Chiếc bánh sinh nhật tặng ông

Chia sẻ

Sinh nhật ông năm đó, mẹ nói tôi làm tặng ông một chiếc bánh. Chẳng là tôi mới được đi học làm bánh và bánh do tôi làm đã được mẹ “thẩm định”, khen ngon.

Ông tôi cũng rất hứng thú khi mẹ thông báo cháu ngoại sẽ làm bánh mừng sinh nhật ông 80 tuổi. “Bánh của cháu ngoại sẽ khiến sinh nhật ông đặc biệt lắm đấy”, ông ngoại tôi nói.

Theo gợi ý của mẹ, tôi sẽ làm cho ông một chiếc bánh gato với thật nhiều kem và đường, đúng với sở thích của ông. Sáng đó, mẹ mua đủ các loại nguyên liệu tôi cần, dặn tôi ở nhà làm bánh. Chiều, khi mẹ đi làm về, mẹ con tôi cùng sang nhà ông.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Không may, đó cũng là hôm tôi trót hẹn đi chơi với đứa bạn thân. Vì vậy, sau khi mẹ đi rồi, tôi vội trang điểm rực rỡ rồi cũng ra khỏi nhà. Tôi tặc lưỡi nghĩ hãy còn cả ngày dài phía trước, chỉ cần tôi về sớm một chút thì vẫn có đủ thời gian làm bánh tặng ông.

Song, cái tính tôi vốn “vui đâu chầu đấy”, lâu này gặp bạn, tôi quên hết trời đất. Sát giờ hẹn với mẹ, tôi mới cuống cuồng chạy về nhà. Tất nhiên việc làm bánh kem đã trở nên bất khả thi, tôi liền lấy tạm gói bột mì, trộn đường vào rồi cho vào chảo rán.

Tôi phải thừa nhận, đó là chiếc bánh xấu xí và cẩu thả nhất tôi từng làm. Vì vội, tôi cũng chẳng kịp bỏ vào đó bất kỳ nguyên liệu thơm ngon nào khác ngoài đường. Khi mẹ về, tôi vội lấp liếm là mới sáng tạo ra loại bánh mới này để tặng ông. Mẹ chẳng nói gì, chỉ nhìn tôi bằng ánh mắt hình như trách móc.

Tối đó, trên đường đến nhà ông, mẹ đèo tôi ghé vào hiệu bánh gần nhà, mua một chiếc bánh gato. Tôi không dám mở lời hỏi mẹ câu nào vì sợ sẽ thổi bùng lên cơn giận dữ của mẹ. Nhìn chiếc bánh kem đẹp lung linh trong hộp và nghĩ tới chiếc bánh bột mì đường của mình mà tôi thấy xấu hổ quá.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Cuối cùng, thật lạ là ông ngoại tôi lại không hề để ý tới chiếc bánh gato mua sẵn mà cứ tấm tắc khen bánh bột mì của tôi thơm ngon. Tôi cười ngượng trước lời động viên của ông, khe khẽ nhấm một mẩu bánh bột mì rồi gắng sức cắn cho nó vỡ vụn trong miệng. Mẩu bột vừa cứng, vừa nhạt nhẽo, chẳng xứng đáng để gọi là bánh.

Đó là chiếc bánh mừng sinh nhật đầu tiên và cuối cùng tôi tặng ông. Chưa đầy một năm sau, ông ngoại tôi đã qua đời do bệnh nặng. Trong lúc hấp hối, ông vẫn kịp căn dặn tất cả con cháu trong nhà. Riêng với tôi, ông nói rất cảm ơn vì tôi đã làm bánh tặng sinh nhật ông. Đó là chiếc bánh ngon nhất mà ông đã được ăn trong cuộc đời. Ông còn bảo tôi có năng khiếu làm bánh, hãy phát huy để sau này có thêm một nghề tay trái, biết đâu sẽ giúp ích cho tôi.

Cho tới lúc đó, tôi vẫn không dám nói thật với ông về việc mình đã làm chiếc bánh đó như thế nào. Ông tôi trân trọng việc tôi làm tặng ông, còn tôi, thì lại cẩu thả, vội vàng, làm cho xong mà chẳng để vào đó chút tình cảm nào của một đứa cháu với người ông của mình.

Chỉ tới khi ông đi xa rồi, tôi mới thấy hối tiếc là tại sao mình không thể yêu ông nhiều hơn. Tại sao tôi có thể dành cả ngày đi chơi nhưng lại không thể để ra vài tiếng làm cho ông một chiếc bánh tử tế. Giờ, nói gì cũng đã muộn. Thay cho việc ân hận, tôi tự nhủ mình vẫn còn một người mẹ để yêu thương. Mẹ tôi rồi cũng sẽ già đi và đến một ngày, tôi phải xa mẹ như đã phải xa ông của mình. Tôi sẽ làm cho mẹ thật nhiều những chiếc bánh thơm ngon mà không cửa hiệu nào có thể làm được.

THÁI ANH

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.