“Đường nở hoa” ven bờ sông Nhuệ

Chia sẻ

PNTĐ-Bà Nguyễn Thị Vân Bằng đã góp công dọn rác, làm sạch đoạn đường sông Nhuệ, qua đó góp phần xây dựng cảnh quan đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp.

 
Bà Nguyễn Thị Vân Bằng là Chi hội trưởng Phụ nữ, Tổ trưởng tổ dân phố số 19, phường Phúc La, quận Hà Đông. Bà đã góp công dọn rác, làm sạch đoạn đường sông Nhuệ, qua đó góp phần xây dựng cảnh quan đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp.
 
“Đường nở hoa” ven bờ sông Nhuệ - ảnh 1
Bà Vân Bằng (bên phải) trong một ngày thứ 7 Xanh tại con đường hoa bên bờ sông Nhuệ

 
Tổ dân phố 19 là khu dân cư rất đặc thù của Hà Nội, gồm 9 tòa nhà chung cư cao tầng, có khoảng 2.400 hộ dân với 10.000 nhân khẩu. Đây là đơn vị hành chính có số dân đông nhất của quận Hà Đông và nằm trong top đầu của TP. Tổ dân phố 19 cũng có đoạn sông Nhuệ chảy qua, ngăn cách một bên là khu Nam Xa La gồm 5 tòa nhà chung cư cao tầng và bên còn lại là các tổ hợp 4 khu nhà chung cư khác.
 
Với lợi thế này, lẽ ra đoạn sông Nhuệ có tác dụng như “điều hòa không khí” tự nhiên, mang lại bầu không khí trong lành và cảnh quan đẹp cho môi trường đô thị nơi đây.  
 
Thế nhưng, tình trạng đổ rác thải sinh hoạt, phế thải xây dựng tràn lan, đặc biệt là ven bờ sông Nhuệ khiến nơi đây thành một bãi rác khổng lồ, ảnh hưởng rất lớn tới đời sống nhân dân trên địa bàn. Bãi rác lan rộng ra hành lang đê khiến chẳng còn ai dám đi qua đoạn đường này.
 
Bà Vân Bằng nhớ lại. “Lo sợ bãi rác quá lớn sẽ lấp dòng chảy của con sông, chúng tôi cũng đã bàn nhau tìm kiếm nhiều giải pháp như vận động người dân không vứt rác bừa bãi nhưng họ chỉ chấp hành một thời gian đầu, rồi đâu lại vào đấy, kể cả khi đã treo biển cấm, dân phòng đi tuần tra ban đêm để tránh việc đổ trộm phế thải xây dựng nhưng không giải quyết triệt để.
 
Năm 2017, dịch sốt xuất huyết bùng phát mạnh tại khu vực này, cả tổ dân phố và hội phụ nữ cùng vào cuộc, dọn vệ sinh hàng tuần mới có thể giải quyết được phần nào nhưng không thể loại bỏ được mùi xú uế ám quanh khu dân cư, nhất là trong những ngày hè nắng nóng”.
 
Cách đây hơn 1 năm, bà Vân Bằng làm đơn đề nghị với UBND phường được cải tạo lại con đường ô nhiễm nặng này. Sau khi được phường đồng ý, một mặt bà cùng chị em tổ chức tuyên truyền, vận động, thuyết phục nhân dân cùng tham gia, hỗ trợ kinh phí để trả lại không gian sạch đẹp cho khu dân cư; mặt khác tìm kiếm, huy động thêm các nguồn kinh phí xã hội hóa để hỗ trợ việc xúc, di chuyển đống rác thải về nơi xử lý.
 
“Việc thuyết phục người dân chung sức đồng lòng không dễ dàng bởi dân cư sinh sống tại các chung cư cao tầng đa số là gia đình trẻ còn mải mê với cơm áo gạo tiền. Có tòa chung cư chưa có Ban quản trị nên khi có việc cần thông báo tình hình chung của khu dân cư gặp nhiều khó khăn. Rất nhiều cuộc họp kéo dài từ sáng tới đầu giờ chiều. Cuối cùng, nhờ được động viên, giải thích thỏa đáng, nhiều người dân đã hiểu và chia sẻ, gánh vác việc cộng đồng”, bà Vân Bằng kể lại.
 
Khối lượng rác thu gom trên đoạn đường ven sông Nhuệ chảy qua tổ dân phố 19 chỉ có 800m nhưng sau gần 2 tháng cải tạo, đã có hơn… 5 tấn rác thải, phế liệu xây dựng được xe chuyên dụng chở đi. Rác di chuyển đi đến đâu, chị em cùng bà con trong tổ dân phố 19 dọn dẹp, cải tạo, xóa hết chân rác rồi trồng cây hoa chiều tím.
 
“Con đường hoa” dài gần 1km, rộng 2m đã hình thành và trở thành điểm sáng của phường Phúc La, có sức lan tỏa trong phong trào xây dựng đô thị “Xanh, Sạch, Đẹp”. Ngày thứ 7 hàng tuần ở tổ dân phố 19 không chỉ là ngày ra quân tổng vệ sinh môi trường mà đã trở thành “Ngày thứ 7 xanh” để chị em lại cùng nhau dọn dẹp vệ sinh đường phố, chăm sóc cây, giữ gìn cảnh quan môi trường. Điều quan trọng hơn, từ ngày con đường hoa, người dân đều được nâng cao ý thức cộng đồng. 
 
Quỳnh Anh

Tin cùng chuyên mục

Đừng để thiếu kiến thức sức khỏe tình dục làm tăng lây nhiễm HIV

Đừng để thiếu kiến thức sức khỏe tình dục làm tăng lây nhiễm HIV

(PNTĐ) - Chủ đề của Ngày Thế giới phòng, chống AIDS và Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm nay nhấn mạnh vai trò sáng tạo và tầm quan trọng của những đóng góp của cộng đồng người sống với HIV, người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV và chịu ảnh hưởng bởi HIV vào các nỗ lực chung của quốc gia nhằm khống chế dịch HIV và thực hiện các mục tiêu quốc gia về chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030, để HIV và AIDS sẽ không còn là một mối nguy cho sức khỏe cộng đồng.