Người mới áp lực vì người cũ hoàn hảo

Chia sẻ

PNTĐ-My chưa bao giờ nghĩ hôn nhân của mình bị ảnh hưởng bởi một người thứ ba. Người ấy về lý đã không còn tồn tại trên cõi đời này, nhưng, My có cảm giác chị ấy vẫn sống...

 
Người ấy là vợ cũ của chồng My. Chị ấy qua đời cách đây 3 năm, vì bệnh hiểm nghèo. Thương cảnh đàn ông góa bụa gà trống nuôi con, My đã đồng ý làm người đến sau. Ngày cưới, My cũng được nhà trai đưa rước, xin hỏi đàng hoàng. Bạn bè, gia đình hai bên đều chúc phúc, mong cho cô hạnh phúc. Chồng My cũng hứa sẽ yêu thương cô. Mẹ chồng My thì tâm sự coi cô như con gái của mình, còn cảm ơn cô đã chấp nhận thiệt thòi, san sẻ khó khăn với con trai và các cháu nội của bà. Ấy thế nhưng, từ khi về đây làm dâu, My chẳng nhận được sự bình an, yên vui như cô vẫn tưởng.
 
Người mới áp lực vì người cũ hoàn hảo - ảnh 1
Ảnh minh họa

 
My biết vợ cũ của chồng có một sức ảnh hưởng quá lớn trong gia đình. Đó là bởi chị ấy là người tốt, lúc nào cũng chu đáo vẹn toàn mọi nghĩa vụ làm con dâu, làm vợ, làm mẹ hiền. Chẳng ai chê trách được gì khi chị ấy còn sống. Chẳng thế mà tự nhiên, My gặp phải áp lực luôn bị so sánh với chị ấy. My có cảm giác, mình có làm gì, nỗ lực đến đâu thì cũng không thể xóa bỏ được hình ảnh hoàn hảo chị ấy tạo dựng trong suy nghĩ của mọi người bên nhà chồng.
 
Có một lần, My nghe thấy mẹ chồng và chồng trò chuyện với nhau trong phòng riêng của bà. Hôm đó, nhà cô chuẩn bị làm giỗ bố chồng. My cứ nghĩ có mẹ chồng làm trụ cột, nên đợi bà sai bảo, chỉ đâu “đánh” đó. Nào ngờ, mẹ My lại than thở:
 
- Con xem, vợ con nó vụng về quá. Ngày trước, cái Hương nó một mình lo hết mọi việc, từ đi chợ nấu nướng cả chục mâm cỗ mà nhẹ như không. Còn My, mẹ chỉ việc cho mà cũng luống ca luống cuống. Mẹ tính, hay là năm nay đi đặt ở nhà hàng, chứ vợ con chắc không đảm đương được cỗ bàn đâu con ạ. Mẹ thì già rồi, không thể cáng đáng được nữa. Anh em họ hàng lại không thể không mời tới nhà.
 
- Vâng, thôi tùy mẹ tính. Nhà con còn vụng về, không thể bằng được cô ấy.
 
My cứ hy vọng chồng cô sẽ nói đỡ cho cô. Rằng, cô và vợ cũ của anh khác nhau. Cô trẻ hơn chị ấy đến chục tuổi, lại là con một của bố mẹ.  Trước khi lấy chồng, cô đã phải làm gì đâu ngoài việc ăn và học. Về nhà anh, cô chưa làm vợ đã phải làm mẹ. Một nách cô chăm lo cho hai con riêng của chồng. Cô còn chưa dám sinh con vì sợ không đảm đương nổi trách nhiệm. Chồng cô đâu có hiểu thiện ý của vợ, mẹ chồng cô hình như cũng thế. My có cảm giác, ngay từ lúc cô mới đặt chân vào nhà, bà đã luôn so sánh cô với con dâu quá cố. Trong cuộc đua ấy, lúc nào cô cũng là người thua cuộc, dù cô còn chưa kịp xuất phát.
 
Lần khác, có người bà con ở quê chồng ra chơi, ở lại nhà cô ít ngày. Mẹ chồng có ý muốn cô thu xếp đưa người họ hàng đi chơi thành phố. Song, công việc của My bận rộn, cơ quan lại đang bước vào đợt cao điểm phải tăng ca nên cô không dám nghỉ. Nghe vậy, mẹ chồng My giận, nói: 
 
- Ngày trước, chị Hương rất biết đường ứng xử. Chị ấy một mình thay cả nhà đối nội, đối ngoại, chẳng thế mà quê xa quê gần đều không ai trách cứ được nhà mình một câu. Bác họ ở quê sửa nhà, chị ấy thu xếp tiền gửi về hỗ trợ. Anh Long con bác Tùng thất nghiệp, chị ấy nhờ người quen xin cho làm bảo vệ ở trên thành phố. Rồi, họ hàng ai gặp bệnh tật, ốm đau, chị ấy cũng đưa đi thăm khám tận tình. Mấy việc dễ dàng như đưa họ hàng đi thăm thú đây đó như thế này là quá nhàn nhã, mà con còn không đảm đương nổi.
 
Tính My hay nhẫn nhịn, cô cũng không dám cãi lại mẹ chồng nên ấm ức đành nuốt vào trong. Song, câu nói của mẹ chồng khiến cô buồn mất cả tuần sau đó. Mẹ chồng cô có hiểu cô và người cũ của anh khác xa nhau. Chị ấy làm tự do, kinh doanh tại gia nên có thể nghỉ lúc nào cũng được. Hơn thế, chị ấy cũng làm ra tiền, nên việc tiêu pha, cho họ hàng vay mượn cũng không quá khó khăn.
 
Còn My, đi làm Nhà nước, đâu phải cứ nghỉ là nghỉ được. Mới tháng trước, các con của chồng bị ốm, cô đã phải nghỉ ở nhà thăm nom. Giờ, tháng này lại lấy lý do đưa họ hàng đi chơi thì liệu sếp có thông cảm. Đồng lương hàng tháng của My có hạn, cô phải tằn tiện lắm mới đủ sống và gom góp thêm với chồng lo cho gia đình chung. Ngay cả bố mẹ đẻ My chưa có điều kiện báo hiếu thì làm gì có điều kiện để giúp họ hàng ở quê xa. Vì thế, mẹ chồng nói vậy, không khác gì nói cô không biết đường ứng xử, hà tiện, chặt chẽ với họ hàng bên chồng.
 
Chưa hết, ngay trong cuộc sống hàng ngày, My cũng không thoát khỏi cái bóng của người cũ. Từ cách cô dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc, My cũng bị chê là không khéo léo, thiếu mắt thẩm mỹ so với chị ấy. Bữa cơm cô nấu, thi thoảng, lại nghe tiếng các con của chồng than không giống hương vị mẹ nấu trước kia. Vợ chồng sống với nhau không tránh khỏi lúc va chạm, cãi vã. My thừa nhận, có lúc, cô cũng càm ràm, trách sai chồng.
 
Thế nhưng, thay vì bỏ  qua cho nhau, bao giờ kết thúc câu chuyện, anh cũng buông một câu lạnh lùng rằng My không được như người cũ. Chị ấy luôn nhẹ nhàng, “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói, chẳng bao giờ làm anh phải phiền lòng như thế.
 
Ngày trước, khi mới bước vào cuộc hôn nhân này, My cứ hy vọng mình sẽ có một cuộc sống tốt đẹp. Giờ, cô nhiều lúc lại hoang mang, thấy hình như mình đã sai lầm. Nếu biết mọi người chỉ coi cô như vật thế chân của người xưa, bắt cô phải hoàn hảo giống chị ấy, lúc nào cũng cho rằng cô kém cỏi, vụng về, thì My đã không đồng ý kết hôn. Đã có lúc, My nghĩ tới việc hay là ly hôn để kết thúc mọi việc. Nhưng, cô lại chần chừ vì ly hôn đâu phải chuyện nói là làm một cách dễ dàng cho được. My ly hôn thì bố mẹ cô sẽ buồn lòng. Cuộc đời My cũng dở dang phần nào. 
 
Giờ đây, My chỉ biết ước ao, mọi người ở nhà chồng cứ giữ lấy những gì tốt đẹp trong quá khứ. My đủ thông minh, bản lĩnh để không ghen tuông với người phụ nữ kia. Nhưng, sau đó, hãy mở rộng lòng mình, yêu thương và chấp nhận cô cả ưu và nhược điểm. Mọi người hãy để cho My được là chính mình, thoải mái sống, thoải mái vun đắp cho tổ ấm mà không sợ phải gồng mình vì không bằng cái bóng của người đã khuất.
 
 
Bảo Châu

Tin cùng chuyên mục

Khi internet là “kẻ thứ 3” phá hoại hạnh phúc gia đình

Khi internet là “kẻ thứ 3” phá hoại hạnh phúc gia đình

(PNTĐ) - Trong thời công nghệ, internet đã trở thành “kẻ thứ 3” đe dọa hạnh phúc của nhiều gia đình. Lời cảnh báo này không mới, nhưng dường như lại chưa được chú ý nhiều. Có thể do việc “cai internet” quá khó, cũng có thể tác động của mạng ảo diễn ra từ từ nên nhiều người chưa cảm thấy sợ, cho tới khi hậu quả thật xảy ra...
Bài 3: Khi “ác quỷ” đội lốt người thân

Bài 3: Khi “ác quỷ” đội lốt người thân

(PNTĐ) - Trong nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em, thủ phạm thường là chính những người quen biết, thậm chí là người thân trong gia đình nạn nhân. Vì thế, hành trình bảo vệ trẻ em trước tội phạm xâm hại càng trở nên gian nan hơn bao giờ hết...
Con chỉ cần có mẹ!

Con chỉ cần có mẹ!

(PNTĐ) - Tình yêu của một người mẹ dành cho những đứa con có muôn vàn cách thể hiện. Nhưng tựu trung lại, nó đều tràn đầy, chẳng hề vụ lợi, chẳng gì sánh bằng. Ngày của mẹ hàng năm là dịp để mỗi người con bày tỏ tri ân đấng sinh thành.
Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

Chúng ta vẫn là vợ chồng nhé

(PNTĐ) - Chiều dần buông. Ông Hòa ngồi thẫn thờ nhìn ra con đường nhỏ quanh co. Nơi đó, ông như thấy bóng dáng của người vợ tần tảo mỗi chiều đi chợ bán rau về trên chiếc xe đạp cà tàng. Chiếc xe với sự lo toan của bà đã thay ông nuôi đàn con trưởng thành.