Dịch COVID-19 lan rộng, nguy cơ bùng phát toàn cầu

Chia sẻ

Trong khi dịch Covid-19 chưa lắng ở Trung Quốc thì nhiều nước đang xuất hiện các ca nhiễm và tử vong mới, dấy lên nguy cơ bùng phát dịch trên toàn cầu.

Phun thuốc khử trùng tại một chợ ở thành phố Daegu, Hàn QuốcPhun thuốc khử trùng tại một chợ ở thành phố Daegu, Hàn Quốc (Ảnh: Internet)

Các chuyên gia y tế công cộng lo ngại về tình trạng bùng phát các ca nhiễm virus Covid-19 khi có nhiều trường hợp không thể truy tìm nguồn lây nhiễm ở nhiều nước khắp thế giới. Các chùm ca bệnh xuất hiện ở Hàn Quốc, Iran, Italy và Canada không có mối liên hệ rõ ràng với tâm dịch ở Trung Quốc, khiến công tác kiềm chế dịch rất khó khăn.

Tại Hàn Quốc - nơi có 6 người tử vong vì Covid-19 tính đến 23/2, Tổng thống Moon Jae-in đã tuyên bố mức cảnh báo cao nhất tại đất nước 51 triệu dân khi số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt lên trên 600 ca chỉ trong vài ngày. Mức cảnh báo Cấp độ 4 (nghiêm trọng), cho phép chính phủ phong tỏa các thành phố và thực hiện các biện pháp mạnh khác để kiềm chế bùng phát.

Trên 50% ca bệnh mới ở Hàn Quốc đều bắt nguồn từ một nhà thờ ở thành phố Daegu, đông nam Hàn Quốc sau khi một phụ nữ 61 tuổi tới dự lễ ở nhà thờ có kết quả xét nghiệm dương tính với Covid-19. Người này được gọi là bệnh nhân 31, từng từ chối xét nghiệm hai lần vì mình không ra nước ngoài.

Bệnh nhân 31 này đã lây virus cho nhiều người khác là tín đồ đạo Tân Thiên Địa tại Daegu. Giới chức y tế Hàn Quốc đã lấy danh sách của 9.300 thành viên giáo phái này và yêu cầu họ tự cách ly theo dõi sức khỏe.

Thủ tướng Hàn Quốc đã đề nghị các công dân ngừng các hoạt động tôn giáo vì lý do an toàn. Các cơ sở hoạt động của tôn giáo Tân Thiên Địa đã bị đóng cửa để phòng dịch lây lan. Thành phố Daegu đã triển khai 600 cảnh sát để tìm những tín đồ chưa tiếp cận được để thông báo tình hình.

Dịch bệnh lan nhanh ở Hàn Quốc đã khiến nhiều nước khuyến cáo công dân về đi lại. Israel đã đóng cửa biên giới với người nước ngoài sống tại hoặc thăm Hàn Quốc trong hai tuần qua. Mỹ và Anh cũng nâng cảnh báo đi lại tới các nước châu Á.

Không chỉ Hàn Quốc, tại Nhật Bản, dịch cũng đang có dấu hiệu nghiêm trọng. Người thứ ba nhiễm Covid-19 trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly ở ngoài khởi Nhật Bản đã tử vong. Đây là một người đàn ông Nhật Bản ở độ tuổi 80, được đưa từ du thuyền tới bệnh viện sau khi có triệu chứng nhiễm bệnh. Trước đó, hai người Nhật Bản khác trên du thuyền, cũng ở độ tuổi 80 đã chết sau khi nhiễm virus.

Trên du thuyền Diamond Princess bị cách ly, có hơn 600 người nhiễm virus, trong đó vài chục người đang trong tình trạng nguy kịch. Tổng cộng, Nhật Bản đã có 4 ca tử vong vì Covid-19, trên 130 người nhiễm bệnh, chưa kể số người liên quan tới du thuyền Diamond Princess.

Tại Iran, giới chức nước này cho biết có 28 ca nhiễm bệnh và 5 ca tử vong. Người ta cho rằng một công nhân Trung Quốc quay lại thành phố Qom của Iran làm việc có thể là nguồn lây nhiễm cho các ca ở Iran. Bộ Y tế Iran cho biết dịch khởi phát từ Qom và đã tới các thành phố khác. Có khả năng virus đã lan ra mọi thành phố khắp Iran.

Trong khi đó, số ca nhiễm Covid-19 ở người Mỹ đã tăng lên 35. Bà Nancy Messonnier thuộc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi các ca bệnh được hồi hương vì cho rằng con số này chưa phản ánh đúng tình hình đang diễn ra ở cộng đồng tại Mỹ”.

Một chuyên gia Mỹ cho biết đa số ca bệnh có triệu chứng nhẹ nên khó phát hiện và người nhiễm virus ở dạng nhẹ đã khiến virus lây lan rộng và khó kiểm soát. Người nhiễm ở mức độ nhẹ có thể nhầm tưởng mình bị cúm hay cảm lạnh thông thường rồi lây cho người khác. Ông Amesh Adalja thuộc Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins ở Baltimore (Mỹ) nói: “Nếu như vậy, tất cả các biện pháp kiềm chế hiện nay đều sẽ không hiệu quả. Bệnh sẽ bị nhầm lẫn trong mùa cúm và cảm lạnh ở mọi nơi, ở nhiều nước”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), thời điểm thuận lợi để kiềm chế Covid-19 đang qua dần. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết dù vẫn ở giai đoạn có thể kiềm chế dịch, song giai đoạn đó đang dần trôi qua. Ông cảnh báo nếu các nước không nhanh chóng huy động nguồn lực để chống virus lây lan, đợt bùng phát dịch này có thể xảy ra ở mọi nơi. WHO lo lắng nhất về các ca không có mối liên hệ dịch tễ rõ ràng như không đi tới Trung Quốc hay tiếp xúc với ai nhiễm bệnh.

Dương Thùy (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.