Thú vị gia đình “tái chế”

Chia sẻ

PNTĐ-Nhiều năm qua, cô gái 8x Đào Thị Thu Hường (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã cùng chồng và con thực hành nhiều hoạt động bảo vệ môi trường...

 
Nhiều năm qua, cô gái 8x Đào Thị Thu Hường (trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã cùng chồng và con thực hành nhiều hoạt động bảo vệ môi trường. Và thế là, có những khi, trong ngôi nhà của Hường, vợ chồng cô đang đóng chiếc giá để đồ từ vật dụng cũ thì con trai lại say sưa “biến” lõi giấy vệ sinh thành đồ chơi, con gái tự giác giặt túi nilon để hôm sau dùng lại đựng đồ.
 
Thú vị gia đình “tái chế” - ảnh 1
Ba mẹ con chị Đào Thị Thu Hường đang cùng nhau tái chế giấy thừa thành các vật dụng hữu ích

 
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, Hường tâm sự, cô nhìn thấy rõ sự thay đổi của thành phố quê hương trong vòng 30 năm qua. “Từ một TP nhỏ, nhiều cây và hồ nước, Hà Nội đã hiện đại hơn, sầm uất hơn. Nhưng, cùng với đó Hà Nội dường như phải nhận lượng rác thải nhiều hơn, trong đó có nilon, vỏ chai nhựa… phải mất từ vài chục đến hàng trăm năm mới phân hủy hết được”.
 
Là cán bộ làm việc trong lĩnh vực môi trường, Hường không nhìn rác thải là “đồ vứt đi” mà cô hiểu rằng đây chính là một loại tài nguyên. Nếu như mỗi người biết tận dụng và tích cực tái chế, tái sử dụng các vật dụng tưởng chừng đã là rác (túi nilon, giấy, vỏ chai nhựa, vỏ thủy tinh, rác sinh học như vỏ rau củ quả...) thì có thể tiết kiệm được một khoản chi phí cho gia đình. Hơn thế, người dân sẽ chung tay giảm thiểu rác thải đô thị. Hà Nội vì thế sẽ xanh hơn, sạch hơn, môi trường trong lành hơn đúng như tên gọi “Thành phố vì hòa bình”.
 
Đó là lý do, Hường đã bắt tay giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho các con mình (một bé trai 8 tuổi, một bé gái 5 tuổi) bằng nhiều hành động cụ thể. Cô dạy cho con biết về khái niệm 3R gồm giảm thiểu (Reduce) - tái sử dụng (Reuse) và tái chế (Recycle).
 
Với giảm thiểu, gia đình cô chủ yếu là giảm lãng phí nguồn tài nguyên điện, nước. Việc tái sử dụng, ở nhà Hường chủ yếu áp dụng với đồ nhựa, túi nilon, chai thủy tinh như nút chai được gom lại dùng làm học cụ để học toán, chai thủy tinh tận dụng làm lọ đựng đồ; chai lọ đựng mỹ phẩm, nước giặt, nước uống sau khi dùng hết được rửa sạch, cất gọn để sử dụng khi cần.
 
Nếu như tái sử dụng đơn giản chỉ là sử dụng lại thì tái chế đòi hỏi công sức nhiều hơn. Trong nhà Hường, đồ được tái chế nhiều và dễ dàng nhất là giấy bởi các món đồ chơi được làm bằng giấy thường đơn giản, dễ làm. Vợ chồng Hường thường giữ lại sách báo cũ với hình vẽ, màu sắc đẹp mắt để con chơi; giấy một mặt tận dụng cho con vẽ vào mặt trắng còn lại; lõi giấy vệ sinh, cô dạy con kẻ, vẽ để biến thành đồ chơi…
 
Hường cho biết, nhiều người ngại thực hành theo công thức “3R” vì sợ mất thời gian, lưu trữ nhiều đồ trong nhà gây bừa bãi và đồ tái chế xong thì công năng sử dụng không cao, lại kém thẩm mỹ. “Nhiều nhà tiện tay “nhét” chai lọ hoặc túi nilon vào bất kỳ chỗ nào. Việc này vừa gây mất vệ sinh (nếu chai lọ, túi chưa được làm sạch), mất mỹ quan. Khi cần dùng đến mới bắt đầu cọ rửa thì không còn hứng thú để tái sử dụng nữa”.
 
Vì thế, Hường đã đặt ra một số nguyên tắc lưu trữ đồ hợp lý trong nhà để các con cùng thực hiện. Những vật dụng dùng nhiều như lõi giấy vệ sinh, giấy một mặt (lịch sau khi xé), giấy báo sẽ được cất ở nơi gần nguồn thải; muốn con tận dụng giấy một mặt Hường để giấy ngay bên cạnh bàn học của con, cùng với bút màu, kéo để khi cần con có thể sử dụng được ngay; tương tự với lõi giấy vệ sinh hoặc những thứ nho nhỏ như chiếc nơ rơi ra từ cặp tóc, Hường cũng phân loại và cất gọn gàng vào một nơi để con có thể sáng tạo tái sử dụng ngay khi có ý tưởng. Ngoài ra, vợ chồng Hường luôn dạy con ý thức trước khi mua đồ mới hãy rà soát xem có phương án thay thế khác được không. Chẳng hạn, trong nhà cần chiếc giá để đồ, vợ chồng Hường nghĩ cách buộc những tấm lưới sắt vào thanh gỗ và thế là chiếc giá ra đời thay vì phải mua đồ mới.
 
Cứ như thế, việc tái chế và tái sử dụng rác thải đã trở thành cách sống tự nhiên như chính hơi thở đối với từng thành viên trong gia đình cô. Từ lúc còn nhỏ, hai con cô đã biết cách phân loại giấy tờ cũ rách và giấy tờ còn dùng được để vào 2 thùng riêng biệt. Lớn lên chút nữa, hai bé sau mỗi lần uống sữa, uống nước có chai nhựa đều rửa sạch, phơi khô vào cất vào nơi quy định (thùng chứa chai nhựa). Hường tâm sự: 3R đã trở thành một lối sống trong đô thị hiện đại trên thế giới. Ở Nhật, việc phân loại rác trở thành thói quen hàng ngày.
 
Tại các nước châu Âu, mỗi TP đều có một trung tâm tái chế (Recycle Centre) những đồ dùng không sử dụng được nữa. Ở Việt Nam việc phân loại rác đã được áp dụng ở một số nơi nhưng còn chưa thực sự hiệu quả. Trong lúc chờ đợi cơ quan nhà nước có những biện pháp tích cực hơn thì trong mỗi gia đình có thể thực hiện công việc này ngay tại nhà. “Thay đổi một lối sống không phải dễ nhưng nếu mọi người đều ý thức rằng đó là việc cần làm và nên làm để giúp cho môi trường sống tốt hơn, thì đều có thể làm được”.
 
Huyền Trang

Tin cùng chuyên mục

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

(PNTĐ) - Tháng 5 là tháng có ý nghĩa đặc biệt đối với cán bộ, đoàn viên và người lao động khi có Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Tháng 5 còn là Tháng Công nhân đồng thời là Tháng hành động về an toàn vệ sinh, lao động, Tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.