Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi khi trời trở lạnh

Chia sẻ

Những ngày gần đây, thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ có sự chênh lệch lớn giữa ngày và đêm là điều kiện thuận lợi cho các loại virus, vi khuẩn gây bệnh (virus cúm, vi khuẩn liên cầu, phế cầu, tụ cầu…) phát triển, gây ra bệnh viêm đường hô hấp như: viêm amidan, viêm xoang và đặc biệt là viêm đường phế quản…

ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là với những người cao tuổi có sức đề kháng kém. 

Một số bệnh thường gặp ở người cao tuổi khi thời tiết thay đổi

Viêm họng

Khi thời tiết thay đổi hoặc chuyển mùa, đặc biệt từ nóng sang lạnh, người cao tuổi dễ bị viêm họng cấp tính, nếu như không chữa trị kịp thời sẽ chuyển sang mạn tính. Viêm họng mạn tính khiến người bệnh mệt mỏi kèm theo các triệu chứng như ho, đau rát họng, đôi khi ho khan hoặc ho có đờm, thậm chí ho có đờm và lẫn máu do tổn thương một số mạch máu nhỏ ở đường hô hấp trên gây ra.

Để tránh bị viêm họng khi thay đổi thời tiết, người cao tuổi cần giữ ấm cơ thể, nhất là vùng họng; kết hợp súc miệng nước muối ấm thường xuyên, uống nước ấm để giữ ấm vùng họng.

Viêm mũi dị ứng

Mũi có nhiệm vụ làm sạch và làm ấm không khí, là cửa ngõ của đường thở, cơ quan chính của khứu giác, đồng thời là khoang cộng hưởng quan trọng nhất của bộ máy phát âm. Khi mũi bị viêm nghĩa là các chức năng đều bị ảnh hưởng.

Khi thời tiết thay đổi hoặc tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, nấm mốc, vi khuẩn… người cao tuổi thường dễ dàng nhiễm bệnh. Nếu người nhà không quan tâm và chữa trị, bệnh khiến người cao tuổi khó chịu, không thoải mái, tâm lý bi quan và dễ bị trầm cảm và dẫn đến viêm mũi mạn tính.

Hen suyễn

Theo các nghiên cứu mới nhất, tỷ lệ người cao tuổi bị hen suyễn chiếm 4,5-9%. Nguyên nhân chính là do người cao tuổi ngồi điều hòa nhiều, tiếp xúc thường xuyên với không khí ô nhiễm, hoặc bị lạnh khi thời tiết thay đổi... khiến triệu chứng suyễn trở nên nặng hơn.

Trong khi đó, người cao tuổi thường kém minh mẫn nên không nhận biết sớm các triệu chứng; đồng thời sức đề kháng kém, cũng như cấu trúc và chức năng đường hô hấp bị biến đổi, suy giảm do quá trình lão hóa khiến bệnh dễ dàng nặng hơn khi gặp điều kiện thuận lợi.

Viêm phổi tắc nghẽn mạn tính

Người cao tuổi bị bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính, khi vào mùa lạnh hoặc tiếp xúc với không khí ô nhiễm (đặc biệt hít phải bụi mịn, bụi đường, khói công nghiệp, khói than, đốt lò gạch…), bệnh dễ tái phát gây khó thở và dễ gây nguy kịch cho người bệnh.

Bác sĩ BV Hữu Nghị thăm khám cho người bệnh. Ảnh BVCCBác sĩ BV Hữu Nghị thăm khám cho người bệnh. Ảnh BVCC

Giải pháp hạn chế tối đa nguy cơ người cao tuổi mắc các bệnh về hô hấp

- Không hút thuốc lá, thuốc lào để tránh khởi phát cơn hen suyễn cấp.

- Người cao tuổi cần mặc đủ ấm, ngủ ấm và tránh gió lùa vào phòng; hạn chế ra ngoài lúc sáng sớm khi trời chuyển lạnh, nếu cần thiết phải ra ngoài cần mặc kín, giữ ấm cơ thể. Tuy nhiên, cần tránh mặc quá nhiều quần áo, sẽ gây cử động khó khăn, ngại vận động, có khi gây ra mồ hôi và khiến cơ thể bị nhiễm lạnh. Nếu người lớn tuổi chủ quan với sức khỏe như không mặc đầy đủ thì cũng dễ bị nhiễm lạnh.

- Vệ sinh răng miệng bằng nước muối sinh lý hoặc đánh răng trước và sau khi ngủ dậy. Nếu sử dụng răng giả cần vệ sinh sạch sẽ, không để bám dính thức ăn làm tăng nguy cơ bội nhiễm vi khuẩn cho đường hô hấp.

- Thường xuyên tập dưỡng sinh; nên tập khi thời tiết không quá lạnh, hoặc nơi thông thoáng nhưng phải giữ ấm cơ thể. Thói quen đi tập thể dục sớm từ 4 - 5 giờ sáng là không cần thiết, vì lúc đó trời chưa tan sương, nhiệt độ thấp, dễ gây bệnh, nhẹ thì cảm lạnh, nặng thì đột quỵ… Muốn tập thể dục, người cao tuổi nên chờ đến khi nắng lên hãy ra đường; cần thiết thì có thể tập thể dục ở trong nhà (trong nhà cũng không nên để nhiệt độ lạnh quá, tránh gió lùa và trước khi ra ngoài thì cần nghỉ ngơi khoảng 5 - 10 phút).

- Người già thường hay quên uống thuốc hoặc bỏ thuốc do trí nhớ kém. Chính vì vậy, người nhà cần chú ý, chuẩn bị và nhắc người cao tuổi sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ trong trường hợp bắt buộc phải dùng thuốc.

- Đặc biệt chú ý: Người cao tuổi cần vệ sinh cá nhân, giữ đường hô hấp sạch sẽ, làm sạch mũi hàng ngày, đeo khẩu trang khi đi đường để tránh bụi, tránh tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp than, khói hương… từ đó giúp giảm nguy cơ viêm đường hô hấp; nếu không cần thiết thì không nên đến chỗ đông người, dễ bị lây bệnh.

- Với những giải pháp trên, người nhà nên nhắc nhở người cao tuổi thực hiện để bảo vệ tốt hệ hô hấp, tránh khiến bệnh nặng và chuyển sang giai đoạn nguy hiểm. Nếu tình trạng bệnh nặng cần được đưa đến cơ sở y tế thăm khám và điều trị kịp thời.

BS CK2 NGUYỄN TRƯỜNG SƠN
(Phó Giám đốc, kiêm Trưởng khoa Hô hấp dị ứng - BV Hữu Nghị Việt Xô)

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.