Lấy xã, phường là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”

Chia sẻ

Giãn cách xã hội là yếu tố quyết định để hạn chế tối đa lây nhiễm dịch bệnh. Phải thực hiện nghiêm, thực chất, kịp thời việc cách ly nguồn lây nhiễm trong cộng đồng, không để “chặt ngoài lỏng trong”. Phải tranh thủ “thời gian vàng” giãn cách để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan.

Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế.

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Công điện số 1102/CĐ-TTg về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Ccovid-19 trên toàn quốc.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh ChínhThủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng yêu cầu: Để nhanh chóng ngăn chặn, đẩy lùi, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, yêu cầu các Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch. Kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương. Lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là “chiến sỹ”, là trung tâm phục vụ, là chủ thể phòng, chống dịch. Sự tham gia, chấp hành, tuân thủ quy định của người dân đóng vai trò quyết định thành công trong phòng, chống dịch. Đây là trách nhiệm, là nghĩa vụ và quyền lợi của mỗi người dân để bảo vệ sức khỏe cho chính mình, gia đình mình và cộng đồng.

Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, yêu cầu thực hiện nghiêm Chỉ thị số 16/CT-TTg. Đối với địa phương thực hiện tăng cường giãn cách xã hội, ngoài thực hiện nghiêm các quy định của Chỉ thị số 16/CT-TTg, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà, “ai ở đâu ở đó”, cách ly người với người, nhà với nhà, xã phường với xã phường… và phải bảo đảm các yêu cầu y tế, lương thực, thực phẩm, dịch vụ thiết yếu và trật tự an toàn xã hội cho nhân dân ngay tại xã, phường, thị trấn…

Phải ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, tùy tình hình, cần quan tâm chỉ đạo phát triển các mặt kinh tế - xã hội và các công việc quan trọng khác trên nguyên tắc bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng, chống dịch.

 Huy động sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị; Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Công đoàn Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các đoàn thể xã hội... trong công tác phòng, chống dịch, nhất là vận động, hướng dẫn, giải thích, thuyết phục và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm việc tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch…

Thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế. Điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu. Các địa phương chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm Covid-19, bảo đảm đủ ô xy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở này.

Bảo đảm an sinh xã hội là trọng yếu. Tại các địa bàn thực hiện giãn cách xã hội, phải bảo đảm lương thực, thực phẩm, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, nhất là người nghèo, người già, phụ nữ và trẻ em, nhóm người yếu thế, người dễ bị tổn thương. Huy động mọi nguồn lực xã hội, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, hoạt động thiện nguyện, không để bất cứ người dân nào thiếu ăn, thiếu mặc. 

Tổ chức tiêm chủng miễn phí, an toàn, kịp thời, hiệu quả, không phân biệt các loại vaccine, không tổ chức tiêm dịch vụ có thu tiền. Thông tin đến người dân tinh thần vắc-xin tốt nhất là vắc xin được tiêm sớm nhất; Khắc phục ngay tình trạng chờ đợi lựa chọn vắc-xin.

Trước đó vào ngày 21/8, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh ký ban hành Công điện số 19/CĐ-UBND về việc tiếp tục thực hiện các biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ tại Hà Nội đến 6h ngày 6/9/2021, để ngăn chặn dịch bệnh Covid-19; Công bố đường dây nóng để kịp thời xử lý những kiến nghị của người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch trong thời gian thành phố tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội.

NGUYỄN NAM

Tin cùng chuyên mục

Hà Nội: Đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn Thành phố

Hà Nội: Đảm bảo an toàn cho kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh lớp 10 trên địa bàn Thành phố

(PNTĐ) - Chiều 7/5, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT thành phố Hà Nội năm 2024 và Ban Chỉ đạo  thi, tuyển sinh thành phố Hà Nội năm học 2024 - 2025 đã họp phiên thứ nhất, phân công nhiệm vụ cho các thành viên. Đồng chí Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND Thành phố - Trưởng 02 Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp.
Thúc đẩy bình đẳng giới – cam kết quốc tế và các giải pháp của Việt Nam

Thúc đẩy bình đẳng giới – cam kết quốc tế và các giải pháp của Việt Nam

(PNTĐ) - Ngày 6/5, Bộ Tư pháp phối hợp với Phái đoàn liên minh châu Âu tại Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) tổ chức Phiên thảo luận về hoàn thiện và thực thi chính sách, pháp luật với chủ đề “Thúc đẩy bình đẳng giới nhằm tăng cường thực thi pháp luật và tiếp cận tư pháp – Cam kết quốc tế và các giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi của Việt Nam”.
Người lao động quan tâm đến lương mới khi cải cách tiền lương

Người lao động quan tâm đến lương mới khi cải cách tiền lương

(PNTĐ) - Chiều 7/5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động”, với sự tham gia của hơn 200 cán bộ công đoàn, đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) quận Nam Từ Liêm.