Tôi và mẹ chồng

Chia sẻ

Mẹ chồng tôi là một phụ nữ mạnh mẽ, từng đảm trách một chức vụ quan trọng trong công ty, sau khi nghỉ hưu đã cùng bạn mở một quán cà phê sách. Một bà mẹ chồng như thế đương nhiên là phong thái không bình thường, khí chất rắn rỏi.

Lý Quân Thương (Trung Quốc)

1

Chồng tôi, Cao Lĩnh, đã tốt nghiệp một trường đại học danh tiếng, vóc dáng cao to, anh tú khoáng đạt. Còn tôi, tuy xuất thân từ con nhà nông nhưng có học vấn và thu nhập cao, dung mạo cũng hơn người, tự thấy là cũng xứng đôi với chồng. Nhưng ngay từ đầu, không hiểu sao mà mẹ chồng tôi đã rất không tán thành cho chúng tôi ở bên nhau.

Lần đầu tiên đến nhà Cao Lĩnh, tôi đã mua khá nhiều quà tặng. Mẹ chồng liếc nhìn, nói: “Tôi không muốn ăn những thứ đồ bổ dưỡng, thứ vải này có màu sắc không thích hợp với tôi. Sau này, không cần phải mua gì cho tôi đâu, cái “gu” của tôi và của cô không giống nhau”.

Tôi thấy hụt hẫng: Thật là khó để lấy lòng người phụ nữ này.

Nhưng, đối với người đang yêu nhau mà nói thì trở ngại này không có gì đáng kể. Cuối cùng, tôi và Cao Lĩnh vẫn đưa nhau đến phòng cưới .

Mấy năm trước, bố chồng tôi qua đời nên chúng tôi sống chung với mẹ. Mẹ chồng tôi tự mở cửa hàng, cơm tối đều do tôi nấu. Khẩu vị của bà thanh đạm, không thích ăn đồ mặn, cay và đồ ăn nhiều dầu mỡ; thấy tôi quen ăn cay, bà thường bảo: “Ăn cay không tốt cho da, đường tiêu hóa bị nóng... nên người phụ nữ cần học cách tự khắc chế mình”. Tôi cho rằng, người ta sống ở trên đời mà ăn uống không được đầy đủ như ý muốn há chẳng phải là cuộc sống bị quá kìm nén hay sao?

Mẹ chồng tôi tự bảo dưỡng cho mình rất tốt, từ vóc dáng tới nước da đều rất khỏe khiến tôi tự thấy xấu hổ. Bà đứng cạnh chồng tôi nhìn cứ như hai chị em chứ không phải là hai mẹ con. Cái mặc của bà cũng cực kỳ chải chuốt và tinh tế, quần áo mặc từ thứ hai đến chủ nhật tuyệt đối không có bộ nào trùng lặp nhau, đồ trang sức được trau chuốt tỉ mỉ từng ly từng tý, có thể nói là vũ trang đến tận chân răng. Nhan sắc và trang phục cũng được chú ý phối hợp, mỗi ngày phải trang điểm khoảng nửa giờ rồi mới ra khỏi nhà. Cho dù ở nhà không đi đâu thì trang phục và dung nhan cũng vẫn tinh xảo và đẹp đẽ.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Câu nói cửa miệng của bà là: “Tôi không quen nhìn những phụ nữ coi thường hình thức của mình”.

Một lần, tôi đang chuẩn bị đi dự hội với bạn bè, mẹ chồng nhìn tôi xét nét rồi nói: “Hôm nay, cách ăn mặc của con có vấn đề. Chiếc khăn quàng này làm làn da của con ảm đạm đi, hơn nữa nó còn làm xấu cả bộ quần áo con đang mặc”.

Chiếc khăn này đã làm tôi tiêu mất khá nhiều tiền, giờ bị mẹ chồng chê bai khiến tôi nản lòng, cụt hứng mà đi ra khỏi nhà.

Mẹ chồng chạy vào phòng ngủ, lấy ra một chiếc khăn đưa cho tôi, nói: “Đổi chiếc khăn này đi, có thể cứu cho con được đôi chút. Mẹ hy vọng người phụ nữ đứng bên cạnh con trai mẹ sẽ có đủ khí chất xuất chúng, hợp với phong độ hiên ngang của nó”.

Phải thừa nhận rằng, dưới sự dạy bảo của mẹ, phong độ của chồng tôi thực sự thanh thoát, phong thái hiên ngang, nhưng chẳng lẽ mẹ không thể nói năng mềm dẻo hơn một chút sao? Cho dù có ý tốt đi chăng nữa thì cũng có nên đả kích tôi bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu như thế không?

Tôi thương lượng với Cao Lĩnh: “Anh yêu, tốt nhất là chúng ta nên dọn đi. Những ngày ở bên mẹ anh đối với em thật không dễ dàng gì, em luôn có cảm giác bị thất bại”.

Cao Lĩnh trợn tròn mắt nhìn tôi: “Em nghĩ gì thế? Cha anh mất rồi, làm sao có thể bỏ rơi mẹ anh được, như vậy há chẳng phải là quá bất hiếu sao? Em nên biết rằng, mẹ anh không hề có tính nhỏ nhen, keo bẩn, phải không nào?”.

Thôi được, tôi thừa nhận rằng mình thật vinh hạnh khi có bà mẹ chồng như thế, được chưa?

2
Sau khi tôi có thai, mẹ chồng tôi lãnh đạm nói: “Thật không? Thế là tôi được làm bà nội rồi!”. Sau đó, bà nói: “Mẹ nói trước nhé, mẹ không thể trông đứa bé giúp các con được đâu, đó không phải là nghĩa vụ của mẹ, mẹ còn có cuộc sống của riêng mình. Nếu quá bận, các con có thể thuê người giúp việc”.

Mười tháng mang thai, tôi sinh con gái Đóa Đóa. Trong bệnh viện, mẹ đẻ tôi bảo: “Sinh được con gái đầu lòng thì tốt rồi, sẽ còn phải sinh thêm một đứa nữa chứ, có hai con bao giờ cũng tốt hơn, mà tốt nhất là sinh thêm con trai”.

Tôi vừa trải qua nỗi đau sinh nở như người chết đi, sống lại, nghe nhắc đến chuyện sinh thêm con mà nổi da gà. Tôi nhăn nhó nói: “Mẹ đừng nói đến chuyện sinh thêm con được không? Con không muốn lại phải khốn khổ thêm lần nữa”.

Mẹ tôi bảo: “Một đứa con thì quá cô đơn”.

Mẹ chồng tôi đứng bên cạnh nói: “Bà thông gia ơi! Quan niệm của bà lạc hậu quá rồi! Người phụ nữ đâu phải là công cụ để sinh con, tại sao lại phải tiếp tục sinh thêm đứa thứ hai, thứ ba? Dù là con trai hay con gái, chỉ cần nuôi dưỡng cho tốt là được rồi!”.

Chồng tôi là con một, không ngờ mẹ chồng tôi lại có thể thản nhiên nói ra những lời như thế, bà hoàn toàn không có một ý niệm gì về sự “nối dõi tông đường” như những bà mẹ chồng truyền thống khác.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Mẹ chồng tôi không chăm sóc tôi, không giặt tã cho cháu nội mà những việc ấy đều do mẹ đẻ tôi gánh vác, kể cả việc lo lắng cho hai mẹ con tôi ăn uống hàng ngày. Không những không hề nhúng tay, mẹ chồng tôi còn dứt khoát dọn đến ở nhà một người bạn đơn thân. Bà nói: “Rất lâu rồi tôi không trông nom trẻ con, thanh tĩnh quen rồi, trẻ con khóc lóc ồn ào, tôi sẽ mất ngủ”.

Mẹ chồng tôi không quan tâm nuôi dưỡng cháu, đương nhiên là khỏe người nhưng như thế tôi cảm thấy ở bà thiếu đi chút tình người, trong lòng thấy không thoải mái.

Sinh con xong, sức khỏe của tôi luôn trong trạng thái không ổn, bởi vì người phụ nữ sau khi sinh nở ít nhiều đều bị mắc chứng viêm nhiễm về phụ khoa, vì thế nên tôi thường uống chút thuốc tiêu viêm. Sau dó bệnh có chiều hướng tăng nặng, tôi thường xuyên bị đau bụng. Đi bệnh viện khám, bác sỹ yêu cầu tôi phải làm xét nghiệm loại trừ ung thư cổ tử cung.

Trời ơi! Ung thư cổ tử cung? Tuy nói là làm xét nghiệm loại trừ nhưng trong lòng tôi lúc ấy như rơi xuống vực sâu thẳm.

Cao Lĩnh an ủi tôi: “Chỉ là làm một cái xét nghiệm loại trừ thôi mà, không có gì phải lo. Em đừng có suy nghĩ nhiều”.

Kết quả xét nghiệm phải chờ hai tuần mới có. Những ngày chờ “tuyên án” của tôi, thời gian một ngày dài như thể một năm. Cứ nhìn Đóa Đóa thơ dại, tôi lại ứa nước mắt xúc động. Nếu như tôi không còn nữa thì không biết tương lai con bé sẽ như thế nào? Chồng thì tính tình qua loa, đại khái, bà nội thì không mảy may hy vọng, rồi sau này sẽ có mẹ kế nữa thì hoàn cảnh của con bé thật đáng thương...

Nghĩ đến đó, lòng tôi đau như dao cắt, nước mắt như mưa sa.

Hai tuần ấy, Cao Lĩnh dành hết thời gian cho tôi, chăm sóc tôi từng ly từng tý, tối tối đều ôm tôi vào lòng, ru cho tôi ngủ. Thái độ của mẹ chồng tôi cũng có chuyển biến phần nào. Bà giao công việc kinh doanh ở cửa hàng cho người bạn, hàng ngày ở nhà nấu cơm, giặt giũ quần áo. Tuy nhiên, thỉnh thoảng bà cũng trách móc tôi vì lúc bình thường, tôi không chú ý đến việc ăn uống, cũng không mấy chú trọng đến tự chăm sóc sức khỏe cho bản thân cho nên mới sinh bệnh nhưng khẩu khí của bà đã ôn hòa hơn nhiều, lại quan tâm hơn đến khẩu vị của tôi, làm cho tôi những món ăn mà tôi ưa thích. Ngoài ra, bà cũng không ghét bỏ, quát mắng cháu nội, thường cho cháu đi chơi giống như những bà nội hiền từ khác. Vì tình thân máu mủ nên thái độ của bà đối với cháu tốt hơn. Đóa Đóa lập tức thân mật với bà, ngày ngày quấn lấy bà nội, khiến tôi an tâm hơn nhiều.

Trong hoạn nạn mới thấy chân tình, giữa tôi và mẹ chồng đã có được tình cảm mà từ xưa tới nay chưa bao giờ có.

3
Kết quả kiểm tra đã có. Sức khỏe của tôi không có gì nghiêm trọng, chỉ là bị viêm nặng mà thôi, chỉ cần làm một thủ thuật nhỏ là ổn. Tuy chỉ là một cơn sóng gió lướt qua nhưng tôi có cảm giác như mình đã sống sót sau một tai họa.

Mẹ chồng và tôi lại khôi phục kiểu quan hệ như trước đây, bà vừa mua được một căn hộ nhỏ, khăng khăng đòi chuyển đi. Bà nói: “Sức khỏe của mẹ không được tốt, sống một mình không có vấn đề gì. Các con sống một nhà ba người sẽ tự do thoải mái hơn, mẹ cũng sẽ cảm thấy thanh tĩnh hơn một chút”.

Lần này là do mẹ chủ động đề xuất việc rời đi ở riêng, tự nhiên Cao Lĩnh không thể pưhản đối.

Bình thường, việc ai người ấy làm, chẳng ảnh hưởng gì đến nhau. Ngày nghỉ lễ, Tết, chúng tôi lại cùng nhau đi thăm mẹ chồng. Quan hệ mẹ chồng, nàng dâu vẫn còn nhạt nhẽo, không thân mà cũng chẳng ra sơ. Ai có khó khăn gì thì người kia vẫn hết lòng giúp đỡ, xong việc rồi, mọi cái đều trở lại bình thường. Ngày Tết hoặc sinh nhật của mẹ, tôi đều tặng bà một món quà, là chiếc khăn lụa hoặc một món đồ trang sức, bà thản nhiên nói: “Cảm ơn”, đôi khi thêm vào một câu: “Không đến nỗi tệ, cái gu thẩm mỹ của con đã nâng cao hơn rồi đấy!”.

Tôi cao hứng đáp: “Có được mẹ chồng như mẹ, gu thẩm mỹ của con chắc chắn sẽ còn tiến bộ hơn nhiều”.

Có lẽ, mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu giống như quan hệ giữa những người quân tử, nhạt như nước chăng? Nếu nói coi mẹ chồng như mẹ đẻ, coi con dâu như con gái thì e rằng không thực tế. Đã không là mẹ con ruột thì rất khó có được mối huyết duyên, chỉ là “khác máu tanh lòng”, không miễn cưỡng có yêu cầu ắt không thể tạo được dáng vẻ mẹ con. Lúc bình thường thì cùng bình an vô sự, khi khó khăn thì có thể trông cậy lẫn nhau, như thế vị tất đã không phải là một thứ hạnh phúc sao.

TRẦN DÂN PHONG (dịch)

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.