Nỗi lo mù quáng

Chia sẻ

Sau kỳ nghỉ Tết có vẻ khá yên ắng, vừa đặt chân về Hà Nội, mặt chị Phương bỗng khác hẳn lúc ở quê cứ bần thần.

Chị bảo chồng: “Bây giờ làm thế nào đây? Mình vẫn phải đi làm, con đi học, làm sao để phòng tránh được virus Corona?”.

Chồng chị cười, an ủi: “Tưởng em lo lắng chuyện gì cứ sưng cả cái mặt lên như thế, Corona thì ai cũng sợ thật nhưng điều cần thiết là phải trang bị cho mình, cho bọn trẻ con kiến thức tốt để phòng chống nó là được. Cứ bình tĩnh…”.

Cậu con trai học lớp 6 đang ngồi thảnh thơi đọc sách gần đó cũng nói theo bố: “Mẹ đừng có lo, cứ phòng tránh tốt sẽ không sao đâu. Con virus này nó không sống được trong không khí nên mẹ cứ tránh tiếp xúc với người ta là được…”.

Nỗi lo mù quáng - ảnh 1


Chị Phương thở dài, thấy cậu con trai lớn có vẻ am hiểu thôi cũng an lòng phần nào, nhưng còn cậu con trai mới học lớp 2 thì làm sao nó nhớ được những điều đó?

Từ khi bước chân về Hà Nội là chị Phương thấy bất an. Hà Nội đất chật người đông, đi ra đường người va người tứ xứ, lỡ mà trong số những người đi lướt qua ấy bị nhiễm cúm thì sao?

Chị Phương quyết định biến mọi việc thành hành động để giữ an toàn cho gia đình của mình. Chị lên mạng, lao vào các diễn đàn, tìm kiếm giải pháp đến mất ngủ. Sáng hôm sau, cả nhà tỉnh dậy, lũ trẻ con tròn mắt khi thấy mẹ đã chuẩn bị tự bao giờ một hàng cốc 4 chiếc ghi tên từng người trong gia đình, rồi một hàng khăn mặt, khăn tắm đều đính tên cẩn thận từng người. Chị tuyên bố: “Từ nay cấm ai ăn, uống chung, dùng chung đồ dùng, ai vi phạm sẽ bị phạt”. Lần đầu thấy cảnh tượng ấy, ba bố con đều vui vẻ, tuân thủ răm rắp. Ngay cả ăn sáng, mỗi người 1 bộ bát đĩa như nhà hàng Tây, thích quá.

Ngày đầu con đi học trong nỗi lo đại dịch nơm nớp, chị Phương ngồi căng thẳng nghĩ ở cơ quan. Chiều, chị đón con về sớm, thấy thằng bé vứt khẩu trang chị đã chuẩn bị ở đâu, lếch thếch từ trong sân trường ra mặt mũi bơ phờ, mồ hôi nhễ nhại vì chơi đuổi bắt. Chị Phương hỏi dồn: “Hôm nay con có rửa tay không?”. “Không”- thằng bé thản nhiên - “Mà trường con không có virus đâu, không sao đâu mẹ…”. Chị Phương thấy mình gần như không thở được vì lo. Chị thầm quyết định, ngày mai dù giá nào cũng phải cho con nghỉ học, như thế này quá bất ổn.

Nỗi lo mù quáng - ảnh 2


Vừa về đến nhà, chị Phương bảo chồng: “Anh nấu cơm để em đi siêu thị một tí”. Chồng chị vui vẻ hò hét các con tắm rửa, còn mình thì lăn vào bếp nấu nướng. Vừa mới cho được gạo vào nồi, đã nghe tiếng chuông cửa. Một grab gọi anh nhận hàng vợ đặt. Cả 1 lốc xà phòng. Đang hí húi nhặt rau, điện thoại của vợ reo: “Ship đang giao khẩu trang, anh trả tiền nhé”. Anh phải trả đến 1,5 triệu tiền khẩu trang mà mắt tròn mắt dẹt, không hiểu sao lại đắt đến thế? Còn chưa kịp khép cửa thì một ông xe ôm lao đến hỏi phải nhà chị Phương không? Và lại giao cho anh một cái bọc đen đen gói kín mít, anh lại phải móc ví trả gần 2 triệu bạc… Nhìn đống đồ vừa nhận ship, chồng chị Phương không còn thấy cảm hứng nấu nướng gì nữa. Liền uể oải ra bếp đập quả trứng rán ăn cho qua bữa.

Ngay khi đó, anh nhận tin nhắn của vợ nói 3 bố con ăn trước. đang ăn thì nghe tiếng chị Phương hò hét ngoài cửa: “Mở cửa nhanh lên, đỡ cho em, nặng quá…”. Chồng chị mở cửa, anh hoàn toàn sốc đứng khi vợ treo 1 ngàn cái túi đồ đạc buộc chằng đụp trên xe. Hì hục gỡ từng cái mang vào bày kín mít trên sàn nhà, từ thùng nước lavie, thùng mì tôm, rau dưa, miến, nước mắm, hành tỏi, chanh ớt, thịt thà, bánh bao, thịt nguội… Chồng chị ngồi phịch xuống ghế: “Em có bị làm sao không mà mua như đi chạy nạn thế này?”. Chị Phương tròn mắt: “Anh là người tối cổ à? Khắp nơi người ta hò nhau đi mua đồ dự trữ vì sợ bùng dịch đây này. Không mua thì chết đói đấy…”. “Làm sao đến cái nỗi ấy, nhà nước mình đang kiểm soát rất tốt mà!”- chồng chị quả quyết. Chị Phương lắc đầu, than vãn chồng không biết lo xa, không biết bảo vệ gia đình. Rồi, chị giận dỗi, không khiến chồng sắp xếp mà tự mình hì hục cất đủ thứ vào trong tủ khiến cái tủ chật cứng, nhà cửa hộp thùng xếp kín khắp nơi như cửa hàng tạp hoá.

Chồng chị chỉ vào đám hàng ship: “Em mua những gì sao đắt thế? Khẩu trang gì mà cả triệu rưỡi?”. “Trời ơi, để lo cho sức khoẻ bao nhiêu tiền cũng không tiếc, em phải mua loại tốt nhất mà không có để mua đấy. Mai ra hiệu thuốc mua mấy hộp khẩu trang y tế nữa là an tâm… Còn đây là thuốc vitamin của Mỹ, tăng cường miễn dịch, cả nhà phải uống…”. Nhìn đống đồ, chồng chị ước tính chắc cũng phải hơn chục triệu, tất nhiên vì sức khoẻ thì không tiếc, nhưng có cần không?

Lại chuông cửa kính cong, chị Phương ra nhận hàng, mang vào 1 đống hộp găng tay nilon. Chồng chị không cất nổi nên lời, anh nhận thấy trên mạng họ nói nên dùng cái gì, gần như nhà anh có đủ cả. Chị Phương bảo: “Mai cho con nghỉ học”. Chồng chị thắc mắc: “Nhà trường vẫn cho đi học tức là vẫn còn yên tâm, sao phải cho con nghỉ?”. Chị Phương chắc nịch: “Năm nay không học thì năm sau học, lo bảo toàn sức khoẻ đã”.

Nỗi lo mù quáng - ảnh 3


Nói rồi chị chạy lên nhà, xòe ra trước mặt hai cậu con mỗi đứa 1 cái khẩu trang bắt đeo trong nhà, khi nào đi ngủ mới được bỏ ra. Chị cũng đeo, nhưng chồng chị nhất định không đeo vì thấy không cần thiết. Cùng với đó, chị giăng ra trước mặt đủ loại thuốc và bắt đầu nhồi cho cả nhà từng loại. Bọn trẻ con đeo khẩu trang không chịu được, một lát lại tháo ra, chị Phương lại gầm lên mắng mỏ, nhà lúc nào cũng như cái chợ. Còn chồng chị đang có cảm tưởng như mình ở trong lòng Vũ Hán (Trung Quốc). Cũng may là sau đó toàn bộ trẻ con được nghỉ, nên chị Phương cũng bớt lo đi phần nào. Nhưng dù trẻ con ở nhà chị Phương cũng không yên tâm, cửa nhà kính coong liên tục, chị tha về đủ thứ, nào nước rửa tay đủ loại, nào thì xịt virus, nào là các loại giấy ướt giấy khô… cứ về đến nhà là chị lại lao đi xịt xịt đủ mọi ngóc ngách, đặt đủ loại chai lọ nói là diệt virus quanh nhà như đặt bùa ngải, đun nước lá mù mịt để “xông” virus. Con cái hễ dùng sai cách đồ đạc, chậm rửa tay là chị lại gầm lên bực bội vì chị đã lo lắng cho gia đình mà không ai ủng hộ. Cậu con trai nhỏ thỏ thẻ bảo mẹ:

- Mẹ ơi, con ở trong nhà suốt, không có ai đến chơi thì làm sao virus chui vào đây được hả mẹ?

Chị Phương gắt “phòng hơn chống”. Chuyện con Corona khiến nhà chị mang bầu không khí khác hẳn. Tối ngủ chị cũng đeo khẩu trang, chồng chị thì buồn chán khi thấy vợ cau có, dị tính vì nỗi lo virus nên mỗi người nằm một góc giường. Anh đọc sách còn chị thì không ngừng lướt mạng để xem có những biện pháp phòng chống gì mới.

Cho đến hôm vừa rồi, đang làm việc ở cơ quan, anh bỗng sững sờ khi nhìn thấy đúng là vợ mình trong cái video nhốn nháo những người mua khẩu trang ở cái chợ thuốc mà báo chí đưa. Anh không thể hiểu nổi tại sao vợ mình lại đến tận đó giành nhau mấy cái khẩu trang trong khi ở nhà vẫn đủ dùng? Nhắn tin hỏi, vợ anh xác nhận: “Đúng, em lo bảo vệ cả nhà việc gì cũng làm được”. Chồng chị ngồi thừ lừ suy nghĩ, anh cũng đã nói với vợ nhiều lần không nên lo quá, nhưng cứ thế này chắc chết vì lo chứ không phải chết vì Corona. Anh quyết định gọi cho người bạn bác sĩ, nhờ tối đến nhà giảng giải cho bà vợ trình độ Đại học của mình về mọi việc cho sáng tỏ. Phụ nữ hay lo toan rất đáng trân trọng, nhưng những nỗi lo đến mức quá thì vừa tổn thất kinh tế lại vừa khiến gia đình ngạt thở…

Mộc Lan

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.