Hãy báo hiếu khi cha mẹ vẫn đang còn

Chia sẻ

Báo hiếu cha mẹ cần được thực hiện thường xuyên, thể hiện từ trong sinh hoạt hằng ngày. Cha mẹ hiếu nghĩa với ông bà, làm tấm gương sáng cho thế hệ con cháu học tập, làm theo. Đừng đợi đến lễ Vu Lan, cài một bông hồng trên ngực áo mới là báo hiếu…

Ngược đãi mẹ già, đau lòng chữ hiếu

Cụ G (80 tuổi, ở Gia Lâm, Hà Nội) dáng cao ráo, khuôn mặt phúc hậu, mái tóc đã bạc trắng như cước. Cả đời cụ cần mẫn làm ăn, buôn thúng bán mẹt nuôi con khôn lớn rồi dựng vợ gả chồng cho từng đứa một. Những tưởng, cụ sẽ được sống yên ổn, an nhàn bên con cháu trong những ngày cuối đời, nào ngờ, bi kịch tuổi già kéo đến khi các con trai của cụ đã hắt đi công lao dưỡng dục của mẹ.

Cụ G có 7 người con, một người không may qua đời sớm, còn lại 2 trai, 4 gái. Các con gái lấy chồng xa, thi thoảng mới về cho mẹ được tấm bánh, hộp sữa. Ba người con trai khi lấy vợ, cụ chia cho mỗi người một mảnh đất để dựng nhà ở riêng. Còn cụ ở riêng trong căn nhà cũ sát cạnh đó, nơi mảnh đất hương hỏa tổ tiên để lại – là phần đất mà cụ để cho anh con cả nay đang sống và làm kinh tế mới ở Sơn La.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mấy năm trước, anh con cả có giao phần đất của mình cho cậu em út ở với điều kiện không được bán và sẽ phải thay anh chăm sóc nuôi dưỡng mẹ lúc tuổi già. Nhưng từ ngày nhận xong đất, cụ về sống cùng anh con út, thì mâu thuẫn mẹ - con ngày càng nhiều. Lúc đầu, cụ G nhẫn nhịn, nghĩ các con nóng tính, còn mình thì già cả nên lú lẫn. Nhưng sự việc xảy ra quá nhiều lần, cụ G đau lòng lắm.

Mấy năm trước, còn chút sức khỏe, cụ G vẫn thường nấu bánh mang ra chợ bán kiếm thêm vài đồng tiêu vặt. Thế mà, anh con trai thấy mẹ phiền hà, đã đẩy mẹ vào sống trong căn phòng chật hẹp, tối hút. Chưa hả dạ, anh ta còn xây kín cửa thông ra nhà ngoài, đập một lối thông ra vườn cho căn phòng để biệt lập cụ với gia đình.

Lần ấy, cháu trai cụ sang vay tiền. Cụ bảo không có. Không hiểu đứa cháu về thưa chuyện với bố mẹ thế nào mà trưa hôm sau, con trai con dâu kéo sang phòng cụ kiếm cớ gây chuyện, chửi bới rồi trút giận lên chiếc giường ngủ của cụ. Trong phút chốc, chiếc giường vô tội bị anh ta ném ra giữa sân, đập nát. Từ khi bị con đập phá mất giường ngủ, cụ phải trải chăn nằm đất khiến căn bệnh ho tái phát dữ dội, uống thuốc không khỏi.

Những ngày sau đó, cụ G sống trong chuỗi cực hình về tinh thần. Vợ chồng con trai út ngang nhiên lôi nồi cơm điện đang nấu cháo vừa chín sôi sùng sục ra đập phá, mượn đồ không trả… Mọi người khuyên anh ta nên “ăn ở hiếu nghĩa với mẹ già chứ chờ tới khi chết đi rồi mâm cao cỗ đầy, khăn ngang áo dài cũng chẳng để làm gì” thì anh ta bỏ ngoài tai. Đau đến thắt lòng cụ cũng đành nín nhịn vì chẳng biết làm gì trước sự ngỗ ngược mất nhân tính của chính đứa con ruột. Nhiều lần tủi thân, cụ G nằm khóc ướt chăn, ướt gối.

Mẹ bị các em trai bạo hành, nhưng bốn cô con gái của bà không thể làm gì giúp được. Bởi chỉ cần lên tiếng, họ lại bị em trai gây sự, đánh đuổi. Thậm chí, chính quyền địa phương cũng đã vào cuộc giải quyết mâu thuẫn của gia đình cụ G nhưng “đâu lại vào đấy”. Trong các buổi hòa giải, lần nào con trai cụ cũng tỏ ra hối lỗi, hứa hẹn, cam kết không tái phạm. Tuy nhiên sau đó, anh ta lại tiếp tục gây sự.

Cách đây hơn 1 tháng, mạng xã hội dậy sóng một bài viết đăng kèm hình ảnh, video về cụ X (86 tuổi, ở Sóc Sơn, Hà Nội) bị 2 con trai đuổi ra khỏi nhà. Mỗi lần nghe ai đó hỏi về hai con trai là cụ X lại lau nước mắt thở dài: “Tôi từ chúng nó lâu rồi”. Nhưng ai cũng hiểu, những lời đó chỉ nói trong lúc tức giận, trong thâm tâm cụ vẫn luôn mong muốn các con đối xử tử tế với mình để được sống yên ổn trong những ngày cuối đời.

Cụ X có 2 con trai, 5 con gái đều đã yên bề gia thất. Khi hai con trai lấy vợ, vợ chồng cụ cũng chia cho hai con hai mảnh đất để ở, con trai cả xây nhà ở riêng còn con út ở cùng bố mẹ trong căn nhà cấp 4 cũ. Năm 2011, do mâu thuẫn mẹ chồng – nàng dâu nên vợ chồng con trai út xin ra ở riêng. Cụ X cùng chồng ở trong căn nhà cũ đã xuống cấp. Khi cụ ông mất đi, cụ X ở một mình, các con trai ở cạnh nhưng thấy mẹ ốm đau cũng không sang chăm sóc. 1 năm trước, anh con út muốn đập ngôi nhà mà cụ đang ở để xây nhà mới, cụ không đồng ý, anh ta đuổi cụ ra khỏi nhà. Con trai cả thấy vậy cũng bỏ mặc, không đón mẹ về chăm sóc. Cụ uất ức vì bị bạc đãi nên đã nhờ con gái làm đơn lên chính quyền để xử lý hai người con trai bất hiếu, đồng thời đòi lại mảnh đất có căn nhà mà cụ đang ở…

Đừng để nước mắt cha mẹ rơi…

Trên đây chỉ là hai trong số rất nhiều vụ việc con cái bỏ bê, ngược đãi cha mẹ già diễn ra trong cuộc sống hằng ngày. Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2017, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình… và các bộ luật liên quan đã có các quy định cụ thể về việc con cái có hành vi bất hiếu với cha mẹ thì tùy vào mức độ, hành vi, nhẹ thì cảnh cáo, phạt tiền, nặng thì có thể bị phạt đến 3 năm tù. Thế nhưng, những hành vi như vậy vẫn còn nhan nhản…

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Theo bà Lê Thị Túy, chuyên gia tư vấn hôn nhân gia đình – Trung tâm tư vấn tâm lý Tuổi trẻ hạnh phúc, đạo Hiếu vốn là truyền thống quý báu tốt đẹp của dân tộc ta. Hàng năm, mỗi độ thu sang, mùa Vu lan Báo hiếu lại đến, như nhắc nhở con cái cần quan tâm cha mẹ và cho tròn chữ hiếu.

Tuy nhiên ngày nay, điều kiện xã hội cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc thực hiện chữ hiếu trong các gia đình hiện đại. Hình ảnh những cụ già đã lớn tuổi phải sống cô đơn, có con bên cạnh nhưng không được chăm sóc, phụng dưỡng, hay những người bị con đuổi ra ngoài, phải sống lang bạt, ăn xin, bán vé số mưu sinh… Thậm chí, có những cụ già con cái giàu sang nhưng xem cha mẹ là gánh nặng nên phải vào viện dưỡng lão không còn là xa lạ. Tệ hơn, con cái đánh đập, chửi bới, chì chiết cha mẹ cũng diễn ra hàng ngày. Những người con này đã vi phạm giá trị đạo đức là điều không cần bàn cãi.

Cũng có những người con vì bận rộn mà quên mất việc hỏi han, quan tâm đến cha mẹ mỗi ngày. Rồi áp lực mưu sinh khiến họ cau có khi cha mẹ già “trái tính, trái nết”. Có những người con vì mải làm ăn không thể túc trực ở bên khi cha mẹ ốm đau, bệnh tật… Theo bà Túy, đạo Hiếu không phải chỉ đợi đến lễ Vu Lan cài bông hoa hồng trên ngực áo mà phải thực hiện hàng ngày, hàng giờ. Đó là sự quan tâm chăm sóc, sự hiếu thảo của con cái dành cho cha mẹ. Đó đôi khi là một cuộc điện thoại hỏi thăm khi ở xa, có mặt khi bố mẹ cần, chăm sóc phụng dưỡng khi bố mẹ ốm đau. Hay đơn giản hơn là chỉ cần các con xây dựng cuộc sống yên ổn, dạy dỗ con cái nên người, sống có ích cho xã hội… cũng là một cách để báo hiếu.

“Nhiều người trẻ hiện nay vẫn giữ quan niệm phải làm việc và kiếm thật nhiều tiền để có thể phụng dưỡng cha mẹ tốt nhất. Quan niệm này không sai, nhưng đôi khi vì dành quá nhiều thời gian, công sức để làm lụng bên ngoài khiến bạn lãng quên mất việc chăm sóc cho bố mẹ mỗi ngày. Đạo hiếu được bắt nguồn từ tấm lòng tri ân, là sự bày tỏ công ơn dưỡng dục biển trời của cha mẹ. Đạo làm con phụng dưỡng cha mẹ là để báo đền ân đức, nhưng không có nghĩa là lo cho mẹ cha ăn no mặc ấm, ở nhà cao cửa rộng, phụng dưỡng cha mẹ không chỉ về mặt vật chất mà còn cả tinh thần, không để cha mẹ lo lắng buồn phiền” – bà Túy cho biết.

TÚ AN

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.