Tạ lỗi với mẹ

M.Ngọc
Chia sẻ

(PNTĐ) - Chiếc xe vòng qua một quả đồi, rồi qua thêm một thung lũng nhỏ. Quãng đường hơn 200km nên mãi đến lúc mặt trời gần đứng bóng Bình mới đến mộ của mẹ. Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 3/3 âm lịch là Bình lại về quê để tảo mộ. Đó là tục lệ của quê Bình.

Sau khi làm sạch cỏ trên mộ, thắp nén nhang trên mộ mẹ, Bình ngồi xuống trầm ngâm nhớ về mẹ. Từ khi Bình lớn lên và hiểu chuyện, Bình chỉ biết có mẹ, ai hỏi đến bố, Bình đều trả lời bố chết rồi. Ấy là mẹ bảo Bình thế chứ Bình chưa được một ngày nhìn thấy bố, kể cả nhìn qua ảnh.

Mẹ Bình không bao giờ nhắc đến bố trước mặt Bình nên lâu dần Bình quen với việc chỉ có mẹ. Ngày đó nhà Bình nghèo lắm. Mẹ Bình chỉ là một nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, tần tảo nuôi Bình lớn với sự giúp đỡ lúc có, lúc không của những người hàng xóm. Mẹ Bình cũng là từ dưới xuôi lên đây khai hoang nên người thân thích không có ai.

Được cái, người dân ở vùng núi này sống rất tình cảm, họ quý mến mẹ Bình bởi tính xởi lởi, thật thà, chăm chỉ làm ăn. Vì thế với Bình họ cũng yêu quý cậu.

Ngày Bình đỗ đại học, mẹ làm mâm cơm mời bà con đến chia vui. Ai cũng đều có một chút quà dành cho Bình. Món quà không to nhưng chứa đựng tất cả những chân tình cũng như nỗi vất vả của người dân nơi vùng quê nghèo ấy. Hôm đó mẹ Bình vui lắm. Luôn miệng cảm ơn lời chúc mừng của mọi người. Thế nhưng sau niềm vui ấy là nỗi niềm của người mẹ nghèo. Mẹ Bình lo lắng không biết sẽ nuôi Bình học đại học bằng cách nào. Còn Bình lúc đó đang sung sướng với niềm vui dâng trào, nên đâu thấy những giọt nước mắt của mẹ.

Tạ lỗi với mẹ - ảnh 1
Ảnh minh họa

Ngày Bình nhập học, mẹ mua cho Bình mấy cái áo mới. Mẹ tranh thủ buổi tối làm thêm lọ ruốc và lọ muối vừng để Bình cầm đi lên trường ăn. Mẹ bảo: “Con nhớ giữ gìn sức khỏe để mà học, cố gắng học cho giỏi để sau này không phải khổ như mẹ”. Rồi mẹ Bình lặng đi. Bàn tay thô ráp cứ vuốt mãi vạt áo của Bình trước khi xe khách đến. Bình tạm biệt mẹ, tạm biệt quê nghèo về Hà Nội học.

Hàng tháng, ngoài tiền đóng học phí, mẹ gửi thêm cho Bình ít tiền và nhắc Bình chi tiêu tiết kiệm. Trong những năm Bình học đại học, mẹ làm mọi việc để có tiền nuôi Bình, từ rửa chén bát thuê đến đi phụ giúp việc nhà. Thậm chí mẹ vay mượn để cho Bình đóng học phí, không phải xấu hổ với bạn bè. Những việc này mãi khi mẹ đã không còn nữa Bình mới được nghe kể lại.

Năm cuối đại học, Bình là một trong 5 sinh viên giỏi được cử đi thi cuộc thi Sinh viên tài năng. Lần đó, Bình giành giải Nhất. Để thể hiện một chút với bạn bè, Bình dùng số tiền thưởng và thêm 2 triệu mà mẹ mới gửi cho để mời bạn bè một bữa thịnh soạn. Bữa tiệc tàn, Bình cùng các bạn ra về. Thanh toán xong, ra đến cửa quán, Bình thấy bên kia đường rất đông người đang vây quanh một người nằm dưới đất. Tò mò, Bình nhìn qua thì thấy cái áo màu tím nhìn quen quen. Lách đám đông vào nhìn rõ hơn, Bình như chết lặng bởi người đó chính là mẹ Bình.

Tạ lỗi với mẹ - ảnh 2
Ảnh minh họa

Vào viện Bình mới biết lâu nay mẹ bị bệnh lao phổi nhưng sợ Bình lo lắng, xao nhãng học tập nên mẹ giấu không cho Bình biết. Bình thì cứ vô tư hưởng thụ sự chăm lo của mẹ không mảy may suy nghĩ gì. Làm lụng vất vả, lại tiết kiệm không dám ăn, không dám đi khám vì sợ tốn tiền nên mẹ Bình bị suy nhược cơ thể, cộng với bệnh lao nên bà bị ngất khi đang đi nhặt phế liệu.

Bà cũng giấu Bình chuyện mình xuống thành phố làm vì sợ con xấu hổ với bạn bè. Số tiền mà Bình mới nhận để đóng học là mẹ Bình mới đi vay hàng xóm, vậy mà Bình ung dung lấy tiền đó cùng bạn bè ăn chơi. Nghĩ đến đó, nước mắt cứ thế tuôn ra và những tiếng nấc Bình không thể kiềm chế. 

Điều trị ít ngày, bệnh tình mẹ Bình không giảm mà có phần nặng thêm. Bác sĩ bảo người nhà nên chuẩn bị tâm lý và đưa bệnh nhân về nhà. Nhìn mẹ nằm trên giường, thở dốc trong lòng Bình vừa hổ thẹn, vừa xót xa, ân hận. Cố ngước đôi mắt lên nhìn Bình và nói: “Mẹ không chờ được đến ngày con tốt nghiệp rồi.

Con đừng buồn nhé. Cố gắng học tập cho tốt ra trường để có tương lai con nhé”. Tiếng mẹ nấc nghẹn theo từng cơn ho, Bình khóc òa như một đứa trẻ. Bình thấy sợ một ngày không còn mẹ ở bên. Cố gắng chút sức lực cuối cùng, mẹ Bình nói câu được câu mất: “Mẹ còn 3 triệu để dành dưới gối. Con nhớ tiêu tiết kiệm hoặc không thì mượn đỡ ai đó gắng học tốt nghiệp rồi đi làm nhớ trả họ nhé con”.

Nói đến đó, mẹ Bình nhìn con lần cuối rồi hai tay buông thõng. Sau khi mẹ mất, Bình tưởng như ngã quỵ, nhưng nhờ sự động viên của người thân và bè bạn, Bình vực tinh thần dậy, gắng sức tiếp tục học cho đến ngày tốt nghiệp đại học. Cũng từ khi mẹ mất, Bình trở nên ít nói, Bình hối hận vì giá như biết quan tâm đến mẹ hơn, có lẽ mẹ không ra đi sớm như vậy.

Tạ lỗi với mẹ - ảnh 3
Ảnh minh họa

Bình ngồi miên man bên mộ mẹ cho đến lúc trời ngả bóng chiều mới đứng dậy ra về. Trên đường về, bắt gặp một người đàn bà lưng đã còng, đoán chừng ngoài 50 tuổi đang đứng bên đống rác bới tìm những thứ người ta bỏ đi mang về để bán lấy tiền, Bình lại thấy bóng dáng của mẹ ngày nào.

Bình lặng lẽ dừng xe, mở cửa bước xuống, rồi bước về phía người phụ nữ. Nghe bước chân, người phụ nữ ngước lên, nước da sạm nắng khắc khổ. Bình nở một nụ cười nhìn chị rồi tiến lại gần hỏi: “Chị ơi, một ngày chị kiếm được bao nhiêu tiền từ nhặt phế liệu?”.

Chị trả lời: “Chả được mấy chú ạ. Ngày nhiều được trăm nghìn, ngày ít thì dăm chục. Tôi nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn học nên ngoài làm ruộng tôi tranh thủ đi nhặt phế liệu, cố gắng được chút nào hay chút đó”.

Bình quay lại xe lấy hộp bánh và ít tiền nói với chị: “Em cũng là người ở đây nhưng em đi làm xa chỉ ngày tảo mộ mới về. Em có chút quà gửi cho các cháu để chuẩn bị vào năm học mới”. Chị lắc nhẹ đầu, mắt ngân ngấn lệ, chị nhỏ giọng: “Cảm ơn chú, tôi lo được cho con, tôi không nhận đâu. Chồng tôi mất để lại hai đứa nhỏ mình tôi nuôi. Nhà có hai sào ruộng nên mỗi khi rảnh rỗi ai kêu gì tôi làm nấy để kiếm tiền nuôi con. Chỉ mong có sức khỏe để lo cho tụi nhỏ chú ạ”. Bình nói: “Cái này em cho hai cháu để chị mua sách vở và vài bộ đồ, chị cầm đi đừng ngại”. Người phụ nữ cương quyết không nhận.

Bình lại nói: “Cái này là em thấy thương hai đứa nhỏ. Năm học mới chị cũng phải lo cho chúng tươm tất chút để con trẻ không tủi thân”. Rồi Bình ý tứ bỏ chiếc phong bì vào chiếc túi áo đã cũ, người phụ nữ đẩy ra nhưng bàn tay chị đã bị giữ lại. Sau vài câu trò chuyện, Bình chào người phụ nữ rồi lên xe, còn người phụ nữ kia không quên cúi đầu và liên tục cảm ơn, mắt rưng rưng.

Hình ảnh người phụ nữ nhặt phế liệu ấy làm Bình nhớ mẹ da diết. Mẹ đã cho Bình sự lớn khôn và có được ngày nay bằng sự tảo tần khuya sớm vất vả. Chính vì thế nên Bình muốn làm điều mà lẽ ra Bình đã phải làm từ lâu lắm rồi. Đó cũng là một cách để Bình có thể tạ lỗi với mẹ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người ngoài

Người ngoài

(PNTĐ) - Bữa đó, Bình tình cờ gặp lại Loan, người yêu cũ từ thời đại học. Hai người sống cùng một thành phố, vậy mà hơn 20 năm rồi mới vô tình chạm mặt nhau. Bình cứ đứng trân trân nhìn Loan cho tới khi cậu con trai 5 tuổi giật tay anh, gọi: “Bố, con muốn về”.
Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.