Éo le sự đời

Chia sẻ

Cầm tờ giấy ghi kết quả giám định ADN, mặt Dũng đột nhiên biến sắc. Anh thẫn thờ ngồi phịch xuống ghế. Vị bác sĩ già ái ngại nhìn Dũng: “Xác suất sai số rất nhỏ. Nếu cậu có nhu cầu làm lại thì có thể lấy mẫu vật mới.

Tuy nhiên…”. Dũng không nghe hết câu, cầm tờ giấy lao ra khỏi phòng. Đến cuối hành lang, anh khựng lại. Dưới sân, Bảo đang ngồi dưới bóng cây điệp vàng. Điện thoại trong túi rung rung. Giọng Bảo hồ hởi: “Lấy được chưa? Mình đi làm cốc bia”. Dũng ậm ờ: “Chưa được, chắc phải mai”.

***
Họ ngồi cùng bàn với nhau suốt ba năm phổ thông. Lên đại học, dù không chung trường nhưng hai người vẫn thuê trọ ở cùng đến hết mấy năm. Ra trường, mỗi đứa một hướng. Bảo ở lại Hà Nội còn Dũng được bố xin về làm ở Sở Xây dựng. Nhưng hầu như tháng nào họ cũng ngồi cà phê với nhau một đôi lần.

Chuyện Dũng yêu Hân không được gia đình ủng hộ thì Bảo luôn là người ở giữa để dàn xếp. Họ yêu nhau từ năm lớp mười một. Nhà Hân ở xã bên. Mẹ Hân là người khuyết tật, kiếm đứa con để mong có chỗ dựa tuổi già. Hân ý thức thân phận thiệt thòi của mình nên luôn cố vượt lên hoàn cảnh. Tốt nghiệp đại học với cái bằng đỏ, cô được một công ty liên doanh đón nhận ngay sau khi ra trường. Bà mẹ tội nghiệp của cô lấy đó là niềm an ủi cho cuộc đời bất hạnh của mình.

Biết Dũng vẫn yêu Hân khi cả hai học đã xong đại học, bà mẹ mang chuyện thầy bói phán số hai đứa khắc nhau, nhờ Bảo khuyên nhủ. Bảo hiểu đó chỉ là cái cớ, còn điều quan trọng hơn là sự khác biệt quá lớn về hoàn cảnh của hai người. Nhiều lần Bảo đã tâm sự về những trở ngại ấy, nhưng Dũng đều gạt đi, bảo rằng sẽ quyết tâm là chỗ dựa che chở cho cuộc đời Hân.

Ngày Dũng đưa Hân về ra mắt chính thức, dù đã nhờ Bảo nhấm nhỉ trước với mẹ nhưng cả hai vẫn nhận lại sự phản đối quyết liệt từ ông bố. Sau khi ngồi nghe bố Dũng nói một hồi với đủ câu thâm thúy, Hân lẳng lặng xin phép ra về. Dũng và Bảo ở lại chịu trận. Bố Dũng mang câu “lấy vợ kén tông” ra để cấm cản. Đường đường là một Phó chủ tịch huyện, không đời nào ông chịu hạ mình làm thông gia với người đàn bà xấu xí nghèo hèn. Với ông, Hân dẫu giỏi giang cỡ nào cũng chỉ là con rơi con vãi. Thà ở xa hẳn, chẳng ai biết gốc tích gì, thì thôi cũng đành. Đằng này ngay xã bên, ông không có mặt mũi nào để chấp nhận.

Dũng giận bố, xách xe đi, buông lại một câu: “Con sẽ vào miền Nam lập nghiệp. Bố cứ ở đó mà sống với cái danh hão của mình.” Cứ tưởng cậu chỉ dọa thế thôi, ai ngờ ngay tuần đó Dũng nộp đơn xin thôi việc và bỏ đi thật. Bà mẹ khóc lên khóc xuống. Ông bố vẫn thản nhiên bảo: “Được rồi, tài trai thì cứ đi, bao giờ bị đời vùi dập mới thấy cái vị trí yên ổn mà bố nó cất công xin xỏ có giá trị thế nào”.

Hân tự ái kiên quyết cắt đứt mọi liên lạc với Dũng. Dũng vào Bình Dương, ôm theo nỗi buồn của thất tình, nếm trải nỗi chật vật của thất nghiệp. Mấy lần bà mẹ vào tận nơi khuyên nhủ, Dũng nhất định không về. Bà mẹ vốn chiều con, giấu chồng lập một tài khoản cho Dũng. Hàng tháng, bà bí mật chuyển tiền vào để cậu con trai thi gan cùng bố mà cứ lang bạt nơi đất khách quê người với dăm ba công việc vặt vãnh. Bao nhiêu tiền mẹ gửi, Dũng gom vào chứng khoán với hy vọng sẽ tự thân lập nghiệp mà không cần dựa hơi bố. Nhưng thị trường chứng khoán đảo điên, Dũng trắng tay, vay nợ tứ tung. Bà mẹ lại lặn lội vào trang trải nợ nần cho con và lôi bằng được cậu quý tử về. Ông bố nhìn bộ dạng tả tơi của Dũng, cười khẩy. Suốt mấy tuần, Dũng ở lì trong nhà, đôi ba lần xách xe đi, nửa đêm về nhà với bộ dạng say khướt.

Ngay tháng sau, một buổi “xem mặt” ấm áp tình thân được diễn ra. Đó là con gái rượu của vị Bí thư huyện ủy, chơi lông bông mấy năm mới đi học Sư phạm Mầm non, vừa ra trường. Mẹ Dũng khen lấy khen để. Bà mẹ nào chẳng muốn con mình yên bề gia thất, lại môn đăng hậu đối nữa. Dũng lướt qua gương mặt mới “đập đi xây lại” rồi thoáng nhìn cái váy đỏ mận trễ cổ của Giang, tặc lưỡi nhận lời đi xem phim vào cuối tuần, trong bụng nghĩ thầm: “Cô nuôi dạy hổ đây rồi”.

Bảo về quê, hẹn Dũng mang bạn gái đi cà phê. Giang nói ríu rít từ đầu đến cuối. Đêm ấy, Dũng ngủ lại nhà Bảo. Hai người ngồi hút thuốc đến nửa đêm. Bảo dè dặt: “Trông cô ấy có vẻ dữ tướng, lại hơi vô duyên, không phải gu của cậu. Cậu đừng lấp chỗ trống kiểu đó mà khổ cả hai”. Dũng cười gượng: “Hồi ở Bình Dương, tớ thử tán tỉnh hẹn hò với mấy em mà cũng chả thấy có cảm xúc yêu đương gì cả. Ngẫm ra, giờ lấy ai cũng vậy thôi”. Im lặng một lát, Dũng hỏi: “Ở trên đó, cậu có hay gặp Hân không?”. Bảo trầm ngâm: “Cô ấy tránh những cuộc gặp mặt của lớp nhưng nghe đâu công việc tốt lắm, đang mua trả góp một căn chung cư ở Hà Đông thì phải”.

Minh họa sưu tầmMinh họa sưu tầm

Đám cưới của Dũng diễn ra chóng vánh khiến hàng xóm đồn ầm lên là cưới chạy bầu. Rồi mấy tháng sau thấy Giang chưa thay đổi gì thì họ lại bẻ quặt ra: à, hóa ra cưới chạy hưu. Giang đi dạy ở một trường mầm non tư thục to nhất huyện. Hàng ngày, cô nàng đi làm bằng chiếc xe SH trắng, xúng xính váy áo, gặp mọi người trong xóm chả bao giờ mở lời chào hỏi họ một câu. Mấy bà hàng xóm ngấm nguýt: “Cái tướng người lừng lững như cây chuối hột ấy rồi chả lấy đâu ra mà hậu hĩnh”. Bà mẹ chồng vài lần góp ý với con dâu, Giang đều gạt đi: “Mình sống cho đời mình, hơi đâu mà chiều theo cảm xúc của người khác hả mẹ”.

Dũng về làm tư vấn thiết kế cho công ty xây dựng của anh vợ. Bà mẹ Dũng thẽ thọt với chồng: “Sao ông không xin cho con vào làm ở Sở nào đó. Học hành bằng cấp hẳn hoi, mà chui vào làm thuê cho thằng anh vợ”. Bố Dũng trừng mắt: “Nó làm bẽ mặt tôi một lần là đủ rồi. Cho nó làm thuê vài năm, gọi là lấy kinh nghiệm rồi tách ra dựng công ty riêng. Thằng này không có tố chất làm chính trị. Để nó làm kinh tế, có bố vợ nó chống lưng cho rồi.” Bà vợ quay đi lẩm bẩm: “Có mà ông hết thời không lo được cho con thì có”.

***
Bảo lấy vợ cùng công ty. Vợ Bảo là kế toán trưởng, hoạt bát, xinh xắn, gái Hà Nội gốc. Ở công ty, mọi người vẫn đùa Bảo là mèo mù vớ cá rán. Bảo cũng chẳng lấy làm tự ái. Hạnh phúc của mình là do mình chọn lựa, là đặc ân của tạo hóa dành riêng cho mỗi người, đâu phải bận tâm vì vài lời giễu cợt của người khác. Năm sau, vợ Bảo sinh được cậu con trai đẹp như tranh. Mỗi lần về quê, Bảo vẫn thường qua nhà thăm bố mẹ Dũng. Bà mẹ Dũng cứ nhìn cảnh vợ con đề huề của Bảo lại chép miệng thở dài:

- Chả biết công việc của thằng Dũng thế nào mà suốt ngày lầm lầm lì lì. Nó đưa tiền lương cho mẹ giữ, nó bảo vợ chồng thỏa thuận lương ai người ấy tiêu. Con Giang thì tiền lương chắc không đủ trưng diện. Vợ chồng phải có đứa con mới gắn kết được. Mấy năm rồi, hàng xóm cứ xì xào bảo nhà bác vô phúc nên vớ phải quả cau điếc. Cháu tác động vợ chồng nó đi khám xét chữa trị hộ bác, ba mươi cả rồi…

Thi thoảng gặp nhau, nhìn cái cách Dũng nựng thằng cu con là Bảo biết bạn mình cũng mong có con lắm. Bảo hỏi han thì Dũng chỉ cười buồn: “Vợ chồng tớ cả tháng chả động vào người nhau, mà dẫu có gần nhau cũng gượng gạo. Cô ấy mất cả trăm triệu để bơm ngực, nên yêu cầu tớ giữ gìn. Mà dẫu không vì điều đó thì tớ cũng chưa bao giờ hào hứng. Nhiều lúc thấy Giang quay mặt đi thở dài, tớ cũng áy náy. Nhưng…”.

Bảo nhìn ánh mắt của bạn, nén lòng cảm thông. Bảo nhớ hồi Dũng cưới vợ được hai tháng thì Hân chuyển công tác vào Vũng Tàu và hơn một năm sau trở ra với đứa trẻ mấy tháng. Cái buổi chiều muộn Hân bị người ta đánh ghen, nhấn máy gọi cho Bảo. Khi Bảo tới thì Hân rũ ra như tàu lá ở quán nước ven đường, vẫn bặm môi và bảo đừng nói chuyện này với Dũng. Nhưng qua tuần sau, chính Hân lại hẹn ba người gặp nhau ở một quán nhỏ khu Linh Đàm. Hân uống nhiều, say mềm, vừa hát vừa khóc. Lúc sau, nghe điện thoại của cô giúp việc báo thằng cún con sốt, thì Hân lại tỉnh như sáo, lập cập bước lên taxi mà ánh mắt vời vợi. Lại đến lượt Dũng khóc rưng rức như một đứa trẻ.

Nỗi khổ tâm của hai người, Bảo thấu hiểu mà chẳng thể tháo gỡ. Đàn bà muôn đời vẫn là giống loài yếu đuối, dẫu cố gồng mình lên tỏ ra ngạo nghễ thì vẫn chỉ chuốc về nỗi căm phẫn tột cùng trong sự cô độc. Hân không có ý dùng đứa trẻ để ràng buộc gã Phó giám đốc đào hoa. Nhưng sự đời đâu để cô yên. Sau trận đánh ghen dằn mặt, vợ gã dùng mọi cách để đẩy cô ra khỏi công ty. Bà mẹ tội nghiệp thương con đến mòn người, ốm liệt mấy tháng trời rồi bỏ cô lại trong nỗi day dứt ân hận. Hân xin đi dạy tiếng Anh cho một trường dân lập. Vài lần vô tình gặp Bảo, Hân cười cười nói nói, nhưng Bảo hiểu cô ấy đang cố che giấu nỗi đau của sự đổ vỡ lẫn bất mãn mà thôi.

***
“Có khi vợ chồng tôi ly hôn ông ạ” - Dũng tợp chén rượu và thở hắt ra. Bảo nén tiếng thở dài bởi dường như cậu đã lường trước kết cục của cuộc hôn nhân không có tình yêu này. Dũng biết Giang cặp kè với gã trưởng công an thị trấn đang ly thân, nhưng cũng chẳng buồn làm to chuyện. Bảo dè dặt: “Cậu còn yêu Hân lắm đúng không?”. Dũng rít thuốc, ho sặc sụa, nói như hụt hơi: “Bữa trước gặp cô ấy về quê đi mua vật liệu để xây mộ cho mẹ, tớ thương quá. Đàn bà đi một chân là tận cùng của sự cực nhục. Tớ tìm lên nhà cô ấy, chơi với thằng bé con cả chiều. Lúc tớ về, cô ấy tự dưng bật khóc. Có lẽ…”.

Thủ tục ly hôn của Dũng và Giang diễn ra chóng vánh y như sự bắt đầu của cái đám cưới “môn đăng hậu đối” ấy. Ông bố Dũng tuyên bố từ mặt con, uất ức vì mất thể diện mà đổ bệnh. Chỉ khổ bà mẹ, hết nịnh chồng lại khuyên con. Dũng bỏ lên Hà Nội. Bà mẹ thương con nhưng kinh tế chẳng còn dư giả để bao bọc cậu như hồi trước. Và Bảo vẫn là người mà mẹ Dũng bộc bạch nỗi niềm. Và rồi, từ một điều tâm sự mà Bảo nói “bấy lâu con phải chôn giấu” đã khiến ông bố Dũng dịu giọng nói với vợ: “Sang tuần tôi ra viện, bà gọi nó về đây.”

Một chiều, Dũng mang thằng bé ba tuổi trở về, quỳ sụp dưới chân bố: “Đây là giọt máu của con và Hân, xin bố mẹ dang tay đón nhận máu mủ nhà mình.” Bà mẹ ôm thằng bé con, mừng rơi nước mắt. Nhưng ông bố thì quay mặt đi, giọng đanh lại: “Chừng nào mang kết quả xét nghiệm ADN về đây thì tôi chấp nhận”.

Vậy là tất cả diễn ra đúng kế hoạch mà Dũng đã bàn với Bảo. Ngay sáng hôm sau, Dũng phi lên nhà Bảo, nhổ mấy sợi tóc của hai bố con Bảo mà tay run run. Đưa mẫu vật đến trung tâm xét nghiệm, Dũng trở về đón mẹ con Hân và hẹn vợ chồng Bảo đi ăn. Chưa bữa nhậu nào mà Dũng vui vẻ hồ hởi đến thế. Bảo nhìn ánh mắt lấp lánh của Hân, cũng thầm mừng cho bạn. Hai ông bố nhìn hai thằng bé con xâm xấp tuổi nhau mà cảm thấy hy vọng ngập tràn. Hân thoáng đỏ mặt khi vợ Bảo nói: “Hai anh chị có tướng phu thê đấy. Trải qua bao sóng gió, cuối cùng vẫn đến được với nhau”. Bảo ngà ngà say, ôm vai vợ cười đưa đà: “Còn chúng ta thì là duyên tiền định nên gặp nhau lần đầu là chốt hạ luôn mình nhỉ?”.

***
Giờ thì phải làm sao? Dũng thẫn thờ nhìn tờ phiếu ghi kết quả xét nghiệm ADN: “Không cùng huyết thống”. Tại sao lại như thế được? Bấy lâu nay, Dũng thầm ngưỡng mộ hạnh phúc của bạn mình. Bảo hạnh phúc vì yêu vợ và mãn nguyện với những gì đang có; bởi cô ấy là người phụ nữ hiện đại, thành đạt nhưng vẫn dịu dàng khi trở về nhà. Bấy lâu nay, Dũng hiểu bạn mình phải cố kìm nén sự mãn nguyện ấy vì không muốn mình chạnh lòng…

Vậy mà bây giờ bao nhiêu hy vọng của cả hai đột nhiên tan biến bởi tờ giấy mỏng manh này. Dũng chống chếnh như say rượu, mà lại thấy khô khốc, đắng đót, rõ rệt như cái cảm giác xót xa khi nhìn ánh mắt vời vợi của Hân. Chuyện nối lại tình cảm với Hân để dang tay che chở cuộc đời mẹ con cô ấy, có thể Dũng sẽ tìm cách khác. Nhưng còn kết quả xét nghiệm này, Dũng không biết sẽ phải nói sao với Bảo. Sao sự đời lại éo le đến thế!

Những bước chân của Dũng bước xuống cầu thang nặng trịch mà lại như chới với vô định. Trên những lùm điệp vàng nhức nhối, nắng đầu thu loang loáng đến chói mắt.

TẠ THỊ THANH HẢI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.