Làm tốt công tác cán bộ Hội cơ sở: Nền tảng xây dựng tổ chức Hội và hệ thống chính trị vững mạnh
Kỳ cuối: Tiếp thêm động lực cho đội ngũ cán bộ Hội
(PNTĐ) - Trong giai đoạn tới, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng như tình hình đất nước và Thủ đô có nhiều thuận lợi song cũng gặp không ít khó khăn, thách thức đòi hỏi mỗi cán bộ Hội cơ sở của Thành phố phải không ngừng trau dồi nâng cao chất lượng, tiêu biểu cho văn hoá người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hoạt động ngày càng chuyên nghiệp để đáp ứng nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, đội ngũ cán bộ Hội cơ sở cũng rất cần sự tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cấp ủy, chính quyền Thành phố các cấp, đặc biệt là về cơ chế, chính sách, điều kiện làm việc phù hợp.
Đảng, nhà nước và TW Hội LHPN Việt Nam luôn đánh giá cao vai trò của tổ chức Hội phụ nữ cơ sở và cán bộ Hội cơ sở, nền tảng vô cùng quan trọng trong xây dựng hệ thống tổ chức Hội LHPN Việt Nam vững mạnh, góp phần tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền từ cơ sở. Trong những năm qua, nhiều chủ trương, chính sách đã được ban hành và hoàn thiện tạo cơ chế trong việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở cũng như động viên, khích lệ đội ngũ cán bộ Hội cơ sở tiếp tục nỗ lực phấn đấu.
Chiến lược phát triển Hội LHPN Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 ban hành kèm theo Nghị quyết số 15/NQ-BCH ngày 08/9/2020 của BCH Hội LHPN Việt Nam đã xác định tầm nhìn của Hội là tổ chức tiên phong hành động vì bình đẳng và phát triển của phụ nữ; thực hiện sứ mệnh đoàn kết, tập hợp các tầng lớp phụ nữ Việt Nam vì hạnh phúc của phụ nữ và sự thịnh vượng của đất nước; với giá trị cốt lõi: Đoàn kết, Nhân văn, Sáng tạo, Khát vọng, Phát triển.
Nghị quyết 15-NQ/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị cũng đặt ra mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo tinh thần, xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, an ninh, an toàn; phát triển nhanh, bền vững, có sức lan toả để thúc đẩy vùng đồng bằng Sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Đánh giá cho thấy, trong giai đoạn tới, công tác phụ nữ trong đó có công tác cán bộ Hội phụ nữ cơ sở và hoạt động của các cấp Hội LHPN Hà Nội tiếp tục có nhiều điều kiện thuận lợi và cơ hội để phát triển. Vấn đề thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tiếp tục được Việt Nam quan tâm và là mục tiêu quan trọng trong các chương trình nghị sự, chiến lược phát triển bền vững toàn cầu. Trong nước, sau gần 40 năm đổi mới, 15 năm mở rộng địa giới hành chính, phát huy truyền thống nghìn năm Thăng Long- Hà Nội, Thành phố hòa bình, Thành phố sáng tạo, vị thế và uy tín của đất nước và Thủ đô trên trường quốc tế được nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của phụ nữ và nhân dân Thủ đô có chuyển biến tích cực.
Đảng, Nhà nước, Thành ủy, HĐND TP Hà Nội đã ban hành nhiều chủ trương về chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở, cán bộ Hội phụ nữ, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội, hỗ trợ các điều kiện và phương tiện làm việc. Thành ủy Hà Nội đã ban hành hệ thống các chương trình, đề án, kế hoạch về công tác quy hoạch, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, điều động luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác và bố trí sử dụng cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. HĐND TP cũng đã ban hành Nghị quyết số 18/2023/NQ-HĐND ngày 06/12/2023 qui định chức danh, cơ cấu, điều chỉnh nâng chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; ở thôn, tổ dân phố; người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố; nâng mức khoán kinh phí hoạt động đối với Ủy ban MTTQ, các tổ chức CT-XH. Đây là một thông tin vui cho người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường.
Phong trào phụ nữ và hoạt động Hội LHPN Hà Nội đã từng bước phát triển vững chắc, tập hợp thu hút ngày càng đông đảo hội viên tham gia hoạt động Hội. Các cấp Hội phụ nữ TP được cấp ủy, chính quyền đánh giá cao về hiệu quả hoạt động, nhiều mô hình, cách làm thiết thực đóng góp thực hiện nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Đội ngũ cán bộ Hội cơ sở có uy tín với cấp ủy, chính quyền và hội viên, phụ nữ tại địa phương. Đây là điều kiện thuận lợi quan trọng cho việc nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở TP đứng trước nhiều khó khăn, thách thức như Thủ đô với áp lực của đô thị đặc biệt, tốc độ gia tăng dân số cơ học lớn, trong đó số lượng lao động nữ nhập cư đông, đa dạng về thành phần. Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, truyền thông mạng xã hội là thách thức của tổ chức Hội và cán bộ Hội, đặc biệt là cán bộ Hội cơ sở trong việc nâng cao năng lực tiếp cận và tuyên truyền, vận động phụ nữ. Bên cạnh đó còn là yêu cầu nắm bắt nhanh, định hướng xử lý kịp thời những vấn đề về tư tưởng, bức xúc phát sinh của hội viên, phụ nữ trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của tình hình chính trị, kinh tế khu vực và thế giới, những vấn đề nóng của địa phương như giải phóng mặt bằng các dự án, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, tình trạng gia tăng dân số cơ học, dịch chuyển dân cư giữa các địa phương; dự báo khoảng cách ngày càng xa ngay chính trong các tầng lớp phụ nữ (về trình độ, điều kiện, thu nhập...); tình trạng thất nghiệp ở phụ nữ do trình độ tay nghề thấp, các dịch vụ hỗ trợ gia đình chưa theo kịp nhu cầu xã hội, sự biến đổi về văn hóa gia đình, tác động của internet, mạng xã hội; mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, tội phạm và tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn...là những khó khăn, thách thức đối với đội ngũ cán bộ Hội cơ sở của Thành phố.
Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ và hội nhập quốc tế với số xã, phường, thị trấn đông nhất trong 63 tỉnh, thành phố, số lượng phụ nữ đông chiếm 50,4% dân số và đa dạng về thành phần. Vì vậy, hơn bao giờ hết, phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp Hội phụ nữ thành phố phải thiết thực, lôi cuốn được đông đảo phụ nữ tham gia, khẳng định vai trò của tổ chức Hội qua đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị Thành phố lớn mạnh.
Theo Phó trưởng ban Tổ chức TƯ Hội LHPN Việt Nam Lương Thị Thủy, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hà Nội, nhiệm kỳ 2020- 2025, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII nhiệm kỳ 2022-2027 và thực tiễn phong trào phụ nữ, công tác Hội đúng là đang đặt ra những yêu cầu mới, ngày càng cao hơn đối với công tác cán bộ, nhằm xây dựng được một đội ngũ cán bộ Hội cấp cơ sở có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển của TP Hà Nội trong tình hình mới. Trung ương Hội LHPN Việt Nam luôn ghi nhận, khuyến khích sự tiên phong, gương mẫu trong phong trào, hoạt động Hội của cán bộ, hội viên phụ nữ Hà Nội; mong muốn Hà Nội sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó, mới, nhận thí điểm những mô hình chưa có tiền lệ để đúc rút kinh nghiệm và nhân rộng trên phạm vi cả nước. Để thực hiện trọng trách này, Hà Nội sẽ phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, bao gồm cán bộ Hội cơ sở đủ phẩm chất, năng lực, bản lĩnh, kinh nghiệm để thực hiện tốt nhiệm vụ và mang lại hiệu quả cao.
Theo Chủ tịch Hội LHPN Hà Nội Lê Kim Anh để có thể nâng cao chất lượng cho đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, về phía cấp ủy, trên cơ sở thực trạng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở của địa phương, Đảng ủy cấp xã cần nghiên cứu ban hành nghị quyết nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, xác định đây là nguồn cán bộ nữ của địa phương; Chỉ đạo việc rà soát, hoàn thiện đồng bộ, thống nhất các qui chế, qui định, qui trình công tác cán bộ ở cơ sở, quan tâm công tác tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng và thực hiện chế độ chính sách với cán bộ Hội cơ sở đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch, thực hiện mục tiêu xây dựng tổ chức Hội, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh.
Ban chấp hành, Chủ tịch, Phó Chủ tịch cơ sở cấp xã cần chủ động định kỳ rà soát tình hình đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, cán bộ chi hội, những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ để báo cáo cấp ủy cùng cấp và Hội cấp trên lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời. Tăng cường phối hợp với cấp ủy chi bộ trong việc củng cố, kiện toàn cán bộ chi hội, nhất là Chi hội trưởng tại các địa bàn dân cư, đảm bảo lựa chọn đúng những cán bộ gương mẫu, có bản lĩnh, tinh thần trách nhiệm, tâm huyết với công tác Hội, có uy tín trong hội viên, phụ nữ.
Nâng cao chất lượng cán bộ Hội cơ sở TP Hà Nội cũng cần gắn liền với đổi mới hệ thống cơ chế, chính sách chăm lo cho cán bộ cơ sở, động viên cán bộ yên tâm công tác, hết lòng hết sức cho sự phát triển của tổ chức Hội và phong trào phụ nữ địa phương. Vì vậy, rất cần có sự tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện các qui định về chế độ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; nghiên cứu qui định việc chuyển cán bộ khối Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội ở phường là công chức như thực hiện với khối chính quyền khi thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 97/2019/QH14 để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong quản lý, điều động, luân chuyển cán bộ, động viên đội ngũ cán bộ yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu bổ sung qui định mỗi cán bộ công chức cấp xã được kiêm nhiệm tối đa không quá 2 chức danh để đảm bảo thời gian và chất lượng thực hiện nhiệm vụ; tăng mức phụ cấp kiêm nhiệm đối với cán bộ theo hướng kiêm nhiệm việc gì thì được hưởng chế độ phụ cấp kiêm nhiệm của công việc đó để động viên cán bộ cơ sở nỗ lực cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.