Hà Nội đẹp từ những làn điệu dân gian

Chia sẻ

PNTĐ-Hà Nội – Thủ đô 1.000 năm văn hiến, nay có thêm văn hóa xứ Đoài hòa quyện càng tạo thêm sự trù phú về các món ăn tinh thần cho du khách thập phương.

 
Hà Nội được vinh danh là thành phố vì hòa bình năm 1999, khi đó chưa bao gồm tỉnh Hà Tây. Mãi sau này, năm 2008, Hà Tây mới sáp nhập vào Thủ đô và văn hóa xứ Đoài vốn đã gần gũi, gắn bó nay càng hòa quyện vào văn hóa Thăng Long. Trong suốt 11 năm về với Hà Nội, những làn điệu dân gian ở ngoại thành thực sự đã làm phong phú thêm bản sắc đất Tràng An, góp phần thúc đẩy và gìn giữ văn hóa dân tộc.
 
Hà Nội đẹp từ những làn điệu dân gian - ảnh 1
Văn hóa dân gian làm phong phú thêm bán sắc đất Tràng An

 
Không phải ai cũng biết đến các làn điệu dân ca cổ truyền vẫn đang được bảo tồn khẩn cấp tại các làng quê xứ Đoài mà nay là ngoại thành Hà Nội. Ví như ca trù ở làng Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, nơi đây được coi là cái nôi của ca trù với hai người nghệ nhân  đang còn sống là cụ Nguyễn Thị Vượn và cụ Nguyễn Thị Khướu.
 
Cụ Khướu và cụ Vượn năm nay đều đã trên 90 tuổi, đều là gạo cội của ca trù cổ, giờ giọng hát đã yếu nhưng vẫn tâm huyết truyền nghề cho lớp trẻ và những ai đam mê.
 
Còn điệu hát trống quân đi sâu vào lòng người mỗi khi đến mùa vụ nông nghiệp, chắc cũng không mấy người biết điệu hát đang được bảo tồn khẩn cấp tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín, nghệ nhân hát trống quân duy nhất còn sống là cụ Nguyễn Thị Vẫy năm nay cũng đã 90 tuổi.
 
Lối hát trống quân có nhiều nét đặc trưng của văn hóa nông nghiệp đó là cứ đến khi trăng đầu tháng nhô khỏi lũy tre làng, người dân sống dọc hai bờ sông Nhuệ và Tô Lịch, đặc biệt là các tốp nam thanh nữ tú lại rủ nhau ra ven bờ hát đối đáp. Để hát được trống quân, người hát phải có chất giọng tốt, cao, tròn vành, rõ tiếng. Mỗi nhóm tham gia thường có từ 5 đến 7 người. Nam mặc bộ quần áo nâu tươi, đầu quấn khăn lưỡi rìu, nữ mặc váy nâu, áo cánh nâu bên ngoài, đầu quấn khăn nhung đen. 
 
Ngược lên mạn phía Tây Hà Nội, quê hương người gái đảm Đan Phượng có làn điệu chèo tàu ở xã Tân Hội rất nổi tiếng. Chèo tàu ở đây không phải là hát chèo mà là hát khi chèo tàu, chèo thuyền, đó là những điệu hát dân gian đặc trưng của vùng sông nước, về sau chèo tàu cũng chỉ duy nhất có ở xã Tân Hội.
 
Nguồn gốc của hội hát chèo tàu ở Tân Hội là để tưởng nhớ tướng Văn Dĩ Thành (1380 - 1416), người đã có công đánh đuổi quân Minh xâm lược nước ta. Khi tướng Văn Dĩ Thành qua đời năm 1416, ông được nhân dân địa phương tôn làm Thành Hoàng Tổng Gối, nay là xã Tân Hội, Đan Phượng, người dân kết hợp các làn điệu dân ca có sẵn để tạo ra một lễ hội tưởng nhớ ông. 
 
Các loại hình diễn xướng trên mang đậm bản sắc dân tộc nằm ở vùng ngoại thành đang rất cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Những câu lạc bộ ở làng tuy là xương sườn để gìn giữ nhưng chưa đủ, cần phải có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý văn hóa, giáo dục để đưa làn điệu dân gian được phổ biến rộng rãi hơn nữa, để các nghệ nhân già không còn cô độc trên các chiếu diễn. Như chèo tàu 25 năm mới tổ chức được một hội lớn, ca trù Chanh Thôn thì gần như không còn diễn xướng tại chính Chanh Thôn nữa, hay hát trống quân chỉ còn các cụ già đã ở tuổi thất tuần…
 
Để có thể lan tỏa hơn nữa, Thành phố có thể xây dựng các tour du lịch diễn xướng dân gian ở ngoại thành, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Đồng thời, tăng cường sự hiện diện hình ảnh của các loại hình diễn xướng dân gian tại nơi công cộng, có bản đồ chỉ dẫn địa điểm cũng như giới thiệu chung về loại hình đó. Thiết kế các tuyến xe buýt đến các làng cổ, làng gìn giữ để thuận tiện cho việc đi lại cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội ở khu vực ngoại thành.
 
Các địa phương cũng cần chủ động phổ biến làn điệu ngay tại địa phương mình như đưa vào chương trình dạy học âm nhạc trên lớp, nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng, tổ chức cuộc thi để tìm kiếm và bồi dưỡng các em có năng khiếu…
 
Trong việc bảo tồn và phát triển các loại hình diễn xướng dân gian, chúng ta cần bảo tồn một cách tổng thể cả không gian diễn xướng, xuất xứ, làn điệu cổ, nghệ nhân và tích cổ chứ không nên sân khấu hóa, hiện đại hóa dễ làm mất bản sắc gốc vốn có.
 
Bảo tồn và phát triển du lịch là hai nhiệm vụ gắn chặt và không tách rời nhau, đặc biệt trong thế giới phẳng các giá trị văn hóa truyền thống bị cạnh tranh gay gắt với văn hóa công nghệ số. Hà Nội – Thủ đô 1.000 năm văn hiến, nay có thêm văn hóa xứ Đoài hòa quyện càng tạo thêm sự trù phú về các món ăn tinh thần cho du khách thập phương. 20 năm Thành phố vì hòa bình, 1 chặng đường không quá dài nhưng đủ để Hà Nội ở mãi trong trái tim những người yêu Hà Nội.
 
Nguyễn Văn Công

Tin cùng chuyên mục

Cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam trao tặng quà và học bổng cho Hội LHPN Hà Nội

Cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam trao tặng quà và học bổng cho Hội LHPN Hà Nội

(PNTĐ) - Sáng 08/5/2024 tại Hà Nội, Công ty Sen Vàng tổ chức Họp báo công bố lịch trình cuộc thi Hoa hậu Quốc gia Việt Nam. Tại buổi họp báo, cuộc thi đã trao tặng 100 phần quà và 20 triệu đồng gây quỹ học bổng cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hà Nội cùng kế hoạch buổi chia sẻ truyền cảm hứng dành cho phụ nữ Hà Nội. Đại diện Hội LHPN Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Phạm Thị Thanh Hương đã đón nhận món quà ý nghĩa này.