Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ nhất

NHẬT NAM
Chia sẻ

(PNTĐ) - Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken chủ trì Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ nhất.

Đây là cuộc đối thoại cấp bộ trưởng đầu tiên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ kể từ khi hai nước xác lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Đón tiếp Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn tới Washington D.C., Ngoại trưởng Antony Blinken cho rằng đây là dịp quan trọng để hai bên rà soát và thúc đẩy việc triển khai các thỏa thuận cấp cao giữa hai nước.

Ông Blinken khẳng định Hoa Kỳ coi trọng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, ủng hộ một Việt Nam mạnh, độc lập, tự cường, thịnh vượng, tiếp tục đổi mới, mở rộng hội nhập quốc tế, đảm nhận vai trò ngày càng quan trọng trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ nhất - ảnh 1
Toàn cảnh phiên Đối thoại.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhất trí với Ngoại trưởng Antony Blinken về ý nghĩa của cơ chế Đối thoại thường niên cấp Bộ trưởng Ngoại giao hai nước.

Bộ trưởng khẳng định Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược của Việt Nam, nhấn mạnh việc nâng cấp quan hệ hai nước là quyết định đúng đắn thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo cấp cao hai nước và nỗ lực tăng cường hợp tác song phương, phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.

Bộ trưởng khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục cùng Hoa Kỳ triển khai quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ngày càng hiệu quả, thực chất, ổn định, đồng thời mở rộng không gian hợp tác trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, nhằm duy trì đà phát triển trong nhiều thập kỷ tới.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Antony Blinken đã điểm lại những bước tiến trong quan hệ hai nước, rà soát các nội dung hợp tác được triển khai kể từ khi quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được xác lập từ tháng 9/2023.

Quan hệ chính trị ngoại giao ngày càng được củng cố, các hoạt động tiếp xúc và trao đổi đoàn cấp cao diễn ra sôi động. Hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư tiếp tục là động lực quan trọng của quan hệ song phương. Hợp tác trong các lĩnh vực an ninh- quốc phòng, giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học - công nghệ… tiến triển tích cực, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh tiếp tục là điểm sáng, điển hình là dự án tẩy độc tại sân bay Biên Hòa, số lượng du học sinh Việt Nam tại Hoa Kỳ ngày càng tăng…

Các lĩnh vực hợp tác mới như ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực trong ngành công nghiệp bán dẫn được hai bên quan tâm thúc đẩy.

Hai bộ trưởng thống nhất việc phát huy cơ chế Đối thoại cấp Bộ trưởng Ngoại giao nhằm tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa hai Bộ Ngoại giao trong triển khai các thỏa thuận cấp cao; thực hiện hiệu quả các cơ chế hợp tác song phương hiện có, trong đó có cơ chế đối thoại về chính trị - an ninh – quốc phòng, đối thoại chính sách quốc phòng, đối thoại nhân quyền; nhất trí tích cực phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm hai nước bình thường hóa quan hệ trong năm 2025.

Hai bên cũng trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục đóng vai trò tích cực, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương cũng như trên thế giới.

Ngoại trưởng Antony Blinken khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực và sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Hoa Kỳ, đồng thời khẳng định Hoa Kỳ ủng hộ hợp tác Mekong - Hoa Kỳ, ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Hai bên cũng trao đổi về vấn đề Biển Đông và nhất trí về tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới một Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.

Ý kiến bạn đọc

Tin cùng chuyên mục

Người lao động được lương bao nhiêu khi đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5?

Người lao động được lương bao nhiêu khi đi làm dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5?

(PNTĐ) - Dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, người lao động đi làm thêm thì được tính tiền lương làm thêm giờ. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, người lao động làm thêm dịp nghỉ lễ, Tết hoặc ngày nghỉ có hưởng lương, được trả lương ít nhất bằng 300% so với lương ngày làm việc bình thường. Người lao động làm thêm ban đêm, được trả ít nhất 390% lương, so với lương ngày làm việc bình thường.