Làm đám cưới giả để định cư ở Mỹ - Coi chừng chuốc họa

Chia sẻ

PNTĐ-Mới đây, 96 người ở Texas đã bị đưa ra tòa vì tham gia đường dây làm đám cưới giả nhằm lấy thẻ xanh của Mỹ cho người Việt Nam.

 
Đây không phải là đường dây đầu tiên chuyên làm đám cưới giả và Việt Nam cũng không phải là nước duy nhất có người muốn vào Mỹ định cư bằng con đường phi pháp này.
 
Cô dâu đứng giữa một quầy bar đông người ở Manhattan với người chồng mới, tươi tắn trong bộ quần áo trắng. Xung quanh là gia đình và bạn bè tập trung chúc mừng đôi uyên ương.
 
Với người ngoài, dường như đây chỉ là một đám cưới bình thường ở New York. Nhưng, với những người trong cuộc, đây là một màn kịch được dàn dựng kỹ lưỡng. Ở đó, cô dâu đã trả chú rể 10.000USD để trao nhẫn cưới cho mình.
 
Đối mặt với một chính quyền Mỹ chống nhập cư thời Tổng thống Donald Trump, ngày càng nhiều người nhập cư muốn tránh rủi ro bị trục xuất bằng cách làm đám cưới giả. Vũ khí đối phó của Chính phủ Mỹ là một bộ câu hỏi khó tới mức mà ngay cả những cặp vợ chồng thực sự cũng phải nỗ lực nếu muốn vượt qua.
 
Công dân Mỹ đối mặt với án tù 5 năm và khoản phạt 250.000 USD nếu bị kết tội làm đám cưới giả. Vợ/chồng hờ của họ sẽ bị trục xuất.
 
Tuy nhiên, nhiều người nhập cư cho biết đám cưới là con đường duy nhất để họ được sống tại Mỹ, đặc biệt là với những ai từng sống bất hợp pháp ở Mỹ trong nhiều năm.
 
Làm đám cưới giả để định cư ở Mỹ - Coi chừng chuốc họa - ảnh 1
Một đám cưới giả vì mục đích nhập cư ở New York

 
Cynthia, cô dâu trong quán bar ở Manhattan nói trên, đã quyết định lấy người bạn tên Moses sau khi đi đi về về giữa Anh và New York, cứ ba tháng lại chuyển nhà một lần để tránh quá hạn visa du lịch. Trong khi đó, cô vẫn phải xây dựng sự nghiệp thiết kế thời trang.
 
Sau khi thấy nhiều người xung quanh cùng cảnh ngộ đã kết hôn với bạn bè, Cynthia đã quyết định đó là lựa chọn duy nhất của mình. Sau vài tháng đề nghị Moses, anh này đồng ý giúp.
 
Cynthia nói: “Việc này vô cùng phổ biến. Tôi biết có người làm đám cưới giả và có người cũng đề nghị tôi lấy họ như vậy”.
 
Cặp đôi kết hôn tại Tòa thị chính New York. Đám cưới cũng có thợ ảnh để chớp lại khoảnh khắc làm bằng chứng.
 
Tuy nhiên, đằng sau đám cưới, một bài kiểm tra khó khăn đang chờ Cynthia và Moses: một cuộc phỏng vấn với nhân viên nhập cư. Trong đó, cặp đôi bị hỏi dồn dập một bộ câu hỏi nhằm tìm cách vạch trần những người muốn đùa cợt với hệ thống nhập cư ở Mỹ. 
 
Những câu hỏi kiểu như: Vợ/chồng bạn nằm ở bên nào giường khi ngủ? Vợ/chồng bạn có bị dị ứng không? Nhà bạn gom rác vào ngày nào? Vợ/chồng bạn nói điều gì khi cầu hôn bạn?...
 
Nếu cặp đôi trả lời sai hơn 3 câu hỏi, họ sẽ bị gọi lại để phỏng vấn lần 2. Họ sẽ bị tách riêng và bị phỏng vấn hàng giờ liền.
 
Các cặp đôi cũng được đề nghị cung cấp bằng chứng về tài khoản ngân hàng chung, ảnh các kỳ nghỉ cùng nhau, tin nhắn trong nhiều năm, hợp đồng thuê nhà với tên cả hai người…
 
Dưới thời Tổng thống Trump, bài kiểm tra này còn trở nên khó khăn gấp bội.
 
Đám cưới với một công dân Mỹ đôi khi được gọi là “lỗ hổng vàng”, một con đường giúp định cư lâu dài ở Mỹ ngay cả khi trước đó người này sống bất hợp pháp ở Mỹ. Một trong số đó là Esteban, một người Venezuela gốc Đức tới New York bằng visa du lịch 2 tháng năm 2012 và sống bất hợp pháp ở đây từ đó tới giờ.
 
Anh xây dựng cuộc sống ở Mỹ và đầu tư toàn bộ tiền tiết kiệm vào một quán bar. Ở quá hạn visa du lịch nghĩa là anh không đủ điều kiện để xin cấp loại visa nào khác, vì thế anh không thể rời Mỹ khi bố ở Venezuela bị đột quỵ. Một người bạn gái thân đã đề nghị kết hôn với Esteban với giá 10.000 USD. Esteban giờ phải chờ hai năm để đủ điều kiện xin thẻ xanh. Trong khi đó, nếu kết hôn, anh sẽ có thẻ định cư lâu dài nhưng phải qua kỳ phỏng vấn cùng vợ mới.
 
Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) coi gian lận hôn nhân là một rủi ro an ninh quốc gia nghiêm trọng và cam kết dùng nhiều nguồn lực để chống lại tình trạng này. Chính phủ Mỹ đã thiết lập 29 đội đặc nhiệm khắp nước để chống các âm mưu gian lận, trong đó có đám cưới giả. 5 đội đặc nhiệm nữa được thành lập trong năm tài chính 2017.
 
Phát ngôn viên của Bộ An ninh Nội địa nói: “Gian lận hôn nhân tạo ra tình trạng dễ bị tổn thương có thể khuyến khích khủng bố, tội phạm và người nước ngoài bất hợp pháp tìm cách vào Mỹ và ở lại dưới vỏ bọc hợp pháp”.
 
Năm 2017, Bộ An ninh Nội địa đã thực hiện 1.912 cuộc điều tra gian lận giấy tờ và lợi ích, thực hiện 1.176 vụ bắt giữ và nhận được 758 bản án liên quan gian lận lợi ích và giấy tờ. Ít nhất một phụ nữ đã bị tù 2 năm vì gian lận hôn nhân.
 
 
Dương Thùy (theo SMH)

Tin cùng chuyên mục

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.