Hội LHPN Việt Nam nhất quán quan điểm bảo vệ bà mẹ và thai nhi

Chia sẻ

PNTĐ-Ngày 11/9, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị phản biện xã hội dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) dưới góc độ giới.

 
Hội nghị do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Hội LHPN Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức
 
 
Hội LHPN Việt Nam nhất quán quan điểm bảo vệ bà mẹ và thai nhi - ảnh 1
Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi)

 
Không nên để phụ nữ mang thai làm thêm giờ
 
Phát biểu khai mạc, bà Nguyễn Thị Thu Hà – Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam  cho biết: Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang trong quá trình lấy ý kiến, bổ sung hoàn thiện một số nội dung quan trọng, được dư luận đặc biệt quan tâm. Ở góc độ giới, Hội LHPN Việt Nam đặc biệt quan tâm đến các vấn đề về lao động nữ, đặc biệt là các quy định liên quan đến chế độ thai sản của lao động nữ. 
 
Cụ thể, dự thảo sửa đổi mới nhất của Bộ luật Lao động quy định tại điều 137 về bảo vệ thai sản đã sửa theo hướng, nếu không được sự đồng ý của người lao động thì người sử dụng lao động không được sử dụng người lao động làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa trong các trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 hoặc tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và lao động đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi...
 
Hiện, nội dung này hiện có hai luồng ý kiến: Một số ý kiến cho rằng đó là quyền được mưu sinh, bản thân phụ nữ mang thai 7 tháng nếu thấy đủ sức khỏe và khả năng vẫn được quyền làm thêm giờ. Mặt khác, cũng có ý kiến cho rằng với phụ nữ mang thai từ 7 tháng trở lên dù rằng có muốn, luật cũng không cho phép làm thêm để bảo đảm sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.
 
Tuy nhiên, “quan điểm nhất quán của Hội LHPN Việt Nam ngay từ đầu là không đồng ý làm thêm giờ (đặc biệt là làm thêm giờ vào ban đêm) đối với lao động nữ mang thai 6 hoặc 7 tháng tuổi trở lên nhằm bảo vệ tối đa quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em. Bà mẹ mang thai 6, 7 tháng tuổi mà vẫn đi làm thêm giờ thì rất không tốt cho sức khỏe bà mẹ, thai nhi, bất trắc xảy ra thì hệ lụy khôn lường” – bà Hà nêu ý kiến.
 
Hội LHPN Việt Nam nhất quán quan điểm bảo vệ bà mẹ và thai nhi - ảnh 2
Đại diện người lao động tham gia phát biểu ý kiến

 
Phát biểu tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc nội dung mở rộng linh hoạt như vậy sẽ khiến người sử dụng lao động lách luật hoặc vẫn khiến phụ nữ mang thai thời kỳ cuối vì lương cao mà làm thêm giờ, gây nguy hiểm đến tính mạng. Ở góc độ khoa học về sức khỏe của bà mẹ trẻ em, đại diện Cục Bảo vệ Bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) cũng đồng tình với quan điểm của Hội LHPN Việt Nam và khẳng định: không nên để phụ nữ mang thai làm thêm giờ, kể cả khi họ đồng thuận. Đặc biệt, Chính phủ cũng cần cụ thể hóa hơn khi quy định danh mục ngành nghề không được phép làm đối với phụ nữ mang thai hoặc cho con bú như những ngành hóa chất độc hại, tránh tình trạng vì mưu sinh mà những đối tượng này vẫn bất chấp để làm.
 
Tăng tuổi nghỉ hưu theo hướng linh hoạt
 
Vấn đề về tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của dự thảo luật cũng được nhiều diễn giả quan tâm, cho ý kiến. Ông Bùi Sĩ Lợi – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, phương án cơ bản là nâng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 tuổi vào năm 2028 và nữ lên 60 tuổi vào năm 2035. Theo lộ trình, từ năm 2021, mỗi năm sẽ tăng 3 tháng tuổi hưu cho nam và 4 tháng cho nữ. Việc tăng tuổi hưu, theo ông Bùi Sĩ Lợi là việc cần thiết phải làm, nhằm đáp ứng yêu cầu già hóa dân số của Việt Nam trong tương lai.
 
Riêng với các ngành nghề nặng nhọc độc hại, người lao động được quyền nghỉ hưu trước 5 năm hoặc có thể dài hơn do các luật khác quy định. “Chính phủ sẽ có phụ quy định danh mục toàn bộ 1.748 ngành nghề, lĩnh vực trong diện được giảm tuổi hưu từ tối thiểu 5 năm trở lên” – ông Bùi Sĩ Lợi cho biết.
 
Tham gia phản biện tại hội nghịnhiều ý kiến cho rằng, thực tế cho thấy, nữ giới trong cùng ngành nghề, cùng trình độ học vấn và cùng khu vực địa lý đang có thu nhập thấp hơn so với nam giới. Một số điều tại Bộ luật Lao động hiện hành nhằm giải quyết khoảng cách giới là Điều 4 (Khoản 1) và Điều 3 (Khoản 9) còn thiếu định nghĩa về phân biệt đối xử và định nghĩa về giới, bình đẳng giới. Vì vậy, Bộ luật Lao động (sửa đổi) cần có điều khoản quy định việc thiết lập khung pháp lý bình đẳng để giải quyết khoảng cách tiền lương giữa nam và nữ.
Bà Vương Thị Hanh, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ, cho biết qua khảo sát thực tế, phần đông người lao động không muốn nâng tuổi nghỉ hưu. “Chúng ta không thể cào bằng tuổi nghỉ hưu của tất cả người lao động. Đa số người lao động không thể làm việc được đến 60 tuổi và 62 tuổi, tại sao chúng ta lại “ép” họ tăng tuổi nghỉ hưu”, bà Hanh thẳng thắn và đề xuất tách quy định nâng tuổi nghỉ hưu của công chức, viên chức sang luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức.
 
“Chúng tôi cũng đã từng đưa ra đề xuất này khi chưa sửa đổi bộ luật Lao động, không nên gộp hai đối tượng vào là một. Nếu phân định rõ, người lao động sẽ không còn thắc mắc. Hơn nữa, nếu đưa quy định tuổi nghỉ hưu của đối tượng khu vực hành chính sự nghiệp sang luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức sẽ vận dụng được chất xám của những người có trình độ cao như: nhà khoa học, nhà nghiên cứu, kỹ sư, bác sĩ…” - bà Vương Thị Hanh cho biết.
 
 
Đức Hạnh

Tin cùng chuyên mục

Khánh thành “mái ấm” cho hội viên phụ nữ khó khăn phường Phú Thượng

Khánh thành “mái ấm” cho hội viên phụ nữ khó khăn phường Phú Thượng

(PNTĐ) - Chiều 26/4/2024, LHPN quận Tây Hồ cùng chính quyền, đoàn thể phường Phú Thượng đã có mặt tại nhà hội viên phụ nữ Lê Thị Doan (trú tại số 14, ngõ 209/20/43 đường An Dương Vương,phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội), để chia vui cùng gia đình chị. Dưới nền nhiệt gần 40 độ C, gương mặt ai cũng lấm chấm mồ hôi vì nắng nóng, nhưng mọi người đều hân hoan, thấy "mát lòng" vì từ nay chị Doan đã có ngôi nhà khang trang, kiên cố; không còn nỗi lo hứng mưa ngày dột, chống cột ngày giông gió như trước đây.
Hội LHPN quận Thanh Xuân kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội và công tác vay vốn đợt I năm 2024

Hội LHPN quận Thanh Xuân kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội và công tác vay vốn đợt I năm 2024

(PNTĐ) - Thực hiện chương trình công tác năm 2024, trong 3 ngày 16, 17, 22/4/2024, Ban Thường vụ Hội LHPN quận Thanh Xuân phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội quận đã tiến hành kiểm tra thực hiện Điều lệ Hội và công tác vay vốn đợt I năm 2024 tại 06/11 phường: Khương Mai, Kim Giang, Phương Liệt, Thượng Đình, Hạ Đình và Khương Đình.
Phụ nữ Thủ đô đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Phụ nữ Thủ đô đồng diễn dân vũ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(PNTĐ) - Ngày 5/5/2024 ( tức Chủ Nhật), Hội LHPN các quận, huyện, thị xã và đơn vị trực thuộc tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tại xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP hưởng ứng tham gia hoạt động đồng diễn dân vũ đồng loạt trên nền nhạc ca khúc "Qua miền Tây Bắc - Chiến thắng Điện Biên - Inh lả ơi". Đây là một trong những hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.