Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong bốn năm, chị Xuân (36 tuổi) thực hiện 9 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm nhưng đều thất bại, đến chu kỳ thứ 10, chị đã được trọn vẹn ước mơ có con. “Được da kề da với con, nhìn con mỉm cười, mọi đau khổ nhiều năm qua đều trở nên nhỏ bé”, chị Xuân xúc động nói khi ôm con gái chào đời khỏe mạnh trong lòng. Nhưng để có được “kỳ tích” ấy, vợ chồng chị Xuân đã trải qua hành trình “tìm con” vô cùng gian nan và đầy kiên trì, nghị lực.

Chị Đoàn Thị Mỹ Xuân kết hôn năm 2017. Sau hai năm thả tự nhiên không có thai, vợ chồng chị đi khám tại một bệnh viện ở TP Hồ Chí Minh. Mọi kết quả đều bình thường. Họ được chẩn đoán vô sinh không rõ nguyên nhân.

Với mong muốn được làm mẹ, vợ chồng chị Xuân đã lựa chọn phương pháp thụ tinh nhân tạo, bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI). Sau 2 lần không thành công, anh chị quyết định chuyển sang làm thụ tinh ống nghiệm (IVF).

Lần đầu làm IVF, khi tiêm thuốc nội tiết kích thích buồng trứng, chị lo sợ, phải nhờ chồng tiêm 12 ngày liên tục. “Tôi rất nhát đau, nhưng vì có con vợ chồng động viên nhau cố gắng”, chị Xuân nói, cho biết thêm chu kỳ IVF đó chỉ 4-5 trứng có thể thụ tinh, tạo được một phôi ngày 3 nhưng chuyển phôi thất bại.

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“ - ảnh 1

Khát khao có con, vợ chồng chị tiếp tục thực hiện thêm 7 chu kỳ IVF ở nhiều bệnh viện khác. Mỗi chu kỳ, cần tiêm thuốc kích thích buồng trứng kéo dài từ 10-12 ngày khiến chị như chai sạn, không còn sợ đau, tự tiêm được cho mình. Nhưng cả 8 chu kỳ IVF điều trị vẫn thất bại.

Đến năm 2023, cơ duyên đến với vợ chồng chị Xuân khi điều trị tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh (IVF Tâm Anh TP.HCM). Nhìn tập hồ sơ dày cộm như cuốn từ điển sau 8 lần liên tục thất bại ở các trung tâm trước đó của vợ chồng chị Xuân, ThS.BS Giang Huỳnh Như, Giám đốc IVF Tâm Anh TP.HCM xót xa.

Đặc biệt là những kết quả chọc hút buồng trứng trước đó có đến 60-70% là trứng non, số trứng trưởng thành ít ỏi còn lại chỉ nuôi được vài phôi ngày 3, gợi ý đến các yếu tố bất thường ở sự trưởng thành của trứng.

Từ nhận định ban đầu ấy, BS Như quyết định dành nhiều thời gian nghiên cứu hồ sơ, thay đổi chiến lược điều trị từ lâm sàng đến lab, vận dụng tất cả những công nghệ hiện đại nhất để tăng hy vọng có được nhiều trứng trưởng thành, nuôi được phôi ngày 5 giúp bệnh nhân tăng cơ hội có con.

Chị Xuân được tiêm thuốc kích thích buồng trứng với phác đồ phù hợp, siêu âm theo dõi sát sự phát triển nang trứng. Chuyên viên phôi học chuẩn bị trước môi trường để nuôi trứng non phát triển. 12 cụm trứng được chọc hút thành công, trong đó có 5 trứng trưởng thành, số trứng non được nuôi trong môi trường nội tiết giúp 3 trứng tiếp tục phát triển.

Kết quả thụ tinh và tạo phôi, chị Xuân có được hai phôi ngày 6. Qua hệ thống camera quan sát liên tục, đánh giá của trí tuệ nhân tạo AI và chuyên viên phôi học, quá trình phân chia của phôi có một số bất thường, được trữ đông.

Vợ chồng chị quyết định thực hiện thêm một chu kỳ IVF. Lần này, bác sĩ Như giúp chị Xuân chọc hút được 15 cụm trứng, có 6 trứng trưởng thành được thụ tinh và nuôi cấy được hai phôi ngày 5, một phôi ngày 6. Bác sĩ cũng xây dựng phác đồ chuẩn bị nội mạc tử cung đủ điều kiện cho chị Xuân, chuyển một phôi ngày 5 và đậu thai. Cuối tháng 3/2024 vừa qua, vợ chồng chị Xuân đã được thoả ước mơ khi sinh một bé gái 3,7kg, chào đời khỏe mạnh.

Sau nhiều năm tìm kiếm con liên tục thất bại, giây phút ôm con gái trong lòng, chồng chị Xuân là anh Charles Heinrichs Krahn (36 tuổi, quốc tịch Mỹ) không kìm được niềm hạnh phúc. “Thật tuyệt vời. Cảm ơn bác sĩ Như và tất cả đội ngũ nhân viên y tế, điều dưỡng của bệnh viện đã luôn tận tình hỗ trợ trong suốt khoảng thời gian của thai kỳ cho đến lúc em bé chào đời. Với tôi, hành trình có tin vui cho đến quá trình vợ mang thai và lúc em bé chào đời đều thật khó quên”, anh Charles Heinrichs Krahn hạnh phúc bày tỏ.

Với ThS.BS Giang Huỳnh Như, quá trình điều trị thụ tinh ống nghiệm cho vợ chồng chị Xuân cũng mang nhiều cảm xúc đặc biệt. “Khi chị Xuân đậu thai ngay lần đầu chuyển phôi và sinh con khỏe mạnh, chúng tôi thở phào nhẹ nhõm”, bác sĩ Như cho hay, nói thêm rằng áp lực của người bác sĩ rất lớn khi điều trị cho những bệnh nhân hiếm muộn thất bại nhiều lần như chị Xuân.

Theo bác sĩ Như, tình trạng trứng kém phát triển, trưởng thành không đồng đều như chị Xuân có thể do nhiều nguyên nhân như bẩm sinh, bệnh lý, các ảnh hưởng từ môi trường sống, chế độ sinh hoạt… Độ tuổi của phụ nữ cũng ảnh hưởng đến chất lượng trứng.

Thông thường sau tuổi 30, số lượng và chất lượng trứng bắt đầu suy giảm. Bên cạnh đó, rối loạn nội tiết tố cũng ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng, cản trở sự phát triển các nang trứng. Những phụ nữ thường xuyên gặp nhiều áp lực trong hành trình tìm con kèm theo công việc dẫn đến các vấn đều như rối loạn lo âu, stress gây ảnh hưởng đến chất lượng trứng.

Hiện nay với nhiều phương pháp hiện đại trong hỗ trợ sinh sản giúp phụ nữ tăng cơ hội có con như bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI); thụ tinh ống nghiệm (IVF); kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (ICSI) giúp tăng tỷ lệ IVF thành công; kỹ thuật nuôi trưởng thành trứng non (IVM) giúp những trường hợp trứng kém phát triển, phát triển không đồng đều tăng cơ hội có được nhiều trứng, có con bằng trứng tự thân mà không cần phải xin trứng từ người khác.

Tin cùng chuyên mục

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

Bài 1: Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu thiếu và yếu

(PNTĐ) - Tuổi thọ dân số tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội và chăm sóc sức khỏe người dân của Việt Nam. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, vui chơi giải trí,… đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đang có nhiều “khoảng trống”.
Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

Hà Nội ghi nhận thêm 8 ổ dịch tay chân miệng mới

(PNTĐ) - Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong tuần từ 19 – 26/4, toàn Thành phố ghi nhận 16 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 9 ca so với tuần trước) và 170 trường hợp mắc tay chân miệng (giảm 25 ca so với tuần trước).