Phòng khám không được cấp phép truyền dịch

Chia sẻ

PNTĐ-Ngày 7/4, trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã xảy ra sự việc một nữ công nhân (33 tuổi) tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám chuyên khoa Nội Kết Châu.

 
Ngày 7/4, trên địa bàn quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã xảy ra sự việc một nữ công nhân (33 tuổi) tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám chuyên khoa Nội Kết Châu (địa chỉ số 21 hẻm 35/69/95 phố Khương Hạ, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân). Ngay sau đó, Sở Y tế Hà Nội, Công an quận Thanh Xuân đã vào cuộc điều tra làm rõ nguyên nhân sự việc.
 
Phòng khám không được cấp phép truyền dịch - ảnh 1
Phòng khám chuyên khoa Nội Kết Châu - nơi xảy ra sự việc. Ảnh: Lê Phương

 
Theo đó, chiều tối 7/4, chị P.T.H (tạm trú tại phường Khương Đình) bị tụt huyết áp nên được người thân đưa đến phòng khám Kết Châu. Qua kiểm tra, bác sĩ Dương Văn Kết (phụ trách chuyên môn phòng khám Kết Châu) đã truyền nước cho bệnh nhân. Tuy nhiên, trong quá trình truyền nước, bệnh nhân không may tử vong.
 
Theo báo cáo của Phòng Y tế quận Thanh Xuân và tường trình của ông Dương Văn Kết: Nữ bệnh nhân đến phòng khám trong tình trạng cơ thể mệt lả, 2-3 ngày không ăn được gì, có tiền sử hay bị tụt huyết áp. Sau khi khám thấy tim, phổi bình thường, đo huyết áp 95/60 mmHg, mạch 72 lần/phút, bệnh nhân được chẩn đoán bị suy nhược cơ thể, tụt huyết áp. Để điều trị, bác sĩ Kết đã truyền cho bệnh nhân 1 chai Natri Clorid 0,9% (500 ml) do công ty TNHH B.Braun Việt Nam sản xuất. Sau khi truyền xong trong vòng 1h, tình trạng bệnh nhân có khá hơn.
 
Tuy nhiên, sau khi bệnh nhân yêu cầu bác sĩ truyền thêm chai đạm để tăng sức khỏe, đồng thời qua xem xét tình trạng bệnh nhân, ông Kết tiếp tục truyền 1 chai Alvesin 40 (250 ml) sản xuất tại CHLB Đức. Sau truyền khoảng 5-10 phút, hết khoảng 1/5 chai đạm, bệnh nhân thấy ngứa nên ông Kết dừng truyền đạm, chuyển sang chai Natri Clorid 0,9% (500 ml) để duy trì đường truyền, tiến hành cấp cứu bệnh nhân: tiêm bắp 1 mũi Dimedrol 10 mg/ml, đồng thời cho bệnh nhân thở oxy 4-5 lít/phút. Bệnh nhân có dấu hiệu tức ngực, khó thở, nôn 3 lần.
 
Thấy tình trạng bệnh nhân không tiến triển, ông Kết tiến hành tiêm, truyền Adrenalin 1mg/1ml (loại được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để điều trị các phản ứng dị ứng nghiêm trọng); đồng thời bệnh nhân được ép tim kết hợp với bóp bóng Ambu, tỷ lệ 4:1. Tổng số Adrenalin ông Kết đã dùng cho bệnh nhân là 22 ống. Tuy nhiên, tình trạng vẫn xấu đi, bệnh nhân tím tái và ngừng thở, ngừng tim vào hồi 20h30 tại phòng khám. 20h35 phút xe cấp cứu 115 đến xác định bệnh nhân đã tử vong.
 
Được biết, ông Dương Văn Kết - người chịu trách nhiệm chuyên môn, kỹ thuật của phòng khám chuyên khoa Nội Kết Châu nguyên là Phó khoa Nội, bệnh viện Hữu Nghị (đã nghỉ hưu 5 năm), có chuyên môn cao. Phòng khám đã được cơ quan y tế cấp giấy phép hoạt động từ năm 2015 trong lĩnh vực chuyên khoa nội, siêu âm. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh, phòng khám không được thực hiện tiêm truyền. Bởi vậy, việc phòng khám tự ý truyền dịch cho bệnh nhân là vượt quá phạm vi hoạt động.
 
Hiện tại, Công an quận Thanh Xuân đang thụ lý toàn bộ hồ sơ, giấy phép, trang thiết bị của phòng khám để phục vụ công tác điều tra.
 
Ông Nguyễn Quang Trung - Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân (Sở Y tế Hà Nội) cho biết: Ngay khi sự việc xảy ra, cán bộ của Sở Y tế đã có mặt tại phòng khám để làm rõ sự việc. Nguyên nhân ban đầu được xác định là bệnh nhân bị sốc phản vệ sau khi truyền đạm. Tới đây, khi có kết quả xét nghiệm tử thi, kết luận của Công an, các cơ quan mới có hình thức xử lý tiếp theo.
 
Ngay trong chiều 8/4, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà đã ký ban hành quyết định số 607/QĐ-SYT về việc đình chỉ hoạt động khám, chữa bệnh của Phòng khám chuyên khoa Nội Kết Châu để phục vụ công tác điều tra. 
 
Đây không phải trường hợp đầu tiên bị tử vong khi truyền dịch tại phòng khám chuyên khoa tư nhân. Điển hình như vụ việc bé N.G.B (22 tháng tuổi, ngụ tại Gia Lâm, Hà Nội) tử vong sau khi truyền dịch điều trị tiêu chảy tại phòng khám chuyên khoa Nội của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc (địa chỉ tại 392 Ngô Gia Tự, Q. Long Biên, Hà Nội) ngày 16/10/2018.
 
Những trường hợp trên không chỉ là lời cảnh báo về thói quen sử dụng biện pháp tiêm truyền như một “cứu cánh” mỗi khi ốm, sốt hoặc cơ thể mệt mỏi của người dân; mà còn phản ánh thực trạng không ít phòng khám tư nhân hiện nay vẫn ngang nhiên vượt quá phạm vi hoạt động được cấp phép, tự ý tiến hành tiêm truyền cho bệnh nhân.
 
Sau mỗi sự việc, Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trong và ngoài công lập tăng cường rà soát quy trình, quy chế chuyên môn trong hoạt động khám chữa bệnh; đề nghị UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động y tế ngoài công lập, xử lý cơ sở vi phạm… Tuy nhiên, tình trạng này đến nay vẫn chưa được giải quyết triệt để, gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc.
 
 
Yên Hưng 

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.