Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội

Bài và ảnh: Nhật Vy - Hà Văn
Chia sẻ

(PNTĐ) - Nhà ở xã hội là nhà ở bình thường như các loại nhà ở khác, phải bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường. Tất cả các chủ thể có liên quan, mỗi người, mỗi tổ chức chung tay, góp sức tạo phong trào, xu thế phát triển nhà ở xã hội; đặt mình vào địa vị của những người chưa có chỗ ở để hành động. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường.

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội - ảnh 1
Giá chung cư tại Hà Nội tăng mạnh, nhất là giai đoạn sau Tết 2024. Chuyên gia cho rằng, thời gian tới, giá bất động sản có thể tiếp tục tăng phi mã.

Quan điểm này được Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội” được tổ chức vào ngày 16/3 theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Triển khai gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm, lãi suất từ 3-5%
Thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030, thời gian qua, nhiều dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân đã được triển khai và hoàn thành, góp phần hỗ trợ người có thu nhập thấp, công nhân, người lao động "an cư lạc nghiệp".

Cụ thể, từ năm 2021 đến nay, cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô hơn 411 nghìn căn hộ (trong đó 72 dự án đã hoàn thành với quy mô hơn 38 nghìn căn; 129 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô gần 115 nghìn căn; 298 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô gần 259 nghìn căn).

Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở xã hội so với mục tiêu, yêu cầu, mong muốn thì chưa đạt được và còn một số tồn tại, khó khăn. Nhiều địa phương chưa có sẵn quỹ đất sạch để làm nhà ở xã hội. Một số dự án nhà ở xã hội tại một số địa phương có quy hoạch nhưng lại cấp cho các nhà đầu tư còn yếu về năng lực, trong khi có doanh nghiệp lại thiếu động lực triển khai vì hiệu quả không cao dẫn đến chậm triển khai dự án.

"Nếu các địa phương không tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ mà đòi hỏi, gây khó dễ, sách nhiễu thì doanh nghiệp cũng mất hào hứng"- Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ ra nguyên nhân tại hội nghị.

Để tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng đã giao các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới đối với các bộ, ngành. Đó là yêu cầu các bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng, sớm ban hành các nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội như: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.

Giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng quy trình rút gọn các thủ tục hành chính lựa chọn nhà đầu tư, triển khai dự án nhà ở xã hội để tiết kiệm thời gian, khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội. Đặc biệt giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại Nhà nước lớn chung tay cùng doanh nghiệp nghiên cứu, xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua với thời gian 10-15 năm và lãi suất thấp hơn từ 3-5% so với cho vay thương mại; nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng phù hợp. Bộ Tài chính nghiên cứu thành lập Quỹ Nhà ở xã hội, chính sách thuế phù hợp.

Với các địa phương, Thủ tướng đề nghị cấp ủy có nghị quyết để lãnh đạo việc phát triển nhà ở xã hội, Hội đồng nhân dân ban hành các chính sách, quy định phù hợp với đặc thù địa phương, UBND các cấp, đặc biệt là cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện tốt, thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật, vận dụng sáng tạo, linh hoạt, kịp thời trong điều kiện địa phương, dám chịu trách nhiệm, dám nghĩ, dám làm không đùn đẩy, né tránh.

Hà Nội: Chung cư cũ tăng 200% dù chưa có sổ đỏ
Thời gian gần đây, giá chung cư, và đất vùng ven khu vực Hà Nội có nơi tăng đến 200%. Cụ thể, chung cư Cenco 5 Thanh Hà, huyện Thanh Trì là một trong những khu vực có giá tăng mạnh nhất kể từ giai đoạn nửa cuối năm 2023. Thậm chí, tỷ lệ tăng chạm ngưỡng 200%. Căn chung cư có diện tích trung bình 65m2, 2 phòng ngủ, tầng 6 trước đây có giá bán qua tay chỉ khoảng 900 triệu đồng (đã bao gồm nội thất), nhưng hiện tại, giá đã lên khoảng 1,8 tỷ đồng.

Tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội - ảnh 2

 Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Phụ nữ Thủ đô, nhiều tòa chung cư Cenco 5 chưa có sổ đỏ. Người dân giao dịch bằng cách chuyển nhượng hợp đồng giữa bên bán cho bên mua. Trên một số trang thương mại điện tử về bất động sản, giá chung cư Cenco 5 đang được giao ở mức 1,62 tỷ đồng/căn 65m2. Tuy nhiên, đây là giao dịch tiền mặt.

Chị Đỗ Toan, môi giới bất động sản tại Cenco 5 Thanh Hà cho biết: Cách đây khoảng 6 năm, chung cư ở tòa HH-01 với giá chỉ nhỉnh 600 triệu đồng/căn 2 ngủ 2 vệ sinh. Người dân mua chung cư khu vực này chủ yếu là dùng tiền mặt; còn phương án vay ngân hàng ít khả thi khi các ngân hàng chỉ cho vay tối đa 70% giá trị căn hộ tính trên tổng giá gốc (tức là ngân hàng chỉ cho vay tối đa khoảng 400 triệu đồng). 

Không chỉ Cenco 5, chung cư các khu vực khác như Ocean Park Gia Lâm, Coma 6, Smart City - quận Nam Từ Liêm… cũng tăng giá mạnh. Tại Vinhomes Smart City, quận Nam Từ Liêm, hiện căn 55m2, phân khu S01 và S02 có giá chạm 3 tỷ đồng. Trong khi đó, phân khu có view hướng về nội thành như I1, I2 có giá chạm 5 tỷ đồng. Thậm chí, căn 45m2 - 1 phòng ngủ tại tòa I1 có view nhìn ra vườn nướng BBQ, biển hồ, công viên cũng có giá khoảng 3,9 tỷ đồng.
 “Nghẽn nguồn cung” xu hướng giá nhà ở sẽ tiếp tục tăng 
Trả lời Báo Phụ nữ Thủ đô, chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) phân tích: Giá nhà ở tăng mạnh có nguyên nhân từ việc nhà nước thực hiện chính sách hạ lãi suất huy động. Điều này khiến cho kênh gửi tiết kiệm kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng và bất động sản.

Nguyên nhân thứ hai là nhu cầu sở hữu nhà ở thực tế của người dân ở mức cao, trong khi lượng cung không đủ cầu, dẫn tới việc giá chung cư, đất ven ngoại thành tăng mạnh, thậm chí là chung cư cũ, đã bàn giao cách đây hàng chục năm cũng tăng phi mã.

Dự báo trong 2-3 năm tới, lượng cung nhà ở vẫn khan hiếm do các dự án nhà ở xã hội đang tiến triển rất chậm, trong khi nhà ở thương mại cũng không nhiều - đây có thể là kịch bản khiến giá nhà ở có thể tiếp tục tăng vọt và neo ở mức cao. Lý do thứ ba đó là bất động sản chung cư, đất vùng ven hiện nay được coi là kênh trú ẩn an toàn so với chứng khoán, tiền ảo… dư địa tăng trưởng lại cao.

Theo chuyên gia Đỗ Bảo Ngọc, để giải quyết cấp bách nhu cầu nhà ở thời gian tới, Nhà nước cần thành lập các công ty chuyên xây dựng nhà ở xã hội. Các công ty này nằm dưới sự điều hành trực tiếp của Nhà nước để đảm bảo tiến độ xây dựng, chất lượng công trình, cũng như việc tung hàng ra thị trường.

Trong khi giá nhà ở tăng mạnh thì nguồn cung từ nhà ở xã hội lâm vào bế tắc. Tại hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội”, doanh nghiệp và chính quyền các địa phương đã chỉ rõ những ách tắc cần sớm tháo gỡ.

Thứ nhất là ách tắc về quy định giữa việc chuyển quy hoạch nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội. Các quy định ngược nhau gây khó cho cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh quy hoạch, dẫn đến thủ tục làm nhà ở xã hội lâm vào bế tắc.

Thứ hai là vấn đề tiền sử dụng đất. Theo quy định, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất. Nhưng quy trình lại rất loằng ngoằng. Đó là doanh nghiệp phải chờ cơ quan chức năng tính toán khoản tiền sử dụng đất, ra thông báo về số tiền sử dụng đất. Sau khi có thông báo thì doanh nghiệp mới được miễn tiền sử dụng đất. Quy trình là như vậy, song, thủ tục, giấy tờ mất thời gian, kéo dài dẫn đến dự án bị “tắc”. Doanh nghiệp cũng oải vì lợi nhuận từ phân khúc này không thật sự hấp dẫn.

Ngoài ra, doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cũng không được dùng mảnh đất được cấp làm tài sản thế chấp để vay ngân hàng. Điều này khiến do dòng tiền huy động vào thực hiện dự án bị nghẽn, thậm chí là bị tắc.

Ở hướng người mua. Đối tượng mua nhà ở xã hội đa phần có thu nhập thấp. Tuy nhiên, lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội gói 1.200 tỷ đồng lại tương đối cao - trung bình khoảng 9%/ năm, áp dụng cho 5 năm đầu tiên. Những năm sau lãi suất thả nổi. Điều này gia tăng áp lực trả nợ cho bên mua…

Ông Đỗ Bảo Ngọc cho rằng, chỉ khi nào khơi thông được vấn đề chính sách cho nhà ở xã hội và tăng nguồn cung thì giá nhà ở mới chững lại.

 

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

Nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới

(PNTĐ) - Ở tuổi 76, bà Sheikh Hasina tiếp tục được người dân tín nhiệm bầu giữ chức Thủ tướng Bangladesh nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp và được coi là: “nữ lãnh đạo Chính phủ tại vị lâu nhất thế giới”. Trong vai trò Thủ tướng, bà đã đưa đất nước tiến lên và đạt được nhiều thành tựu đáng trân trọng.
Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

Cần nghiêm trị hành vi bạo lực trẻ em

(PNTĐ) - Trong những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc khi chứng kiến câu chuyện thương tâm xảy ra với cậu bé học lớp 8 (trú tại phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội). Chỉ từ một mâu thuẫn nhỏ giữa hai học sinh lớp 8 và lớp 6 trên sân bóng rổ mà học sinh này đã bị đánh đến chấn thương sọ não nặng, tính mạng đang vô cùng nguy kịch.