Để du lịch Tây Bắc "cất cánh" sau đại dịch

Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng

THU HÀ - MAI THƯ
Chia sẻ

(PNTĐ) - Sự đa dạng về văn hóa dân tộc, cùng với cảnh sắc thiên nhiên, khí hậu trong lành, nhiều địa chỉ lịch sử quốc gia nổi tiếng…. chính là những yếu tố để giúp Tây Bắc phát triển du lịch cộng đồng – một thế mạnh không phải vùng, hay tỉnh, thành nào cũng có được. Những năm qua, các tỉnh Tây Bắc đã quan tâm đầu tư vào phát triển loại hình du lịch cộng đồng, và, Sơn La là một điểm sáng trong phát triển loại hình du lịch này.

Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 1
Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 2

Chúng tôi đến với bản Hua Tạt - một bản nhỏ nằm tít trên núi cao thuộc xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La) vào ngày giữa tháng 10/2022. Theo lời giới thiệu của Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Sơn La Đinh Anh Đức, bản Hua Tạt là một trong những bản du lịch cộng đồng khá hiếm hoi còn giữ được những nét văn hóa truyền thống đặc biệt của đồng bào dân tộc Mông. Bản nhỏ hiện ra hấp dẫn du khách với mây núi bảng lảng, hấp dẫn bởi cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ hòa trong nét văn hóa đồng bào dân tộc Mông.

Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 3
Hua Tạt -  bản du lịch cộng đồng còn giữ được nét văn hóa truyền thống nằm trên núi cao thuộc xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La)

Đón chúng tôi cùng đoàn khách tay bắt mặt mừng, Tráng A Chu - ông chủ Homestay Tráng A Chu người dân tộc Mông ở Hua Tạt chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hua Tạt dành riêng cho người Mông, A Chu không chỉ muốn du khách được chiêm ngưỡng cảnh đẹp của Hua Tạt, được hòa mình với thiên nhiên hùng vĩ, yên bình, được thưởng thức những sản vật đặc trưng khi đến Hua Tạt mà du khách còn được trải nghiệm văn hóa đặc biệt của người Mông sinh sống tại đây.

A Chu nhận thấy, thay vì quanh năm vất vả lên nương, lên rẫy trồng trọt kiếm cái ăn, thì nay người Mông có thể dựa vào chính tiềm năng phát triển du lịch sinh thái của mình để vươn lên làm giàu. Từ suy nghĩ ấy, ngay sau khi ra trường, A Chu đã quyết tâm trở về quê hương tìm cách dựng nhà homestay bắt tay vào làm du lịch.

Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 4Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 5Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 6
Tráng A Chu - ông chủ Homestay Tráng A Chu người dân tộc Mông ở Hua Tạt

Dẫn chúng tôi đi thăm Hua Tạt, giữa cánh đồng đã thu hoạch vẫn còn thoang thoảng trong gió mùi hương lúa chín, A Chu kể chuyện làm du lịch của mình. Anh là người đầu tiên trong bản người Mông làm homestay đón khách du lịch, sau đó tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bà con cùng làm du lịch cộng đồng theo chủ trương của huyện. Nhớ lại cái thủa ban đầu, A Chu nói: Ngày ấy khi có chủ trương gắn xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Hua Tạt, bà con dân tộc trong bản bỡ ngỡ lắm. Người Mông ở bản vốn quen với việc làm nương rẫy, nuôi trâu bò chứ không ai có kiến thức về du lịch.

Khái niệm “du lịch cộng đồng” càng mơ hồ hơn bởi lợi ích từ việc đón khách thời gian đầu chưa nhìn thấy trong khi những đầu tư cho hệ thống dịch vụ homestay là bài toán kinh tế không dễ với A Chu và bà con dân tộc. Nhưng rồi cái khó ló dần cái khôn, A Chu vừa làm vừa học hỏi, điều chỉnh để phù hợp với điều kiện sống của mình. Với suy nghĩ muốn khách du lịch đến, trước hết nhà phải sạch, đồ dùng cần thay thế bằng những vật liệu tự nhiên như tre, lá sẵn có trong bản, đặc biệt là phải giữ bản sắc của mình thì khách mới quý mình, đến với mình, A Chu đã bước dần đến con đường thành công.

Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 7Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 8Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 9

Chuẩn bị bữa ăn từ những sản vật địa phương

Từ cách thiết kế, bố trí nội thất, công năng sử dụng cho đến dịch vụ thu hút du khách ghé chơi… đều do một mình A Chu tự nghĩ thiết kế. Nội thất trong các phòng A Chu đều làm từ vật liệu thiên nhiên gỗ, tre, nứa, các mảnh vải dệt thổ cẩm, mây tre đan do người Mông làm… Ấn tượng nhất chính là lò sưởi được sử dụng vừa gần gũi, vừa ấm áp. Anh bảo, những vị khách ban đầu thấy cảnh ở đây đẹp, đồ ăn ngon, rẻ, chủ nhà cởi mở, nhiệt tình, phục vụ khách chu đáo đã quay lại và giới thiệu cho bạn bè.

Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 10

Để thu hút khách du lịch, vợ chồng A Chu cũng không ngại biểu diễn văn nghệ phục vụ du khách, kết nối tổ chức để du khách tham gia trải nghiệm cuộc sống cũng như văn hóa của người Mông như: Làm giấy dó truyền thống, vẽ sáp ong lên vải, làm bánh dày... nên dần dần khách ghé chơi nhiều hơn. Bình quân mỗi tháng homestay của Tráng A Chu thu hút khoảng 180- 200 lượt khách tới thăm quan, nghỉ dưỡng, tham gia các hoạt động trải nghiệm cộng đồng. Riêng các ngày nghỉ lễ, khu homestay của anh luôn kín phòng. 

Với thành công bước đầu của mình, Tráng A Chu đã chia sẻ kinh nghiệm làm du lịch homestay với nhiều hộ gia đình trong bản để làm theo mô hình của mình, góp phần giúp bà con nâng cao đời sống.

Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 11
 

Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 12

Bản Hoa ở xã Tân Lập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La gần chục năm trở lại đây đã trở thành khu du lịch cộng đồng nổi tiếng và là mô hình điểm thành công trong việc xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng.

Anh hùng lao động người dân tộc Thái Hà Ngọc Quý - người mở màn làm homestay đón khách du lịch ở bản Hoa chia sẻ: Năm 2015, tôi về nghỉ hưu theo chế độ nhưng trong tâm vẫn canh cánh mong muốn sát cánh cùng bà con dân bản xây dựng cuộc sống ấm no hơn. Xã Tân Lập vốn là xã thuần nông vùng sâu, vùng xa, nhiều khó khăn của huyện Mộc Châu, trước đây hàng năm thường thiếu đói 3 - 4 tháng. Là người con của bản, tôi hiểu rằng, mình phải là người gương mẫu đi trước làm trước, bà con mới tin và làm theo.

- "Sau khi giúp bà con có giống ngô, lúa mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, tôi nhận thấy Tân Lập còn từng là vùng đất trồng chè lâu đời, có nhiều cây chè cổ thụ, nhưng chè sản xuất ra khó tiêu thụ nên nông dân chặt chè trồng cây khác. Vì vậy, tôi quyết tâm giữ và phát triển nghề làm chè của địa phương"- ông Quý kể.

Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 13Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 14Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 15

Tân Lập còn từng là vùng đất trồng chè lâu đời, có nhiều cây chè cổ thụ

Ông Quý đã tích cực vận động nhân dân trong xã khôi phục cây chè trên địa bàn. Ông quyết định vay vốn ngân hàng mua giống chè về phân phối cho bà con và tiên phong nhận trồng 1ha chè. Từ đó, nhân dân tin tưởng, yên tâm làm theo. Năm 2000 toàn xã trồng được 50ha chè shan tuyết chất lượng cao; năm 2003 thực hiện dự án tái định cư thuỷ điện Sơn La, được sự hỗ trợ của Nhà nước, xã trồng thêm 190ha, đưa tổng diện tích chè toàn xã lên 240ha.

Năm 2004, khi diện tích chè khôi phục và trồng mới đã cho thu hoạch nhưng không có đơn vị bao tiêu sản phẩm, lo lắng dân mất lòng tin với cây chè, một lần nữa ông Quý đứng ra thành lập HTX sản xuất kinh doanh chè, tổ chức thu mua chế biến. Năm 2008, HTX thực hiện giải pháp liên doanh với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, Công ty chè Tân Lập được thành lập, chuyên sản xuất chè chất lượng cao, xuất khẩu trực tiếp sang nước ngoài.

Đến nay, xã có 2 nhà máy chè, công suất 700 tấn/năm; xuất khẩu sang thị trường Đài Loan khoảng 200 tấn chè khô/năm, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động, đồng thời là một điểm dừng chân tham quan, trải nghiệm của du khách khi về với bản Hoa, về với Tân Lập.

Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 16
Hiện nay, Tân Lập có 2 nhà máy chè, công suất 700 tấn/năm; xuất khẩu sang thị trường Đài Loan khoảng 200 tấn chè khô/năm

- “Tôi quan điểm “ly nông nhưng không ly hương” và việc trước đây tôi giúp bà con khôi phục trồng chè chất lượng, thành lập nhà máy sản xuất chè giờ đây đã giúp lại tôi trong việc làm du lịch cộng đồng” - ông Quý chia sẻ.

Quang cảnh yên bình với những luống chè xanh mướt nằm xen kẽ bên khu vườn hơn 3ha trồng các loại cây cam, quýt, nhãn... và ao cá trên 1.000m2 đã đón hàng trăm đoàn khách du lịch về thăm, nghỉ dưỡng mỗi năm. Từ thành công đó, ông Quý vận động bà con trong bản cùng làm theo mình, bỏ công, góp của cùng Nhà nước làm đường nông thôn mới, hàng ngày quét dọn vệ sinh đường trong bản, trồng thêm hoa và cây xanh.

Đến nay, bản Dọi, Hoa ở Tân Lập có khoảng 20 hộ cùng làm homstay như ông Quý, cả bản cũng có hàng chục km đường được đổ bê tông cho khách dễ dàng đi tham quan cảnh đẹp, kết hợp trải nghiệm tại HTX sản xuất chè chất lượng cao, tạo thêm hứng thú và sức hút đối với du khách về với bản.

 
Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 17Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 18Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 19

Quang cảnh yên bình với những luống chè xanh mướt nằm xen kẽ bên khu vườn trồng các loại cây ăn trái

Là một khách du lịch rất nhiều lần đến với các bản cộng đồng ở các tỉnh Tây Bắc, anh Vương Văn Hùng, huyện Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ: Tôi rất ấn tượng cách người dân làm du lịch cộng đồng nơi đây, rất chuyên nghiệp, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp 19-5 (Sơn La) cho biết: Du lịch cộng đồng cần gắn với yếu tố phát triển nông nghiệp khép kín và xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát triển nông nghiệp theo hướng khép kín cần ứng dụng khoa học công nghệ để tăng sản lượng. Bên cạnh đó, công nghệ cũng giải quyết cái khó cho người nông dân trong khâu chế biến nông sản, góp phần nâng cao giá trị nông sản, tránh tình trạng nông sản bị mất giá. Được đến và được trải nghiệm hoạt động sản xuất - thưởng thức - mua bán sản phẩm nông nghiệp của địa phương cũng là một thú vui và tạo ấn tượng sâu sắc với du khách.

Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 20

Tại sự kiện du lịch “Sắc màu Sơn La - Tây Bắc” lần thứ 2 năm 2022, bà Tráng Thị Xuân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La cho biết: Với vị trí địa lý tương đối thuận lợi, cùng nhiều tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên tự nhiên, nhân văn để phát triển nhiều loại hình du lịch phong phú, đa dạng, Sơn La được biết đến với nhiều khu, điểm du lịch hấp dẫn. Nhận thấy du lịch cộng đồng là xu thế đang phát triển mạnh khi nhu cầu trải nghiệm văn hóa của du khách ngày càng tăng, tỉnh Sơn La chú trọng và tập trung phát triển du lịch cộng đồng, gắn với xây dựng nông thôn mới, theo đó đã huy động, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ phát triển du lịch và đầu tư các công trình hạ tầng.

Theo bà Xuân, các huyện, thành phố đã chủ động bố trí vốn đầu tư và kêu gọi xã hội hóa đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường quốc lộ, tỉnh lộ và đường huyện; đường giao thông nông thôn, các tuyến đường bản, tiểu khu từng bước được bê tông hóa. Bố trí ngân sách địa phương sửa chữa, cải tạo đường giao thông kết nối với các khu, điểm du lịch, bản du lịch. Đồng thời, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực và sự đóng góp của người dân đầu tư các hệ thống điện chiếu sáng, trồng hoa hai bên các tuyến; hỗ trợ hệ thống thu gom, xử lý rác thải... để bản làng sáng, xanh, sạch, đẹp hơn.

“Với những việc làm hiệu quả cùng cơ chế, chính sách phát triển du lịch phù hợp, có tính đột phá để thu hút các nhà đầu tư và nhân dân đồng hành cùng Nhà nước phát triển du lịch nhanh, bền vững, vừa tạo ra sản phẩm tiêu biểu, vừa gìn giữ được giá trị văn hóa truyền thống, Sơn La đã và đang dần trở thành điểm sáng của du lịch cộng đồng trong vùng Tây Bắc - bà Tráng Thị Xuân nói.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sơn La Tráng Thị Xuân: Để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng, Sơn La chú trọng giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thông qua các hoạt động thiết thực như: Thành ủy Sơn La đã ban hành Đề án về giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc Thành phố, mang đậm bản sắc văn hóa các dân tộc tiểu vùng Tây Bắc, giai đoạn 2020 - 2025; Huyện ủy Vân Hồ đã chỉ đạo đẩy mạnh công tác giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của mỗi người dân, cộng đồng, nhất là cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng của văn hóa dân tộc. Các địa phương trong huyện duy trì tổ chức các ngày hội, trò chơi dân gian vào các dịp lễ, tết phù hợp với đặc thù địa phương; khôi phục các nghề thủ công truyền thống như: rèn, đan lát mây, tre; thêu, dệt trang phục dân tộc...

Bài 2: Phát huy thế mạnh du lịch cộng đồng - ảnh 21

Không chỉ là vùng có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống với những nét văn hóa đa dạng và đặc sắc, Tây Bắc còn là vùng có nhiều di tích cách mạng, những chiến trường xưa. Tất cả tạo cho Tây Bắc có sức cuốn hút lớn đối với khách du lịch. Đây chính là thế mạnh để các tỉnh Tây Bắc đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xóa đói giảm nghèo. Từ đó có những đóng góp vào sự tăng trưởng, phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Đồng thời tạo nên nhiều công ăn việc làm, thu nhập cho người dân bản địa.

Những điểm du lịch cộng đồng nổi tiếng đã tạo nên thương hiệu, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch ở Tây Bắc như: Sapa, Bản Dền (Lào Cai), Mai Châu (Hòa Bình), Mộc Châu (Sơn La), Bản Tua Hạt (Sơn La)…

 

                                              Bài 3: Liên kết vùng để phát triển bền vững

Tin cùng chuyên mục

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

Phòng chống nạn tảo hôn: Đẩy mạnh truyền thông từ chính “người trong cuộc”

(PNTĐ) - Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) là huyện có đông đồng bào dân tộc cùng sinh sống. Trong những năm qua, dù vẫn còn tình trạng tảo hôn nhưng tỷ lệ đã giảm rất nhiều so với trước đây. Có được kết quả, tín hiệu đáng mừng ấy là nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, người dân; đặc biệt là sự góp sức, tham gia truyền thông, vận động từ chính người trong cuộc – những “nạn nhân” của việc tảo hôn.
Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

Những người trẻ truyền lửa khát vọng cống hiến

(PNTĐ) - Không chỉ là những người trẻ tài năng, xuất sắc trong các lĩnh vực, họ còn là những hạt nhân tiên phong hành động, truyền lửa khát vọng cống hiến, phụng sự đất nước, cộng đồng. Họ là những gương mặt tiêu biểu được đề cử giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.