Sử dụng tiếng Việt: Không đơn giản

Chia sẻ

PNTĐ-Câu chuyện sử dụng tiếng Việt một cách bừa bãi của một số MC trên truyền hình khiến người xem buồn lòng. Dẫu chỉ là chi tiết, nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người….

 
Sử dụng tiếng Việt: Không đơn giản - ảnh 1
Hội thảo khoa học “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên
các phương tiện thông tin đại chúng” do Đài tiếng nói VN,
Hội Nhà báo VN, Hội Ngôn ngữ học VN phối hợp tổ chức
 
“Ai là người nâng khăn, sửa túi cho con?”
 
Sự việc mới đây trên chương trình của VTV1 hồi 17h45 ngày 17/11/2016, là một dẫn chứng. Biên tập viên (BTV) đã hỏi với kỳ thủ nhí Nguyễn Anh Khôi,14 tuổi, 2 lần Vô địch Cờ vua trẻ thế giới, đoạt nhiều huy chương giải cờ vua trong nước, khu vực và quốc tế: “Những lần đi khắp nơi thi đấu, ai là người nâng khăn, sửa túi cho con?”. Câu hỏi hoàn toàn không phù hợp với trẻ em, tuy nhiên cậu bé vẫn trả lời rất tự nhiên “Dạ, mẹ con ạ”. Hẳn không riêng gì tôi, những ai đã chăm chú theo dõi chương trình đều sửng sốt, không hiểu nổi vì sao BTV lại tùy tiện sử dụng thành ngữ như vậy? Lẽ ra, khi đó BTV chỉ cần hỏi:“Những lần con đi khắp nơi thi đấu, ai là người đi cùng chăm sóc cho con?”.
 
Thành ngữ “nâng khăn, sửa túi” ra đời trong thời kỳ phong kiến. Thời kỳ đó, hình ảnh quen thuộc của người đàn ông thường thấy trên các nẻo đường là đầu đội khăn vấn, vai khoác túi (tay nải đựng đồ). Chính vì vậy, khi đem lòng yêu mến, muốn lấy chàng trai nào đó làm chồng, một cô gái sẽ khéo léo nói rằng: “Chàng ơi, em muốn được theo chàng để nâng khăn, sửa túi cho chàng”. Ngược lại, nếu chàng trai nào đó thầm yêu trộm nhớ một người con gái, chàng cũng ý tứ nói “Nàng có bằng lòng làm người nâng khăn, sửa túi giúp ta không?”. Tóm lại, thành ngữ này cần dùng đúng với ngữ cảnh, không được tùy tiện, càng không thể dùng để hỏi trẻ em.
 
Từng giữ trọng trách Đại sứ Việt Nam tại một số nước, có nhiều năm công tác ở nước ngoài nhưng vẫn thường xuyên theo dõi chương trình Truyền hình của VTV, trao đổi với PNTĐ, nguyên Đại sứ Trần Trọng Toàn cho biết: “Tôi rất thông cảm với các PV, BTV của VTV cũng như các kênh truyền hình khác chịu áp lực khi thực hiện phỏng vấn trực tiếp, phải liên tục đưa ra câu hỏi, nhưng không vì thế mà BTV có thể cho phép mình sử dụng từ ngữ, câu chữ, sử dụng thành ngữ, tục ngữ tùy tiện, thiếu phù hợp.
 
Đó là chưa kể tình trạng VTV lạm dụng trong việc sử dụng từ nước ngoài, trong khi có thể dùng tiếng Việt cho công chúng dễ hiểu, dễ tiếp thu, vì trong nhân dân, số người hiểu được tiếng Hoa, Anh, Pháp… không phải số đông”.
                     
Văn hóa ngôn ngữ tác động  hành vi văn hóa
 
Chia sẻ với PNTĐ, Nhà báo, TS Trần Bá Dung, Trưởng ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam thẳng thắn bày tỏ mối  lo ngại trước tình trạng hiện nay vẫn có không ít các cơ quan báo, đài chưa thực sự quan tâm về “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.
 
Không ít phóng viên các cơ quan truyền thông trong khi tác nghiệp vừa thiếu kiến thức tiếng Việt vừa yếu về hiểu biết văn hóa, nên khi đặt tít hay sử dụng từ ngữ trong bài thường thiếu cân nhắc và ỷ vào Ban biên tập. Nếu Ban biên tập cũng lơ là, không biên tập kỹ lưỡng cũng sẽ dẫn đến hậu quả dở khóc dở cười, thậm chí là sai sót nghiêm trọng.
 
“Có lần tôi đưa một nhóm phóng viên trẻ vào thăm một ngôi chùa tại TP.HCM vì nhà chùa làm tốt công tác từ thiện nhân đạo. Vị sư trụ trì ngôi chùa còn trẻ, một phóng viên lập tức mở đầu cuộc phỏng vấn với: “Thưa anh...” và cứ thế cho đến khi kết thúc, làm chúng tôi ngượng vô cùng. Trình độ sử dụng ngôn ngữ giao tiếp của nhà báo như thế là quá kém!”, nhà báo Trần Bá Dung chia sẻ.
 
Cũng đừng nghĩ những người có trình độ văn hóa lại không mắc sai lầm trong sử dụng ngôn ngữ. Sáng Chủ nhật, 20/11/2016, Đài PT-TH Hà Nội (kênh1) có phát chuyên đề “Học làm người” trong chương trình “Người Tràng An-Người Hà Nội”. Đáng nói là cô Hiệu trưởng Trường THCS N.T.P trong khi  trả lời phỏng vấn đã không dưới mười lần xưng “tớ” và “chúng tớ” với PV ngay tại trường quay, chỉ có 2 lần xưng “chúng tôi”. Tuy nhiên, PV cũng như ê-kip thực hiện chương trình đã không phát hiện ra ngay, không góp ý với cô giáo để ghi hình lại. Việc này cho thấy người phỏng vấn cũng như người được phỏng vấn đã không xác định đúng “vai” của mình, không chọn cách xưng hô thích hợp.
 
Thiết nghĩ, để xây dựng nếp sống văn minh - thanh lịch của người Hà Nội không chỉ là hành vi ứng xử, giao tiếp và ý thức chấp hành các quy định pháp luật mà còn cần coi trọng tuyên truyền, giáo dục, nâng cao trình độ văn hóa sử dụng ngôn ngữ cho mọi tầng lớp nhân dân.
Từ Ngọc Lang

Tin cùng chuyên mục

Cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam trao tặng quà và học bổng cho Hội LHPN Hà Nội

Cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam trao tặng quà và học bổng cho Hội LHPN Hà Nội

(PNTĐ) - Sáng 08/5/2024 tại Hà Nội, Công ty Sen Vàng tổ chức Họp báo công bố lịch trình cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam. Tại buổi họp báo, cuộc thi đã trao tặng 100 phần quà và 20 triệu đồng gây quỹ học bổng cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội cùng kế hoạch buổi chia sẻ truyền cảm hứng dành cho phụ nữ Hà Nội. Đại diện Hội LHPN Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Phạm Thị Thanh Hương đã đón nhận món quà ý nghĩa này.