Tháng Ba về giỗ Vua Hùng

M.Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Những ngày này, đông đảo người dân và du khách về với Lễ hội đền Hùng (Phú Thọ). Lễ hội là hoạt động có tính quy mô cấp quốc gia nhằm tưởng nhớ các vua Hùng đã có công dựng nước, hướng mỗi người Việt Nam biết trân quý nguồn cội.

Biểu tượng của tình đoàn kết dân tộc

Đền Hùng tọa lạc trong địa phận thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi thờ cúng các vị vua Hùng, những người có công dựng nước và là tổ tiên của dân tộc Việt Nam từ ngàn xưa.

“Con người có tổ, có tông, như cây có cội, như sông có nguồn”. Từ bao đời nay, trong tâm thức của mỗi người dân Việt Nam, các Vua Hùng là Quốc tổ có công dựng nên nhà nước đầu tiên. Đền Hùng và ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt. Giỗ tổ Hùng Vương từ lâu đã trở thành truyền thống văn hóa lâu đời ở nước ta. Trong tiềm thức của mỗi người Việt, Giỗ tổ Hùng Vương mang tính linh thiêng cao cả. Vì thế, Lễ hội được tổ chức trang trọng hàng năm với nghi thức đại lễ quốc gia.

Lễ hội đền Hùng kèo dài từ ngày 8 - 11 tháng 3 âm lịch, trong đó mùng 10 là chính hội, thu hút hàng chục vạn người từ khắp nơi trong nước và kiều bào nước ngoài.

Tháng Ba về giỗ Vua Hùng  - ảnh 1
Lễ hội Đền Hùng gồm nhiều hoạt động văn hóa dân gian.

Độc đáo văn hóa dân gian

Lễ hội đền Hùng bao gồm những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác... Các hoạt động văn hóa mang tính chất nghi thức còn lại đến ngày nay là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Đó là hai nghi lễ được cử hành đồng thời trong ngày chính hội. Đám rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Đó là một đám rước tưng bừng những âm thanh của các nhạc cụ cổ truyền và màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống...

Dưới tán lá mát rượi của những cây trò, cây mỡ cổ thụ và âm vang trầm bổng của trống đồng, đám rước như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá huyền thoại để tới đỉnh núi.

Mang đặc trưng của các lễ hội ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, lễ hội đền Hùng cũng gồm có 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Phần tế lễ trong lễ hội đền Hùng được cử hành rất trọng thể mang tính quốc lễ. Lễ vật dâng cúng rất cẩn thận, thịnh soạn và độc đáo là “lễ tam sinh" (bao gồm 1 lợn, 1 dê và 1 bò), bánh chưng, bánh dày và xôi nhiều màu, nhạc khí là trống đồng cổ.

Đầu tiên, sau một hồi trống đồng vang lên, các vị chức sắc vào tế lễ dưới sự điều khiển của chủ lễ. Tiếp đến là các cụ bô lão của làng xã sở tại của địa phương quanh đền Hùng vào tế lễ. Sau cùng là nhân dân và du khách thập phương hành hương vào tế lễ trong các đền thờ, tưởng niệm các vị vua Hùng.

Mỗi một đám rước kiệu có 3 cỗ kiệu sẽ đi nối tiếp nhau. Các kiệu đều được sơn son thếp vàng, chạm trổ rất tinh xảo. Việc bày biện trang trí trên cỗ kiệu cũng rất khéo léo, cầu kỳ và đẹp mắt. Cỗ kiệu đi đầu bày hương hoa, đèn nhang, trầu cau, nước và bầu rượu thịnh soạn. Cỗ kiệu thứ 2 đặt hương án, bài vị của Thánh, có lọng và quạt cho với nhiều màu sắc mang vẻ tôn nghiêm. Cỗ kiệu thứ 3 rước bánh chưng và bánh dày, 1 cái thủ lợn luộc để nguyên, đi sau 3 cỗ kiệu này là các vị quan chức và bô lão trong làng ở địa phương. Các vị chức sắc thì mặc áo thụng theo kiểu các bá quan triều đình xưa kia, còn các cụ bô lão cũng mặc áo thụng đỏ, hoặc mặc quần trắng, áo the, đầu đội khăn xếp trang nhã, truyền thống.

Tháng Ba về giỗ Vua Hùng  - ảnh 2
Lễ hội Đền Hùng nhằm tưởng nhớ các Vua Hùng đã có công dựng nước. Ảnh: ST

Góp phần vào sự quyến rũ của ngày lễ hội, ngoài những nghi thức rước lễ còn những hoạt động văn hóa quần chúng đặc sắc. Đó là những cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo). Từ xưa, trong dân gian truyền rằng hát Xoan xưa kia gọi là hát Xuân và điệu múa hát Xoan có từ thời Hùng Vương và được lưu truyền rộng rãi trong dân gian của các làng xã quanh vùng ở đồng bằng Bắc bộ.

Trong đó đặc biệt là điệu múa hát Xoan này được nhiều người ưa thích, đặc biệt là bà Lan Xuân, vợ của vua Lý Thần Tông. Bà đã cảm nhận được âm hưởng dân ca đặc biệt và độc đáo của điệu hát Xoan này, nên bà đã cho sưu tầm và cải biên thành điệu hát thờ tại một số đền, đình làng thờ các Vua Hùng cho tới ngày nay.

Ở đền Hạ có hát ca trù (dân gian gọi là hát nhà tơ, hát ả đào). Đây cũng là loại hát thờ trước cửa đình, mừng dâng thành trong dịp hội làng, do phường hát Do Nghĩa trình diễn mỗi dịp lễ. Ngoài ra, Lễ hội còn diễn ra những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các Vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.

Hay hàng loạt các hoạt động văn hóa dân gian như: Thi gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy, kéo thổi lửa nấu cơm… được phục dựng nguyên bản làm cho Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được gìn giữ và lưu truyền, có sức sống mãnh liệt, sức lan tỏa lâu bền trong cộng đồng người Việt.

Tháng Ba về giỗ Vua Hùng  - ảnh 3
Đông đảo người dân về dự lễ hội Đền Hùng.

Điểm hẹn du lịch văn hóa

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng đã trở thành điểm hẹn tâm linh của mỗi người dân nước Việt. Hàng triệu lượt người con đất Việt đã hành hương về núi thiêng Nghĩa Lĩnh để tưởng nhớ Hùng Vương đã có công dựng nước và giữ nước.

Năm nay, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ năm 2024 diễn ra từ ngày 9 - 18/4 (tức ngày 1 - 10 tháng 3 âm lịch) tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng ở thành phố Việt Trì và các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Phú Thọ. Trong đó, phần lễ gồm: Lễ giỗ Đức Quốc tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ (diễn ra vào ngày 14/4, tức ngày 6/3 âm lịch); lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương (diễn ra vào ngày 18/4, tức ngày 10/3 âm lịch); lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh, diễn ra suốt từ ngày 9 - 18/4 (mùng 1 - 10/3 âm lịch)...

Phần hội với điểm nhấn là Tuần Văn hóa - Du lịch đất Tổ sẽ có nhiều hoạt động văn hóa độc đáo, hấp dẫn, thu hút khách du lịch, như: Trình diễn hát Xoan làng cổ tại các phường Xoan gốc An Thái, đình Thét, miếu Lãi Lèn, đình Hùng Lô (thành phố Việt Trì); giải bóng chuyền các đội mạnh tranh cúp Hùng Vương; Hội chợ thương mại và trưng bày sản phẩm OCOP…

Ngoài ra, còn có các hoạt động trưng bày hiện vật, di sản tư liệu, sách báo, tư liệu ảnh tại Thư viện tỉnh Phú Thọ, Bảo tàng Hùng Vương; chương trình âm nhạc đường phố "Việt Trì Livemusic"…, góp phần đáp ứng nhu cầu của nhân dân, du khách gần xa đến với Lễ hội Đền Hùng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân

(PNTĐ) - Tháng 5 là tháng có ý nghĩa đặc biệt đối với cán bộ, đoàn viên và người lao động khi có Ngày Quốc tế lao động 1/5 - Ngày hội của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới. Tháng 5 còn là Tháng Công nhân đồng thời là Tháng hành động về an toàn vệ sinh, lao động, Tháng cao điểm tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.