Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Chưa đủ tính thuyết phục

Chia sẻ

PNTĐ-Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi) đang thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động và nhiều ý kiến tranh luận “nảy lửa” tại nghị trường.

 
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi) được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, thu hút sự quan tâm của đông đảo người lao động (LĐ) và nhiều ý kiến tranh luận “nảy lửa” tại nghị trường. 
 
Tuổi thọ tăng, tuổi hưu “dậm chân tại chỗ”
 
Ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH đã nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến tính cấp thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu. Theo lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH, hiện nay tuổi thọ của người Việt Nam đã tăng lên nhiều nhưng tuổi nghỉ hưu vẫn… “dậm chân tại chỗ” từ năm 1961. Vì thế, tuổi nghỉ hưu ở mức 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam được đánh giá là thấp, nhất là đối với nữ giới, dẫn tới thời gian tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) ngắn. Số năm đóng góp trung bình đối với nam là 28, nữ 23 nhưng thời gian người LĐ hưởng chế độ hưu trí dài.
 
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Chưa đủ tính thuyết phục - ảnh 1
Những ngành nghề lao động đặc thù như thợ mỏ, công nhân dệt may, da giầy cần được nghỉ hưu sớm

 
Theo BHXH Việt Nam, số năm hưởng lương hưu bình quân của người LĐ là 19,5 năm, trong đó nam là 16,1 năm và nữ 22,9 năm; nhưng với số năm người LĐ đóng BHXH khi còn công tác (trung bình là 28 năm với nam và 23 năm với nữ) thì chỉ đủ chi trả cho chính người đó trong vòng 10 năm. Thời gian hưởng lương hưu còn lại (khoảng 9,5 năm) phải lấy từ nguồn đóng góp, chia sẻ của các thế hệ sau. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố năm 2012, nếu không sớm thực hiện cải cách thì đến năm 2034, quỹ hưu trí của Việt Nam sẽ bị thâm hụt…
  
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Chưa đủ tính thuyết phục - ảnh 2

Từ thực tế trên, khi xây dựng dự thảo sửa đổi bộ Luật Lao động năm 2012, Bộ LĐ-TB&XH đã bổ sung quy định tăng tuổi nghỉ hưu. Do đây là vấn đề khó, nhạy cảm, tác động trực tiếp đến nhiều nhóm đối tượng trong xã hội, trong hơn 5 năm qua, Bộ LĐ-TB&XH tiếp thu rất nhiều các ý kiến đóng góp, chỉnh sửa các phương án và đến cuối tháng 4 vừa qua, cơ quan soạn thảo đã chốt lại 2 phương án tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 7.
 
Theo đó, phương án 1: Kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu với nam là đủ 60 tuổi 3 tháng, với nữ là đủ 55 tuổi 4 tháng; cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam và 4 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2: kể từ ngày 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu với nam là đủ 60 tuổi 4 tháng, với nữ là đủ 55 tuổi 6 tháng; cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng với nam và 6 tháng với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
 
Cân nhắc đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu
 
Tại kỳ họp thứ 7 đang diễn ra, cơ quan soạn thảo đã trình hồ sơ dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi) khá dày dặn và công phu. Hai phương án được “chốt” trước khi trình Quốc hội đã được xây dựng theo lộ trình chậm, tránh gây sốc cho thị trường lao động. Mặc dù đồng tình với chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu, vẫn có nhiều ý kiến chưa đồng thuận, nhất trí cao với các phương án cơ quan soạn thảo đưa ra, nhất là việc tăng tuổi nghỉ hưu với LĐ nữ. 
 
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Chưa đủ tính thuyết phục - ảnh 3

 
Bà Đàm Thị Vân Thoa, Phó Ban Chính sách - pháp luật của Hội LHPN Việt Nam cho biết: Tăng tuổi hưu với nữ đồng nghĩa với việc tăng cơ hội để chị em được làm việc, cống hiến nhưng trên thực tế, qua khảo sát nghiên cứu ở 5 tỉnh Tây Nguyên và một số tỉnh đồng bằng, hầu hết người LĐ muốn nghỉ hưu sớm.
 
Trong dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi), cơ quan soạn thảo đưa ra quy định một số nhóm công việc, nghề nghiệp đặc biệt được nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi song cần lưu tâm đến nhóm LĐ đặc thù như giáo viên mầm non, công nhân… - những công việc vốn có sự khác biệt giữa tuổi nghề và tuổi làm việc. Vì vậy, tuổi nghỉ hưu của nhóm LĐ đặc thù cần được tiếp cận dưới 2 góc độ: Cơ hội được cống hiến, quyền được nghỉ hưu sớm và được cơ quan soạn thảo làm rõ trong dự thảo.
 
Việc tăng tuổi hưu, theo bà Đàm Thị Vân Thoa nên áp dụng cho nhóm nữ LĐ công tác trong các cơ quan nhà nước hoặc các ngành nghề LĐ tay nghề cao, bởi theo quy định như hiện nay, rất nhiều cán bộ nữ ở các tỉnh cứ 45 tuổi đã phải ra khỏi quy hoạch, hạn chế cơ hội phấn đấu. Còn với các đối tượng khác, nếu ưu tiên cho phụ nữ thì nên cho họ quyền ưu tiên là được phép nghỉ sớm hơn. 15 nước trên thế giới hiện đang áp dụng cho phụ nữ quyền được nghỉ linh hoạt, được nghỉ trước tuổi, và coi như đó là được ưu tiên.
 
ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Nai) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ đối tượng tăng tuổi hưu và đối tượng nào không tăng. “Trình bày tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH có đề cập đến việc người LĐ được quyền nghỉ hưu sớm nhưng coi lại dự thảo Bộ Luật lao động sửa đổi, quyền nghỉ hưu sớm trước 5 tuổi được áp dụng với những người LĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại nhưng còn những trường hợp không đủ điều kiện sức khỏe, tuổi tác để tiếp tục làm việc thì chưa được đề cập” - ĐB Phạm Văn Hòa nói.  
 
Cần xem xét trong tổng thể chính sách 
 
Đại diện cho khối doanh nghiệp sử dụng nhiều LĐ, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) cho rằng trong nhiều ngành kinh tế tư nhân, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều LĐ phổ thông thì cả người LĐ và doanh nghiệp đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.
 
“Tỷ lệ lao động ngành thủy sản, dệt may hoặc da giày… chờ đủ tuổi và số năm đóng BHXH để nghỉ hưu theo quy định là không nhiều. Hầu hết người LĐ trong ngành công nghiệp hoặc ngành sản xuất chỉ tham gia BHXH trong một giai đoạn nhất định, nhiều người chỉ làm được 5-10 năm là nghỉ, rất ít người tham gia đóng BHXH được 10-20 năm” - ông Nam nói. 
 
Với những trường hợp trên, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) lo ngại, việc tăng tuổi nghỉ hưu chắn chắn sẽ tác động gia tăng số người nhận trợ cấp 1 lần. Nếu không có bước đi thận trọng, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ là “gậy ông đập lưng ông”. Quỹ BHXH sẽ không bền vững hơn, mà còn có nguy cơ mất cân đối cao hơn.
 
“Tăng tuổi nghỉ hưu phải đồng thời sửa đổi các chế độ, chính sách như linh hoạt rút ngắn thời gian hưởng BHXH từ 20 năm, sau này có thể giảm xuống 15 năm, thậm chí 10 năm; Cần xây dựng chính sách đào tạo để người LĐ vẫn có thể ở lại và tìm kiếm việc trong khu vực có quan hệ LĐ”.
 
 
 Cần bảo đảm quyền nghỉ hưu sớm cho người Lao Động
 
Bên lề kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã trao đổi quan điểm về quy định tăng tuổi nghỉ hưu được đề cập đến trong dự thảo bộ Luật Lao động (sửa đổi).
  
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Chưa đủ tính thuyết phục - ảnh 4
Ông Ngọ Duy Hiểu - Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, 
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, về quan điểm chung, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu đối với cả nam và nữ, bảo đảm có lộ trình và thu hẹp dần khoảng cách về giới. Tuy nhiên, theo ý kiến của đông đảo người lao động, cần phải cân nhắc kỹ đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực lao động và có cơ chế linh hoạt, bảo đảm quyền nghỉ hưu sớm.
 
Các ý kiến đề xuất có thể tăng tuổi nghỉ hưu đối với tất cả công chức, phần lớn viên chức và một bộ phận lao động ở khu vực doanh nghiệp. Số còn lại cần được nghỉ hưu sớm và số năm được nghỉ hưu sớm có thể từ 5 - 10 năm. Ngoài đối tượng bị suy giảm khả năng lao động, làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, phải đặc biệt chú ý đến lao động ở một số công việc, nghề đặc biệt, nhất là người lao động trực tiếp ở những ngành thâm dụng lao động, nghề mà họ không thể phát huy hiệu quả lao động khi lớn tuổi như giáo viên mầm non, tiểu học, nghệ sĩ xiếc, vận động viên thể thao… Chính phủ cần trình kèm dự thảo Nghị định quy định các nghề, công việc được nghỉ hưu sớm.
 
Bên cạnh đó, phải đánh giá kỹ, toàn diện tác động của việc tăng tuổi nghỉ hưu, mặc dù đây là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Phải đặt tăng tuổi nghỉ hưu với vấn đề phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng, của tình trạng người trẻ chưa có việc làm còn nhiều; của tâm lý, động lực làm việc của người lớn tuổi; của mong muốn, nhu cầu sử dụng lao động trẻ hay lao động lớn tuổi của người sử dụng lao động; của sức khỏe người lao động, môi trường làm việc và đặc thù nghề nghiệp (phần lớn lao động ở nước ta hiện nay là lao động thủ công, cơ bắp, dùng sức người).
 
 
 
 
GS.TS.NGƯT Nguyễn Thị Hoàng Yến, chuyên gia cao cấp học viện quản lý giáo dục:
Cần linh hoạt để người lao động tự quyết
 
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Chưa đủ tính thuyết phục - ảnh 5

 
Tôi ủng hộ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu vì xu hướng tăng tuổi thọ và già hóa dân số ở Việt Nam trong tương lai sẽ gây nguy cơ quá tải và vỡ quỹ BHXH. Tuy nhiên, theo tôi nên có quy định một khoảng tuổi về hưu nói chung cho cả 2 giới, không phân biệt nam - nữ. Bên cạnh đó, cần có cơ chế linh hoạt cho những người tự nguyện có nhu cầu nghỉ hưu hoặc người muốn tiếp tục làm việc nếu họ vẫn có khả năng đóng góp và cơ sở tiếp nhận có nhu cầu giữ người lao động ở lại.
 
Bản thân tôi, đến tuổi nghỉ hưu, không cảm thấy buồn bực, tiếc nuối gì mặc dù tôi thấy mình chín muồi về cả chuyên môn lẫn kinh nghiệm quản lý. Tôi đã làm các thủ tục nghỉ quản lý và được Học viện Quản lý giáo dục mời về tiếp tục làm chuyên gia cao cấp. Tới nay, tôi vẫn vừa lên lớp, vừa hướng dẫn  học viên cao học và nghiên cứu sinh, vừa làm nghiên cứu và tham gia các tổ chức chuyên môn và xã hội, tham gia vào các hoạt động thiện nguyện... Tôi cảm thấy mình sau nghỉ hưu vẫn có nhiều cơ hội tiếp tục phát triển bản thân, vừa giúp ích được cho đời và mọi người. 
 
 
TS Nguyễn Thị Kim Thu, Trưởng khoa Dược, Bệnh viện Da liễu Trung ương:
Nên tính đến đặc thù ngành nghề chất lượng cao
 
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Chưa đủ tính thuyết phục - ảnh 6

 
Theo tôi, người lao động ở một số ngành nghề đặc thù như Y, Dược có quá trình đào tạo và tích lũy dài, nên được kéo dài tuổi về hưu để không gây lãng phí tài nguyên. Đơn cử như với ngành Y, người học phải trải qua 9 năm đào tạo, từ học đại học đến lúc tốt nghiệp bác sĩ nội trú. Cùng quãng thời gian đó, nhiều bạn trẻ học các ngành, nghề khác đã đi làm, thậm chí đảm nhiệm vị trí trưởng, phó phòng. Chưa hết, bác sĩ nội trú còn phải tiếp tục rèn nghề, qua đào tạo chuyên khoa 2, tiến  sĩ… Như vậy, để có thể đào tạo được một bác sĩ giỏi cần thời gian trên 12 năm. Đến ngưỡng tuổi 35, 38 bác sĩ đó cũng mới chững chạc, đạt độ chín tương đối về nghề. Nếu 55 tuổi đã nghỉ hưu (với nữ), có thể thấy thời gian bác sĩ cống hiến ngắn, trong khi đào tạo lại dài. 
 
Tuy nhiên, kéo dài tuổi hưu nên tránh nguy cơ “người già” làm mất cơ hội của người trẻ. Cần có sự đánh giá nhu cầu nhân lực, tính toán hợp lý giữa “đầu ra” và “đầu vào”, không nên đào tạo nhiều rồi cử nhân thất nghiệp vì người về hưu ít. 
 
 
Bà Đỗ Thị Hoa, Tổ trưởng tổ Môi trường 9-Chi nhánh Ba Đình, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội:
Không muốn kéo dài tuổi hưu
 
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Chưa đủ tính thuyết phục - ảnh 7

 
Công việc của chúng tôi là duy trì vệ sinh các hạng mục, tua gom, quét rác hè phố, gom rác nhà dân, rác theo hợp đồng của các cơ quan, trường học, bệnh viện trên địa bàn phường Ngọc Khánh. Công việc vất vả, độc hại, ngày hè nắng nóng 40-41 độ, mùa đông rét dưới 10 độ vẫn phải bám đường. Mưa bão, chị em làm việc thâu đêm, khơi thông cống rãnh, vét bùn, gom cây, lá… Trung bình mỗi buổi làm việc, công nhân phải quay vòng, thu gom 10 xe rác, đưa vào điểm tập kết. Tôi chưa thấy ai đến tuổi nghỉ hưu mà xin ở lại làm thêm. Hiện nay tôi đã 52 tuổi, nếu Quốc hội “chốt” tăng tuổi hưu theo phương án 1, tôi sẽ kéo dài thời gian làm 1 năm nữa. Khoảng thời gian này ngắn nên tôi còn gắng gượng được. Tuy nhiên, với nữ công nhân hiện mới ngoài 30 tuổi, nếu tính theo phương án này sẽ phải làm tới 60 tuổi, chị em sẽ không thể “trụ” nổi. 
 
 
Giáo viên mầm non Bùi Thị Đoàn, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ:
60 tuổi, giáo viên mầm non không đủ dạy trẻ
 
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Chưa đủ tính thuyết phục - ảnh 8

 
Công việc giáo viên bậc mầm non rất vất vả. Nếu phải kéo dài tuổi nghỉ hưu đến 60 tuổi đối với giáo viên bậc mầm non tôi thấy chưa hợp lý. Bởi ở tuổi đó, chúng tôi khó có thể nhảy, hát cho trẻ, hay là bồng bế, dỗ dành, bón cho trẻ cũng như thiếu đi sự trẻ trung, việc thấu hiểu tâm sinh lý trẻ cũng kém đi do khoảng cách thế hệ. Hơn thế, lương của giáo viên mầm non hiện nay rất thấp, nên khó động viên chị em yên tâm cống hiến với nghề trong hoàn cảnh tuổi cao sức yếu. ở nông thôn, ngoài giờ đứng lớp, nhiều giáo viên vẫn phải làm ruộng, tăng gia sản xuất thêm ở nhà rất vất vả. Vì thế, tôi kiến nghị đưa dạy trẻ mầm non vào danh sách “ngành nghề đặc thù” không nên tăng tuổi hưu. 
 
 
Bà Vũ Thị Thanh Thúy, Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Khương Đình, Thanh Xuân
Đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu với người lao động khối hành chính
 
Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu: Chưa đủ tính thuyết phục - ảnh 9

 
Là đối tượng làm việc trong khu vực hành chính, thuộc nhóm những người có điều kiện lao động bình thường… chúng tôi ủng hộ điều chỉnh tăng độ tuổi theo phương án 1. Lý do vì nhiều chị em phụ nữ ngoài 55 tuổi làm việc trong khu vực hành chính vẫn có sức khỏe tốt, có độ chín về năng lực, con cái đã lớn nên có thể tập trung nhiều cho công việc.
 
Tôi đề nghị đối với các đối tượng lao động phổ thông, những người lao động bị suy giảm khả năng lao động, làm việc trong điều kiện độc hại, nặng nhọc nguy hiểm, các ngành đặc thù (giáo viên mầm non, vận động viên, diễn viên múa, xiếc..) có  độ tuổi tham gia lao động rất sớm (từ 18 tuổi), nên giữ nguyên việc nghỉ hưu theo độ tuổi như hiện nay.
 
 
Hạnh Lan

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.