Những người đưa đò tận tuỵ gieo ước mơ cho trẻ khuyết tật

HỒNG NHUNG
Chia sẻ

(PNTĐ) - “…Sẽ chẳng có hoa hay quà ngày 20/11, không trọn vẹn một câu chúc thầy cô,… nhưng đong đầy trong đó là tình yêu thương, để chúng tôi luôn luôn nở nụ cười tươi…”, đó là tâm sự của cô giáo Phạm Thị Thuý Loan, giáo viên Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Phú Yên về hành trình gieo yêu thương và ước mơ cho trẻ em khuyết tật của mình.

Không chỉ có cô giáo Loan, hàng ngày, có nhiều thầy cô giáo đã và đang nỗ lực, bền bỉ trong hành trình giáo dục đặc biệt cho trẻ em khuyết tật. Các cô giáo là những tấm gương tiêu biểu được tuyên dương tại chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức.

Thấu hiểu trẻ khuyết tật bằng cả trái tim…

Với cô giáo Nguyễn Thị Thanh Trúc (SN 1991, Trung tâm Phục hồi chức năng – Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa), câu nói “hãy giúp trẻ để tự giúp mình” là câu nói yêu thích và là kim chỉ nam trong nghề của chị suốt hơn 10 năm qua. Cô giáo Thanh Trúc cho biết, “giúp trẻ để trẻ có được sự tiến bộ hơn ngày hôm qua của bạn ấy”, để các bạn học sinh khuyết tật trí tuệ, tự kỷ của chị có thể có được một nghề trong cuộc sống để tự nuôi sống bản thân.

“Tôi luôn mong muốn làm sao để rèn khả năng tự lập cho học sinh, để mỗi học sinh sau khi kết thúc việc học ở trường đều có thể tự mình chăm lo cho bản thân, làm được điều có ích, ít nhất, không còn là gánh nặng của gia đình. Trong hành trình giáo dục đặc biệt này, sẽ có những lúc thật gập ghềnh nhưng tôi tin rằng tôi, các đồng nghiệp với sức trẻ, tinh thần học hỏi cùng sự đồng hành của các tổ chức xã hội, chúng ta sẽ gặt hái được những thành công nhất định”, cô Thanh Trúc tin tưởng.

Những người đưa đò tận tuỵ gieo ước mơ cho trẻ khuyết tật - ảnh 1
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Trúc đang miệt mài, cần mẫn dạy trẻ học chữ.

Cô Thanh Trúc có hơn 10 năm đồng hành cùng trẻ khuyết tật tại Trung tâm Phục hồi chức năng – Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa. Trong 10 năm ấy, cô đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Vui có, buồn có, hạnh phúc ngập tràn có hay cảm giác bất lực khi chưa điều chỉnh được hành vi của học trò cũng có.

Đó là H - một học sinh khuyết tật trí tuệ, mắc hội chứng Treacher Collins. H từng phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch. H cũng đã trải qua sáu lần phẫu thuật trực tràng, hậu môn, đường tiểu thấp… Sức khỏe thể chất hạn chế nhưng H là một đứa trẻ ngoan, ham học hỏi, một đứa trẻ có nghị lực phi thường.

Với cô Thanh Trúc, con đường gắn bó với nghề này đầy chông gai và thách thức, nhưng ở đó, trái tim các cô giáo như chị luôn được sưởi ấm bằng tình yêu thương.

“Đặc thù của các bạn học sinh khuyết tật trí tuệ là “khó nhớ, mau quên”, nhiều khi chỉ một kiến thức nhỏ thôi nhưng cũng phải mất vài giờ, vài ngày, có khi vài tháng mới tiếp thu được, chưa kể đến những lúc các bạn xuất hiện các hành vi gây hấn, phản ứng xâm hại bản thân và người khác. Nhiều khi cũng không biết phải làm sao, chỉ biết tự động viên chính mình nhẫn nại và kiên trì hơn để đi cùng các con đến đích. Nhưng thật may mắn vì bên cạnh tôi luôn có những đồng nghiệp sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ tôi những lúc khó khăn. Trên tất cả, khi nhìn thấy các con khôn lớn từng ngày, từng bước được xã hội chấp nhận, tôi lại thấy mình như được tiếp thêm năng lượng. Tuy chỉ là con số thật ít ỏi nhưng đến nay, một số học sinh khuyết tật trí tuệ của tôi sau ra trường đã làm các công việc như giữ xe, phục vụ, làm tóc, buôn bán,...”, cô giáo Trúc chia sẻ. 

Dù  đi lại khó khăn nhưng cô giáo Trần Ngọc Điệp (SN 1984, hiện là giáo viên trường Nuôi dạy trẻ em khuyết tật huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh) luôn nhìn cuộc sống bằng sự nhân hậu và tình yêu thương. Hơn 15 năm dạy trẻ khuyết tật, cô Điệp không chỉ truyền dạy kiến thức mà còn là một người mẹ thứ hai dạy các em kỹ năng sống và sự lạc quan trước khó khăn, thử thách.

Những người đưa đò tận tuỵ gieo ước mơ cho trẻ khuyết tật - ảnh 2
Với cô Thanh Trúc, con đường gắn bó với nghề giáo dục trẻ đặc biệt đầy chông gai và thách thức, nhưng ở đó, trái tim các cô giáo như chị luôn được sưởi ấm bằng tình yêu thương. 

Cô giáo Trần Ngọc Điệp không may mắn như bao người khác, khi 3 tuổi, cô bị liệt hai chân sau 1 cơn sốt kéo dài. Bố mẹ cô đã đưa con gái chạy chữa khắp nơi nhưng đều vô vọng. Với niềm đam mê với con chữ, cô Điệp khao khát trở thành giáo viên. Giấc mơ ấy luôn thường trực, dù qua nhiều khó khăn, vất vả song chị không bao giờ từ bỏ.

Từ những vất vả của bản thân, cô Ngọc Điệp luôn thấu hiểu nỗi đau mà những đứa trẻ khuyết tật phải gánh chịu. Tháng 10/2008, chị trở thành giáo viên Trường nuôi dạy trẻ em khuyết tật huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh. Từ đó đến nay, chị tận tâm, dìu dắt các em học sinh với tâm niệm: Đủ yêu thương, đủ kiên nhẫn sẽ tạo ra được những hạt giống tốt lành. Hơn 15 năm qua, chị không chỉ là một cô giáo mẫu mực mà còn là người mẹ hiền của các em học sinh có hoàn cảnh không may mắn, dạy các con sự lạc quan, thái độ sống tích cực, giúp các con có động lực vượt qua mặc cảm, vươn lên trong cuộc sống.

Chị Điệp còn là tấm gương cho sự bền bỉ, nỗ lực đến thành công. Từ năm 2005 đến nay, cô giáo Điệp cũng mang về nhiều huy chương với bộ môn cờ vua, có đủ huy chương Vàng, Bạc và Đồng các giải cờ vua toàn quốc. Đặc biệt, cô Điệp còn vinh dự là 1 trong 50 tấm gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Toả sáng nghị lực Việt" năm 2022 do Trung ương Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Công ty TNHH TCPVN tổ chức.

“Dạy trẻ khuyết tật là một công việc vô cùng khó khăn kể cả với những người khỏe mạnh, chị luôn tận tâm và dìu dắt các em học sinh với tâm niệm: đủ yêu thương, đủ kiên nhẫn sẽ tạo ra được những hạt giống tốt lành”, cô giáo Ngọc Điệp từng tâm sự.

Vững bước trên hành trình yêu thương đầy bền bỉ

Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất miền núi Đồng Xuân (tỉnh Phú Yên), cô giáo Phạm Thị Thuý Loan (sinh năm 1987, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hoà nhập Phú Yên) từ bé đã chứng kiến nhiều người bị ảnh hưởng chất độc da cam, với hình hài sinh ra không lành lặn. Từ nhỏ, cô Thuý Loan cũng được gia đình gửi vào Khu nội trú trường Niềm Vui - trường dạy học sinh khuyết tật, nay là Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Phú Yên.

Những người đưa đò tận tuỵ gieo ước mơ cho trẻ khuyết tật - ảnh 3
Cô giáo Phạm Thị Thuý Loan.

“Lần đầu tiên đến đây, tôi thấy có nhiều học sinh khuyết tật, rất đáng thương, nhưng tất cả đều rất vui vẻ, tươi cười, mừng rỡ quấn quýt chào đón tôi, khiến tôi rất xúc động. Các thầy cô giáo rất dịu dàng và rất chịu khó trong việc chăm sóc, dạy dỗ. Đó cũng là động lực thôi thúc tôi lựa chọn làm công việc dạy trẻ khuyết tật này để đem lại niềm vui cho mỗi gia đình có con không may mắn”, cô Loan nói.

Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, cô giáo Thuý Loan chọn con đường ở lại Trường Niềm Vui để cùng góp chung công sức giáo dục trẻ khuyết tật – bắt đầu hành trình trái tim. Vừa dạy học, chị vừa tiếp tục học lớp bồi dưỡng chuyên ngành giáo dục đặc biệt, trang bị hành trang chuyên môn nghiệp vụ đặc biệt cho bản thân, cũng như sẵn sàng chia sẻ kiến thức, hỗ trợ thầy cô giáo về công nghệ thông tin, áp dụng hiệu quả hỗ trợ giáo dục khuyết tật.

“Với tôi, mỗi học sinh ở đây đều là một phiên bản riêng biệt, nên để dạy, người giáo viên phải hiểu học sinh không chỉ qua lời nói, cử chỉ, hành vi, ánh mắt… mà còn phải qua cảm nhận của cảm xúc”, cô Loan chia sẻ.

Cô Loan nhớ lại, các học sinh của cô có những học sinh khiếm thính, khiếm thị đã lớn tuổi nhưng vẫn đi học chữ nổi, ngôn ngữ ký hiệu. Hồi ấy, tài liệu sách vở còn hạn chế, cô trò phải nỗ lực rất nhiều để biết đọc, biết viết, biết làm tính… Giờ nhiều học sinh của cô đã trưởng thành, có việc làm, tự nuôi sống bản thân. Đó cũng là niềm vui và khao khát lớn nhất trong cuộc đời làm nghề giáo của chị.

Những người đưa đò tận tuỵ gieo ước mơ cho trẻ khuyết tật - ảnh 4
Cô giáo Bùi Thị Thuý bên học sinh của mình.

Trăn trở với việc làm cho học sinh khuyết tật, chị đề xuất thành lập tiệm cà phê Niềm Vui, mở spa… để các em học sinh câm điếc được trải nghiệm, học nghề, thực hành nghề, và may mắn được ban giám hiệu đồng thuận. Mặc dù hành trình này vừa mới bắt đầu, nhưng cô giáo Thúy Loan luôn tin tưởng và tự hứa sẽ nỗ lực hơn nữa, để con đường đi của học sinh khuyết tật rộng mở hơn, có thể học bậc cao hơn, được đào tạo nghề bài bản, có việc làm nuôi sống bản thân, gia đình và là công dân tốt, có ích cho xã hội.

Với cô giáo Bùi Thị Thuý (SN 1975, giáo viên Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định), hành trình nuôi dạy trẻ khuyết tật là hành trình bền bỉ đầy tình yêu thương. Cô Thuý cho biết, cô sinh ra trong gia đình có hai thế hệ là nhà giáo, từ bé đã ước mơ được làm giáo viên đứng trên bục giảng dạy học trò. Năm 1994, cô Thuý tốt nghiệp trường ĐH Sư phạm, sau đó 1 năm thì chuyển về công tác tại Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thuỷ đến nay.

Những người đưa đò tận tuỵ gieo ước mơ cho trẻ khuyết tật - ảnh 5
Một buổi học vui nhộn của cô trò Bùi Thị Thuý.

Gần 30 năm giảng dạy học sinh khuyết tật, cô Thuý nhận thấy học sinh khuyết tật trong trường chuyên biệt có rất nhiều dạng tật: Khuyết tật nghe nói, khuyết tật trí tuệ, khó khăn vận động, thần kinh tâm thần, khó khăn học tập, số học sinh khuyết tật nghe nói chiếm 65% còn lại là khuyết tật trí tuệ và các tật khác.. Độ tuổi trong một lớp học không đồng đều do phụ huynh cho con nhập học chưa đúng độ tuổi và do sức khoẻ của các con.

Đa số các học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn vì phải chạy chữa cho các con, địa bàn của gia đình học sinh rải rác trong tỉnh, có học sinh ngoại tỉnh rất xa. Quá trình giảng dạy cũng gặp khó khăn vì mức độ nhận thức của các học sinh khác nhau nên giáo viên phải điều chỉnh nội dung bài dạy sao cho phù hợp nhưng vẫn phải đảm bảo mạch kiến thức.

Như với các học sinh khuyết tật nghe nói, ưu điểm của các em là khả năng quan sát tốt, tư duy trực quan hình tượng tốt, nên giáo viên phải có nhiều đồ dùng trực quan sinh động để thu hút khả năng ghi nhớ của học sinh. Các em có hạn chế là khả năng đọc hiểu đoạn văn chưa tốt, do đó, cần chia nhỏ các lời văn, lặp lại nhiều lần…

Các em học sinh khuyết tật trí tuệ và tật khác song song với dạy kiến thức thì việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự phục vụ và các kỹ năng xã hội là rất cần thiết để các em hoà nhập được với cộng đồng xã hội, xoá đi những mặc cảm tự ti trong cuộc sống…

Những người đưa đò tận tuỵ gieo ước mơ cho trẻ khuyết tật - ảnh 6
Các thầy cô giáo tiêu biểu được vinh danh trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2024.

Theo cô Thuý, tất cả học sinh bình thường hay học sinh khuyết tật đều phải dạy theo phương pháp truyền thống, nhưng đối với học sinh khuyết tật giáo viên cần phải kết hợp các phương pháp đặc thù trong dạy học. Việc tuân thủ theo các bước cũng giống như tiểu học, nhưng về mặt kiến thức thì phải giảm tải, lựa chọn những nội dung phủ hợp với học sinh và dùng các thủ pháp trong các bước để dạy học sinh khuyết tật.

Bằng tâm huyết của mình, cô Thuý đã có nhiều sáng kiến và được hội đồng thi đua khen thương cấp huyện đánh giá tốt. Nhiều năm liền, chị là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, giáo viên dạy giỏi các cấp. Cô Thuý còn được nhận Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2006 vì có thành tích xuất sắc trong công tác.

"Chia sẻ cùng thầy cô" là chương trình thường niên do Trung ương Hội LHTN Việt Nam, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long phối hợp tổ chức, nhằm tôn vinh những thầy, cô giáo trong hành trình mang kiến thức, tình yêu thương đến các em học sinh. Sau 10 năm, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tuyên dương 576 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu trên các lĩnh vực, địa bàn của mọi miền Tổ quốc. Năm 2024, 60 thầy cô giáo được lựa chọn tuyên dương có rất nhiều thầy giáo, cô giáo từ biệt quê hương để đến với các học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo để gieo cái chữ cho đồng bào và con em đồng bào các dân tộc.

Tin cùng chuyên mục

Trò chuyện cùng cô giáo 9X được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân

Trò chuyện cùng cô giáo 9X được phong danh hiệu Nhà giáo Nhân dân

(PNTĐ) - 30 năm cống hiến hết mình, tích cực sáng tạo trong vai trò giảng dạy, cần mẫn như “người đi gieo hạt”, cô giáo Đỗ Thị Hồi (SN 1992, quê Sóc Trăng) vừa được phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ở độ tuổi 33, việc là nữ giáo viên đầu tiên của tỉnh Sóc Trăng được phong danh hiệu này là điều rất vinh dự, tự hào.
Tuyền truyền kiến thức ATGT tại trường THCS Nguyễn Huy Tưởng

Tuyền truyền kiến thức ATGT tại trường THCS Nguyễn Huy Tưởng

(PNTĐ) - Tại trường THCS Nguyễn Huy Tưởng (huyện Đông Anh, TP Hà Nội), Đội CSGT Đường bộ số 15 đã phối hợp với nhà trường tổ chức chương trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông (ATGT). Gần 1.500 học sinh, giáo viên và phụ huynh đã tham dự, hưởng ứng tích cực.