Hãy trả cho con “quyền” nhận cha mẹ

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) - Họ đều là những người cha, người mẹ của một đứa trẻ ngoan ngoãn, xinh đẹp. Một bên có công sinh, một bên có công dưỡng. Thế nhưng giờ đây họ lại đang đứng ở hai chiến tuyến trong cuộc chiến giữ quyền làm cha mẹ của mình.

Đứa con “trời ban”

-12 năm trước, vợ chồng tôi được “trời ban” cho đứa con này. Nhờ nó mà vợ chồng tôi giữ được hạnh phúc đến ngày hôm nay. Vì thế, không ai có quyền “cướp” đi đứa con này của chúng tôi, dù họ có công sinh ra nó đi chăng nữa – người phụ nữ nói với giọng quả quyết.

Ngồi bên cạnh vợ ở phòng tư vấn, người chồng cùng chung quan điểm đó, anh bảo dù phải tìm đủ mọi cách, kể cả ra tòa thì họ cũng phải giữ được con. Tuy nhiên, điều họ lo lắng nhất là sợ con bị tác động tâm lý khi biết nó không phải là con đẻ của họ.

Kể về đứa con “trời ban”, người vợ vừa hạnh phúc, vừa xen lẫn nỗi xót xa. Ngày đó, cuộc hôn nhân của anh chị đang đối diện với nguy cơ đổ vỡ vì anh bị vô sinh. Tâm lý mặc cảm của một người đàn ông không thể làm cha, thêm nỗi tự ti không đem lại cho vợ niềm hạnh phúc làm mẹ đã khiến anh có những hành xử bất mãn trong cuộc sống vợ chồng. Hôn nhân của họ cứ thế nảy sinh mâu thuẫn, anh muốn giải thoát cho vợ, để chị có cơ hội đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng chị yêu anh, quyết không rời bỏ cuộc hôn nhân này, cố gắng cam chịu tất cả mọi sự hành hạ của anh kể cả thể xác lẫn tinh thần. Người thân nhìn thấy cảnh đó đều khuyên chị nên ly hôn, không việc gì phải sống với người đàn ông tồi tệ đó. Chị vẫn bất chấp tất cả, hy vọng anh nhìn thấy sự kiên trì trong tình yêu của vợ mà thay đổi.

Khi cuộc hôn nhân chông chênh nhất thì một điều kỳ diệu đã xảy ra. Buổi sáng hôm ấy, chị đang trên đường đi làm thì bất ngờ nghe tiếng trẻ con khóc bên vệ đường. Dừng xe lại kiểm tra, chị phát hiện một đứa trẻ sơ sinh bị bỏ lại với túi quần áo. Chị mừng rỡ mang đứa trẻ về nhà, bảo với chồng là họ đã được “trời ban” cho đứa con. Sau khi báo cáo với chính quyền, làm các thủ tục cần thiết, anh chị nhận đứa trẻ làm con nuôi.

Hãy trả cho con “quyền” nhận cha mẹ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Từ ngày có đứa trẻ, hôn nhân của anh chị cũng biến đổi theo chiều hướng hạnh phúc trở lại. Họ nuôi nấng, yêu thương đứa trẻ như chính con mình sinh ra, yêu cầu người thân không được tiết lộ về thân thế, nguồn gốc “con nuôi” khi nó lớn lên. Sự yêu thương con vô bờ bến ấy cũng khiến anh chị lo sợ một ngày cha mẹ đẻ đứa trẻ xuất hiện nhận lại con. Vì thế, anh chị bàn nhau chuyển công tác, đến một nơi khác sống. Họ đã giữ được bí mật về thân thế của con suốt 12 năm nay bằng một gia đình hạnh phúc, mẫu mực.

Những tưởng cuộc sống hạnh phúc bên đứa con gái ngoan ngoãn, xinh đẹp ngày một lớn khôn ấy sẽ mãi mãi. Nhưng điều mà anh chị mơ hồ lo sợ ấy rồi cũng đến.

“Cuộc chiến” giữ quyền làm cha mẹ

Chị nhớ hôm ấy đang trong giờ làm việc thì chồng gọi điện đến bảo có một người đàn ông tìm đến gặp anh, nhận là cha đẻ của con gái họ. Chị rụng rời, cảm giác bị cướp mất con bất chợt ùa về, chị bỏ lại công việc tức tốc về nhà cùng anh.

Cha mẹ đẻ đứa trẻ tìm đến nhà anh chị khi con bé đang ở trường học. Ban đầu, anh chị phủ nhận việc mình nhận con nuôi, bảo con bé là con ruột của mình và hai người kia đã nhầm anh chị với ai đó. Thế nhưng, bằng chứng mà họ đưa ra khiến anh chị ngỡ ngàng, bối cảnh khi đứa bé bị bỏ rơi bên vệ đường năm nào, và cả tờ giấy xét nghiệm ADN mà họ đã bí mật tiếp cận con bé ở cổng trường để có được sợi tóc của nó. Chị hoang mang, nhất định không chịu cho họ nhận lại con, bởi 12 năm qua, nó giống như khúc ruột của mình. Anh cũng bất chấp nỗi khổ của cha mẹ đẻ con bé, đuổi họ ra khỏi nhà, bảo nếu họ dám đến nhận con thêm một lần nữa, khiến cuộc sống con bé đảo lộn thì anh sẽ “liều mình” đến cùng với họ.

Từ ngày cha mẹ đẻ của con gái xuất hiện, cuộc sống của anh chị bất an hơn bao giờ hết. Nỗi sợ mất con khi sự thật được nói ra khiến họ cảm giác như cuộc sống của mình không còn. Anh chị bàn với nhau bằng mọi giá cũng không cho con gái nhận lại cha mẹ đẻ của nó, đồng thời tìm mọi cách ngăn cản vợ chồng kia nhận con.

- Cha mẹ con bé bảo ngày đó bỏ rơi đứa con là do tuổi trẻ nông nổi. Yêu nhau, vượt quá giới hạn rồi làm cha mẹ bất đắc dĩ khi cả hai đang ở tuổi 19, vừa bước vào cổng trường đại học được 1 năm. Ở trọ xa nhà, mang thai chả biết cho đến ngày bụng to ra. Khi sinh đứa trẻ ra, cả hai cũng chẳng biết xử lý thế nào nên mới mang con ra bỏ ở vệ đường – chị kể.

Sau khi bỏ rơi con, cả hai tiếp tục học xong đại học, may mắn là vẫn giữ được tình yêu đó có hậu để trở thành vợ chồng của nhau sau này. Sau khi kết hôn, họ rơi vào cảnh hiếm muộn, mãi không sinh được con dù đã thăm khám ở nhiều bệnh viện. Cả hai cho rằng đó là “tội nghiệp” họ phải gánh khi có con rồi bỏ con đi. Vì vậy để giải nghiệp đó, họ phải đi tìm con về. Mấy năm nay, họ tìm mọi cách để dò hỏi tung tích của đứa con mà mình bỏ rơi năm nào. May mắn, họ đã tiếp cận được manh mối và tìm được con. Thế nhưng, việc nhận lại con của họ không dễ dàng, bởi anh chị quyết “giữ” con đến cùng. Nhưng, cha mẹ con bé cho rằng mình là cha mẹ đẻ của nó nên có quyền đòi lại con, nếu anh chị không “trả”, họ sẽ tìm cách, kể cả việc kéo nhau ra tòa. Cuộc chiến giành con, giữ con của hai bên cứ thế ngày một căng thẳng.

Hãy trả cho con “quyền” nhận cha mẹ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Điều anh chị lo lắng nhất là tương lai con gái họ sẽ như thế nào nếu biết rõ thân thế của nó. Tình cảm của nó có thay đổi khi biết anh chị chỉ là cha mẹ nuôi, không phải cha mẹ ruột. Bây giờ, anh chị giữ được con nhưng sau này thì sao, khi nó trưởng thành rồi có tìm về cội nguồn của nó? Như vậy anh chị vẫn sẽ rơi vào cảnh mất con, chỉ có điều nó sẽ diễn ra hôm nay hay là tương lai sau này thôi. 

Chúng tôi nói với anh chị, mọi câu hỏi của họ đều có câu trả lời trong đó rồi. Chỉ có điều, họ đang nghĩ và ẩn câu trả lời theo hướng tiêu cực thay vì nghĩ tích cực hơn trong vấn đề này. Mọi đứa trẻ sinh ra trên cuộc đời này đều có quyền nhận cha mẹ, quyền được cha mẹ yêu thương, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục. Luật pháp thừa nhận và bảo vệ quyền đó của trẻ, không ai được ngăn cản hay “tước đoạt” quyền đó của trẻ, dù họ là cha mẹ đẻ hay cha mẹ nuôi của đứa trẻ.

Về lý, anh chị dù là cha mẹ nuôi nhưng cũng đã được luật pháp thừa nhận và hợp thức hóa quyền làm cha mẹ đối với đứa trẻ nhận nuôi. Như vậy, anh chị có quyền bảo vệ con, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con giống như cha mẹ đẻ, và cũng không ai tước đoạt quyền đó của anh chị, trừ trường hợp anh chị từ bỏ quyền làm cha mẹ của con, hoặc có những hành vi vi phạm pháp luật đối với đứa trẻ, bị pháp luật chấm dứt quyền bảo trợ đối với trẻ. Như vậy, nếu anh chị không bỏ con thì cha mẹ đẻ đứa trẻ cũng không thể dành lại con về trên danh nghĩa là huyết thống của nhau.

Tuy nhiên, có một điều anh chị cần nhận thức rõ là cha mẹ đẻ và con đẻ có quyền nhận lại nhau, xác nhận mối quan hệ cha mẹ-con. Điều này còn liên quan đến vấn đề đạo đức gia đình, đạo đức xã hội. Trong trường hợp của anh chị, cuộc chiến giành con, giữ con của hai bên cha mẹ có thể sẽ khiến đứa trẻ bị tổn thương. Vì thế, hai bên hãy ngồi lại với nhau, xem việc nhận lại con này thời điểm nào thì thích hợp. Bởi nếu không làm tư tưởng cho con trước, để con đón nhận hoàn cảnh của mình thì khi đột ngột biết được việc mình bị cha mẹ đẻ bỏ rơi sẽ khiến nó sinh lòng oán hận đấng sinh thành, có thái độ sống tiêu cực với họ sau này. Như vậy, họ dù nhận lại được con đẻ nhưng vẫn không được nó chấp nhận và tha thứ cho hành vi đã bỏ rơi mình, thậm chí còn khiến cuộc sống của con bị tổn thương hơn.

 Về phía anh chị dù giữ được con nhưng cũng sẽ vô tình nuôi nấng lên một đứa con có thái độ sống bất hiếu với cha mẹ đẻ, chối bỏ cả nguồn gốc sinh ra mình. Một người con không có hiếu nghĩa với cha mẹ thì cũng không thể trở thành một người tốt để nuôi dạy con cái nên người sau này. Bởi cha mẹ luôn là tấm gương cho con cái noi theo. 

Nhưng, nếu được làm tư tưởng trước, con bé sẽ đón nhận điều đó nhẹ nhàng, cuộc sống hạnh phúc hơn khi có thêm sự yêu thương, chăm sóc từ bố mẹ đẻ. Về phía anh chị, đừng lo lắng con nhận lại cha mẹ đẻ thì mình sẽ mất con. Người xưa đã đúc kết câu “công sinh không bằng công dưỡng”, anh chị đã yêu thương, nuôi dưỡng con lớn lên bằng cả tấm lòng trời biển thì ắt hẳn con gái lớn lên cũng sẽ yêu thương, báo đáp lại anh chị như thế. 12 năm qua, anh chị mới là cha mẹ thật sự của nó, dù bây giờ có nhận lại cha mẹ đẻ, thì với nó điều đó cũng không thay đổi. Hãy để con có quyền được biết về gốc gác của mình và lựa chọn gắn bó sống cùng ai để cuộc sống của con hạnh phúc nhất, đó mới là điều đúng đắn mà hai bên cha mẹ nên làm bây giờ, thay vì là đứng bên hai bên chiến tuyến, đối địch hơn thua với nhau đến cùng.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.