Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“

MINH THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Trong khuôn khổ Ngày Sách và Văn hóa đọc 2024, nhân dịp bộ sách "Thưởng thức triết học" ra mắt độc giả Việt Nam, Nhà xuất bản Kim Đồng và Viện Pháp tại Hà Nội tổ chức chương trình giao lưu và ra mắt bộ sách với chủ đề "Mỗi đứa trẻ là một triết gia".

Sự kiện có sự tham dự của Tiến sĩ Trần Văn Công, Trưởng khoa tiếng Pháp – Đại học Hà Nội; Biên tập viên Hoàng Thanh Thủy, Trưởng ban Biên tập Sách Khoa học, cùng người điều phối – Diễn giả Phan Đăng. 

Bộ sách "Thưởng thức triết học" nằm trong chương trình đào tạo dịch giả trẻ của Viện Pháp, TS. Trần Văn Công là một trong những chuyên gia đào tạo cho các dịch giả trẻ trong khuôn khổ chương trình này.

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“ - ảnh 1
Bộ sách "Thưởng thức triết học"

Triết học hài hước, nhẹ nhàng, tại sao không?

Một trong những triết gia quan trọng nhất của thế kỉ 20, Ludwig Wittgenstein từng so sánh các triết gia với những đứa trẻ. Họ dùng bút chì viết những nét nguệch ngoạc lên tờ giấy trắng, rồi hỏi: “Đây là gì?”

Từ thưở hồng hoang của các nền văn minh, con người tò mò muốn khám phá thế giới xung quanh mình. Thales coi nước là căn nguyên của vạn vật. Heraclitus lại cho đó là lửa. Trọng tâm tìm hiểu của triết học lúc này là vũ trụ, là tự nhiên – những gì nằm bên ngoài con người nhỏ bé. Thế rồi, con người dần lớn khôn, sự tò mò cũng mở rộng, hướng về đạo đức, lẽ công bằng, gia đình, quốc gia và mối quan hệ giữa người với người.

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“ - ảnh 2

Từ “triết học” trong tiếng Anh là “philosophy”, vốn bắt nguồn từ chữ Hy Lạp cổ đại “philosophía”, nghĩa là “tình yêu trí tuệ”. Bẩm sinh mỗi người đã là một triết gia. Không cần ai khơi gợi, chúng ta có thể tự đặt những câu hỏi lớn về thời gian, về hạnh phúc và ý nghĩa của tất tật mọi điều trong cuộc sống. Chỉ cần có một câu hỏi nào đó, đôi khi đơn giản đến không ngờ, khiến bạn đủ đau đáu và nỗ lực tìm kiếm câu trả lời cho nó thì lúc đó, bạn đã sống một “đời sống triết học”. Tuy nhiên, đáng tiếc, sự tò mò bẩm sinh này thường không được phát triển theo thời gian và khi chúng ta lớn lên, các câu hỏi sẽ biến mất.

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“ - ảnh 3

Bộ sách Thưởng thức triết học được thiết kế để khai thác bản năng triết học tự phát trong mỗi người và phát triển nó thông qua những câu chuyện trong tình huống quen thuộc của cuộc sống. "Thưởng thức triết học" không phải bộ sách triết học khô khan, với đủ những thuật ngữ rắc rối, “xoắn não”, mà là một bộ sách tranh hài hước, nhẹ nhàng, đơn giản, thích hợp với mọi lứa tuổi đọc để cùng ngồi lại và bày tỏ suy tư, suy ngẫm các vấn đề trong xã hội đương đại.

"Mỗi đứa trẻ là một triết gia"

Trong khuôn khổ ra mắt bộ sách "Thưởng thức triết học", chương trình giao lưu giữa các diễn giả cùng độc giả đã diễn ra sôi nổi.

Khi “Mỗi đứa trẻ là một triết gia“ - ảnh 4
Các diễn giả tham dự chương trình

Triết học trong suy nghĩ của nhiều người là một bộ môn khó lĩnh hội, ngay cả với người lớn, do đó, việc dạy triết học cho trẻ em thường được coi là điều "bất khả thi" hay "viển vông". Tuy nhiên, các diễn giả cho rằng, việc dạy triết học cho con trẻ không phải là nhồi nhét vào đầu chúng những kiến thức hay khái niệm khô khan. Mà cần cho trẻ tiếp cận với triết học bằng những hình thức sáng tạo, nhẹ nhàng như tập cho trẻ suy nghĩ tới những vấn đề mà trẻ thường không nghĩ tới bằng cách kể những mẩu chuyện nhỏ tạo cảm xúc cho trẻ.

Trẻ em khi khám phá thế giới luôn đặt ra những câu hỏi "Vì sao". Diễn giả Phan Đăng lấy ví dụ về con của anh hỏi rằng tại sao khi đầu gối bị đau mà lại chảy nước mắt, tại sao không khóc ở đầu gối. Đối với người lớn, có những câu hỏi của trẻ nhỏ rất khó trả lời, tuy nhiên cha mẹ không nên vì vậy mà dập tắt óc khám phá của chúng bằng cách thờ ơ hay né tránh.

Thay vào đó, cha mẹ có thể cùng con tìm hiểu và diễn giải. Phụ huynh hoàn toàn có thể kể những mẩu chuyện nhỏ khiến cho trẻ thắc mắc và từ đó hình thành trong đầu các khái niệm. Triết học thực tế không phải là những vấn đề quá "khó nhằn" hay viển vông, mà đó là những vấn đề xảy ra xung quanh cuộc sống của con người do đó, cha mẹ cũng cần trang bị những kiến thức phù hợp để câu trả lời có sự gợi mở cho trẻ suy nghĩ.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Cành cây của Chúa trời

Cành cây của Chúa trời

(PNTĐ) - Với những đứa trẻ khác, sinh ra trong một gia đình có bố là quan chức, mẹ là giáo sư đại học cũng giống như nắm giữ chiếc chìa khóa vàng. Nhưng đó là một loại áp lực đối với tôi vì tôi không được thừa hưởng gen tốt của bố mẹ.