Khám phá cao nguyên của “những nỗi nhớ không mang tên”

Chia sẻ

Trong khi nhiều điểm du lịch nổi tiếng trong nước đã trở nên quá quen thuộc với du khách thì vùng đất Tây Nguyên rộng lớn “đầy nắng”, “đầy gió”, cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ; người dân thân thiện, mến khách cùng nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đang có sức hút mạnh mẽ với du khách.

“Vẻ đẹp tiềm ẩn”

Sau gần 2 giờ cất cánh, chuyến bay từ Hà Nội đến Buôn Mê Thuột đưa hành khách đến phố núi bình yên đầy nắng, đầy gió và “những nỗi nhớ không mang tên”. So với các đường bay đến các tỉnh, thành phố du lịch ở Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, đường bay đến Buôn Mê Thuột không nhiều, chỉ có 1-2 chuyến/ngày nhưng giá vé khá hấp dẫn, đặt sớm từ 1-2 tuần trước giờ bay khoảng hơn 1 triệu đồng khứ hồi, rẻ, tiện, nhanh hơn đi ô tô. Sân bay Buôn Mê Thuột tuy nhỏ nhưng mới được đầu tư, hiện đại, nằm gần trung tâm nên đi lại thuận lợi.

Những con đường “lên trời” ở thành phố PleikuNhững con đường “lên trời” ở thành phố Pleiku

Vùng đất Tây Nguyên không có biển bạc nhưng có rừng vàng với hệ thống sông suối, thác nước, hồ ao nằm giữa đại ngàn xanh biếc nên rất đẹp và hùng vĩ; đất đỏ bazan đặc trưng nhưng rất màu mỡ, cắm cây xuống đất để trồng là tốt tươi nên không quá lạ lẫm khi ở mảnh đất này là san sát những đồn điền cao su, cà phê, cây tiêu… cùng nhiều nông lâm sản quý. Sau nhiều năm được khai thác để phát triển kinh tế, tiềm năng du lịch ở đây mới được “đánh thức”. Đông đảo khách du lịch, sau khi đã bão hoà với những điểm đến quen thuộc thì bắt gặp một Tây Nguyên mới lạ, hoang sơ, hùng vĩ, đầy hấp dẫn và độc đáo để khám phá, trải nghiệm. Các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, đi lại ở đây chưa bị thương mại hoá nên về cơ bản, giá cả khá rẻ, thái độ phục vụ tốt, chuyện chặt chém hay đòi hỏi khách du lịch hiếm xảy ra. Vùng đất này, vì thế, cho đến nay vẫn để lại những ấn tượng tốt đẹp cho du khách về sự thân thiện, hồn hậu - đúng như cảm nhận về Tây Nguyên qua văn học, âm nhạc trước khi nhiều du khách được “mục sở thị”. Du lịch Tây Nguyên hiện là điểm đến hiếm hoi được xếp vào danh mục “ngon, bổ, rẻ”, luôn dao động từ 2,5 - 4 triệu đồng cho 4-5 ngày trải nghiệm và lưu trú tại khách sạn 4-5 sao ngay tại trung tâm thành phố.

Đã xách vali lên để đi du lịch Tây Nguyên thì du khách xác định: Đây là chuyến đi khám phá trải nghiệm, phải di chuyển nhiều, có một số các điểm du lịch nằm xa trung tâm, mất khá nhiều thời gian đi lại, phải trèo đèo lội suối, chứ không phải đi nghỉ dưỡng trong những cơ sở lưu trú hiện đại, tiện nghi, dịch vụ cao cấp. Tuy nhiên, khi đã đi sâu vào các buôn làng, vào những thác nước đại ngàn, những biển hồ mênh mông… thì bao mệt mỏi (nếu có) sau những giờ ngồi lỳ trên xe sẽ tan biến hết; chỉ còn bầu không khí trong lành, tươi mới, khoáng đạt căng tràn trong lồng ngực; sự sảng khoái trong tâm hồn trước những tuyệt tác của thiên nhiên tươi đẹp cùng bề dày văn hoá đặc sắc, thiêng liêng. Mỗi thắng cảnh, di tích, thậm chí là phế tích của thiên nhiên để lại sau hàng triệu năm kiến tạo Trái đất - tàn tro của núi lửa - cũng để lại cho vùng đất những điểm đến vô cùng thú vị. Càng tìm hiểu, càng khám phá, chúng tôi tin rằng, câu chuyện càng trở nên lôi cuốn và hấp dẫn. Không ít du khách đã rất tiếc nuối, vấn vương bởi chuyến đi 3 ngày 2 đêm tưởng chừng là vừa đủ nhưng kỳ thực là quá ít để “chạm” được vào những nét đẹp văn hoá, cảm xúc đặc sắc của Tây Nguyên. Thời gian ở đây dường như trôi đi rất nhanh, nhanh không phải do di chuyển nhiều mà nhanh là bởi chưa thể đi hết, chưa thể ngắm nhìn hết, chưa thể lĩnh hội hết vẻ đẹp đã qua mất một ngày rồi.

Góc “sống ảo” ở Bảo tàng thế giới cà phêGóc “sống ảo” ở Bảo tàng thế giới cà phê

Độc đáo sắc màu phố núi

Đã đến Tây Nguyên mà không thưởng thức ly cà phê Ban Mê và tìm hiểu nét đẹp văn hóa của thức uống đặc sắc này thì chuyến đi đến cao nguyên sẽ không thể trọn vẹn. Cà phê có mặt ở khắp các tỉnh thành, du khách muốn uống lúc nào cũng được nhưng chỉ đến phố núi Tây Nguyên, thưởng thức ly cà phê ở Ban Mê chính là cách bạn đang trải nghiệm hương của nắng gió, vị của núi rừng một cách đúng chất nhất. Cà phê ở đây thơm ngon, đậm nồng, khuất phục được cả những chị em vốn khó tính khi lựa chọn đồ uống. Giá mỗi ly cà phê chất như vậy chỉ khoảng 10.000 đồng. Chưa kể, quán cà phê ở đây rất sẵn, nhiều quán nằm ngay mặt đường lớn rất rộng rãi, có thể lên đến cả hécta, được thiết kế sân vườn, bãi cỏ, nhà dài - kiến trúc đặc trưng Tây Nguyên cùng nhiều cổ vật quý để trang trí như cồng chiêng, bàn gỗ được chế tác từ thân cây, thường không cần đến đinh, keo kết nối.

Nằm gần khu vực trung tâm là Bảo tàng thế giới cà phê. Đây là địa chỉ để du khách “nghe” hơn 10.000 hiện vật được trưng bày kể lại câu chuyện từ quá trình trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản, chế biến đến các “gu” pha chế cà phê không chỉ của Tây Nguyên mà còn của các nước được coi là cái nôi của cà phê thế giới. Và, dù là thưởng thức cà phê tại quán ven đường hay vào bảo tàng, du khách sẽ mất khá nhiều thời gian để chụp hình vì không gian nào cũng đẹp, ấn tượng, đặc biệt – với người trẻ là để “sống ảo”, với các bác lớn tuổi là để ghi lại những kỷ niệm khi đến Tây Nguyên.

Ngoài cà phê, ở Tây Nguyên, có vô vàn địa danh đẹp và ý nghĩa để du khách trải nghiệm. Đừng loanh quanh ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk mà hãy dành thời gian để tận hưởng vẻ đẹp có một không hai ở Tây Nguyên. Đó là những sông lớn, thác nước, nương rẫy, đồn điền cao su, cà phê, hồ tiêu… Đặc biệt, một số hồ lớn và ngọn núi được hình thành gắn liền với sự hình thành và hoạt động của núi lửa. Ở Việt Nam, hiện dấu tích còn lại của núi lửa vốn không nhiều, theo các nhà khoa học địa chất, chủ yếu nằm ở khu vực Tây Nguyên. Núi lửa, sau khi hoạt động và phun trào đều để lại dấu tích trên mặt đất, có thể là một vùng hồ rộng lớn như Biển Hồ ở Gia Lai hoặc ngọn núi cao nhưng đỉnh núi không vút nhọn mà lại lún ngược sâu xuống lòng núi tạo thành hõm lớn như núi Hàm Rồng ở thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai; ngọn núi Chư M'Gar ở huyện Cư M'Gar, tỉnh Đắk Lắk.

Một quán thưởng thức ly cà phê Ban MêMột quán thưởng thức ly cà phê Ban Mê

Do cấu tạo địa chất rất đặc thù như vậy, ở Tây Nguyên, Pleiku là có lẽ là thành phố duy nhất nằm bên miệng của nhiều núi lửa trầm mặc. Những con đường chính trong thành phố đều nằm cạnh và chạy xuyên qua lòng các dấu tích núi lửa… Đây cũng chính là những con đường “có một không hai” tạo nên một thành phố Pleiku vừa khác lạ vừa đẹp mộng mơ. Đó là đường Hùng Vương sầm uất được ví như cánh võng Trường Sơn với những đoạn dốc tấp nập dòng xe lên xuống; đường Phạm Văn Đồng có đoạn dốc nhấp nhô, có đoạn bằng phẳng; đường Tô Vĩnh Diện chênh vênh bên những miệng núi lửa sâu hoắm với một đoạn đường dốc thoai thoải bên một miệng núi lửa tròn vành vạnh hun hút được người dân ở đây gọi là là dốc tình yêu; đường Phan Đình Phùng có đoạn hơi uốn cong, có đoạn dốc ngắn, có đoạn có chiếc cầu treo nhỏ vắt qua thung lũng, nối với đồi thông đầy vẻ hoang sơ.

Rời thành phố Pleiku, đi ra ngoại ô, du khách sẽ bắt gặp những con đường dựng đứng vắt qua các ngọn núi, hai bên là bạt ngàn đồn điền cà phê, chè. Đây là những con đường nằm trên tuyến tránh thành phố. Do có độ dốc cao nên chúng được gọi là “đường lên trời” nhưng kỳ thực, tuyến đường này có độ dốc thoai thoải, cho phép các loại xe di chuyển bình thường khiến ai đến đoạn đường này cũng đều phải dừng lại để “check-in” chụp ảnh. Chiếc xe ô tô đưa du khách di chuyển trên đường, từ trên cao nhìn xuống, chúng lọt thỏm giữa màu xanh của đại ngàn nhưng với du khách ngồi trên xe, phóng tầm mắt sang hai bên là những rặng cây muồng đen, muồng vàng trổ hoa từng chùm, không chỉ tạo cảnh sắc nên thơ, hữu tình mà còn có tác dụng che bóng, chắn gió cho các vườn chè, cà phê.

“Tháng ba mùa con ong đi lấy mật…” – giai điệu ngọt ngào như lời mời gọi du khách đến với Tây Nguyên ở những khoảnh khắc đẹp nhất của năm. Tuy nhiên, với những cảnh sắc thiên nhiên độc đáo, hữu tình và nên thơ, Tây Nguyên không chỉ có tháng 3, những ngày đầu hè này hoặc tiết trời chuyển thu là thời điểm rất đẹp để có những trải nghiệm khó quên ở đây. Khí hậu Tây Nguyên ôn hòa, đủ nóng, đủ lạnh, đôi khi hơi đỏng đảnh mưa nắng bất chợt nhưng không làm mất đi niềm vui của du khách được khám phá vùng đất mới.

NGUYỄN HẰNG

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.