Bà ngoại tôi chống dịch Covid-19

Chia sẻ

Bà vẫn lưu ý phải đợi hết thời gian cách ly y tế thì chúng tôi mới được qua chơi. Bà bảo bà già rồi, không giúp được gì nhiều cho cộng đồng thì cũng không để mình làm ảnh hưởng tới nỗ lực chống dịch chung...

Mấy ngày nghỉ lễ vừa rồi, các gia đình chúng tôi dự định sum họp tại nhà ông bà ngoại, tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ. Ấy vậy mà kế hoạch tiêu tan chỉ sau một cú nhắn tin của bà: “Bà mệt, con cháu hoãn kế hoạch đến chơi với ông bà nhé”.

Tất nhiên là chúng tôi rất thắc mắc không biết bà mệt như thế nào. Bố mẹ tôi gọi điện thì bà nói: “Hôm vừa rồi, bà có đi họp ở khu dân cư, sau đó tối về thì bị đau đầu, chóng mặt, người hâm hấp sốt. Ngày hôm nay, người bà không còn nóng nữa nhưng vẫn mệt”.

Bình thường, mỗi khi con cháu đến chơi, bà ngoại tôi thường lo việc cơm nước cho con cháu. Biết bà ốm, mẹ tôi quyết định nấu cơm ở nhà, sau đó gói ghém mang sang nhà ông bà ngoại để cả nhà cùng ăn cho vui mà bà cũng không phải phục vụ con cháu.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Ngờ đâu, cơm mang sang đến nơi, bà ngoại chẳng đón, còn bảo ông ngoại ra nói chúng tôi mau về đi. Thì ra, bà đang tự cách ly 14 ngày để phòng, chống dịch Covid-19. Bà sợ nhỡ ra bà mắc bệnh lại lây cho con cháu thì khổ.

- Nhưng ông bà có đi đâu đâu mà lo mắc dịch ạ? tôi hỏi

- Bà bảo hôm rồi bà đi họp, có đông người tham dự cùng bà. Nếu trong số đó có người bị nhiễm dịch thì bà có nguy cơ thành F1 nên phải cẩn trọng.

Ông ngoại nói thêm, từ hôm bị mệt đến nay, bà ngoại tôi tự cách ly trong phòng. Bà hạn chế tiếp xúc với mọi người và nhờ ông đi chợ thay bà. Trong nhà, bà cũng đeo khẩu trang và dặn ông phải thường xuyên sát khuẩn tay, súc miệng nước muối, chăm vệ sinh thân thể để phòng dịch.

- Ông ơi, theo ông nói thì triệu chứng của bà không phải của dịch Covid-19 đâu ạ. Bà chỉ sốt nhẹ rồi khỏi, không bị khó thở. Cháu đoán, có thể hôm đó bà bị cảm nắng thôi, tôi nói.

- Không đâu cháu. Bà nói với ông, virus Covid-19 có nhiều biến thể lắm, các triệu chứng có thể cũng không đồng nhất ở tất cả mọi người. Vì vậy, chi bằng, khi thấy trong người có biểu hiện khác lạ thì phải tự phòng bệnh, tự cách ly. Bà còn dặn ông, chỉ cần bà đột ngột sốt cao kéo dài thì ông phải mau báo cáo cho cơ quan y tế và khu dân cư đấy.

Cùng với đó, bà ngoại tôi cũng gọi điện cho con cháu, họ hàng gần để thông báo trong nhà có người ốm, dặn mọi người đừng đến chơi hay thăm nom gì. Cứ đợi lúc nào bà thật sự khỏe lại, không còn băn khoăn gì nữa thì gia đình sum họp cũng chưa muộn.

Bà ngoại tôi năm nay đã ngoài 80 tuổi. Trong nhà tôi, bà vẫn được gọi vui là người “lạc hậu” nhất vì bà không biết dùng điện thoại thông minh, không có zalo, facebook. Vì thế, khi nghe ông kể, tôi rất ngạc nhiên vì những hiểu biết đầy đủ, kỹ càng của bà về dịch Covid-19 cũng như thái độ nghiêm túc của bà trong phòng chống dịch cho bản thân, gia đình và cộng đồng. Tôi hỏi ông:

- Ông ơi, bà ngoại làm thế nào mà hiểu về dịch và các biện pháp phòng, chống dịch như vậy ạ?

- À, từ ngày xuất hiện dịch Covid-19, bà rất chăm xem tivi để cập nhật tình hình. Bà còn nhờ ông hàng ngày theo dõi báo cáo dịch bệnh được gửi tới điện thoại của ông cho bà nghe. Rồi bà còn đọc tờ rơi, nghe tuyên truyền trên loa phát thanh. Ông cứ tưởng bà nghe để biết vậy, ai ngờ đến khi bà mắc bệnh thì mới thấy bà đã chuẩn bị đủ “vũ khí” để tự tin biến mình thành một chiến sĩ chống dịch.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Nghe lời bà, hôm đó, cả nhà tôi trở về nhà, không lưu lại nhà ông bà ngoại lâu. Sau đó, chúng tôi thường xuyên cập nhật tình hình sức khỏe của bà qua điện thoại. Rất may là bà tôi đã dần khỏe lại, không còn mệt mỏi nữa. Nhưng bà vẫn lưu ý phải đợi hết thời gian cách ly y tế thì chúng tôi mới được qua chơi. Bà bảo bà già rồi, không giúp được gì nhiều cho cộng đồng thì cũng không để mình làm ảnh hưởng tới nỗ lực chống dịch chung.

Việc bà ngoại tôi chống dịch chỉ đơn giản như vậy. Nhưng, nghĩ tới bà, tới ông, tôi lại thấy vui. Đúng là trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, nếu mỗi người, trong đó có ông bà tôi đều đề cao cảnh giác, chủ động tham gia phòng, chống dịch thì không có lý do gì, chúng ta không chiến thắng giặc giấu mặt Covid-19.

Còn tôi noi theo bà, cũng thấy trách nhiệm của mình hơn. Bà tôi già rồi còn chống dịch, không lẽ, tôi không thể làm tốt như bà.

THÁI THỊ THU

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.