Những điều đặc biệt trong lễ nhậm chức của ông Biden

Chia sẻ

An ninh sẽ được thắt chặt nhất từ trước tới nay trong lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Joe Biden sau cuộc hỗn loạn tại Tòa nhà Quốc hội Mỹ.

Lễ nhậm chức của ông Joe Biden được cho là phá vỡ nhiều truyền thốngLễ nhậm chức của ông Joe Biden được cho là phá vỡ nhiều truyền thống (Ảnh: nguồn Int)

Chưa từng có tiền lệ

Vụ hỗn loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1 đã đặt Cơ quan mật vụ Mỹ và các đối tác liên bang phải tính đến mọi phương án để giảm thiểu nguy cơ xảy ra bất kỳ tình huống nào tương tự hoặc thậm chí là tồi tệ hơn. Lực lượng hành pháp khẳng định lần này họ sẽ không để bị động bất ngờ nữa. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã ra cảnh báo về nguy cơ các cuộc biểu tình đã được lên kế hoạch sẵn sàng tại tất cả 50 bang ở Mỹ từ ngày 17/1 đến ngày nhậm chức (20/1). Sự cảnh giác được nâng cao từ nay đến hết ngày 20/1 và kể cả sau đó. Hơn 25.000 lính vệ binh Quốc gia đã được triển khai nhằm đảm bảo an toàn cho lễ nhậm chức.

Theo truyền thống, ngày tại nhiệm đầu tiên của ông Biden sẽ là 20/1. Ngày nhậm chức cũng là ngày đầu tiên của nhiệm kỳ mới và các quyền hạn của tổng thống chính thức được trao cho Tổng thống đắc cử.

Theo thông lệ, tổng thống sắp mãn nhiệm sẽ tham dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm nhằm tượng trưng cho sự chuyển giao quyền lực một cách hòa bình. Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump đã ra tuyên bố sẽ không tham dự lễ nhậm chức của ông Joe Biden. Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ tham dự sự kiện này. Được biết, sẽ không có các cuộc diễu hành với đám đông cổ vũ cho tân tổng thống và phó tổng thống cũng như các buổi dạ vũ nhậm chức theo truyền thống, một lễ diễu hành trực tuyến sẽ được phát trên đài truyền hình toàn quốc, bao gồm các màn trình diễn nhằm tôn vinh những người hùng trong cuộc chiến chống dịch Covid-19 và thể hiện sự đa dạng, di sản và sức mạnh của nước Mỹ để bước vào kỷ nguyên mới. Lúc đầu, ban tổ chức định giữ lại một số truyền thống lâu đời của lễ nhậm chức bình thường, chỉ giảm quy mô và tuân thủ các quy định để ngăn ngừa Covid-19. Nhưng sau vụ bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội, mọi chuyện đã thay đổi. Trung tâm thành phố Washington D.C bị biến thành doanh trại vũ trang. National Mall và Đài tưởng niệm Washington bị đóng cửa. Lực lượng Vệ binh Quốc gia sẽ trực chiến vào ngày 20/1, cùng với cảnh sát D.C và nhiều cơ quan thực thi pháp luật liên bang. Ủy ban nhậm chức của tổng thống thông báo ông Biden và bà Harris sẽ tuyên thệ trong một sự kiện quy mô nhỏ ở Washington, nơi được đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc về an toàn và sức khỏe. Các thành viên Quốc hội, thay vì nhận được 200.000 vé mời như trước đây, sẽ chỉ được một vé cho mình và một vé cho khách mời. Điều đó có nghĩa là chỉ 1.070 vé sẽ được trao cho các thành viên của Quốc hội. Sau lễ nhậm chức, ông Biden và bà Harris sẽ duyệt đội danh dự có sự tham gia của mọi binh chủng thuộc quân đội Mỹ trước khi được hộ tống đến Nhà Trắng.

Hạn chế số lượng người tham dự

Người dân sẽ không có cơ hội được tham dự sự kiện lần này. Thị trưởng Washington D.C, Muriel Bowser thẳng thắn khuyên mọi người hãy ở nhà. Trong một diễn biến tương tự, Airbnb đang hủy tất cả các phòng đã đặt, cũng như tính năng này nhằm ngăn người dân đổ về Thủ đô quá đông. Các nhà hoạt động địa phương kêu gọi Thị trưởng Bowser đóng cửa tất cả các khách sạn, nhưng bà không đồng tình với phương án này. Mọi con đường ở trung tâm thành phố và các ga tàu điện ngầm cũng ngừng phục vụ, tất cả các cây cầu từ Virginia cũng bị đóng cửa.

Những người dự định tham dự lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ năm 2021 sẽ khó có thể được nhìn thấy Nhà Trắng khi hàng rào vòng ngoài được mở rộng xa hơn. Chính quyền Washington tiếp tục dựng nhiều hàng rào vòng ngoài cho lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ khắp trung tâm thành phố; rào chắn được dựng quanh Nhà Trắng, Tòa nhà Quốc hội... Để có thể vào được bên trong hàng rào, người dân sẽ phải cung cấp bằng chứng về mục đích thiết yếu hoặc có lý do khẩn cấp mới có thể được vào trong khuôn viên nơi diễn ra các hoạt động của lễ nhậm chức.

Theo luật, ngày nhậm chức là 20/1. Tổng thống đắc cử Joe Biden và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris sẽ tuyên thệ nhậm chức vào trưa 20.1 tại Washington D.C. Như truyền thống, phát biểu khai mạc được lên lịch vào khoảng 11h30 giờ miền đông (16h30 GMT, tức 23h30 giờ Việt Nam). Sau đó, ông Biden sẽ chuyển đến Nhà Trắng vào cuối ngày - nơi tổng thống ở trong 4 năm tới.

Theo bài diễn văn nhậm chức, tân Tổng thống Joe Biden sẽ "đưa ra tầm nhìn về việc đánh bại đại dịch Covid-19, xây dựng lại tốt hơn và đưa đất nước xích lại gần với nhau", Ủy ban nhậm chức của tổng thống cho hay.

Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, tổng thống đắc cử dự định công bố một loạt sắc lệnh hành pháp sẽ được thực hiện từ ngày 20/1, bao gồm tái gia nhập thoả thuận khí hậu Paris, đảo ngược lệnh cấm đi lại đối với một số quốc gia đa số Hồi giáo, gia hạn tạm dừng thanh toán khoản vay cho sinh viên liên bang, ngăn chặn việc trục xuất và tịch thu nhà, cũng như bắt buộc đeo khẩu trang khi di chuyển giữa các tiểu bang và trên lãnh thổ liên bang.

Lễ nhậm chức của ông Joe Biden được cho là đã phá vỡ nhiều truyền thống do đại dịch Covid-19. Mỹ đã trở thành tâm dịch lớn nhất thế giới với số ca nhiễm và tử vong cao hơn bất kỳ quốc gia nào. Do đó các buổi lễ đều được thu nhỏ quy mô, cùng với đó là các biện pháp y tế công được triển khai, bao gồm bắt buộc đeo khẩu trang, kiểm tra nhiệt độ và giãn cách xã hội.

ĐỖ HỮU

Tin cùng chuyên mục

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

Báo cáo nhân quyền của Hoa Kỳ nhận định không khách quan về Việt Nam

(PNTĐ) - Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ngày 22/4 mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người, nhưng rất tiếc vẫn tiếp tục đưa ra một số nhận định không khách quan, dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam.
Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

Tăng cường hợp tác ASEAN trong lĩnh vực thông tin truyền thông

(PNTĐ) - Để công chúng hiểu rõ hơn về ASEAN, các cơ quan báo chí Việt Nam cần có những tác phẩm báo chí phân tích, nhận định chuyên sâu hơn về các cơ hội cũng như thách thức và thành tựu mà khối ASEAN đã đạt được. Đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động.