Đừng “giá như” nữa nhé!

Mai Chi
Chia sẻ

(PNTĐ) - Hôm nay, khi con gái nói sẽ đưa người yêu về ra mắt, lòng bà Phương bỗng bâng khuâng. Bà sợ rằng, mình lại đi vào vết xe đổ như đã từng xảy ra với con trai cả của mình, để rồi, quá khứ đã qua không thể nào lấy lại được, chỉ biết luyến tiếc bằng hai chữ “giá như”.

Bảy năm trước, Đạt, con trai cả của bà Phương dẫn bạn gái về giới thiệu với bố mẹ. Bà Phương nhìn cô gái trẻ một lượt và thầm hơi thất vọng trong lòng, bởi trông cô gái hiền quá. Hiền tới mức mong manh, dễ vỡ, mà theo bà là “dễ khiến đàn ông mủi lòng, thương xót”. Nếu mà thế thật thì con bà lấy về chỉ có khổ, vì suốt ngày chăm sóc, nâng niu, hầu hạ chiều chuộng vợ, chứ chẳng làm được gì. Sau một hồi hỏi chuyện, bà được biết cô gái tên Hân, hiện cùng chị gái mở một chuỗi cửa hàng bán đồ bỉm sữa đã được vài năm, khá ổn định rồi.

Chưa dừng lại ở đó. Vốn đều là cán bộ có chút vị trí đã nghỉ hưu, nên trong tâm tưởng của vợ chồng bà Phương, chuyện môn đăng hộ đối là rất quan trọng. Nghĩa là, bố mẹ Hân nếu không công tác trong các cơ quan Nhà nước thì cũng phải là doanh nhân, có điều kiện kinh tế. Với hai vợ chồng bà Phương, việc Hân cùng chị gái mở được chuỗi cửa hàng không có gì đáng khen cả. “Bố mẹ cháu làm gì, nhà cháu có mấy anh em?”, họ hỏi Hân trong sự đợi chờ. Đáp lại, Hân nhẹ nhàng: “Dạ nhà cháu 5 anh chị em, bố mẹ cháu làm nông ạ!”.

Vẻ chưng hửng hiện ngay trên gương mặt chồng bà Phương, người vừa mới nghỉ hưu và vẫn còn chưa quên những ngày được người ta trọng vọng. Cuộc gặp gỡ gần như dừng lại ở đó, vì sau đó chẳng còn gì đáng nhớ. Hân ra về trong sự buồn bã, ánh mắt khinh khỉnh của bố mẹ người yêu rõ ràng đến thế còn gì.

Đừng “giá như” nữa nhé! - ảnh 1
Ảnh minh họa

Vài ngày sau, họ gọi riêng Hân đến nói chuyện và mong muốn Hân chấm dứt tình cảm với con trai họ. “Cô chú biết được bố cháu là người nát rượu và từng đánh đập mẹ cháu nhiều lần. Nhà cháu cũng đẻ cố để được mụn con trai. Thực tình, những điều đó không hợp với nhà cô chú…”.

Một thời gian dài sau đó, Đạt và Hân cố níu giữ tình cảm và thể hiện cho bố mẹ thấy tình yêu chân thành của mình. Rằng họ đã yêu nhau được 5 năm, đã trải qua đủ thăng trầm và rất hiểu nhau, coi nhau là điều không thể thiếu. Nhưng dưới sự tác động bằng mọi cách của bà Phương, tình yêu của đôi trẻ dần rệu rã. Qua vài cơn say, Đạt cũng đồng ý với mẹ, tìm hiểu Ly, người mà bà Phương đã “nhắm” cho anh và cực kỳ ưng ý.

Tưởng chừng như tới đó, hạnh phúc đã mỉm cười. Nhưng khi Ly về làm vợ con trai mình rồi, bà Phương mới ngỡ ngàng nhận ra con dâu yêu quý của mình rất ưa chỉ đạo. Mà không chỉ con dâu, đến bà thông gia cũng y hệt, lắm lúc cứ như ngồi lên đầu lên cổ vợ chồng bà Phương.

Lấy nhau về, Ly không đi làm nữa, ở nhà lo sinh con, để một mình Đạt đi làm. Vợ chồng bà Phương biết cũng không cho là việc gì quá lớn, vì nhà cửa, xe cộ ông bà đã cho hai vợ chồng Đạt rồi, Đạt đi làm với mức lương cũng khá, nếu chỉ hai vợ chồng chi tiêu thì có thể gọi là dư giả, không đáng lo. Nhưng, thi thoảng sang nhà con trai con dâu chơi, bà Phương lại thấy, Ly sai Đạt còn hơn cả bà Phương sai anh hồi bé. Từ rửa bát, đến dọn nhà, phơi quần áo, rồi gấp quần áo, cho đến đổ rác, một tay Đạt làm hết sau sự chỉ đạo của Ly. Tưởng cô làm việc khác, nhưng không, cô cứ dán mắt vào cái điện thoại. Một lần là bình thường, nhưng nhiều lần như thế, bà Phương không giận mới lạ.

Rồi tới khi có con, những tưởng người phụ nữ nào rồi cũng sẽ trở nên siêng năng, cầu toàn nhờ bản năng làm mẹ, thì Ly là ngoại lệ. Để đỡ gánh nặng cho con trai và con dâu, bà Phương tuần nào cũng chuẩn bị đủ loại thức ăn. Nhưng cứ mỗi lần sang là bà một lần bực, vì trăm lần như một, chính mắt bà thấy Đạt hễ đi làm về là trông con, tắm rửa chuẩn bị đồ cho con ăn, còn con dâu của bà thì cứ ì ra trên giường, chẳng chịu làm gì cả. Ấy vậy mà bà cứ nói một câu thì Đạt lại chăm chăm bênh vợ, khiến bà càng tức điên hơn. Vốn chiều con, thương con, lắm lúc bà bất lực, bảo “nó cho mày ăn cái gì mà mày bênh nó chằm chặp thế!”.

Đừng “giá như” nữa nhé! - ảnh 2
Ảnh minh họa

Nhiều chuyện không vui như thế xảy đến khiến bà Phương hay nghĩ ngợi, rồi cứ tự trách mình, giá mà ngày xưa để yên cho Đạt đến với Hân. Hai ông bà – sau nhiều lần còn bị thông gia xem thường, tới nỗi xin được bế cháu lúc cháu vừa sinh mà cũng phải theo giờ mẹ Hân quyết, giờ bắt đầu nghĩ, hóa ra môn đăng hộ đối chắc gì đã hạnh phúc. “Có khi bố nó thế nhưng chắc gì nó đã thế. Nhớ hồi chúng nó còn cố yêu nhau, dịp gì nhà mình nó cũng về, xắn tay vào không ngại gì cả”, hai ông bà tặc lưỡi, kể về Hân.

Thế nên khi chuyện đại sự của con gái út đang gần kề, bà Phương càng sợ mình sẽ đi sai nước cờ một lần nữa. Trong bữa cơm đón người yêu con gái, bà không nói gì, chỉ lắng nghe chồng và chàng trai kia trò chuyện. Buông bỏ những quy tắc, bà nhận ra sự chân thành ở chàng trai, cách anh ta từ tốn và lễ phép trả lời những câu hỏi của chồng bà, cách anh ta quan tâm tới gia đình người yêu. “Giống cái Hân quá, ngày về ra mắt nó cũng chân thành, nhẹ nhàng như thế!”, bà nghĩ.

Sau bữa cơm, bà hỏi chồng, rằng sao lần này ông không hỏi kỹ về bố mẹ của thằng bé thế. Chồng bà Phương, sau vài chén rượu, đã đủ thâm sâu để thẳng thừng rằng, giờ điều đó đâu còn quá quan trọng. Vì mình đề cao nó quá, nên thành ra gánh nặng đè lên mình. Miễn rằng, mình tin tưởng ở con, và luôn dõi theo, đồng hành với các con, điều đó mới là đáng quý.

“Tôi biết bà ân hận nhiều sau chuyện của thằng Đạt. Nhưng bà nghĩ xem, mình đâu thể muốn mọi thứ theo ý mình. Dù có không ưa cái Ly, nhưng rồi vợ chồng nó cũng sẽ có cuộc sống riêng, ta không can thiệp nổi, và cũng không cần phải can thiệp, nghĩ thoáng lên cho nhẹ đầu. Miễn rằng, mình tin tưởng ở con, và luôn dõi theo, đồng hành với các con, điều đó mới là đáng quý”, những lời chồng nói khiến bà Phương trầm ngâm.

Từ ngày chán con dâu, bà than thở “giá như” không biết bao nhiêu lần. Cho đến hôm nay bà mới thật sự nhận ra, “giá như” chỉ là mộng tưởng. Không thể quay ngược thời gian để lựa chọn lại, bà phải sống tiếp và cố gắng sống thật vui, thật hạnh phúc, biết đủ, biết hài lòng. Con gái của bà sắp bước vào một hành trình mới.

Con trai – con dâu của bà thì đang đi những bước đầu tiên. Sẽ còn nhiều chông gai phía trước. Việc của ông bà là vừa buông để các con tự bước, nhưng luôn ở bên để sẵn sàng làm chỗ dựa lúc con cần. Như lời hai vợ chồng an ủi nhau, từ giờ, đừng “giá như” nữa nhé!”.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.