Hà Nội: Đẩy mạnh xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản văn hóa
(PNTĐ) - Sở Du lịch TP Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch Phát triển ngành Du lịch Thủ đô năm 2025. Theo đó, trong năm 2025, Hà Nội phấn đấu thu hút trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với ước tính thực hiện năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với ước thực hiện năm 2024. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt trên 64%.
Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024), hàng trăm hành khách trong trang phục áo dài truyền thống đã trải nghiệm chuyến City bus “Tinh hoa áo dài” 2024 ngắm nhìn Thủ đô Hà Nội nhằm lan toả tinh hoa, vẻ đẹp áo dài truyền thống.
Nhiều du khách mong muốn lan toả vẻ đẹp áo dài
Chương trình City Bus “Tinh hoa áo dài” diễn ra từ ngày 4-10/10/2024. Sáng ngày 4/10/2024, khoảng 700 du khách đã được trải nghiệm hành trình city bus “Tinh hoa áo dài” đi qua các địa điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội với trang phục áo dài. Ngày 10/10/2024 sẽ có 1.010 hành khách tham gia tuyến city bus.
Hoạt động do Sở Du lịch Hà Nội và Hanoi City Tour phối hợp tổ chức hưởng ứng Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024.
Từ sáng sớm, hàng trăm chị em phụ nữ Thủ đô Hà Nội đã có mặt ở trước Nhà hát lớn để tham gia chuyến xe buýt 2 tầng City Bus “Tinh hoa áo dài” miễn phí. Mỗi người đều hào hứng mặc trang phục áo dài truyền thống rực rỡ màu sắc màu với niềm tự hào về nét đẹp văn hóa của người Việt, là biểu tượng của vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam.
Chị Lê Thị Hải Linh (phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội) - một trong những hành khách trải nghiệm chuyến xe đầu tiên trong hành trình city bus “Tinh hoa áo dài” chia sẻ, chuyến đi này rất thú vị, hành khách được thoả sức ngắm nhìn thủ đô Hà Nội trong tiết trời Thu mát mẻ, trong lành.
Không chỉ có chị em phụ nữ, nhiều nam giới cũng hào hứng mặc áo dài truyền thống tham gia chuyến xe City bus “Tinh hoa áo dài”.
Anh Trần Quang Hướng (Câu lạc bộ Đình làng Việt) chia sẻ, hôm nay các thành viên của CLB đều hào hứng mặc chiếc áo dài ngũ thân đến trải nghiệm xe bus 2 tầng nhằm lan toả vẻ đẹp của áo dài truyền thống. Áo dài ngũ thân cả nam và nữ đều mặc được, có nét độc đáo riêng, đặc biệt là đặc trưng trong các lễ hội Việt. Ngày nay, tôi thấy nhiều có anh em nam giới mặc áo dài ngũ thân không chỉ thoải mái mà còn rất đẹp. Là một trong những người trẻ yêu áo dài, tôi cảm thấy tự hào khi được hoà mình vào dòng chảy lan toả tinh hoa, văn hoá Việt Nam".
Từ “Tinh hoa áo dài” đến hướng tới những mục tiêu xa
Được biết, sau khi 16 tour đêm đặc sắc Hà Nội được giới thiệu, ngành du lịch Thủ đô đã lên phương án mở rộng thêm tour đêm ngoại thành Hà Nội, đề xuất 2 sản phẩm du lịch đêm ngoại thành Hà Nội là mô hình hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, mua sắm, giải trí đêm, giới thiệu văn hóa ẩm thực, dịch vụ ăn uống về đêm tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và mô hình văn hóa ẩm thực Vân Đình - Làng nghề sản xuất hương xã Quảng Phú Cầu tại Trung tâm Thương mại thị trấn Vân Đình (huyện Mỹ Đức) và xã Quảng Phú Cầu (huyện Ứng Hòa).
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội Bùi Duy Quang, UBND thành phố Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2023-2025. Trong đó, việc phát triển du lịch gắn với văn hóa lịch sử đặc biệt được lãnh đạo thành phố Hà Nội coi trọng.
Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho hay, Hà Nội luôn chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch trải nghiệm gắn với các giá trị di sản văn hóa - di tích. Thành phố cũng tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch đường sông kết nối các điểm đến du lịch dọc khu vực sông Hồng, sông Đuống, hoàn thiện tuyến du lịch Chương Dương Độ - Bát Tràng - Đền thờ Chử Đổng Tử, tiến tới mở rộng tuyến du lịch từ bến Chương Dương Độ đi khu vực Sơn Tây, Ba Vì... Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội cũng phối hợp triển khai các mô hình du lịch văn hóa, làng nghề mới như nghiên cứu, phát triển làng du lịch tại huyện Sóc Sơn; trung tâm thiết kế sáng tạo làng nghề kết hợp với hoạt động du lịch tại huyện Phú Xuyên…
Trên nền tảng những kết quả đã đạt được, Sở Du lịch TP Hà Nội đã xây dựng Kế hoạch Phát triển ngành Du lịch Thủ đô năm 2025. Theo đó, trong năm 2025, Hà Nội phấn đấu thu hút trên 30 triệu lượt khách, tăng 11,1% so với ước tính thực hiện năm 2024. Tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130 nghìn tỷ đồng, tăng 26,1% so với ước thực hiện năm 2024. Công suất sử dụng phòng trung bình của cơ sở lưu trú, khách sạn đạt trên 64%.
Để đạt được mục tiêu trên, Sở Du lịch thành phố Hà Nội sẽ đẩy mạnh hiệu quả công tác quản lý nhà nước. Triển khai, thực hiện có hiệu quả, chất lượng theo Luật Du lịch và các văn bản hướng dẫn trên địa bàn thành phố. Tham mưu, đề xuất các giải pháp và hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu quy hoạch phát triển du lịch Thủ đô. Đồng thời phát triển nguồn nhân lực du lịch đủ số lượng và đảm bảo chất lượng. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng cho cộng đồng dân cư những kỹ năng làm du lịch, nâng cao ý thức trách nhiệm phát triển du lịch theo hướng bền vững. Sở Du lịch cũng tiếp tục nghiên cứu xây dựng các tour, sản phẩm du lịch văn hóa trải nghiệm; tổ chức một số chương trình, nội dung, hình thức nhằm tiếp tục đẩy mạnh, phát triển các sản phẩm du lịch là thế mạnh của Hà Nội