng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98, Đại đoàn 316. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung đoàn 98 do Vũ Lăng chỉ huy đã giành chiến thắng trong trận đánh đồi C1 nổi tiếng, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch.
 
Trong kháng chiến chống Mỹ, Vũ Lăng đã giữ những chức vụ quan trọng: Tham mưu trưởng Sư đoàn 316, Cục phó Cục Khoa học Quân sự - Bộ tổng Tham mưu, Phó Tư lệnh Quân khu 4, Cục phó rồi Cục trưởng Cục Tác chiến, Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Phó Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên rồi Tư lệnh Quân đoàn 3.
 
Trên cương vị là Cục trưởng Cục Tác chiến - Bộ Tổng Tham mưu, rồi là Tư lệnh Mặt trận Tây nguyên và Phó Tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, Vũ Lăng đã xây dựng phương án tác chiến, tham mưu chỉ huy và đã giành được thắng lợi trong trận Buôn Ma Thuột giải phóng Tây Nguyên, tạo ra bước đột phá quan trọng. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, mùa xuân năm 1975, ông là Tư lệnh Quân đoàn 3 (Binh đoàn Tây Nguyên) đảm nhiệm hướng Tây Bắc, là hướng tấn công chủ yếu của chiến dịch, có công tiêu diệt Sư đoàn 25 Quân đội của chính quyền Sài Gòn, sau đó tiếp tục đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn.
 
Dưới đây là 1 trong 2 lá thư Tướng Vũ Lăng đã gửi cho vợ trong những ngày chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ.

22/10/53
 
Em,
 
Anh đã nhận được 4 thư của em tháng trước và tháng này: 1 do anh Súc chuyển và 3 do anh Hiếu chuyển. Anh cũng không gặp Hiếu, vì anh không về dự hội nghị còn phải bận công tác ở mặt trận khác.
 
Hôm nay có anh Thành Công về Tổng cục, anh vội viết ít dòng gửi em. Chắc là không viết được dài vì chỉ còn vài giờ nữa anh sẽ lại đi... Ngày mai, ngày kia cục diện sẽ thay đổi. Bộ đội và anh tin tưởng mãnh liệt vào cuộc chiến đấu gay go ác liệt sắp tới này, cái niềm tin tất thắng dựa trên một cơ sở thực tế giữa chúng ta và kẻ thù làm cho mọi người phấn khởi vô cùng.
 
Viết cho em lúc này anh có cảm tưởng như lá thư của một chiến sĩ viết trước giờ phút xung phong để một mất một còn với kẻ thù, giành lại hạnh phúc cho mình, cho gia đình mình, cho Tổ quốc và cho cả nhân loại. Trong một truyện ngắn của Liên Xô (Gô-ba-tốp viết, đăng trên báo Quân đội nhân dân) tâm sự của anh cũng như tâm tư của người chiến sĩ trong truyện (em đọc lại truyện đó nhé). Có gay go, có khó khăn nhưng nhất định kẻ thù phải bị tiêu diệt.
 
Trước mắt anh hằng ngày những cánh đồng bốc khói, làng mạc bị tàn phá, thóc lúa bị tiêu huỷ, đồng bào bị tàn sát hiếp tróc. Bao nhiêu cảnh tượng thê thảm hằng ngày diễn ra trên cánh đồng phì nhiêu có suối trong, có bản đẹp dưới những rặng me rặng muỗng mà đồng bào Tây Bắc trước đây ít lâu còn sống yên vui, tích cực tăng gia sản xuất để góp phần vào kháng chiến sau những ngày được giải phóng từ đông xuân năm ngoái, năm nay.
 
Ngay hôm vừa qua mấy băng đạn súng máy của quân thù lại vượt qua đầu anh và mấy đồng chí nữa! Căm thù chúng nó cao vút như đỉnh núi Pusan mà đơn vị anh và chúng nó đã quần nhau trong trận đầu tiên, dưới sức mạnh phi pháo của chúng mà chúng vẫn phải chạy dài.
 
Nghĩa là trận sắp tới này phải một mất một còn với kẻ thù mà kẻ thù chắc chắn là sẽ bị tiêu diệt hẳn ở đây. Có gay go, có quyết liệt nhưng mà tất thắng và vinh quang.
 
Anh mấy ngày hôm nay lại bù đầu vào công việc chuẩn bị - 4 đêm nay trắng trời, chợp mắt được 1 - 2 tiếng lại họp, lại bàn, lại chuẩn bị. Sức khỏe có sút đôi chút. Bệnh nhức đầu lại tăng, nhưng vẫn đủ sức để chiến thắng kẻ thù.
Lâu nay toàn ở trên cao, trời lạnh, có đêm không ngủ được. Chiếc mũ len em gửi cho anh đến vừa đúng lúc. Đêm ngủ trùm chiếc mũ vào thấy má, tai mình ấm áp - nhớ những đêm nao - Chiếc túi bút máy hơi chật. Sợi len của em gửi ra vẫn chưa nhờ ai mạng hộ áo được. Do đó áo len đã rách phải cất đi và cũng đã được phát một chiếc áo khác đủ ấm.
 
Nói tóm lại về anh: Sức khỏe có hơi sút nhưng vẫn đủ sức làm viêc liên tục, chiến đấu liên tục, vật chất tương đối đầy đủ, tinh thần vững, tin tưởng và phấn khởi.
 
Trong thư em gửi anh Súc có nhắc đến mấy khuyết điểm của anh. Anh cũng đã làm kế hoạch thi đua để sửa chữa trong suốt chiến dịch này.
 
Nhưng có một điều làm anh ngạc nhiên, em đã viết: “... Anh đã có một phần nào tự mãn chủ quan như đã tự động điện về Toàn Quân ủy báo cáo...” Anh không hiểu sao lại có vấn đề này? Anh không hề trực tiếp báo cáo với Toàn Quân ủy bao giờ, vì nó không phải là quyền hạn của anh, mà anh cũng không có liên lạc - còn báo cáo trực tiếp với Bộ thì anh vẫn báo cáo như nếp thường xuyên những khi đi xa mà Bộ trực tiếp chỉ đạo. Vả lại anh cũng đã kiểm điểm lại, các báo cáo với Bộ, anh cũng không có gì tỏ vẻ tự mãn cả. Không biết em đã nghe chuyện này ở đâu? Còn tự mãn chủ quan trong trận Nà Noong thì anh đã tự kiểm điểm nghiêm khắc như đã viết cho em...
 
... Hai tấm ảnh gửi cho anh, anh có một nhận xét thế này:
 
- Tấm ảnh một mình cười gượng là vì lo anh sẽ thấy rõ cái cổ cao và gầy. Nó sẽ mâu thuẫn với những báo cáo hùng hồn về sức khỏe của em hiện tại.
 
- Ảnh chụp với chị Tăng Phú có cười hồn nhiên hơn nhưng là lây cái cười của chị Tăng Phú, không che nổi cái cổ vẫn gầy lại cao.
 
... Thôi nhé - Em vui mạnh - Đợi anh về!
 
Anh đi đây!
 
Vũ Lăng.
 
Anh gửi theo đây một chiếc túi da cofermeture trong đựng các thứ để khâu vá (kéo, dé, kim, chỉ). Vợ một anh bạn ở Khu 4 cho để anh may vá quần áo. Anh gửi để em dùng. Túi đi mưa bị ướt nên kim chỉ đã bị rỉ cả.
 
Thư này gửi đi có lẽ lâu lắm anh mới lại có thì giờ viết cho em. Nếu lâu chưa nhận được thư anh cũng đừng nóng ruột em nhé...
 
Chiếc áo len em đan lại cho anh năm nay bị rách và tuột sợi ở cổ tay. Giá gần em thì áo không đến nỗi rách thế em nhỉ. Gante hơi chật - nhưng nay anh vẫn đủ áo ấm. Có cả giường cao su hơi để nằm, em không lo anh rét đâu. Đồng hồ của em vẫn chạy hay lại hỏng rồi? Nếu hỏng, có anh nào rành em hãy gửi đi chữa, đừng gửi bừa như trước nhé.
Em chỉ lo cho anh mà ít nghĩ đến em. Áo rét của em năm nay thế là thiếu. Áo len không có, áo trấn thủ liệu có chịu được không? Nếu anh Khoa đưa tiền em cứ mua len đan áo nhé. Lấy tấm vải flanelle của anh mà may. Để đấy phí đi. Anh lo mất rồi đó. Bao nhiêu lần giục em may rồi.
 
Thôi nhé, vài hôm nữa anh lại đi xa. Thu đông năm nay nhất định sẽ đánh mạnh hơn mọi năm.
Anh yêu em và hôn em.
 
Vũ Lăng.
 
Đặng Vương Hưng giới thiệu

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.