Hà Nội xứng danh “Thành phố vì Hoà bình”

Chia sẻ

PNTĐ-Danh hiệu “Thành phố vì Hoà bình” được trao cho Hà Nội đã khẳng định Thủ đô Hà Nội có một ý nghĩa đặc biệt và giá trị với thế giới.

 
Hà Nội đang hoàn tất những công việc cuối cùng để chuẩn bị cho ngày hội kỷ niệm 20 năm thành phố được UNESCO vinh danh “Thành phố vì Hoà bình”. Nhân dịp này, phóng viên báo Phụ nữ Thủ đô đã phỏng vấn ông Michael Croft - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam. 
 
Hà Nội xứng danh “Thành phố vì Hoà bình” - ảnh 1

Sau 20 năm được vinh danh “Thành phố vì Hoà bình” duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, UNESCO đánh giá như thế nào trước những thành tựu của Hà Nội để gìn giữ danh hiệu cao quý này? 
 
- Sáng kiến trao giải “Thành phố vì Hòa bình” của UNESCO được thể chế hóa tại Hội đồng Chấp hành của UNESCO vào tháng 11/1997 nhằm tôn vinh các thành phố có những hành động và nỗ lực to lớn trong việc phấn đấu đẩy mạnh đoàn kết trong xã hội, cải thiện đời sống của người dân và xây dựng văn hóa hòa bình trong cộng đồng.
 
Trong quyết định trao danh hiệu cho TP Hà Nội - TP duy nhất thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương, UNESCO đã nhấn mạnh rằng: “Hà Nội đã đạt được những thành tựu ấn tượng, đặc biệt là trong việc gìn giữ và bảo tồn các di tích lịch sử, thúc đẩy trao đổi văn hóa, nghệ thuật, phát triển các ngành nghề thủ công truyền thống, cải thiện các dịch vụ y tế cho người cao tuổi, bảo vệ môi trường hay tạo các không gian xanh.
 
Thành phố cũng đã, đang quan tâm phát triển giáo dục và đào tạo cho thế hệ trẻ, đây chính là ưu tiên trong chính sách phát triển của thành phố”. Danh hiệu “Thành phố vì Hoà bình” được trao cho Hà Nội đã khẳng định Thủ đô Hà Nội có một ý nghĩa đặc biệt và giá trị với thế giới.
 
20 năm trước, dân số của Hà Nội là 2,5 triệu người. 20 năm sau, dân số của Thủ đô đã tăng gấp 3 lần và mức độ tăng dân số vào khoảng 200.000 người/năm. Tôi cho rằng, thành phố đang phải đối mặt với những thách thức của quá trình đô thị hóa nhanh chóng. Tuy vậy, những kết cấu xã hội đã giúp Hà Nội được trao danh hiệu này vào năm 1999 thì vẫn còn nguyên giá trị.
 
Thành phố hiện đang chú trọng tới việc nâng cao các giá trị về chất lượng cuộc sống của người dân và đã, đang có những bước đi vững chãi để gìn giữ, bảo tồn cũng như phát huy truyền thống văn hóa của Thủ đô và đất nước. Có thể khẳng định, Hà Nội chính là một địa điểm đầy sức sống dành cho giới trẻ.   
 
Ông vừa nói đến những thách thức trong quá trình phát triển của Hà Nội, điều đó sẽ tác động như thế nào đến “Thành phố vì Hoà bình”, thưa ông?
 
- Chúng ta điều biết rằng phát triển kinh tế nhanh chóng không chỉ mang đến cơ hội, mà còn cả thách thức. Hà Nội hiện nay rộng lớn gấp 3 lần Hà Nội khi được trao danh hiệu “Thành phố vì Hoà bình”. Đô thị hóa luôn đi cùng với các vấn đề về quản lý rác thải, dịch vụ xã hội, tắc nghẽn giao thông, chất lượng không khí… Những thách thức này sẽ gây áp lực lớn đối với công tác quy hoạch và thành phố sẽ phải nỗ lực để tháo gỡ. Đây cũng là vấn đề thường gặp mà rất nhiều thành phố phải đối mặt trong bối cảnh đô thị hóa nhanh chóng như hiện nay.
 
Với Hà Nội, tuy nguồn lực và công tác quy hoạch đô thị là các thành tố quan trọng nhưng tầm nhìn lại là một thành tố quyết định sự thành công. Bởi đặt trong thành tố về tầm nhìn, ta sẽ thấy sự quan tâm và mong muốn của người dân. Tôi cho rằng, hạnh phúc của người dân có ý nghĩa quan trọng, bởi khi tất cả mọi người yêu mến thành phố của mình, cùng chung một tầm nhìn về tương lai thì họ sẽ phấn đấu hết mình vì thành phố, và cảm hứng đó sẽ lan tỏa giúp thu hút những nhân tài mới, dự án mới để làm giàu đẹp thêm cho Thủ đô. 
 
Từ “Thành phố vì Hoà bình”, Hà Nội đang hướng tới việc xây dựng Thủ đô sáng tạo, UNESCO sẽ tiếp tục hỗ trợ như thế nào để cùng Hà Nội hướng tới mục tiêu trên?
 
- Tự hào về truyền thống văn hiến của mình, hướng tới tương lai, Hà Nội có đầy đủ các thành tố cần thiết để trở thành trung tâm của sự sáng tạo - nhân tố chính của văn hóa và Hà Nội lại là “hồn” của văn hóa. UNESCO mong muốn hợp tác cùng thành phố không chỉ để gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hiến, mà còn xây dựng những ngành công nghiệp mới của thời đại mới. Đây chính là cách để Hà Nội vừa gìn giữ tốc độ phát triển tuyệt vời hiện có, vừa thu hút nhân tài cống hiến cho thành phố, tạo việc làm cho thanh niên trẻ và xây dựng Hà Nội trở thành thành phố sáng tạo.
 
Xin cảm ơn ông!
 
 
Việt Bách (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.