9 năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Nhiều hành vi chưa được chế định trong luật

Chia sẻ

PNTĐ-Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn nhiều nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp...

 
Bộ Y tế vừa tổ chức Hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Bên cạnh những kết quả đạt được, Luật còn nhiều nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, tăng quyền và nghĩa vụ của người bệnh.
 
Thay đổi, hướng tới sự hài lòng của người bệnh
 
Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011. 
 
Đánh giá về việc thực thi Luật Khám, chữa bệnh qua 9 năm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Luật đã góp phần tạo ra sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) khu vực nhà nước và tư nhân, xây dựng mạng lưới cơ sở y tế và cơ sở KCB phát triển rộng khắp, giúp người dân được tiếp cận với dịch vụ KCB chất lượng tốt.
 
9 năm thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Nhiều hành vi chưa được chế định trong luật - ảnh 1
Nụ cười hài lòng của bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Phổi Trung ương 

 
Tính đến nay, cả nước hiện có 23 bệnh viện hạt nhân và 138 bệnh viện vệ tinh. Các bệnh viện hạt nhân đã chuyển giao gần 2.000 kỹ thuật cao cho bệnh viện vệ tinh. Tại những chuyên khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật, tỷ lệ chuyển tuyến đã giảm khoảng 65-100%. Mạng lưới y tế cơ sở cũng từng bước được củng cố và phát triển.
 
Tới nay, 100% số xã có trạm y tế (TYT), khoảng 87,5% TYT xã có bác sĩ làm việc; 97% TYT xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi; 74,3% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động, trong đó ở nông thôn, miền núi là 96%; gần 80% TYT xã thực hiện KCB bảo hiểm y tế.
 
Bước đầu thí điểm mô hình y học gia đình tại các đô thị, giúp người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ y tế cơ bản, chất lượng ngay tại địa bàn. Các bệnh viện tuyến tỉnh cũng tăng cường đầu tư phát triển kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu KCB cho người dân.
 
Thực hiện Luật Khám bệnh, chữa bệnh còn tạo nên nhiều thay đổi tích cực trong xây dựng phong cách, thái độ phục vụ, nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ thầy thuốc, cán bộ, nhân viên y tế; quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh.
 
Đặc biệt, với việc đưa vào áp dụng Bộ tiêu chí chấm điểm chất lượng bệnh viện, hướng tới bệnh viện xanh - sạch - đẹp, an toàn, văn minh, thực hiện chăm sóc toàn diện người bệnh… tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế đã tăng lên, trung bình hơn 80% ở các loại khảo sát. 
 
Nhiều nội dung cần sửa đổi, bổ sung
 
Bên cạnh những mặt đạt được, TS Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, sau 9 năm triển khai Luật Khám bệnh, chữa bệnh còn nhiều bất cập cần chỉnh sửa.
 
Theo đó, giá dịch vụ y tế hiện đang được tính theo hạng bệnh viện (cùng một dịch vụ nhưng tại tuyến huyện thì giá thấp, tuyến trung ương giá cao hơn hẳn), dẫn đến tình trạng không khuyến khích được cơ sở y tế tuyến dưới phát triển, nhiều bác sĩ bệnh viện tuyến huyện bỏ việc.
 
Bên cạnh đó, khái niệm KCB hiện chưa bao quát hết các dịch vụ y tế theo cách tiếp cận chăm sóc toàn diện (bao gồm cả chăm sóc y tế và phi y tế). Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng đang thiếu các khái niệm về chăm sóc toàn diện, điều trị ban ngày, bác sĩ gia đình, cơ sở y tế phi lợi nhuận, sự cố y khoa.
 
Về quyền và nghĩa vụ của người bệnh, theo TS Quang: Quyền tôn trọng bí mật riêng tư được quy định tại Điều 8 vẫn chung chung và chưa đầy đủ. Việc giữ bí mật về tình trạng sức khỏe không chỉ là giữ bí mật thông tin trong bệnh án, mà cần mở rộng thành quy định giữ bí mật toàn bộ quá trình trao đổi, điều trị giữa bệnh nhân và người hành nghề KCB. Đồng thời, “Luật đã có một chương riêng về sai sót chuyên môn nhưng chỉ quy định vai trò và trách nhiệm của cơ quan quản lý và người hành nghề KCB mà không đề cập đến quyền được bồi thường của người bệnh.
 
Trong khi đó người bệnh là người chịu tổn thất trực tiếp nhưng luật lại chưa quy định quyền của họ khi có sai sót chuyên môn xảy ra” - TS Quang nói.
 
Đặc biệt, Luật cũng đang bỏ sót các hành vi bị nghiêm cấm như: thoái thác nghĩa vụ đóng viện phí gây khó khăn cho cơ sở; cấm lưu trú trong cơ sở y tế không vì mục đích KCB; cấm sử dụng rượu bia khi đi KCB; cấm đập phá tài sản, cấm bạo hành nhân viên y tế dưới mọi hình thức; cấm tự ý xâm nhập vào khu vực chuyên môn của nhân viên y tế. 
 
Ngoài ra, còn nhiều khoảng trống về cấp chứng chỉ hành nghề; giấy phép hoạt động; các quy định chuyên môn kỹ thuật trong KCB; giải quyết tranh chấp, ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB; an ninh bệnh viện… đòi hỏi Luật Khám bệnh, chữa bệnh điều chỉnh trong thời gian tới đây.
 
 
Minh Khuê 

Tin cùng chuyên mục

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

Hành trình gian nan tìm con của cặp đôi vợ Việt - chồng “Tây“

(PNTĐ) - Trong bốn năm, chị Xuân (36 tuổi) thực hiện 9 chu kỳ thụ tinh ống nghiệm nhưng đều thất bại, đến chu kỳ thứ 10, chị đã được trọn vẹn ước mơ có con. “Được da kề da với con, nhìn con mỉm cười, mọi đau khổ nhiều năm qua đều trở nên nhỏ bé”, chị Xuân xúc động nói khi ôm con gái chào đời khỏe mạnh trong lòng. Nhưng để có được “kỳ tích” ấy, vợ chồng chị Xuân đã trải qua hành trình “tìm con” vô cùng gian nan và đầy kiên trì, nghị lực.
5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

5 loại rối loạn hoang tưởng nhiều người thường bị

(PNTĐ) - Theo ThS.BSNT Nguyễn Thị Hoa - Phòng rối loạn loạn thần và y học tự sát, Viện Sức khoẻ tâm thần (BV Bạch Mai) cho biết, hoang tưởng là tình trạng một người suy nghĩ, phán đoán sai lầm, ko phù hợp với thực tế, do bệnh lý tâm thần gây ra, không thể giải thích, đả thông được.
Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

Kỹ năng sơ cứu tai nạn thường gặp

(PNTĐ) - Theo BS Ngô Đức Hùng - Trung tâm Cấp cứu A9 (BV Bạch Mai), sơ cấp cứu là hành động trợ giúp và chăm sóc ban đầu đối với người bị nạn ngay tại hiện trường; sử dụng phương tiện, dụng cụ có sẵn tại chỗ, khi chưa có sự hỗ trợ của nhân viên y tế; mọi người đều có thể tham gia (được đào tạo – sẵn sàng tham gia).