Không có cơ sở kết luận do vắc-xin

Chia sẻ

PNTĐ-Nhiều trẻ có hiện tượng: sốt, quấy khóc, sưng đau tại chỗ tiêm... sau khi tiêm vắc-xin ComBE Five. Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định loại vắc-xin trên đã được kiểm định an toàn.

 
 
Không có cơ sở kết luận do vắc-xin - ảnh 1
Hà Nội triển khai tiêm vắc-xin ComBE Five cho trẻ. Ảnh: Hương Thủy

Theo Bộ Y tế, vắc-xin ComBE Five là loại vắc-xin phối hợp phòng được 5 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib. Sử dụng vắc-xin phối hợp ComBE Five sẽ giảm số mũi tiêm cho trẻ, tiết kiệm thời gian cho các bà mẹ và gia đình.
 
Do vắc-xin ComBe Five có chứa thành phần ho gà toàn tế bào, nên sau khi tiêm sẽ có những phản ứng tương tự như các vắc-xin DPT-VGB-Hib và vắc-xin cũ như: sốt, sưng, nóng đỏ tại chỗ tiêm, đau, quấy khóc kéo dài. Một số phản ứng hiếm gặp như: khóc dai dẳng, co giật, giảm trương lực cơ, giảm đáp ứng, phản vệ có thể xảy ra với tỉ lệ 20/1 triệu liều. 
 
Về sự việc 2 trẻ ở Nam Định tử vong tại nhà sau tiêm chủng từ 36 - 48 tiếng, Sở Y tế tỉnh Nam Định đã tiến hành điều tra và tổ chức họp Hội đồng tư vấn chuyên môn (với sự tham gia của các chuyên gia đến từ bệnh viện Nhi Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) để đánh giá nguyên nhân. Trước đó, khi đi tiêm chủng vào ngày 25/12/2018, 2 trẻ đều được khám sàng lọc và tiêm vắc-xin ComBE Five, uống vắc-xin bại liệt tại trạm y tế, sau tiêm được theo dõi 30 phút tại trạm đúng quy định và không có biểu hiện bất thường. Sau khi về nhà, trẻ có biểu hiện sốt nhẹ, gia đình tự cho uống thuốc hạ sốt, không đưa đến cơ sở y tế.
 
Sang ngày 26/12, gia đình thấy trẻ tím tái, khó thở nên đưa cháu đến bệnh viện huyện. Tuy nhiên khi tới bệnh viện, hai cháu đã tử vong. Hội đồng đã có kết luận 2 trường hợp trẻ tử vong sau tiêm chủng trên không nghĩ đến phản vệ nặng liên quan đến vắc-xin, không liên quan đến thực hành tiêm chủng, trẻ tử vong không rõ nguyên nhân.
 
Sự việc đáng tiếc nêu trên là một bài học nhắc nhở các bậc cha mẹ không chủ quan trước những dấu hiệu bất thường của trẻ sau tiêm chủng. Cụ thể, theo hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cha mẹ cần cho trẻ ở lại 30 phút tại điểm tiêm chủng để được cán bộ y tế theo dõi và kịp thời xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra; tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng. Người theo dõi trẻ phải là người trưởng thành và biết chăm sóc trẻ; bế, quan sát trẻ thường xuyên và chú ý không chạm, đè vào chỗ tiêm; cho trẻ bú/ăn đủ bữa, đủ số lượng, đúng tư thế, không bú/ăn khi nằm…, thường xuyên kiểm tra trẻ, đặc biệt vào ban đêm; không đắp bất cứ thứ gì vào vị trí tiêm.
 
Các dấu hiệu mà cha mẹ trẻ cần theo dõi là: tinh thần; tình trạng ăn, ngủ, nhiệt độ, phát ban, biểu hiện tại chỗ tiêm (sưng, đỏ…). Nếu phát hiện bất thường về sức khỏe của trẻ: quấy khóc dai dẳng, kích thích vật vã, lừ đừ...; khó thở, rút lõm hõm ức, bụng, tím môi, thở ậm ạch; sốt cao trên 390C, khó hạ nhiệt độ, hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ; da nổi vân tím, chi lạnh; nôn trớ nhiều lần, bỏ bữa ăn, bú kém, bỏ bú; co giật; phát ban hoặc khi trẻ có biểu hiện bất thường khác khiến cha mẹ lo lắng… phụ huynh cần đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời xử trí.
 
Ngoài ra, Bộ Y tế cũng khẳng định việc tiêm vắc-xin để phòng bệnh cho trẻ là rất cần thiết. Vì thế, cha mẹ trẻ không nên hoang mang, từ chối tiêm chủng cho trẻ.
 
 
 Ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội cho biết, đến hết ngày 3/1, 14 quận/ huyện của Hà Nội đã triển khai tiêm vắc-xin ComBe Five cho 4.935 trẻ. Trong đó, 56 trẻ có phản ứng nhẹ sau tiêm với các biểu hiện sốt cao, quấy khóc, sưng nhẹ tại chỗ tiêm, không có trẻ nào có phản ứng phản vệ. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP đã yêu cầu các trung tâm y tế lập danh sách các trẻ có phản ứng sau tiêm để báo cáo hàng ngày. Đồng thời, tiếp tục theo dõi, giám sát các trường hợp có phản ứng sau tiêm trong vòng 72 giờ kể từ khi tiêm chủng.
 
 
Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

(PNTĐ) - Trong bốn năm, chị Xuân (36 tuổi) thực hiện 9 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm nhưng đều thất bại, đến chu kỳ thứ 10, chị đã được trọn vẹn ước mơ có con. “Được da kề da với con, nhìn con mỉm cười, mọi đau khổ nhiều năm qua đều trở nên nhỏ bé”, chị Xuân xúc động nói khi ôm con gái chào đời khỏe mạnh trong lòng. Nhưng để có được “kỳ tích” ấy, vợ chồng chị Xuân đã trải qua hành trình “tìm con” vô cùng gian nan và đầy kiên trì, nghị lực.
5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).