Phác đồ “giờ vàng’’ cứu sống hàng trăm trẻ sinh rất non

THẢO HƯƠNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - Phác đồ “giờ vàng” là tổng thể nhiều kỹ thuật y khoa cao cấp được thực hiện trong 60 phút đầu đời, ngay tại phòng sinh để cứu sống và chăm sóc y tế cho trẻ sinh non và rất non từ 24 tuần tuổi.

Phác đồ bao gồm các yếu tố như kẹp rốn muộn, phòng ngừa hạ thân nhiệt, truyền tĩnh mạch duy trì đường huyết sau sinh, phòng nhiễm khuẩn huyết, hỗ trợ hô hấp với phương pháp không xâm lấn, cụ thể là thở không xâm lấn (CPAP) tại phòng sinh và liên tục đến khi nhập Hồi sức sơ sinh (NICU) cho nhóm trẻ sinh rất non… Trẻ sinh rất non được chăm sóc tích cực trong “thời gian vàng” sẽ tăng cơ hội sống, giảm di chứng về sức khỏe.

Phác đồ “giờ vàng’’ cứu sống hàng trăm trẻ sinh rất non - ảnh 1
Ekip “giờ vàng” cùng trang thiết bị hồi sức hiện đại tại phòng mổ BVĐK Tâm Anh kịp thời cứu trẻ sinh non và rất non. Ảnh: Tuệ Diễm

Theo TS.BS Cam Ngọc Phượng - Giám đốc Trung tâm Sơ sinh BVĐK Tâm Anh TP Hồ Chí Minh (nơi triển khai phác đồ “giờ vàng”): Trẻ sinh non và rất non thường tím tái, không thở được, thân nhiệt hạ rất nhanh, nguy cơ nhiễm trùng cao, nếu không hồi sức cấp cứu ngay tại phòng sinh thì khó giữ tính mạng. “Điều cần thiết nhất là đảm bảo thân nhiệt, giữ ấm, cung cấp áp lực dương liên tục, thông khí ngay sau sinh đến khi bé chuyển về đơn vị hồi sức”.

Bác sĩ Phượng cho biết: Để thực hiện phác đồ “giờ vàng”, bệnh viện cần xây dựng các đội “giờ vàng” gồm bác sĩ Sản khoa, Sơ sinh, nữ hộ sinh, đội ngũ điều dưỡng sơ sinh lành nghề. Mặc dù phác đồ can thiệp 60 phút đầu sau sinh, song thực tế bệnh viện chủ động triển khai trước sinh.

Tại BVĐK Tâm Anh khi tiếp nhận sản phụ dưới 34 tuần có biểu hiện sinh non, bác sĩ khoa Sản báo động bác sĩ Sơ sinh có mặt ngay tại giường sản phụ để tư vấn kịp thời. Trẻ sinh non phổi chưa trưởng thành, bác sĩ khám, quyết định thuốc hỗ trợ phổi, giúp bé ra đời sớm có thể tăng cơ hội sống. Sản phụ cũng được truyền magie sulfat để bảo vệ não của thai nhi.

Trẻ chào đời, được đặt lên mâm vô trùng ngay trên đùi mẹ khi dây rốn vẫn còn đập, bác sĩ hồi sức để trẻ ổn định hô hấp, tuần hoàn, mạch, huyết áp, phòng ngừa biến chứng sinh non. Ngay sau đó, trẻ cũng được ổn định thân nhiệt bằng túi giữ ấm, hỗ trợ hô hấp với không khí áp lực dương để phổi nở, giúp cải thiện trao đổi khí ngay trước khi kẹp rốn.

Phác đồ “giờ vàng’’ cứu sống hàng trăm trẻ sinh rất non - ảnh 2

Bé Bối Bối sinh non ở tuần 25 (bên trái), hiện gần 3 tuổi phát triển khỏe mạnh (bên phải) nhờ can thiệp bằng phác đồ "giờ vàng". Ảnh: Gia đình cung cấp

Theo GS.TS.BS Ngô Minh Xuân - Chủ tịch Liên chi Hội Chu sinh và Sơ sinh TP Hồ Chí Minh, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, hiện nay tỷ lệ tử vong trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh rất cao không chỉ Việt Nam mà cả thế giới. Đặc biệt nhóm trẻ sinh rất non nguy cơ tử vong lên tới 64% so với trẻ bình thường. Nhiều trường hợp trước đây chúng ta không thể cứu sống, hoặc trẻ sống sót gặp di chứng rất nhiều.

Phác đồ giờ vàng với điểm nhấn sử dụng phương pháp thở không xâm lấn (CPAP) sớm tại phòng sinh là một trong những bước quan trọng ngay sau sinh giúp trẻ sinh non và rất non giảm suy hô hấp, cải thiện được dư hậu sau sinh, góp phần giảm tỷ lệ tử vong ở nhóm trẻ có nguy cơ, mang lại nhiều giá trị, lợi ích cho cộng đồng, giảm chi phí cho gia đình và xã hội.

“Phác đồ giờ vàng là sự đổi mới về tư duy, cập nhật kỹ thuật hiện đại trong điều trị trẻ sinh non và cực non” - GS Xuân đánh giá, đồng thời cho biết thêm các bác sĩ sơ sinh hiện nay đang áp dụng vào bệnh viện, sắp tới có thể triển khai huấn luyện cho tuyến tỉnh, tuyến dưới, nhất là sử dụng thở không xâm lấn (CPAP) sớm ngay giờ đầu sau sinh, giúp cải thiện tỷ lệ tử vong và di chứng cho trẻ được cứu sống.

Tin cùng chuyên mục

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

Chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số

(PNTĐ) - 790 người cao tuổi phường Bồ Đề được hướng dẫn bài thể dục tránh ngã. Đây là chương trình thuộc dự án "Hỗ trợ dự phòng chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi, ứng phó với vấn đề già hoá dân số áp dụng mô hình Tsuyama" (JICA). Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức về già hóa dân số, trách nhiệm và nghĩa vụ của cá nhân, gia đình và cộng đồng trong việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.