Nói lời yêu thương khó thế sao?

Tâm Giao
Chia sẻ

(PNTĐ) - “Vấn đề chính em muốn nói là chồng em luôn là người gây ra mọi cuộc cãi cọ trong gia đình. Anh nóng tính và gia trưởng nên dù đúng hay sai cũng chưa cần biết, cảm thấy không muốn nói nữa anh sẽ cáu và chuyển xưng hô “mày – tao” ngay lập tức. Anh như biến thành con người khác vậy. Giờ em mệt mỏi lắm, cứ 3 – 5 ngày một cuộc cãi cọ, em muốn tự vực dậy bản thân cũng không kịp”.

Cô gái đến với phòng tư vấn vào một buổi sáng đầu tuần – lúc tưởng chừng như là giờ đi làm tất bật của những người trẻ. Thoáng nhìn qua có thể thấy được sự đủ đầy toát lên trên người cô gái. Ăn vận lịch sự, điện thoại là đời mới, túi xách, phụ kiện đều rất trang nhã và phong thái của cô cũng khá nhẹ nhàng, duy chỉ có ánh mắt là toát lên vẻ bất lực, muốn được giúp đỡ. Cô gái tâm sự, mình và con gái vừa mới về nước thăm bố mẹ, và có dự định sẽ không trở lại bên kia với chồng nữa.

Chắc chắn rồi, chẳng ai đến với phòng tư vấn hôn nhân mà không mang theo một bầu tâm sự nặng trĩu. Cô gái kể rằng, mình đã kết hôn được 3 năm và có một em bé 1 tuổi rất đáng yêu. Về chồng, cô nói anh nhiều ưu điểm lắm. Biết chia sẻ việc nhà, tiền nong thì rất thoải mái với vợ con và gia đình vợ, “là người đàn ông mà bao chị em ao ước đó là không rượu chè, cờ bạc gì, ngày nghỉ chỉ ở nhà với vợ con. Chúng em cũng có quá trình tìm hiểu rồi yêu nhau khá kỹ mới đi đến hôn nhân”.

Nhưng, vì chồng cô chẳng phải một thiên thần, nên anh cũng có những nhược điểm, và theo thời gian đến giờ, cô gái thấy quá mệt mỏi vì những điều ấy. “Dù biết anh ấy là người gia trưởng, nóng tính, nhưng em không nghĩ cái tính ấy ngày càng tệ hại hơn. Những lúc cáu giận, anh nói những câu rất khó nghe, gây tổn thương cho người khác. Có những mâu thuẫn đến rất bất thình lình như kiểu, đang ăn cơm vô tình anh nhai phải miếng cơm có sạn, anh cũng sẵn sàng cau mày, nhăn nhó, chuyển xưng hô với vợ thành tao, mày luôn. Hoặc có hôm đi làm về, xe của anh bị va quệt gây xước xát, phải đi sửa hết nhiều tiền, anh về nhà làu bàu, em bảo “thôi của đi thay người”, thì anh cáu um lên, còn doạ đánh em: “Tao vả mày giờ…”. Em than thở với anh về việc sinh xong lâu mà mãi những vết rạn chưa lành, khắp người nổi mẩn trông rất xấu, không biết khi nào mới đỡ, vậy mà anh quát tháo: “Từ từ hết, kêu mãi, không thì đi thẩm mỹ, đập đi xây lại luôn" bằng giọng rất khó chịu. Anh về nhà mà chưa có cơm ăn thì em cũng sẵn sàng bị ăn mắng, có khi anh còn đuổi em ra khỏi nhà và bảo “mày cút đi”. Em chưa từng một lần làm tổn thương anh bằng lời nói, chưa từng cáu anh chuyện gì một cách thái quá cả”, cô gái quả quyết như để biện hộ cho chính mình, rằng mình chưa từng quá đáng.

Nói lời yêu thương khó thế sao? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Lắng nghe cô gái giãi bày, chuyên viên tư vấn như ngờ ngợ nhận ra điều gì đó. Bởi ban đầu, cô gái có nói hai vợ chồng và con gái hiện đang sinh sống ở nước ngoài, gia đình đôi bên và người thân đều ở trong nước. Chuyên viên hỏi rằng, trong chuyện kinh tế gia đình, cả hai có bình đẳng không. Ngừng lại một chút, cô gái trẻ chia sẻ, do nghỉ sinh sau đó chồng chuyển công tác nên từ lúc sinh con tới giờ, cô chỉ ở nhà chăm sóc con cái, nhà cửa. Kinh tế gia đình do chồng gánh vác nhưng cũng đủ chi tiêu khá thoải mái và vẫn có chút ít tiết kiệm. Sắp tới em bé đi học, cô gái dự định tìm việc và đi làm trở lại. Với tính chất sống ở nước ngoài, vợ chồng họ cũng ít bạn bè, chỉ tương tác với nhau, với con.

Chồng cô thì có thêm đồng nghiệp thôi. “Em cũng chẳng phải là nói tốt về bản thân đâu, nhưng em biết nấu ăn, trong cuộc sống, chăm sóc con cái đều được gia đình chồng nhận xét là tốt. Thế mà vẫn bị chồng hắt hủi. Giờ em chán lắm. Những chuyện cãi nhau đều xuất phát từ những câu chuyện nhỏ nhặt, vụn vặt. Cách đây nửa năm, em vẫn là người im lặng để sự việc lắng xuống, sau đó tìm cách nói chuyện nhưng thấy anh không nghiêm túc hoặc ko thực sự muốn thay đổi. Từ dạo đó, em rất mệt mỏi với việc tự “tiêu hoá” mọi chuyện một mình, nên lúc anh cáu, em cũng gay gắt lại. Ấy thế mà kết quả cũng không khả quan hơn… Em chẳng biết phải sửa từ đâu nữa”.

Cùng với câu chuyện của mình, cô gái mở túi lấy ra cho chúng tôi xem tờ giấy khám bệnh trầm cảm sau sinh và kết quả đã chữa khỏi của mình. Đủ thấy rằng, để vững vàng đến đây tìm lời giải đáp, cô gái cũng đã từng một mình trải qua rất nhiều chông gai. Nhưng mọi việc đều có nguồn cơn và cách giải quyết của nó. Chúng tôi nhận ra rằng, cả hai vợ chồng cô đang thiếu kết nối trong việc hiểu nhau, hiểu cuộc sống cá nhân của nhau. Đây là mâu thuẫn thường thấy trong các gia đình trẻ hiện đại, với một xu hướng là chồng đi làm kiếm tiền lo kinh tế, còn vợ ở nhà đảm đương việc bếp núc, con cái. Phần việc nào cũng có những gánh nặng, nỗi lo, và đôi khi không được sẻ chia với bạn đời, người ta bày tỏ bằng cách tiêu cực. Khi được hỏi, “em đã từng hỏi han về công việc của chồng chưa, hay trong công việc của anh ấy có đang gặp khó khăn, thách thức gì không?”. Cô gái thẫn thờ một lúc rồi lắc đầu, rằng “có, nhưng em chưa hỏi sâu đến thế”. Và ngược lại, căn bệnh trầm cảm sau sinh của cô gái cũng một phần đến từ sự vô tâm của người chồng. Những lời nói cáu bẳn như dao cứa vào tim kia của người chồng, càng đẩy hai vợ chồng vốn đã có khoảng cách, lại càng xa nhau hơn.

Vì vậy, cách giải quyết đầu tiên và trước mắt, là chồng cô gái thực sự cần sửa tính xấu là hay quát vợ. Điều này còn đến từ một phần do anh đang coi thường việc ở nhà chăm con, không biết gì đến cuộc sống bên ngoài của vợ mình. “Thực ra đối với người hay nổi nóng rồi mất kiểm soát lời nói, tự họ phải biết và chịu thừa nhận thói xấu của mình cũng như hiểu được rằng người khác đang phải chịu đựng mình, từ đó họ tự tu tâm dưỡng tính thì dần mới đỡ đi được”, chuyên viên tư vấn khuyên.

Nói lời yêu thương khó thế sao? - ảnh 2
Ảnh minh họa

Cách thông thường nhất mà bạn nên làm khi chồng nổi nóng đấy là tránh đi chỗ khác, đi ra khỏi nơi đó, coi như “tránh voi chẳng xấu mặt nào” để chồng qua cơn và cũng là để tự giúp cho mình có được bình yên lúc đó. Còn một cách “căng” hơn đấy là bạn thử một lần cứng rắn nói với chồng rằng: “Cách hành xử của anh khiến em bị tổn thương tinh thần rất nhiều, nếu anh vẫn cứ mãi như vậy thì em nghĩ mình khó mà tiếp tục được nữa”, rồi bạn có thể giữ im lặng và khoảng cách với chồng, thậm chí đi đâu đó vài hôm. Đôi khi người ta phải gặp một sự phản kháng bất ngờ hoặc phải đối diện với việc sắp mất đi một thứ gì đó thì có khi họ mới bắt đầu sực tỉnh và muốn thay đổi.

Chuyên viên tư vấn khuyên, tinh thần của cô gái đang bị ảnh hưởng, và nếu cứ chịu đựng về lâu về dài thì chắc chắn sẽ không tốt chút nào, bản thân cô đã nghĩ tới việc ở lại Việt Nam, không qua với chồng nữa. “Thay vì vậy, bạn có thể tìm một công việc nào đó khi con đã đi học, như một cách cân bằng lại bản thân, có thêm những cảm xúc mới, bớt phụ thuộc vào cảm xúc của chồng. Cần định ra một thời gian cho việc này, cũng là để quan sát sự chuyển biến của anh ấy. Sau thời gian đó, nếu thấy thực sự không chỉnh sửa gì được, đành phải kết luận đó là bản chất. Sự thật là chúng ta rất khó thay đổi bản chất của một người. Lúc đó, có thể phải tỉnh táo để đừng hy vọng gì nữa, mình cũng chỉ nên nhầm lẫn một thời gian thôi”, chuyên viên tư vấn nhắn nhủ.

Tin cùng chuyên mục

Người cha không cùng giọt máu

Người cha không cùng giọt máu

(PNTĐ) - Chị lấy chồng năm 22 tuổi rồi làm mẹ của hai cô con gái. Hôn nhân của chị có thể nói là êm đềm, chị được chồng yêu chiều và tự do làm những gì mình thích. Nhìn hai đứa con ngày một lớn, chị thấy càng trân trọng hạnh phúc mình đang có.