Làm tốt công tác cán bộ Hội cơ sở: Nền tảng xây dựng tổ chức Hội và hệ thống chính trị vững mạnh
Kỳ 3: Tạo nguồn cán bộ cho Đảng, chính quyền
(PNTĐ) - Những năm qua, đội ngũ cán bộ Hội cơ sở “vừa hồng, vừa chuyên” đã cùng các hội viên phụ nữ tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền. Nhiều chị em được rèn luyện, trưởng thành từ môi trường Hội đã được tín nhiệm điều động, luân chuyển sang giữ các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Đảng, chính quyền... Đây cũng là minh chứng cho việc thực hiện tốt Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 20/1/2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển và thúc đẩy bình đẳng giới.
Ở thôn Cua Chu, xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, nữ trưởng thôn Kiều Thị Hoạt được nhiều người gọi vui là nữ trưởng thôn không thể thay thế vì đến nay đã có thâm niên 21 năm là trưởng thôn. Năm 2003, khi được nhân dân bầu giữ chức trưởng thôn Cua Chu bà đang là UVBTV Hội LHPN xã Tản Lĩnh. Sau đó, bà còn có 5 năm là Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Tản Lĩnh. Bà tâm sự, môi trường hơn 30 năm gắn bó với tổ chức Hội Phụ nữ đã giúp bà tự tin đảm nhiệm tốt cương vị trưởng thôn ở địa bàn có 2/3 là người dân tộc Mường.
Cua Chu từng là một trong những thôn có nhiều khó khăn về mọi mặt. Người dân chỉ biết mưu sinh bằng trồng lúa nhưng lúa lại cho năng suất thấp. Bà Kiều Thị Hoạt đã cùng các cán bộ trong thôn tuyên truyền, thuyết phục bà con chuyển sang trồng cây 3 vụ. Kinh nghiệm từ những năm tháng hoạt động Hội đã giúp bà hiểu rằng, cán bộ muốn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động thì bản thân phải gương mẫu, đi đầu. Vì vậy, gia đình bà đã thực hiện chuyển đổi canh tác trước. Ngoài 2 vụ lúa, gia đình bà trồng thêm vụ ngô, đậu tương... nên thu nhập tăng hơn chỉ trồng lúa. Thấy được hiệu quả kinh tế, các hộ dân bắt đầu tin và làm theo bà.
Nhiều hộ dân ở thôn Cua Chu đã quen với một cán bộ Hội Phụ nữ Kiều Thị Hoạt năng động, nhiệt tình, không sợ khó, sợ khổ. Các phong trào của Hội khi triển khai đến hội viên đều rất thiết thực như hỗ trợ phát triển kinh tế, giữ gìn bảo vệ môi trường, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc. Vì vậy, khi bà Hoạt trở thành trưởng thôn, họ thấy bà lại tiếp tục mang “tinh thần Hội” để cống hiến cho cộng đồng.
Giai đoạn trước năm 2017, bà con từng phải canh tác trên những phần ruộng nhỏ lẻ, manh mún. Khi có chủ trương của Thành phố về dồn điền đổi thửa, bám sát vào sự chỉ đạo của Đảng ủy xã, thôn, bà Hoạt đã tham gia vận động bà con tích cực thực hiện. Những kỹ năng về tuyên truyền, vận động trong quá trình làm công tác Hội đã giúp bà trong việc thuyết phục bà con. Nhờ đó ở Cua Chu đã có được những phần ruộng thẳng thớm, “đầu trên mương tưới, đầu dưới mương tiêu”, bà con ai ai cũng phấn khởi.
Học hỏi các phong trào về văn hóa, văn nghệ trong tổ chức Hội Phụ nữ, bà Hoạt còn nhân rộng đội cồng chiêng để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Mường, thành lập đội bóng chuyền hơi dành cho bà con Cua Chu. Bà tham gia vận động xã hội hóa để xây dựng 3 sân chơi thể thao được đổ bê tông khang trang, rộng rãi cho nhân dân. Tấm gương của bà Kiều Thị Hoạt đã cho thấy về sự trưởng thành của những “hạt giống” tốt được ươm mầm từ môi trường tổ chức Hội Phụ nữ.
Một ví dụ khác, tại phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm, chị Trần Thị Huyền Trang, sinh năm 1981, Chủ tịch Hội LHPN phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm cũng đã được UBND Quận tin tưởng, bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND phường Phúc Tân (tháng 11/2023). Phát huy kinh nghiệm trong quá trình hoạt động Hội, chị Trang đã luôn phát huy năng lực, trau dồi, nâng cao trình độ chuyên môn, phát huy kinh nghiệm gắn bó công tác tại cơ sở nhiều năm, đã nhanh chóng đảm nhiệm cương vị mới trong hệ thống chính quyền cơ sở.
Cũng tại quận Hoàn Kiếm, có phẩm chất đạo đức tốt, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tháng 11/2023 chị đã được UBND quận Hoàn Kiếm bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch UBND phường Hàng Bài. Chị đã nhanh chóng đảm nhiệm công việc mới, đoàn kết, tập hợp cùng tập thể lãnh đạo và cán bộ, công chức của đơn vị để điều hành, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động quản lý nhà nước toàn diện trên địa bàn.
Tại quận Ba Đình, nữ cán bộ trẻ thuộc thế hệ 8x chị Chu Thanh Loan cũng trưởng thành từ vị trí Chủ tịch Hội LHPN phường Cống Vị và được UBND quận bổ nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch UBND vào năm 2022.Hay tại huyện Đông Anh, vừa qua, chị Ngô Thúy Hà, Chủ tịch Hội LHPN xã Vân Nội với những bước trưởng thành từ môi trường Hội Phụ nữ cũng đã được đánh giá cao và tín nhiệm bầu vào vị trí Phó Chủ tịch UBND xã.
Phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được Hội LHPN Hà Nội xác định là 1 trong 3 nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Hội Phụ nữ.
Thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, các cấp Hội, tiên phong là các cán bộ lãnh đạo các cấp có bản lĩnh chính trị, năng động, sáng tạo, tâm huyết đã tích cực tuyên truyền và triển khai kịp thời các chỉ thị, nghị quyết của Đảng như Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tuyên truyền thực hiện dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô ..., qua đó tạo sự đồng thuận trong cán bộ, hội viên, Nhân dân với các chính sách của Đảng, Nhà nước. Hội đã nhân rộng và nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình tổ tư vấn, nhóm nòng cốt tuyên truyền pháp luật tại cộng đồng, CLB phụ nữ và pháp luật; tổ chức trợ giúp pháp lý tại huyện xa tung tâm thành phố, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo... góp phần thực hiện tốt an ninh, chính trị trên địa bàn...
Cán bộ, hội viên phụ nữ phường Thành Công, quận Ba Đình đối thoại với người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền phường năm 2024
Thực hiện Quyết định 218-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị và Quyết định 2200/QĐ-TU ngày 25/5/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về việc ban hành Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền các cấp với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn Thành phố; Hội LHPN Hà Nội đã phối hợp tổ chức giám sát Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND; Tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid - 19; giám sát việc thực hiện pháp luật bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động; Chủ động thành lập 12 đoàn giám sát liên ngành việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của UBND cấp huyện và cơ sở về các quy định, chính sách liên quan đến công tác phụ nữ, bình đẳng giới. Thành hội tham mưu tổ chức hội nghị đối thoại giữa Bí thư Thành ủy với đại biểu phụ nữ Thủ đô, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện Kết luận của Bí thư Thành ủy sau đối thoại. Các cấp Hội tổ chức và phối hợp tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội. Sau giám sát đã kiến nghị giải quyết nhiều vấn đề liên quan thiế thực.
Việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền của tổ chức Hội còn được ghi nhận qua công tác góp ý, phản biện xã hội, trong đó các cấp Hội tập trung tham gia góp ý, phản biện các văn bản có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của phụ nữ, chú trọng các dự án luật: Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật đất đai (sửa đổi), Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)…; Góp ý vào 74 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch, đề án … của Trung ương và Thành phố về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, bình đẳng giới và tổ chức Hội; Tích cực tham gia phản biện xã hội các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân. Các quận, huyện, thị xã và cơ sở đã tham gia đóng góp ý kiến 3.714 dự thảo các chương trình, kế hoạch của địa phương.
Là tổ chức đại diện cho giới nữ, các cấp Hội Phụ nữ Hà Nội còn tích cực phát hiện, giới thiệu các nữ quần chúng ưu tú để được kết nạp đảng, các cán bộ nữ tham gia cấp ủy, chính quyền để từ góp phần xây dựng Đảng vững mạnh, thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của Đảng, Nhà nước.
Tại quận Cầu Giấy, theo chị Nguyễn Kim Lê, Chủ tịch Hội LHPN quận, các cấp Hội luôn chú trọng công tác phát hiện những phụ nữ nhiệt tình, tâm huyết với phong trào, có ý thức vươn lên trong công tác, tha thiết được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tính từ năm 2021, Quận Hội đã giới thiệu được 251 nữ quần chúng ưu tú để học lớp bồi dưỡng cảm tình Đảng, trong đó có 168 quần chúng nữ ưu tú được kết nạp Đảng. Tại Hoài Đức, Huyện Hội đã giới thiệu 106 nữ ưu tú bồi dưỡng nhận thức Đảng, trong đó 95 nữ được Đảng kết nạp. Tại huyện Đan Phượng, trong 3 năm kể từ năm 2021 đã giới thiệu được 440 nữ kết nạp Đảng.
Tại quận Long Biên, toàn quận đã bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp được 498 nữ đảng viên được kết nạp đảng trên tổng số 577 đảng viên được kết nạp trên toàn Quận (tỷ lệ nữ đạt 86%).
Tại huyện Phúc Thọ, theo Chủ tịch Hội Lê Thị Thư, nhờ công tác tham mưu, phát hiện, giới thiệu cán bộ Hội, cán bộ nữ trẻ có trình độ, nhiệt tình, tâm huyết để đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch và sử dụng quy hoạch, giới thiệu bầu tham gia cấp ủy, bổ nhiệm cán bộ quản lý mà toàn huyện đã có 90 chị được bầu là bí thư chi bộ (34 trường học, 56 thôn dân cư), 04 chị được bầu trưởng thôn (có 02 chị là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn); 148 nữ đã được kết nạp vào Đảng trong tổng số 202 nữ ưu tú được giới thiệu học cảm tình đảng.
Còn tại huyện Đông Anh, tính từ năm 2021, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đông Anh Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết, Huyện Hội đã tích cực, chủ động phát hiện giới thiệu 212 phụ nữ ưu tú cho Đảng bồi dưỡng kết nạp, rà soát cán bộ nữ tạo nguồn cán bộ, giới thiệu nhân sự đủ tiêu chuẩn vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý... Kết quả đối với cấp cơ sở, đã có 23 nữ cán bộ được bổ nhiệm nữ cán bộ chủ chốt, trong đó có 1 Bí thư; 07 Phó Bí thư Thường trực, 01 Chủ tịch UBND; 06 Phó Chủ tịch UBND; 04 Phó Chủ tịch HĐND; 04 Chủ tịch UBMTTQ xã, thị trấn.