Xét xử vụ án Việt Á:

Chủ tịch Công ty Việt Á thừa nhận test xét nghiệm thuộc sở hữu Nhà nước

TÚ AN
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sáng 5/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục phần thẩm vấn 38 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á. Đại diện Viện kiểm sát (VKS) thực hành quyền công tố tiến hành xét hỏi. Trình bày tại toà, bị cáo Phan Quốc Việt thừa nhận, đề tài nghiên cứu kit test xét nghiệm dùng kinh phí của nhà nước thì là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Việc lấy test xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á là vi phạm pháp luật.

Phan Quốc Việt khẳng định đã đưa 50.000 USD cho cựu Thứ trưởng 

Là bị cáo đầu tiên được gọi lên để làm rõ thêm một số vấn đề liên quan, bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) trình bày, do tình hình dịch phức tạp, bị cáo thường xuyên di chuyển nên việc điều hành được thực hiện chủ yếu qua các nhóm chat trên mạng xã hội.

Chủ tịch Công ty Việt Á thừa nhận test xét nghiệm thuộc sở hữu Nhà nước - ảnh 1
Bị cáo Phan Quốc Việt tại Toà

 

Một số cá nhân được phân công phụ trách từng vùng miền cụ thể như Vũ Đình Hiệp - trợ lý, phụ trách miền Bắc từ tỉnh Thanh Hoá trở ra; Nguyễn Thị Thắm phụ trách miền Trung, trong đó có Nghệ An, Hà Tĩnh; Lê Trung Nguyên phụ trách miền Nam… Việc chiết khấu phần trăm hoa hồng dựa trên tiêu chí đóng góp của họ trong phòng chống dịch, giá trị hợp đồng và chủng loại hàng hoá.

Để điều hành công ty, bị cáo đã thành lập các nhóm trên Viber như nhóm Covid miền Nam, nhóm Covid miền Bắc, nhóm Kế toán - Tài chính… và nhóm chung là nhóm Covid Việt Nam. Bị cáo Việt cho biết, các khoản chi trước khi chuyển cho các điạ phương đều do bị cáo duyệt, nội dung chuyển khoản là: “Nhờ thanh toán tiền mua hàng”. Bị cáo lý giải, thực tế là chia sẻ lợi nhuận, nhưng do nhạy cảm nên không nói thẳng.

VKS hỏi, việc chi % được thoả thuận trước với các địa phương hay không? Việt cho hay, không có thoả thuận trước. Sau khi hoàn tất hợp đồng thì Việt Á tự mang đến cảm ơn. Tuy nhiên, VKS cho rằng, có đủ cơ sở để chứng minh nhiều vụ việc có sự thoả thuận trước, nhiều trường hợp thoả thuận trong quá trình giao dịch. 

Cũng trả lời Viện kiểm sát, bị cáo Phan Quốc Việt thừa nhận đã nhờ cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhiều việc nhưng không thực hiện trực tiếp mà thông qua bị cáo Nguyễn Huỳnh, thư ký của ông Long.

Theo lời khai của Phan Quốc Việt, khoảng năm 2017, 2018, có cuộc gặp 3 người gồm có bị cáo Long, Huỳnh và Việt. Ở cuộc gặp này, cả 3 đã thống nhất rằng mọi việc thống nhất thông qua Huỳnh. Trả lời câu hỏi “Vì sao phải thông qua Huỳnh”, bị cáo Việt nói đó là vì lý do “nhạy cảm”.

Bị cáo Việt thừa nhận chỉ có một lần duy nhất lên Bộ Y tế gặp bị cáo Long, đi cùng một đơn vị khác nói về vấn đề vắc-xin và có để lại túi quà có 50.000 USD. Về toàn bộ hành vi trong vụ án, Phan Quốc Việt thừa nhận sai phạm.

Cũng tại phần xét hỏi của VKS, bị cáo Việt một lần nữa khẳng định đã đưa cho cựu Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc số tiền 50.000 USD. Việt quả quyết, số tiền USD đó do chính bị cáo này đổi từ tiền VND sang. Trước đó, bị cáo có đi công tác Đà Nẵng và rút 5,1 tỉ đồng rồi đổi thành USD. Sau đó bị cáo cho giao lại cho bị cáo Hiệp (cấp phó của Việt - PV) vài trăm nghìn USD để khi cần thì bảo Hiệp chi ngoại giao. Khoảng tháng 4/2021 thì chi tiền cho bị cáo Tạc để cảm ơn sự hỗ trợ trong thời gian Công ty Việt Á tham gia đề tài nghiên cứu với Học viện Quân y.

Trong khi ấy, bị cáo Phan Công Tạc phủ nhận số tiền này, khai chỉ nhận 100 triệu đồng và giữ nguyên lời khai này từ giai đoạn điều tra đến nay. Tại phiên tòa, bị cáo Tạc khai rằng khi đó, bị cáo Việt nhắn tin muốn đến thăm. 

Khi ra về, bị cáo Việt để lại 1 túi quà và nói có cành đào Tết để tặng. Cựu thứ trưởng khai, bản thân nghĩ là theo phong tục Á Đông thì có thể chấp nhận được. Bị cáo kiểm tra thấy có 2 tập tiền, mỗi tập 50 triệu đồng.

Chủ tịch Công ty Việt Á thừa nhận test xét nghiệm thuộc sở hữu Nhà nước - ảnh 2
Các bị cáo tại toà

 

Đối với bị cáo Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng, thuộc Bộ KH&CN), Phan Quốc Việt khẳng định không có thỏa thuận ăn chia. Bị cáo Hùng nhờ Việt tham gia đề tài để có sản phẩm chống dịch. Bị cáo Việt cũng cho biết, việc trích % hoa hồng cho các CDC các tỉnh và các cá nhân khác đều được bị cáo phê duyệt. Theo quyết định của bị cáo, khi nào nhận được tiền về thì trích lại theo chính sách của công ty.

Cựu Bộ trưởng Bộ KH&CN nói chỉ nghĩ quà là sản phẩm vật tư y tế

Tại phiên tòa, bị cáo Chu Ngọc Anh, cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH-CN) thừa nhận có nhận 200.000 USD của Phan Quốc Việt. Cựu Bộ trưởng Bộ KH-CN cho hay, khi được Việt tặng túi quà, chỉ nghĩ anh ta lên gặp, giới thiệu sản phẩm và cảm ơn bằng túi quà nên chỉ nghĩ bên trong túi chỉ có các sản phẩm này. Bị cáo không nghĩ là có tiền nên đã để túi quà ở trong phòng. Sau này chuyển công tác về UBND TP Hà Nội, bị cáo mở ra, mới thấy bên trong có tiền. Bị cáo cho biết nhận tiền của doanh nghiệp là sai. Do vậy, bị cáo đã cho 200.000 USD vào vali chuyên dùng đi công tác.

Ông Chu Ngọc Anh nói thêm, ông định mang chiếc vali này về UBND TP Hà Nội nhưng do chưa sửa xong phòng làm việc nên mang về nhà, để ở gara ô tô với dự định bao giờ đi công tác sẽ mang theo, trả cho Phan Quốc Việt. Nhưng: “21 tháng ở Hà Nội, bị cáo không có chuyến công tác nào nên quên mất, đây là điều đau xót nhất”.

Trong vụ án này, bị cáo Ngọc Anh bị cáo buộc có 3 sai phạm, gồm ký quyết định cho Công ty Việt Á của Phan Quốc Việt được cùng Học viện Quân y tham gia nghiên cứu kit-test Covid-19, kinh phí hơn 18 tỷ đồng từ nguồn Nhà nước. Cựu Bộ trưởng biết rõ kết quả nghiên cứu đề tài là của nhà nước, do chính ông ta đại diện sở hữu nhưng lại để Công ty Việt Á mang đi đăng ký lưu hành rồi sản xuất kit test, bán thu lời. Tiếp theo, bị cáo Chu Ngọc Anh còn chỉ đạo bị cáo Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ KH-CN) tổ chức họp báo, khen thưởng Phan Quốc Việt và Công ty Việt Á. Qua những hành vi sai phạm, Chu Ngọc Anh được Phan Quốc Việt “cảm ơn” 200.000 USD.

Tin cùng chuyên mục

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

(PNTĐ) - Tháng 5 là tháng có ý nghĩa đặc biệt đối với cán bộ, đoàn viên và người lao động khi có Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Tháng 5 còn là Tháng Công nhân đồng thời là Tháng hành động về an toàn vệ sinh, lao động, Tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.