Cưới hoa

Đặng Văn Toán
Chia sẻ

(PNTĐ) -

Bông hoa cưới nhau

Không cỗ bàn

 Bông hoa cưới nhau

Không khách mời

 Bông hoa cưới nhau

Không ánh sáng

 Bông hoa cưới nhau

Không đàn hát

Bông hoa cưới nhau

Bất cần hợp pháp

 Thế mà

Khi con người cưới nhau

Lại cần những bông hoa.

                           Y Phương

Cưới hoa - ảnh 1
Minh họa sưu tầm

LỜI BÌNH

  Nói đến Y Phương người yêu thơ nhớ ngay tới những bài thơ gắn với tên tuổi của ông như: Mùa hoa, Nói với con, Tên làng... Song thi sỹ dân tộc Tày còn có một sáng tác được biết đến ít hơn nhưng cũng khá độc đáo. Tác phẩm có nhan đề Cưới hoa.

  Bài thơ sáu khổ nhìn lướt qua tưởng rất cân đối nhưng lại được cố ý chia làm hai phần rõ rệt. Năm khổ đầu chỉ đơn giản là lời kể, khổ kết thúc là một lời bình luận đầy bất ngờ nhưng không kém phần hàm súc, gợi nhiều suy nghĩ.

  Những thứ hết sức cần thiết và gần như bắt buộc phải có trong một đám cưới của con người như: Cỗ bàn, khách mời, văn nghệ, tính hợp pháp... đều không còn giá trị khi những “bông hoa cưới nhau”. Đây là cách nhìn, cách cảm mới mẻ và khác lạ của nhà thơ.

 Chẳng phải vô cớ mà câu “bông hoa cưới nhau” được điệp đi điệp lại tới năm lần. Không đơn thuần chỉ là nhấn mạnh, không đơn giản chỉ để khẳng định, câu thơ còn như một ngợi ca vẻ đẹp của tình yêu tự nhiên bất kể luật lệ, tập tục. Và, con người có lẽ cũng nên yêu nhau thật hồn nhiên, không để những ràng buộc khác làm mất đi cái vẻ đẹp ấy.

 Vậy là chỉ bằng cách kể đơn giản, biết tận dụng lợi thế của ngôn ngữ thơ, nhà thơ Y Phương đã chuyển tới độc giả thông điệp cô đọng mà sâu sắc: Cuộc sống luôn có những điều tưởng mâu thuẫn mà thực sự lại hết sức lôgic. Có những sự việc diễn ra không tuân theo một khuôn mẫu, một thói quen thường nhật nào, bỏ qua mọi quy định ngỡ hiển nhiên song không vì thế mà chúng vô giá trị.

 Có lẽ chẳng ai phủ nhận “bông hoa cưới nhau” không phải một câu thơ. Nó thực sự là một câu thơ. Và hơn thế nữa nó còn thể hiện được nét độc đáo trong thơ Y Phương. Và có lẽ chỉ Y Phương mới có những câu thơ ngồ ngộ, đáng yêu như thế.

 Nhưng nếu chỉ dừng lại ở đây thì nội dung tư tưởng của bài thơ chưa bộc lộ ra được cái điều mà nhà thơ muốn nói cùng độc giả. Chỉ một khổ thơ cuối với số câu nhiều hơn các khổ trên đúng một dòng, đã làm bùng nổ cảm xúc cũng như nội dung tư tưởng một cách tròn đầy, viên mãn.

Quả thật, đối với con người nhiều khi những giá trị tinh thần nó to lớn, nó quan trọng đến nỗi không có giá trị vật chất nào có thể so sánh hay thay thế được. Đó chính là tâm niệm mà nhà thơ Y Phương muốn gửi gắm chăng? Và khổ thơ cuối “Thế mà/ Khi con người cưới nhau/ Lại cần những bông hoa” đã cho chúng ta câu trả lời về điều đó.

  Bài thơ kết thúc nhưng đã mở ra trước mắt người đọc những điều mới mẻ và ít nhiều ngẫm ngợi. Hình ảnh những bông hoa cưới nhau cứ như thực như ảo, khơi gợi bao xúc cảm trước vẻ đẹp của cuộc sống và trong tâm hồn mỗi chúng ta.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.