Phòng bệnh… nhưng đừng kỳ thị

Chia sẻ

Người dân lo lắng, chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh Covid-19 là rất nên. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với thái độ xa lánh, kỳ thị bệnh nhân, bác sĩ. Tình người lúc gian nguy là liều thuốc và sức mạnh tinh thần quý giá nhất.

Kỳ thị người bệnh

Những ngày qua, với việc có 6/16 ca lây nhiễm Covid-19 của cả nước, xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là địa danh được nhiều người nhắc tới nhất trên mạng xã hội. Trước tình hình diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh, UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định khoanh vùng cách ly, kiểm soát chặt chẽ người ra vào xã Sơn Lôi nhằm khống chế, không để dịch bệnh lây lan, phát triển.

Tỉnh Vĩnh Phúc quyết định lập chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào tại xã Sơn Lôi để dập dịch Covid-19Tỉnh Vĩnh Phúc quyết định lập chốt chặn, kiểm soát chặt chẽ phương tiện ra vào tại xã Sơn Lôi để dập dịch Covid-19 (Ảnh: Zing.vn)

Theo chia sẻ của đại diện chính quyền xã Sơn Lôi, dù có chút đảo lộn, bất tiện nhưng cuộc sống của người dân nơi đây vẫn diễn ra bình thường. Mọi người đều đồng thuận và hợp tác thực hiện chủ trương khoanh vùng cách dịch của chính quyền. Nhưng họ có một nỗi buồn, đó là bởi đâu đó xuất hiện những việc làm, thái độ có phần kỳ thị người Sơn Lôi nói riêng, Vĩnh Phúc nói chung. Không ít người ví von rằng, Sơn Lôi giống như “Vũ Hán tại Việt Nam”, thậm chí có một khách sạn tại Hà Nội còn treo biển: “Chúng tôi không chào đón khách đến từ Vĩnh Phúc. Xin lỗi!”…

Nhiều người dù không sống tại Vĩnh Phúc nhưng chứng kiến cách hành xử như trên đã phải thốt lên rằng, họ chẳng hiểu vì sao trong khi chúng ta bày tỏ lòng cảm thông với các quốc gia khác, nhưng lại quay lưng với người dân nước mình. Bệnh tật ai cũng sợ, nhưng người dân Sơn Lôi không có lỗi. Những bệnh nhân mắc Covid-19 sau khi trở về từ Vũ Hán... cũng không có lỗi. Không ai trong bất cứ những người đó muốn mình bị bệnh, rồi lây cho người thân, hàng xóm. 

Ông Nguyễn Thanh Hải - Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Phúc cho biết, trên thực tế, kể từ khi có thông tin về dịch bệnh do virus corona chủng mới, nhân dân ở Sơn Lôi nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung đã thực hiện rất nghiêm túc các biện pháp phòng tránh. Những ngày này, bà con trong xã vẫn động viên nhau cố gắng, mọi người đều lạc quan, sống vui khỏe, rất có ý thức bảo vệ mình trước dịch bệnh.

Bùi Huy Vĩnh - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn người dân và các địa phương khác không có cái nhìn phân biệt đối xử với người dân Vĩnh Phúc.Bùi Huy Vĩnh - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc mong muốn người dân và các địa phương khác không có cái nhìn phân biệt đối xử với người dân Vĩnh Phúc.

Trước những thông tin về việc người dân Vĩnh Phúc bị kỳ thị sau khi nơi đây xảy ra ca nhiễm mới và địa phương bị cách ly, tại buổi họp báo khẩn thông tin về tình hình dịch Covid-19 diễn ra vào chiều 14/2, ông Bùi Huy Vĩnh - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã phải phát biểu rằng: Một số các nhân có thể do thiếu thông tin nên có những chia sẻ không chính xác, đầy đủ trên mạng xã hội. Những thông tin ấy không thể hiện được tình cảm chia sẻ lẫn nhau ở thời điểm này. Sau buổi họp báo, tôi rất mong muốn có thể truyền đi một thông điệp tới mọi người và các địa phương khác để có những cái nhìn đúng đắn hơn, không còn sự phân biệt đối xử với người dân Vĩnh Phúc như một số thông tin trên mạng xã hội vừa qua.

Trước đó, trong một buổi họp Ban chỉ đạo chống dịch Covid-19 ngày 12/2, chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung từng nhấn mạnh rằng, phải tuyên truyền, vận động để người dân “không kỳ thị với người nước ngoài, không kỳ thị với sinh viên các tỉnh giáp biên giới, các sinh viên đến từ Vĩnh Phúc... Thực hiện các biện pháp nhẹ nhàng chứ không thực hiện quá mức cần thiết, nhưng đảm bảo nghiêm túc.

Các y bác sĩ luôn là những người tiên phong, sẵn sàng đương đầu với dịch bệnh để cứu chữa, chăm lo sức khỏe cho người dânCác y bác sĩ luôn là những người tiên phong, sẵn sàng đương đầu với dịch bệnh Covid -19 để cứu chữa, chăm lo sức khỏe cho người dân (Ảnh: Lê hảo)

Kỳ thị cả bác sĩ chống dịch Covid-19

Không chỉ với người bệnh, sự kỳ thị còn xuất hiện với cả những bác sĩ đang ngày đêm oằn mình chiến đấu với dịch, chữa trị cho người bệnh. BS Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương từng chia sẻ với báo chí rằng: Ngoài áp lực công việc, họ còn phải chịu nhiều áp lực vô hình khác. Có những y tá của bệnh viện, dù chỉ làm việc ở “vòng ngoài”, không tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nhiễm Covid-19 nhưng vẫn bị cả xóm trọ - nơi y tá đó đang cư trú lảng tránh, xa lánh; thậm chí còn bị yêu cầu không được trở về phòng trọ... vì sợ lây bệnh. Vì thế, nhiều y bác sĩ phải chọn bệnh viện làm nơi lưu trú.

Quả thực, những ngày này, hầu hết các y bác sĩ trên cả nước đều phải làm việc quên ngày đêm để ứng phó với dịch Covid-19, không một ai nề hà. Trên hết, các y bác sĩ hiểu rằng để cứu chữa bệnh nhân, trước tiên họ phải tự tự bảo vệ chính mình, không để bị lây bệnh. Vì thế, niềm tin, sự động viên, ủng hộ của người dân vào các bác sĩ, và cả những bệnh nhân đang từng ngày chống chọi với dịch Covid-19 trong thời điểm này, có ý nghĩa và sức mạnh to lớn hơn bao giờ hết.

Yên Hưng

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.