Bài cuối : Tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp “ tăng tốc “

Chia sẻ

Thực hiện Chỉ thị 22/CT-UBND của UBND thành phố, Hà Nội chuyển dần sang trạng thái bình thường mới, mở cửa trở lại một số dịch vụ hoạt động, tạo tiền đề cho các ngành sản xuất kinh doanh phát triển. Bên cạnh những thuận lợi, nhiều doanh nghiệp, đơn vị sản xuất tiếp tục đối mặt với những khó khăn, nhất là với doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đón đầu cung ứng thị trường cuối năm

Là xã vùng chiêm trũng, khai thác thế mạnh về nuôi trồng thủy sản, ông Vương Đăng Tân, Chủ tịch UBND xã Trung Tú, huyện Ứng Hòa cho biết, toàn xã có 308ha nuôi trồng thủy sản, mỗi tháng xuất ra thị trường từ 120-150 tấn thủy sản. Trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội, các trang trại đã phải thu hoạch thủy sản cầm chừng. Nay, trong tình hình mới, thành phố (TP) cho phép các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống được phép bán mang về là điều kiện thuận lợi thúc đẩy tiêu thụ nông sản của địa phương, nông dân sẽ yên tâm tái mở rộng sản xuất.

Trong lĩnh vực chăn nuôi gà, theo ông Nguyễn Văn Đông, Chủ tịch Hội Chăn nuôi và tiêu thụ gà đồi Sóc Sơn, mỗi tháng các thành viên cung ứng cho thị trường khoảng 10.000 con gà thịt. Trong tình hình mới, người nông dân vừa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 vừa tập trung mở rộng quy mô đàn để đón đầu vụ cuối năm để đưa ra thị trường.

Đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19 để yên tâm sản xuất chính là “mục tiêu kép” mà huyện Quốc Oai đang triển khai. Ông Phạm Quang Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm những tháng cuối năm, huyện Quốc Oai đã lên phương án sản xuất mới, phấn đấu tăng diện tích cây trồng vụ đông lên 1.100ha, tăng 300ha so với năm 2020. Trong đó, mở rộng diện tích sản xuất rau trái vụ, rau vụ đông sớm khoảng 150-200ha và phát triển một số loại thủy sản ngắn ngày, có năng suất cao như cá rô phi đơn tính, cá chép lai ứng dụng công nghệ cao…

Nhằm bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, nông sản cho người dân Thủ đô, không để đứt gãy chuỗi sản xuất nông nghiệp, nhất là dịp cuối năm, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Hà Nội sẽ tiếp duy trì, phát triển đàn bò 164.000 con, đàn lợn đạt 1,6 - 1,8 triệu con, đàn gia cầm đạt 38-40 triệu con; Duy trì hoạt động của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ tập trung; Kiểm soát tốt hoạt động buôn bán động vật tại các chợ đầu mối Hà Vĩ, Bắc Thăng Long. Về sản xuất vụ đông, mục tiêu phấn đấu gieo trồng gần 30.000ha, gồm 13.948ha rau các loại, 6.400ha ngô, 1.974ha đậu tương, hơn 2.300ha khoai lang, khoai tây, lạc, đỗ… Bên cạnh đó, Sở tập trung vào các công đoạn sơ chế, bảo quản, kho chứa, hỗ trợ địa phương về thị trường tiêu thụ, hỗ trợ về kỹ thuật để sản phẩm bảo đảm chất lượng…

Người lao động làm việc tại dây chuyền sản xuất của nhà máy LixilNgười lao động làm việc tại dây chuyền sản xuất của nhà máy Lixil (Ảnh: Diệp Thảo)

Gỡ khó cho các cơ sở sản xuất

Công ty TNHH Lixil Việt Nam là doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng tại cụm công nghiệp nhỏ và vừa Phú Thị, huyện Gia Lâm. Hiện, 70% sản phẩm của công ty phục vụ xuất khẩu ổn định nhưng 30% còn lại phục vụ thị trường nội địa đang gặp khó khăn. Đại diện công ty cho biết: Hiện nay thị trường xây dựng tại thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… đang ở trạng thái tạm dừng do chưa có nhiều công trình được phép thi công hoặc đang giãn cách xã hội khiến cho sức tiêu thụ sản phẩm xây dựng rất thấp. Vì thế, doanh nghiệp (DN) chưa thể hoạt động hết công suất. Tuy nhiên, có đơn hàng và duy trì hoạt động như công ty TNHH Lixil Việt Nam vẫn là điều may mắn.

Ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội cho biết: Tác động của dịch bệnh Covid-19 đã khiến 90% trong tổng số 3.000 DN thành viên của Hiệp hội gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ khiến doanh thu sụt giảm, đơn hàng mới không nhiều trong khi tích luỹ của DN qua các đợt dịch trong 2 năm qua đã cạn kiệt. Có những DN khó khăn gián tiếp là các đơn vị thực hiện đơn hàng, làm công việc phụ trợ trong chuỗi giá trị liên kết nội khối, liên kết các tỉnh, thành, nhất là cung cấp cho các DN có vốn đầu tư nước ngoài. Dịch bệnh tác động cả thị trường toàn cầu, cung - cầu thế giới bị ảnh hưởng thì các DN này cũng gặp khó khăn trong xuất khẩu hàng hoá. Những DN ảnh hưởng trực tiếp là các đơn vị kinh doanh dịch vụ, nhà hàng, vận tải, làng nghề, hộ kinh doanh…

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trong tháng 8/2021, đơn vị thực hiện thủ tục giải thể cho 244 DN, 833 DN đăng ký tạm ngừng hoạt động. Những khó khăn chính trong hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn TP là DN không tiêu thụ được sản phẩm đầu ra do ách tắc tại khâu lưu thông, vận chuyển, thiếu nguyên vật liệu đầu vào, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng, phát sinh các chi phí thực hiện chống dịch, tiền thuê đất cao và thay đổi liên tục ảnh hưởng...

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, theo ông Đàm Tiến Thắng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội: TP đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các DN như hỗ trợ kinh phí cho doanh nghiệp thành lập mới; Thực hiện các chính sách trong Nghị quyết 68 về việc hướng dẫn trả lương ngừng việc, giải quyết chế độ cho người lao động trong thời gian ngừng việc; Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất đối với các DN gặp khó khăn do dịch bệnh; Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - DN giúp DN tiếp cận các chương trình tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt, tạo điều kiện về vốn cho DN sản xuất kinh doanh, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... Ngành thuế đã hướng dẫn người nộp thuế lập hồ sơ gia hạn nợ, xóa nợ thuế, không tính tiền chậm nộp, xuất hóa đơn lẻ… Tính đến 31/8, gần 19.000 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất của các DN, cá nhân kinh doanh trên địa bàn TP được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Kết nối thị trường, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh

Là một trong những thị trường lớn, việc sản xuất kinh doanh của TP Hà Nội những tháng cuối năm dự báo tiếp tục sôi động, nhất là khi TP cơ bản kiểm soát dịch bệnh, mở cửa trở lại một số hoạt động sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới. Nhiều chuyên gia kinh tế khi được hỏi đều cùng nhận định: Dịch bệnh Covid-19 đã, đang và sẽ khiến chúng ta phải tìm cách thích nghi và “chung sống”. Tác động của dịch bệnh khiến hành vi tiêu dùng của người dân thay đổi, rõ nét nhất là sự phát triển của thương mại điện tử thông qua dịch vụ mua hàng qua mạng, đòi hỏi các DN phải nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường để điều chỉnh thích ứng.

Song, về lâu về dài, DN cần được “tiếp sức” bằng những giải pháp hỗ trợ căn cơ hơn. Trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, chia sẻ khó khăn với Chính phủ, thay vì trông chờ vào gói hỗ trợ, DN kỳ vọng được hỗ trợ thông qua việc điều chỉnh kịp thời các cơ chế, chính sách tạo rào cản bất cập để giảm bớt gánh nặng, áp lực cho DN, tạo môi trường kinh doanh an toàn với những quy định thân thiện, tránh những rủi ro về chính sách để DN yên tâm tái cơ cấu sản xuất kinh doanh, tìm kiếm mô hình mới, thị trường... 

Đại diện cộng đồng DN, ông Mạc Quốc Anh đánh giá cao những nỗ lực của TP đã có nhiều chương trình hỗ trợ, gần đây nhất là đã giảm hơn 30 loại thuế phí, trong đó có 20 loại thuế phí liên quan đến giao dịch chứng khoán, vận tải, đường bộ…; Hoãn, giảm lãi suất ngân hàng phù hợp với DN. Trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, ông Mạc Quốc Anh cũng mong muốn tiếp tục duy trì một số chính sách hỗ trợ, xem xét cắt giảm thêm một số khoản cũng là cách hỗ trợ hiệu quả, giúp DN phục hồi sản xuất.

Bên cạnh đó, để tiếp tục phát triển những lĩnh vực thế mạnh của Thủ đô là sản xuất nông nghiệp, thực phẩm sạch thông qua việc đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết khép kín, tháo gỡ khó khăn tiêu thụ trong mùa vụ trước tác động của dịch bệnh Covid-19, Sở Công Thương Hà Nội phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt số liệu nguồn cung hàng hóa, nông sản của Hà Nội và các tỉnh liên quan để bảo đảm cân đối hàng hóa trên địa bàn, tiếp tục giới thiệu DN chế biến có uy tín, các nhà phân phối, bán lẻ, các trung tâm thương mại, siêu thị Hà Nội để kết nối tiêu thụ sản phẩm, ký kết hợp đồng tiêu thụ dài hạn để ổn định sản xuất và thị trường tiêu thụ, bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa còn thiếu vào thị trường Hà Nội phục vụ nhu cầu nhân dân Thủ đô; Hỗ trợ vận chuyển, lưu thông hàng hoá nông sản, hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, không để chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu bị đứt gãy hay thiếu hàng hóa.

VIỆT BÁCH - VÂN NGA

Tin cùng chuyên mục

Về miền hoa Ban

Về miền hoa Ban

(PNTĐ) - Là tỉnh địa đầu Tây Bắc của Tổ quốc, Điện Biên thường được nhắc đến với vẻ đẹp hoang sơ, trùng điệp của núi non, những đỉnh đèo, biển mây, nếp nhà sàn, ruộng bậc thang, lễ hội truyền thống... Với những tiềm năng, lợi thế to lớn, Điện Biên đã và đang trở thành điểm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc cũng như cả nước; là nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.
Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

Bài 2: Những vụ việc còn trong bóng tối

(PNTĐ) - Đã có nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em mặc dù cơ quan chức năng xác định có căn cứ để khởi tố vụ án hình sự, nhưng sau đó đành phải tạm đình chỉ điều tra vì chứng cứ yếu, thiếu chứng cứ hoặc không xác định được bị can gây án. Nhiều gia đình phải ngậm đắng nuốt cay, còn bị hại phải gánh chịu hệ quả tâm lý nặng nề.
Đàn chim Lạc trở về

Đàn chim Lạc trở về

(PNTĐ) - Đã thành thông lệ vào những dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3), ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 và kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5..., rất nhiều kiều bào yêu nước lại về thăm quê hương. Sau những năm tháng chiến tranh, Việt Nam giờ đây đã trở thành mảnh đất lành cho những “đàn chim Lạc” (loài chim mỏ dài  bay quanh mặt trời khắc trên trống đồng Đông Sơn) trở về cội nguồn đoàn tụ.
Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa

Nữ chiến sĩ Điện Biên năm xưa

(PNTĐ) - Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp trên 2,3 triệu ngày công, góp phần quan trọng vào chiến thắng lịch sử của dân tộc. Những thiếu nữ đó đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, không một thoáng lưỡng lự, không một phút ngần ngại, đắn đo để thực hiện nghĩa vụ cao cả: Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.