Người mẹ đơn độc

Chia sẻ

Dịch bệnh, chị Dung phải nghỉ việc. Ngỡ như khoản tiền gửi về quê tiết kiệm lâu nay sẽ đủ dùng gượng qua những ngày khó khăn, nhưng về đến nhà sau trận say xe khách mệt mỏi, chị không nghĩ ngôi nhà mình xa cách bao lâu lại trống rỗng và tuềnh toàng đến vậy.

Ngày mới đến làm giúp việc, chủ nhà cứ ngỡ chị Dung phải gần 60 tuổi rồi, trong khi chị thật sự mới gần 50. Sự gầy gò, vẻ khắc khổ hiện rõ lên khuôn mặt và dáng đi của chị, hằn sâu tới mức sẽ chẳng ai phủ định người phụ nữ ấy lâu rồi chưa có được hạnh phúc. Vào tuổi chị, ở quê chị, người ta đã có thể tạm nghỉ ngơi, tự cho mình làm ít việc đi, thì chị mới bắt đầu rời quê lên thành phố tìm việc. Chỉ bởi quá khổ, ra đi là một sự giải thoát, và cũng phải để kiếm tiền.

Người ta thấy chị Dung như một người phụ nữ đơn độc, vì cả đời chỉ biết quần quật làm lụng để hầu hạ chồng và 2 đứa con trai. Chồng chị, cũng dành cả đời ấy để quấn quanh chiếu bạc, thua triền miên mà chẳng thấy thắng bao giờ. Nhưng cái ham ấy ăn sâu vào máu rồi, không thay máu thì còn lâu mới chừa. Cứ mỗi trận thua là một trận đòn anh ta giáng xuống người vợ. Chị Dung cứ héo hon dần mà chẳng dám cự cãi một lời. Vẫn phải gượng dậy lo làm ăn, nuôi con, rồi làm cái “kho” cho chồng bòn rút. Hai đứa con trai lớn lên cạnh tấm gương của bố, cũng ít nhiều nhiễm cái tính gia trưởng, cờ bạc, chẳng còn xem lời nói của mẹ ra gì.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đi làm giúp việc trên thành phố, mỗi tháng chị Dung được nhận 7 triệu đồng. Chị gần như chẳng đụng gì tới số tiền đó, đều đặn gửi về đến hai phần cho chồng ở quê, chỉ giữ lại một phần để phòng cho mình. Lần nào gửi tiền về, chị cũng dặn dò, ngọt nhạt mong chồng tiết kiệm, đừng sa vào cờ bạc nữa. Nhưng anh ta cứ ỡm ờ, ừ ừ cho có rồi “nướng” tiền hay không thì chị chịu. Cứ đúng ngày là anh ta gọi điện giục, nếu chị Dung gửi muộn thì anh ta càu nhàu, mắng chửi chị không ra gì. Nhiều lần, chủ nhà nghe được, khó hiểu nhìn chị Dung: “Sao chị còn ở với cái thứ ấy làm gì?”. Chị cúi đầu, như để che một ánh mắt sắp đỏ hoe: “Cái số chị nó thế rồi em ạ!”.

Con trai đầu chị Dung, sau khi đi xuất khẩu lao động và thất bại trở về, bởi vừa không dành dụm được tiền lại còn bị đuổi việc, thì chỉ biết nằm nhà và ngày ngày chán nản. 3 năm đi nước ngoài coi như công cốc, tài sản mang về ngoài con người ra thì chắc thứ quý giá nhất là chiếc điện thoại đời mới. Chị Dung cũng buồn, nhưng tự an ủi mình: “Thôi cũng may con mình về nhà bình yên”. Chị đưa nốt phần còn lại trong số lương mỗi tháng của mình về cho hai bố con, vậy là chị chẳng còn gì cho mình, dù là lao động chính và… duy nhất!

Nhưng cái khổ của chị chẳng dừng lại ở đấy. Dịch bệnh ập đến, con trai chị sau mấy tháng theo bạn bè ra Hà Nội tìm việc – vì giãn cách, hết việc, lại bỏ về nhà. Lúc ấy nó mới “tòi” ra với chị, rằng vì không có tiền nên vay bạn bè ăn tiêu, giờ mẹ trả hộ nó. Chị bảo mình làm gì còn tiền, “bố mày giữ lâu nay mà!”. Con trai chị tỉnh bơ: “Nướng hết cả rồi, đến cái chun buộc tiền cũng chả còn nữa ấy!”. Chị Dung điên người, gào lên chửi mắng chồng. Đáp lại, anh ta gạt chị ra, thêm một cái đạp để chị biết đường mà… im hẳn. Chị Dung – trước ngày lên thành phố đi làm lại, với gương mặt còn vài chỗ thâm tím, lén bỏ vài tờ bạc cuối cùng cạnh gối đứa con đang nằm.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Mọi hy vọng giờ chị dồn lên đứa con trai út. Được học hành tử tế hơn anh, nên nó ra trường kiếm được việc làm ổn định, cố gắng phấn đấu thì cũng có ngày chị được mở mang với xóm làng. Đầu năm, nó đòi cưới vợ. Chị bán bớt trâu bò trong nhà, vay mượn họ hàng để cố cho con một lễ cưới đàng hoàng. Lo nghĩ nhiều, nên trước ngày cưới của con, chị còn phải truyền nước vì kiệt sức. Nhưng chị lại cố, nghĩ rằng từ nay mình có thể nhờ cậy con được rồi.

Nhưng chị đâu nghĩ được, có ngày đứa con mình tự hào nhất lại cũng mang về cho mình một đống… nợ. Một buổi sáng, con dâu mếu máo gọi điện: “Mẹ ơi, anh ấy bán hết vàng, lấy tiền mừng đám cưới gửi ngân hàng để đi đánh bạc, cá độ qua mạng rồi! Giờ thua sạch, mất sạch rồi mẹ ơi!”. Ôi nghiệp chướng! Chị đã làm gì nên tội mà hết chồng đến con dồn khổ đau vào chị thế này! Thằng con trai – niềm tự hào, cái ngẩng cao đầu của chị chẳng chờ lâu, ngay hôm sau gọi điện, xin mẹ tiền trả nợ. Chị thở hắt ra: “Mày giết tao đi rồi có tiền!”. Cả trăm triệu, chị còng lưng cũng chẳng biết bao giờ mới có được!

Nay chị làm việc ở nhà chủ bữa cuối cùng. Giờ giãn cách, họ được ở nhà làm việc, có thời gian chăm sóc nhà cửa, con cái, nên tạm thời không cần đến chị nữa. Chị vẫn cẩn thận làm những công việc cuối cùng. Nhìn thấy gia đình nhỏ, quấn quýt bên nhau, đủ đầy mọi thứ, chị thấy tủi cho mình quá. Vì sao cũng một lòng chăm sóc, vun vén, mà hạnh phúc chẳng bao giờ tìm đến chị. Lâu rồi, chắc là từ thời còn son trẻ, chồng chị chưa từng dành cho chị một ánh mắt bao dung, thương nhớ hay cảm ơn gì. Con cái – nuôi cho lớn cũng chẳng một lần hỏi xem mẹ có khỏe không, và chắc chắn chưa từng biết chị đắn đo thế nào khi nhìn đơn thuốc của mình đắt quá, vậy là khám xong cứ thế đi về. Từ bố đến con, mỗi lần tìm đến vợ, đến mẹ, gần như chỉ vì tiền. Nếu chưa có thì mắng mỏ, chì chiết, có rồi thì quay đi, không một lời cảm ơn. Nỗi đau vì bị bỏ rơi, xót xa và tủi thân hơn nhiều với nỗi đau của những trận đòn chồng giáng xuống.

Ảnh minh họaẢnh minh họa

Đêm qua, con dâu chị lại gọi điện, khóc lóc. Vợ chồng nó đòi bỏ nhau, làm đơn và ký rồi. “Còn cái gì nữa đâu mà sống cùng hả mẹ, loại đàn ông bỏ bê vợ con, ôm sạch tiền rồi ăn chơi thì con biết nhờ cậy nay mai kiểu gì…”. Chị lại phải dỗ dành con bé, cố gắng khuyên nhủ 2 đứa hạ cái tôi xuống rồi làm lành, chuyện gì rồi cũng sẽ qua. Dù trong thâm tâm, chị cũng đồng tình nếu con bé cương quyết muốn rời bỏ con trai mình. Gắn bó thế nào được với những người đàn ông bê tha như vậy, mình chị đi vào vết trơn trượt rồi ngã đổ là đủ rồi!

Chị biết rồi ngày mai mình sẽ phải về, như bao người khác phải trở về nhà để chấp hành nghiêm quy định phòng, chống dịch. Nhưng nơi đó có còn giống nhà chị nữa không, khi nó không hề mang lại cho chị chút gì là sức sống? Ngày ra đi để mưu sinh, chị tiều tụy, ốm yếu. Thì ngày buộc phải trở về, trông chị chẳng còn một chút vui tươi gì. Người mẹ ấy thấy mình cô độc quá. Chị muốn đi một nơi khác, thật xa và vứt bỏ hết những khổ đau mình đang phải chịu.

Nhắm mắt cố ngủ, nhưng rồi lòng chị vẫn rầu rầu. “Nếu ra đi, thì ai sẽ trả nợ cho con bây giờ?”.

MAI CHI

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.