Giáp Tết, hàng giả, hàng nhái “đổ bộ”

Chia sẻ

Càng gần đến Tết, nhu cầu tiêu dùng tăng cao cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc bung rộ trên thị trường. Đặc biệt đánh trúng tâm lý sính ngoại của người tiêu dùng, các đối tượng kinh doanh, sản xuất hàng giả, hàng nhái ngày càng có nhiều thủ đoạn tinh vi.

Lực lượng chức năng phát hiện và xử lý cơ sở sản xuất và kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas ở xã Tam Hiệp, Phúc ThọLực lượng chức năng phát hiện và xử lý cơ sở sản xuất và kinh doanh quần áo giả mạo nhãn hiệu Adidas ở xã Tam Hiệp, Phúc Thọ

Kho hàng quần áo mang nhãn hiệu giả mạo Adidas tại xã Tam Hiệp – Phúc ThọKho hàng quần áo mang nhãn hiệu giả mạo Adidas tại xã Tam Hiệp – Phúc Thọ

Từ sản xuất kinh doanh hàng hiệu giả mạo

Đến làng nghề xã Tam Hiệp huyện Phúc Thọ ngày cuối năm, theo quan sát của phóng viên, dọc đường làng nghề rất sôi động với hoạt động buôn bán quần áo, người và phương tiện ô tô, xe máy ra vào chở hàng tấp nập. Hai dãy hàng bán quần áo chủ yếu là bán buôn, khách đến mua từng kiện hàng, hầu hết cửa hàng không bán lẻ. Các sản phẩm hiện nay chủ yếu là quần áo mùa đông áo khoác, áo len với các nhãn hiệu đủ loại, chữ tiếng Anh, tiếng Việt, trong đó có sản phẩm in chữ Adidas. Trong vai người hỏi mua buôn, chúng tôi hỏi mua sản phẩm có gắn nhãn hiệu nước ngoài thì chủ cửa hàng lắc đầu với vẻ đề phòng người lạ.

Tại đây, trong năm 2020, lực lượng Công an huyện Phúc Thọ phối hợp với các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh về hành vi làm hàng nhái, giả mạo nhãn hiệu của nước ngoài, thu giữ hơn 5.700 bộ quần áo gắn nhãn mác Louis Vuitton, Adidas... Trong đó, điển hình là vụ vi phạm của cơ sở sản xuất kinh doanh quần áo Hải Hà.

Đại úy Trần Mạnh Tiến, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra kinh tế ma túy và môi trường cho biết, trong năm nay, Công an huyện Phúc Thọ đã xử lý 35 vụ vi phạm hành chính liên quan đến hành vi không đăng ký kinh doanh, kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; thu nộp ngân sách nhà nước hơn 100 triệu đồng; khởi tố 2 vụ về hành vi sản xuất quần áo giả mạo nhãn hiệu.

Đại úy Trần Mạnh Tiến cho rằng, dựa vào nhu cầu thị hiếu của khách hàng có tâm lý sính hàng hiệu, một số đối tượng đã lén lút sản xuất quần áo giả mạo các thương hiệu đã đăng ký bảo hộ tại Việt Nam như: Nike, Adidas, Uniqlo, Gucci… Các đối tượng này có các phương thức, thủ đoạn ngày một tinh vi như thường đóng kín cửa nhà… gây khó khăn cho công tác kiểm tra, phát hiện.

Trung tá Hoàng Văn Nam, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và chức vụ, Công an quận Hà Đông cho biết, trong năm 2020, Công an quận Hà Đông phối hợp với lực lượng chức năng đã phát hiện xử lý 164 vụ vi phạm, tăng 20 vụ so với năm 2019. Trong đó, đã xử lý hành chính 149 vụ, 133 đối tượng và 16 tổ chức; xử phạt hành chính hơn 705 triệu đồng. Qua đó, tạm giữ và tịch thu 100 thỏi son môi Press, 288 thỏi son môi Lameila, 80 hộp phấn mắt M’ay create, 117 hộp phấn mắt Fashion, 40 hộp kem dưỡng mắt Rose, 450 lọ nước hoa Jean Miss 2ml; 200 bộ đèn nháy Deco…

Bên cạnh sản phẩm quần áo thời trang, hàng giả, hàng nhái, hàng lậu còn bị các đối tượng vi phạm trên rất nhiều sản phẩm như: Rượu, bia, bánh kẹo, thuốc tân dược, thuốc lá, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Theo Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, tính đến ngày 15/11, các lực lượng chức năng trên cả nước đã bắt giữ, xử lý 201.484 vụ vi phạm về chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; xử phạt và nộp ngân sách Nhà nước 20.065 tỷ đồng; khởi tố 1.766 vụ việc với 2.254 đối tượng.

Hàng giả tràn lan chợ thương mại điện tử

Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19, hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) càng bùng nổ, phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và quy mô. Kênh giao dịch lớn này đang bị lợi dụng khi các đối tượng kinh doanh ngang nhiên trà trộn hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng ảnh hưởng nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng và thiệt hại cho doanh nghiệp kinh doanh chân chính.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho rằng, việc truy xuất, lưu trữ hóa đơn hàng hóa giao dịch TMĐT còn gặp nhiều khó khăn, bởi lực lượng QLTT không có thẩm quyền đề xuất lấy các sao kê ngân hàng, theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng. Trong khi đó, các đối tượng thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận, mà lực lượng QLTT không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra. Các mô hình TMĐT mới liên tục xuất hiện, các giao dịch, dịch vụ xuyên biên giới, đa dạng về chủ thể tham gia, phức tạp về cách thức hoạt động... Đây là thách thức các cơ quan quản lý cần khắc phục “lỗ hổng” về chính sách, nhanh chóng hoàn thiện hành lang pháp lý giúp TMĐT phát triển bền vững.

Thủ đoạn của các đối tượng bán hàng giả, hàng nhái là dùng hình ảnh hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán giá rẻ hơn rất nhiều nhằm lôi kéo người tiêu dùng. Mới đây, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) và Cục QLTT Hà Nội đồng loạt kiểm tra 5 địa điểm bán hàng và kho chứa hàng của 2 website kinh doanh hàng hiệu là menshop79.comvà Menshopfashion.com, đã phát hiện, thu giữ gần 2.000 sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes, Versace, Burberry…

Ngày 28/10, lực lượng QLTT Quảng Ninh cùng các đơn vị chức năng đã lật tẩy một kho hàng chứa gần 8.000 sản phẩm thời trang nhập lậu và giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như: Nike, Adidas, Chanel…Chủ cơ sở kinh doanh này buôn bán qua nền tảng TMĐT(shopee). Các đơn hàng được nhân viên chốt qua các TMĐT, sau đó di chuyển về kho để đóng hàng và sử dụng dịch vụ vận chuyển nhanh để phân phối. Tại Hà Nội, điển hình là vụ việc Đội QLTT số 1, Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Phòng An ninh công nghệ cao, Công an Hà Nội xử lý hoạt động kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu Samsung tại Cầu Giấy. Các đối tượng sử dụng website đăng địa chỉ ảo, người đứng tên mua website là một người, còn người thực sự sở hữu và sử dụng là một người khác và sử dụng rất nhiều website trong quá trình hoạt động.

Nhận định về vấn đề này, theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, khó khăn lớn mà lực lượng chức năng phải đối mặt là các đối tượng không có cửa hàng, chỉ thông qua các website, mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, sau đó chuyển hàng và thanh toán trực tiếp theo thỏa thuận. Hàng hóa phân tán, nhỏ lẻ, cất giấu nhiều nơi, chỉ bán hàng qua cộng tác viên, trung gian, các website được tạo ra và đóng lại trong thời gian ngắn, khiến lực lượng chức năng khó kiểm soát, khó xác định chứng cứ; kể cả khi kiểm tra, tìm được kho hàng cũng khó xác minh chủ. Hơn nữa, để xử lý các vụ vi phạm phải có chứng cứ cụ thể, nhưng 99% các giao dịch trên mạng không có hóa đơn, chứng từ.

Theo ông Chu Xuân Kiên, thời gian tới, cơ quan lập pháp cần hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ trên sàn TMĐT; cần tăng nặng hình thức xử phạt nhằm răn đe các đơn vị và cá nhân kinh doanh bất hợp pháp. Nhất là cần làm rõ việc ràng buộc trách nhiệm của các sàn TMĐT với hàng hóa bày bán, qua đó ngăn chặn tình trạng lợi dụng để bán hàng giả, hàng lậu, lừa đảo người tiêu dùng.

Quyết liệt đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại

Để giải quyết tình trạng hàng giả, hàng lậu, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban chỉ đạo 389 quốc gia vừa ký ban hành Kế hoạch cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu, thực hiện từ ngày 20/12/2020 đến 28/2/2021. Ban Chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, tỉnh, thành phố về công tác chống buôn lậu, gian lận và hàng giả, đặc biệt là các mặt hàng liên quan đến phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Theo ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, lực lượng QLTT Hà Nội đẩy mạnh công tác điều tra, nắm tình hình thị trường; lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, đánh mạnh vào các đường dây, ổ nhóm lớn; nhất là các địa bàn trọng điểm như: Chợ Đồng Xuân (Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm), chợ Hòa Bình (Hai Bà Trưng), ga Hà Nội, sân bay Nội Bài, một số kho, bến bãi thuộc quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì... Lực lượng QLTT Hà Nội đẩy mạnh phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức kiểm tra ngăn chặn tình trạng lợi dụng các hội chợ Xuân để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng.

Bài và ảnh VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.